Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

OPAMPS - THÚ CHƠI VÀ THUỐC BỔ CHO THIẾT BỊ ÂM THANH

Chào các bác.

Lâu nay chúng ta vẫn nghe nói nhiều về opamps, về việc thay đổi opamps trong các thiết bị audio như đầu CD, Pre-Amply, Amply, DAC ..v.v. Mà những vấn đề này hầu như trên các diễn đàn âm thanh của Việt Nam không được đề cấp tới nhiều mặc dù nó cũng khá đơn giản và RẤT thú vị. Nên mình xin phép mở topic này để mọi người cùng thảo luận về opamps, về việc chơi opamps .v.v.
Đây cũng là những kiến thức do chính mình góp nhặt và tìm hiểu, cũng có thể chưa hoàn toàn chính xác, nên rất mong sự đóng góp thêm của các bậc cao thủ, để mọi người có thể cùng học hỏi thêm.

Đầu tiên, trước khi nói về opamps, mình xin nói sơ về nguyên tắc hoạt động của 1 thiết bị âm thanh trước, như vậy sẽ làm chúng ta dễ hiểu hơn opamps để làm gì .

+ Cách hoạt động của 1 thiết bị xuất âm thanh
Thiết bị âm thanh ví dụ như đầu CD, đầu HD, DAC, Amply, PreAmply,v..v.. luôn hoạt động theo nguyên lý nhận 1 tín hiệu âm thanh đầu vào rất nhỏ, sau đó xử lý và khuyếch đại tín hiệu âm thanh đó. Ví dụ đầu CD, đầu HD, DAC, nó sẽ xử lý thông tin trên đĩa CD , file nhạc, file phim, đĩa bluray , chuyển đổi thành tín hiệu âm thanh với công suất rất rất nhỏ, rồi khuyếch đại tín hiệu đó lên và xuất ra ngoài để amply xử lý tiếp. PreAmp thì nhận tín hiệu đã khuyếc đại, sau đó xử lý, lọc, can thiệp vào âm thanh để âm thanh hay hơn, rồi lại khuyếch đại thêm lần nữa và xuất ra để amply xử lý. Amply thì cũng lại lặp lại vấn đề này lần nữa, nó có thêm 1 mạch nhận và xử lý và khuyếch đại tín hiệu ( mạch pre ) , sau đó mới dùng mạch khuýech đại công suất cao , khuyếch đại tín hiệu âm thanh đủ mạnh để loa phát âm được.
Nghe có vẻ hơi lằng nhằng nhưng nói tóm gọn là bên trong tất cả các thiết bị âm thanh, luôn có 1 mạch nhỏ khuyếch đại tín hiệu âm thanh công suất thấp . Và đó là opamps.

Qua đó chắc các bạn hiểu được sự quan trọng của opamps trong thiết bị âm thanh chứ ? Tín hiệu âm thanh ở đầu vào trong các thiết bị âm thanh luôn được khuyếch đại lên thông qua opamps, opamps được hiểu là 1 con linh kiện, 1 con chip có nhiệm vụ như 1 cái power amply thu nhỏ và công suất thấp. Bạn thay 1 cái amply 10triệu thành 100triệu thì âm thanh thay đổi, ở đây bạn thay 1 con opamps 1usd thành 5usd thì âm thanh cũng thay đổi. Và đó là lý do tại sao tại các diễn đàn về âm thanh trên thế giới thì chủ đề về thay đổi opamps luôn được bàn tán rất xôm tụ và nhiều người tham gia. Bạn thử hình dung, âm thanh của đầu CD, amply, DAC của bạn đang nghe hơi chói, bạn chỉ việc mở nắp ra, tìm đến con opamps bên trong máy và nhẹ nhàng rút nó ra, thay con khác vào, thế là thiết bị của bạn thay đổi chất âm thành khác luôn. :)) Nghe rất thú vị và đơn giản.

Đây là hình 2 con opamps (được khoanh đỏ) bên trong 1 đầu CD, có nhiệm vụ khuyếch đại tín hiệu âm thanh trước khi xuất ra cổng RCA :
[​IMG]
Như các bạn thấy, nó có dạng socket, chỉ cần rút ra và cắm con khác vào. Tuy nhiên cũng có nhiều thiết bị họ hàn chết luôn opamps vào bảng mạch, trong trường hợp này bạn phải dùng mỏ hàn gỡ con opamps đó ra và thay vào đó 1 cái socket, để tiện việc rút ra tháo vào nếu bạn là người ...nghiện thay opamps :))

+Các loại opamps

Opamps có 2 loại, loại Đơn lõi và loại Hai lõi ( Single và Dual ) . hiểu 1 cách hết sức đơn giản thì nó giống như amply 2 kênh và amply 1 kênh :) Nên khi thay opamps các bạn phải google sơ qua xem con opamps trong máy mình là loại Single hay Dual để thay cho đúng vào .

Ngoài ra opamps còn phân ra 2 dạng nữa :

-Opamps nguyên thủy , tức là 1 con chip nhỏ nhỏ như hình trên, được sản xuất ra từ nhà máy.

-Opamps ĐỘ (discrete opamp), được các hãng thiết kế opamps họ thiết kế riêng ra, có cùng nguyên tắc hoạt động với opamps nguyên thủy nhưng lại phúc tạp hơn rất nhiều, nó thực ra là 1 bảng mạch bao gồm rất nhiều linh kiện trên đó như tụ điện, transitor, điện trở . Có thể nói đây là 1 amply thu nhỏ hoàn chỉnh, trên đó có đủ linh kiện và đủ chức năng.

[​IMG]

Thường thì opamps nguyên thủy được dùng trong các loại thiết bị audio sản xuất sẵn, loại thiết bị rẻ tiền thì được gắn opamps rẻ tiền, loại thiết bị đắt tiền thì được gắn opamps đắt tiền. Còn opamps dạng discrete thì được người dùng mua về tự thay. Để đánh giá opamps dạng nào hay hơn dạng nào là không thể, nó tùy thuộc rất nhiều vào gu người nghe và độ phù hợp với từng thiết bị nữa, có người cắm opamps loại 5usd vào nghe thấy rất hay, có người cắm loại 100usd vào thì lại chê rất dở. Vậy ngoại trừ 1 số opamps vốn hay được khen như Muses , BursonAudio, Sparkos Labs thì thường cắm vào sẽ "có khả năng" hay, còn đa số nếu các bạn muốn thử nghiệm opamps thì chỉ có 1 cách duy nhất đó là xem ai đã từng dùng loại opamps nào cho thiết bị nào và đánh giá của họ ra sao khi thay opamps, sau đó mua theo, hoặc đơn giản là mua vài cặp về thay , thích cặp nào thì dùng cặp đó.

Thực ra nếu bạn là người thích khám phá âm thanh thì mua vài cặp opamps về dự trữ cũng là tốt, vì 1 cặp opamps có thể nghe không hay với thiết bị này, nhưng đem sang thiết bị khác lại hay hơn, phù hợp hơn chẳng hạn. Ngoài ra nghe chán 1 loại bạn cũng có thể rút ra thay opamps khác vào coi như là thay đổi không khí :)) . Mua rồi coi như là để dành đó, cũng kô mất đi nên cũng chẳng ngại lắm. Ví dụ như mình, mình cũng có tầm 7-8 cặp opamps đủ loại, lâu lâu đem ra thay ra thay vào cũng vui vui :)

Đây là vài cặp opamps mình thấy khá hay và giữ lại của mình : Ticha 994, BursonAudio V5, V5i , Muses01, Opa1612 . Nhìn lèo tèo thế nhưng tổng giá trị cũng lên tới 550usd đấy :((
[​IMG]

Đây là DAC của mình sau khi thay 4 con opamps thành Ticha 994 và BursonAudio V5i

[​IMG]
 

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

CỔNG HDMI (ARC) TRÊN TIVI DÙNG ĐỂ LÀM GÌ?

HDMI hiện nay là chuẩn kết nối phổ biến, chất lượng nhất hiện nay khi kết nối giữa các thiết bị laptop, điện thoại sang tivi hay máy phát. Trên hầu hết các dòng tivi hiện nay đều có sẵn cổng HDMI thuận tiện cho việc chuyển đổi dữ liệu. Tuy nhiên, một số tivi có thêm ký hiệu ARC tại cổng kết nối HDMI. Vậy, ARC có ý nghĩa gì và dùng với những trường hợp nào?

1. Cổng HDMI - ARC là gì?

Đối với một chiếc tivi có cổng HDMI thông thường (không có thêm ký hiệu ARC) thì cổng này là cổng IN,tức là cổng NHẬN tín hiệu hình ảnh, âm thanh từ các thiết bị khác (đầu đĩa, laptop, dàn máy...). Điều này cũng có nghĩa, cổng HDMI này chỉ nhận chứ không xuất âm thanh ra loa, dàn máy... được, nếu muốn xuất bạn phải dùng một kết nối khác (Optical, Audio Out...).
Tuy nhiên, nếu tivi nhà bạn có cổng HDMI (ARC) thì mọi việc lại đơn giản hơn nhiều, vì cổng này có thể xuất ngược âm thanh ra loa, âm ly, dàn máy... bằng kết nối cáp HDMI.
HDMI (ARC)
Nếu bạn kết nối tivi có HDMI (ARC) với một dàn âm thanh, bạn vừa có thể nhận tín hiệu hình ảnh từ đầu đĩa chiếu lên tivi, lại vừa có thể xuất âm thanh xuống các loa chỉ với một sợi cáp kết nối.

2. Kết nối tivi với loa qua cổng HDMI - ARC:

Với những gia đình có nhu cầu thường xuyên kết nối tivi với loa, âm ly và dàn âm thanh để có thể thưởng thức âm thanh sống động hơn thì cổng HDMI - ARC sẽ đảm nhận công việc đó.
Tuy nhiên, để có thể kết nối thì các thiết bị cần phải có những điều kiện sau:
  • Tivi có cổng HDMI (ARC).
  • Trên dàn máy, âm ly, loa có cổng HDMI OUT có hỗ trợ ARC (không phải cổng HDMI OUT nào cũng có ARC, bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua hoặc xem hướng dẫn sử dụng của thiết bị có đề cập đến chuẩn kết nối này không).
  • Sợi cáp HDMI.
HDMI (ARC)
Để có thể kết nối cổng trên tivi với các thiết bị âm thanh, bạn thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
Một đầu dây HDMI cắm vào cổng HDMI (ARC) trên tivi, đầu còn lại cắm vào cổng HDMI OUT (có ARC) trên thiết bị âm thanh. Trên tivi, nhấn nút INPUT, SOUNCE hoặc nút có biểu tượng hình mũi tên... để chọn đầu vào dữ liệu của tivi là cổng HDMI mà bạn đã cắm.
Cổng HDMI (ARC)
Lưu ý:
  • Để đảm bảo chắc chắn, trước khi mua dàn máy, âm ly, loa... bạn nên kiểm tra kỹ sản phẩm này có chắc chắn hỗ trợ ARC hay không.
  • Nếu đã làm đúng các bước mà bạn vẫn không nghe được âm thanh phát ra, có thể do sợi cáp HDMI của bạn đã quá cũ hoặc chất lượng kém, bạn có thể mua một sợi cáp HDMI mới.

 Tham khảo thêm các bài sau đây:

Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn!
Cập nhật: 30/08/2016Nguyễn Trang (Tham khảo dienmayxanh) 

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

XẾP HẠNG IPHONE: TỪ MẪU "ĂN HẠI" NHẤT ĐẾN MẪU "ĐÁNG TIỀN" NHẤT

Trước thềm ra mắt iPhone 7, cùng “chấm điểm” 11 mẫu iPhone ra mắt từ năm 2007 đến nay.
Theo thang điểm từ tệ nhất đến tốt nhất, trang Telegraph của Anh xếp hạng như sau:
11. iPhone 3GS (2009)

Mẫu iPhone thứ ba bị chỉ trích vì quá giống với iPhone 3G và camera không có flash. Thay đổi lớn nhất là khả năng ghi âm và giới thiệu tính năng cắt dán, chủ yếu đều từ phần mềm.
10. iPhone 5c (2013)

Nỗ lực tấn công phân khúc bình dân của Apple là iPhone 5c năm 2013. Về cơ bản, nó là chiếc iPhone 5s trong vỏ nhựa với RAM 1GB, camera sau 8MP nhưng không có máy quét vân tay Touch ID. Lớp vỏ bằng nhựa màu mè của smartphone không khiến tất cả hài lòng và Apple chưa ra thêm “hậu duệ” của 5c.
9. iPhone 5 (2012)

iPhone 5 dài hơn, mỏng hơn và nhẹ hơn một chút so với người tiền nhiệm, trang bị vỏ nhôm. Thiết bị có màn hình đẹp hơn nhiều so với iPhone 4s, camera selfie chụp đẹp hơn và tăng gấp đôi RAM nhưng lại thiếu nhiều tính năng mới so với các đối thủ Android cùng thời như NFC, sạc không dây.
8. iPhone 4s (2011)

iPhone 4s giới thiệu Siri và camera tốt hơn nhiều: nếu iPhone 4 chỉ có camera 5MP, 4s được nâng cấp lên 8MP. Đây là iPhone đầu tiên có bộ nhớ 64GB.
7. iPhone SE (2016)

Đối với SE, Apple lấy một số tính năng tốt nhất từ iPhone 6s và “nhét” chúng vào thiết bị 4 inch giá rẻ hơn, ngoại  hình giống hệt như iPhone 5s. Thiết bị có cả chip NFC, camera 12MP, chip A9 và có màu vàng hồng.
6. iPhone 6s/ 6s Plus (2015)

Thế hệ iPhone cỡ lớn thứ hai, 6s và 6s Plus, có camera 12MP và camera selfie 5MP so với 8MP/5MP của iPhone 6 và 6 Plus. Nó còn có tính năng 3D Touch và chip nhanh hơn.
5. iPhone 5s (2013)

iPhone 5s là mẫu iPhone đầu tiên trang bị cảm biến vân tay Touch ID và trang bị hệ điều hành iOS 7, mang giao diện hiện đại và khác nhất từ trước cho tới thời điểm 2013.
4. iPhone thế hệ đầu (2007)

iPhone thế hệ đầu được giới thiệu năm 2007 và “đi trước 5 năm so với bất kỳ điện thoại di động nào khác”, theo Steve Jobs. Khi ấy, nó còn giới hạn về tính năng như không thể kết nối Internet nếu không có Wi-Fi nhưng đánh dấu lần đầu tiên mọi người có thể lên mạng trên điện thoại dễ như gửi tin nhắn. Đây cũng là một trong những smartphone đẹp nhất, nhanh nhất thời đó.
3. iPhone 3G (2008)

iPhone thế hệ hai được giới thiệu cùng với App Store và ứng dụng của bên thứ ba. Nó được xem là khoảnh khắc khởi nguồn vì mở ra con đường chúng ta sử dụng di động ngày nay. iPhone 3G giống hệt iPhone đầu tiên nhưng đã được nâng cấp phần mềm và có giá đắt hơn.
2. iPhone 6/ 6 Plus (2014)

iPhone 6 và 6 Plus là hai chiếc iPhone “ngoại cỡ” đầu tiên của Apple, cũng là bước nhảy vọt về thiết kế so với iPhone 5s. Với màn hình lớn hơn và các cạnh cong tinh tế, nó được xem là mẫu iPhone đẹp nhất Apple từng chế tạo.
1. iPhone 4 (2010)

iPhone 4 vẫn là thiết bị ngoạn mục nhất của Apple tới nay. Nó là thiết bị đầu tiên trang bị màn hình Retina và có hình dáng hoàn toàn mới với vỏ máy bằng kính hoàn toàn. Thiết kế của nó được ưa chuộng tới mức có tin đồn Apple sẽ quay lại thiết kế này vào năm 2017 nhân kỷ niệm 10 năm iPhone ra đời. Dù có mức giá chát chúa, iPhone 4 vẫn có doanh số cao gấp đôi trong cuối tuần đầu mở bán so với 3 chiếc iPhone thế hệ trước.
Du Lam (Theo Telegraph)

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

CHI TIẾT VẤN ĐỀ BẢO MẬT ĐƯỢC VÁ TRONG IOS 9.3.5: KHÔNG CHỈ 1 MÀ ĐẾN 3 LỖ HỔNG, RẤT NGUY HIỂM

Apple vừa phát hành iOS 9.3.5 để vá không chỉ 1 mà tới 3 lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ điều hành của mình. Các lỗ hổng này phức tạp và nguy hiểm đến mức có thể dùng để jailbreak điện thoại từ xa với chỉ 1 lần click của người dùng vào đường link lừa đảo. Vụ việc này cho thấy rằng hacker đang ngày càng đánh mạnh hơn vào các thiết bị di động, cũng như những mối nguy hiểm về bảo mật trên mobile đang được quan tâm nhiều hơn.

Mobile - mảnh đất màu mỡ mới của tin tặc

Ivan Krstic, trưởng bộ phận kĩ thuật bảo mật và kiến trúc của Apple, nói với người tham dự tại hội nghị Black Hat hồi đầu thàng này rằng công ty ông nay đã sẵn sàng đón nhận ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu bên ngoài kèm theo phần thưởng lên đến 50.000$ cho họ. Apple làm việc này là do quá trình khám phá ra các lỗ hổng zero-day - là những vấn đề bảo mật chưa từng được công biết tới nhưng lại bị khai thác bởi tin tặc - đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Và chỉ sau đó một tuần, nỗi lo của Apple về một lỗ hổng zero-day đã trở thành hiện thực.

Ahmed Mansoor, một nhà hoạt động tại Tiểu Vương quốc các quốc gia Ả rập thống nhất (UAE), đã cho công ty bảo mật Citizen Lab thấy một tin nhắn lạ được gửi đến điện thoại của anh. Tin nhắn này chứa một đường link hết sức đáng ngờ, và việc phân tích của Citizen Lab cũng như công ty bảo mật Lookout cho thấy rằng đường link này có thể khai thác một lượt 3 lỗ hổng zero-day trên iOS khiến tin tặc có thể kiểm soát hoàn toàn điện thoại của Mansoor và nghe lén cuộc gọi, xem email hay đánh cắp danh bạ của anh. Apple ngay lập tức phát hành một bản cập nhật iOS mới để khắc phục vấn đề, đó là iOS 9.3.5, cũng như vá luôn bản beta trên iOS 10.

suspcious-texts.jpg

Vụ việc này cho thấy hacker đang càng lúc càng nhắm nhiều hơn vào thiết bị di động, và nỗ lực của Apple khi tập trung vào việc phát hiện lỗi zero-day có thể xem là động thái nhằm bắt kịp những hacker mũ đen. Điện thoại - nhất là iPhone - thường được cho là an toàn hơn so với máy tính hay hạ tầng mạng nên thường không phải là trọng tâm nghiên cứu của các công ty. Nhưng việc tiết lộ các lỗi zero-day nói trên đã mở ra một kỉ nguyên hoàn toàn mới.

Mike Murray, phó chủ tịch Lookout, cho biết: "Ba lỗ hổng này không phải là ba lỗ hổng bình thường, tất cả đều là lỗ hổng zero-day và chúng được liên kết với nhau để jailbreak máy người dùng từ xa với chỉ một cái click. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Nhiều người nghĩ rằng bảo mật trên thiết bị di động là một vấn đề đã được giải quyết. Nếu 5 năm trước tôi nói rằng nhiều tin tặc đang tấn công điện thoại thì bạn sẽ nhìn tôi như một gã điên. Nhưng giờ đây, kỉ nguyên của các tin tặc giàu nguồn lực tập trung đánh vào điện thoại đã bắt đầu."

Một trong những lý do đó là vì điện thoại giờ lưu trữ rất nhiều thông tin quý giá và nhạy cảm của người dùng, và những thông tin đó đang thu hút sự chú ý của các hacker.

Mức độ tinh tế đáng kinh ngạc

Bởi vì tin tặc dùng ba lỗ hổng trong iOS để nhắm vào Mansoor, các nhà nghiên cứu ở Lookout gọi lỗ hổng này là "Trident" (tri - 3). Việc tấn công bắt đầu bằng một tin nhắn lừa đảo đơn giản, trong tin nhắn này có một đường link và những câu chữ dụ Mansoor nhấn vào đó (trong trường hợp của Mansoor, tin này nói rằng đường link chứa các vấn đề mà anh quan tâm).

Khi trang web đã load lên, nó khai thác lỗ hổng zero-day đầu tiên của trình duyệt Safari. Lỗ hổng này liên quan đến việc can thiệp vào bộ nhớ và cho phép hacker chạy mã độc từ bên ngoài. Đoạn mã độc này lợi dụng lỗ hổng thứ hai để xác định được vị trí hiện tại của kernel đang chứa trong RAM là ở đâu. Với iOS, kernel là một thành phần cốt lõi của quá trình secure boot - một tính năng bảo mật mà Apple rất tự hào. Lookout nhận xét Apple đã làm rất tốt việc gây nhiễu để khó xác định được vị trí của kernel. "Để jailbreak, bạn phải tìm được kernel".

Safari.jpg

Khi đã tìm được kernel, lỗ hổng thứ ba được khai thác cho phép tin tặc quyền đọc / ghi dữ liệu ở cấp độ cao nhất. Ở giai đoạn này iPhone đã bị jailbreak và về lý thuyết, hacker có thể cài thêm phần mềm giám sát để thu thập thông tin người dùng, cả thông tin từ app của Apple lẫn app bên thứ ba. Dấu hiệu duy nhất của toàn bộ vụ tấn công, nếu Mansoor có click vào đường link, chỉ đơn giản là việc Safari bỗng nhiên tắt đi.

Murray nhận định vụ tấn công này là "tinh tế tới mức đáng kinh ngạc" và hacker đã "dành rất nhiều thời gian để khai thác". "Từ đó đến nay tôi không thấy nhiều tin tạc có mức độ chuyên nghiệp và phức tạp như thế này".

Nhóm của Murray thông báo lỗ hổng cho Apple vào ngày 15/8. Chỉ 10 ngày sau, hãng đã vá hết cả 3 lỗ hổng. Đây là thời gian fix lỗi vô cùng nhanh chóng trong ngành công nghiệp bảo mật. Một số nhà nghiên cứu thường cho các công ty 90 ngày để khắc phục trước khi họ công khai chi tiết lỗ hổng.

Một người phát ngôn của Apple cho biết: "Chúng tôi được thông báo về lỗ hổng đó và đã khắc phục ngay lập tức với iOS 9.3.5. Chúng tôi luôn khuyên người dùng của mình download bản iOS mới nhất để bảo vệ chính họ khỏi các mối nguy hiểm từ bên ngoài".

Nhóm NSO là ai?

Giờ thì chúng ta đã biết về mức độ phức tạp của malware dùng để tấn công, hãy xem xem ai là người đã tạo ra nó.

Theo phân tích của Citizen Lab, lỗ hổng nói trên là "sản phẩm" của một công ty phát triển phần mềm giám sát từ xa đặt tại Israel tên là NSO Group. NSO Group đã quảng bá về các lỗ hổng này dưới tên gọi của một sản phẩm "Pegasus". Nhiều khả năng NSO Group cũng bán các lỗ hổng tương tự dành cho Android và BlackBerry. Lookout ước tin rằng chi tiết về các lỗ hổng trong iOS đã được rao bán trong khoảng 2 năm nay.

Tất nhiên, vì hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm như vậy nên công ty rất kín tiếng và gần như không xuất hiện gì trên mạng. Được thành lập năm 2010, NSO Group chủ yếu tập trung vào khai thác các lỗ hổng trên di động. Hiện công ty có khoảng 120 nhân viên, theo những gì họ ghi trên LinkedIn. Họ tự mô tả mình "là một công ty độc đáo trong nhành giải pháp phần mềm bảo mật và nghiên cứu bảo mật. Công ty chịu trách nhiệm phát triển nhiều giải pháp độc quyền trên cả di động lẫn PC."

NSO_Group.png
Omri Lavie, một trong những nhà sáng lập NSO Group, ảnh lấy từ Google+ của người này

Tuy các nhà sáng lập, bao gồm Niv Carmi, Shalev Hulio và Omri Lavie, đã bán công ty của mình cho Francisco Partners hồi năm 2014 với giá 110 triệu USD nhưng dường như họ vẫn còn tham gia vào việc điều hành tổ chức, và hoạt động chính vẫn là tại Israel. NSO Group đã từng bán sản phẩm cho các khách hàng nhà nước tại Panama, Mexico và giờ có thêm UAE. NSO Group nói họ là "người dẫn đầu trong ngành chiến tranh mạng", đồng thời nhấn mạnh Pegasus có khả năng thực thi các lệnh không thể truy vết được và đảm bảo tính ẩn danh.

Nhóm NSO Group tất nhiên chối bỏ việc bán các lỗ hổng vì các mục đích phi pháp và nói rằng mình không liên quan đến việc hack điện thoại của Mansoor. "Hợp đồng kí giữa công ty với khách hàng yêu cầu rằng các sản phẩm của công ty phải được sử dụng đúng pháp luật. Đặc biệt, các sản phẩm này chủ có thể được dùng để bảo vệ và điều tra tội phạm", NSO Group nói. "Công ty không biết và không thể xác nhận bất kì trường hợp nào được hỏi".

Dựa trên báo cáo doanh thu của NSO Group, Murray ước tính lỗ hổng zero-day đã được sử dụng đâu đó trong khoảng 10.000 đến 100.000 thiết bị trên toàn thế giới, nhưng ông nhấn mạnh rằng đây chỉ là những ước tính rất cơ bản và có thể không chính xác. "Những gì tôi có thể nói đó là không có ai từng bắt những gã này. Sản phẩm là hoàn toàn bí mật và tàng hình".

Theo một email rò rỉ được Hacking Team - một đối thủ cạnh tranh với NSO Group ở Ý - NSO từng trình diễn việc hack các điện thoại iPhone, Android và BlackBerry. "Điện thoại của bạn ngày nay trở thành cái bộ đàm mới. Hầu hết những giải pháp để can thiệp vào nó đã không còn đủ mạnh, vậy nên cần có những công cụ mới được làm ra".

Bước ra ánh sáng

Giờ đây, nhóm NSO bị buộc phải bước ra ánh sáng và cả 3 lỗ hổng của họ đã bị phát hiện (mặc dù các lỗ hổng tương tự cho Android và BlackBerry nhiều khả năng vẫn còn được bán). Lookout và Citizen Lab đang dành nhiều nguồn lực để điều tra kĩ hơn về nhóm này. Citizen Lab đăng tải thông tin sơ bộ về cách điều hành của tổ chức, trong khi Lookout nghiên cứu về malware và cho biết sẽ công bố thêm thông tin trong thời gian tới.

Murray nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn bắt những gã này. Mục tiêu của tôi là cho bạn biết trên điện thoại của bạn có gì. Nếu bạn nhấn vào một đường link và cuộc đời của bạn mất đi thì mục tiêu của tôi là ngăn không cho điều đó diễn ra."

 

https://tinhte.vn/threads/chi-tiet-van-de-bao-mat-duoc-va-trong-ios-9-3-5-khong-chi-1-ma-den-3-lo-hong-rat-nguy-hiem.2637083/