Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

MÁY TÍNH BẢNG TẠO KẺ MÙ MỜ

Vận dụng thái quá các ứng dụng thiết bị điện tử lên học sinh, nhất là trẻ tiểu học, chỉ khiến học sinh trở thành con người thụ động, chây lười.
Chúng tôi có dịp đi đến một số quốc gia phát triển như Đức, Nhật, Thái Lan… tìm hiểu cách học tập của học sinh sinh viên (HSSV). Trong các buổi tiếp xúc, điều ấn tượng nhất từ HSSV quốc tế không phải là khả năng về toán học, vật lý hay hóa học (vốn SV Việt rất cừ) mà là khả năng tiếp cận vấn đề rất nhanh và thực tế đến bất ngờ.
Giáo dục phải đi từ thực tế
Ông Ottmar Hartwig, sáng lập viên lớp học di động Lumbricus tại Đức, chia sẻ: “Khi dạy học, nhất là dạy cho trẻ em tiểu học, cấp hai, giáo viên phải chú ý đến khả năng tiếp thu của người học. Tôi rất thích một câu ngạn ngữ Trung Quốc, đó cũng là phương châm dạy học của tôi trên chiếc xe Lumbricus: “Nếu bạn chỉ kể cho tôi nghe, tôi sẽ quên. Còn khi bạn chỉ tôi thấy, tôi sẽ nhớ. Nhưng bạn hãy cho phép tôi tham gia vào cùng làm chung, tôi mới có thể hiểu được””.
Tại lớp học về môi trường - sinh vật, cứ một đến hai tuần, các em HS được đến những nơi khác nhau để học về sinh học, sinh vật và các vấn đề môi trường đặc trưng. Ví dụ, nếu học về giun đất, các em sẽ đến những vùng ẩm ướt, được tận tay sờ lớp đất xốp, nhìn thấy và chạm vào con giun để rút ra những nhận xét cá nhân. Giáo viên là người định hướng, điều chỉnh hợp lý kiến thức chuẩn cho các em nhận diện và so sánh.
Thế giới chưa ghi nhận thành công thuyết phục nào từ việc cho trẻ học qua máy tính bảng. Ảnh: Đ.THẮNG

Công nghệ chỉ là phương tiện 
Điều đáng nói, các em HS tiểu học trên chiếc xe Lumbricus không được trang bị bất kỳ một phương tiện điện tử nào, vì bốn lý do: Tốn kém không cần thiết; ảnh hưởng sức khỏe; các em chưa có khả năng tự học và nghiên cứu nên sẽ khó sử dụng và khai thác tính năng của thiết bị, ngược lại còn gây kém tập trung trong giờ học; các thiết bị điện tử không hẳn tốt với môi trường xung quanh - đối tượng mà các em đang học cách bảo vệ.
Thiết bị hiện đại trên lớp học Lumbricus được tập trung làm phương tiện cho giáo viên tương tác với HS, gồm máy chiếu, máy tính xách tay, kính hiển vi, máy quay siêu nhỏ, máy ảnh… Ví dụ, nếu học về các sinh vật bò sát, các em không phải dùng máy tính bảng để tra cứu trên Google mà được đến tận nơi quan sát và mổ xẻ vật mẫu thật, được đặt câu hỏi thắc mắc trực tiếp với giáo viên. Thầy cô chỉ dùng các thiết bị hiện đại nhằm phóng to, thu nhỏ, trình chiếu… để các em quan sát những chi tiết vi mô như tế bào, đặc điểm bề mặt lớp bò sát… Từ đó các em có thể trả lời được các câu hỏi “tại sao” liên quan đến đối tượng học tập.
Chưa có trường hợp nào thành công
Việc cấp cho các em HS tiểu học thiết bị điện tử công nghệ cao trong một lớp học không có nhiều hiệu quả. Ngoài ra, hậu quả lâu dài sẽ sản sinh ra những thế hệ mù mờ về thực tế.
Nhiều ý kiến xuất phát từ một số quốc gia kém phát triển và đang phát triển cho rằng chạy đua công nghệ vào giáo dục, cụ thể là đầu tư thiết bị hiện đại cho trẻ em như máy tính bảng, iPad hay máy tính xách tay sẽ tạo ra những bước đột phá trong giáo dục. Ví dụ một số nước như Thái Lan, Singapore… đã sớm ứng dụng lớp học điện tử, trong đó có sách điện tử. Tuy nhiên, đến nay thế giới chưa ghi nhận trường hợp thành công thuyết phục nào.
Chính quyền cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đề xuất và thực hiện dự án “mỗi trẻ một máy tính bảng”. Dự án cho rằng máy tính bảng sẽ giúp các em truy cập Internet, chơi các trò chơi tương tác mang tính giáo dục, nâng cao khả năng viết và nghệ thuật trong thời đại kỹ thuật số. Tuy nhiên, suy cho cùng những gì hiển hiện trên Internet vẫn là ảo. Các em sẽ có thể nhìn thấy những gì mình được học nhưng việc được sờ tận tay và tiến hành các thí nghiệm thực tế thì không thể.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng máy tính bảng hay thiết bị tương tự cho HS sẽ cung cấp cho các em một quyển “bách khoa toàn thư”. Một cái click chuột sẽ cho các em đáp án của mọi câu hỏi - điều sẽ tạo cho các em tâm lý “mì ăn liền”, thiếu kiên nhẫn, thiếu khả năng phản xạ về tư duy.
ĐẠI THẮNG
Tờ New York Times đăng bài về hệ thống Trường Waldoff của Mỹ. Bài viết cho biết tại thung lũng Silicon, chính lập trình viên sẵn sàng bỏ ra trăm ngàn đôla Mỹ một năm để con em họ được học trong hệ thống trường này. Đây là hệ thống giáo dục cách ly với công nghệ, dạy và học chỉ bằng bảng đen, phấn trắng và hoạt động ngoại khóa sáng tạo.
Trường cho rằng máy tính làm hạn chế tính sáng tạo, giảm hoạt động, khả năng giao tiếp giữa người với người và mức độ tập trung của trẻ em. Các sản phẩm công nghệ vẫn được khuyến khích như những công cụ bổ trợ cho việc học của riêng mỗi HS chứ không phải là phần bắt buộc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét