Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Microsoft nói về việc cung cấp miễn phí phần mềm, lôi kéo người dùng từ hệ sinh thái của hãng khác

microsoftstock.0.0.
Tại hội nghị Microsoft Convergence tổ chức mới đây, giám đốc marketing Chris Caposella đã tiết lộ nhiều thông tin thú vị xoay quanh chiến lược kinh doanh Freemium vốn đang được hãng tập trung theo đuổi nhằm cạnh tranh với hệ sinh thái của AppleGoogle. Điều này giúp chúng ta có thể hiểu được việc "biếu không phần mềm" sẽ mang lợi nhuận về cho Microsoft như thế nào?

Trong vài năm trở lại đây, Microsoft đã cung cấp nhiều phần mềm quan trọng của họ một cách miễn phí: cung cấp bản quyền Windows và Windows Phone miễn phí cho các nhà sản xuất PC hoặc điện thoại di động, bản quyền Office miễn phí cho iOS và Android; nhiều ứng dụng di động cũng được cung cấp bằng con đường miễn phí đến người dùng và gần đây nhất là tin Windows 10 sẽ được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là: Việc "biếu không" phần mềm liệu có mang tiền về cho họ? Câu trả lời nằm ở chiến lược giá trong mô hình kinh doanh Freemium = Free + Premium.

Theo truyền thống từ xưa đến nay, nguồn doanh thu chủ yếu mà Microsoft kiếm được là nhờ bán các phần mềm như Windows và Office cho OEM hoặc doanh nghiệp. Một trong những yếu tố giúp Microsoft phát triển là nhờ áp dụng cực kỳ thành công chiến lược này và sự thống trị của trị trường PC. Tuy nhiên, đó đã là chuyện của quá khứ. Khi mà các thiết bị di động nổi lên và tạo mối đe dọa lớn cho thị trường PC, Microsoft đã nhanh chóng nhận ra được điều này và buộc phải xây dựng một chiến lược kinh doanh hoàn toàn mới. Tại Hội nghị Convergence của Microsoft tổ chức mới đây, giám đốc mảng Marketing của Microsoft đã tiết lộ nhiều thông tin thú vị xoay quanh chiến lược nói trên.

Về cơ bản, chiến lược này bao gồm 4 phần: Acquire, Engage, Enlist, và Monetize (tạm dịch: tìm được, thu hút, tranh thủ tình cảm và thu tiền). "Acquire" là cách mà Microsoft khiến người dùng sử dụng sản phẩm miễn phí, điển hình như Office dành cho iPad. "Engage" là kế hoạch của Microsoft nhằm kết nối các sản phẩm phần mềm với những dịch vụ phụ thêm, thành lập nên một hệ sinh thái và níu chân người dùng ở lại với dịch vụ của họ. "Enlist" đơn giản là tìm kiếm các đối tượng khách hàng trung thành, những fan hâm mộ và giữ cho vòng lặp này được tiếp tục, cuối cùng hãng sẽ kiếm được tiền từ những người muốn sử dụng phiển bản cao cấp hơn của các dịch vụ đã được họ móc nối vào.

microsoftvsgooglevsapple.0.
Những mối liên kết giữa các dịch vụ trong hệ sinh thái của Apple - Google - Microsoft

Vấn đề nghe có vẻ đơn giản nhưng dường như chiến lược này khác với cách làm truyền thống của Microsoft. Trong khi đó, Google là hãng đã áp dụng Freemium từ lâu và đã đạt được khá nhiều thành công. Google đã đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ miễn phí, đổi lấy họ thu về được dữ liệu hoặc kiếm tiền bằng quảng cáo. Ngược lại, cách làm của Microsoft là tìm kiếm khách hàng trung thành, những người sẽ sẵn sàng chi tiền vào các ứng dụng và dịch vụ họ đang nghiện.

Trong buổi nói chuyện, Caposella đang mang tới một hình ảnh minh họa cho chúng ta biết làm thế nào hãng có thể cạnh tranh với hệ sinh thái của Apple và Google. Ông nói tới 3 nguồn lực chủ yếu mà Microsoft đang nắm giữ. Đây cũng là những vấn đề mà hãng đang và sẽ nỗ lực đầu tư trong tương lai. Caposella giải thích: "Hãy nhìn những gì mà Apple quảng cáo trên TV, ít nhất là tại Mỹ, thì đó đều là iPhone và iPad. Và bây giờ bạn đang nhìn thấy tất cả những dịch vụ khác trong hệ sinh thái của họ ẩn chứa đằng sau 2 thiết bị đó. Do đó, họ chỉ cần tập trung chi phí marketing vào rất ít thiết bị, nhưng vì họ đã thiết kế những mối liên kết các sản phẩm đó với nhiều dịch vụ khác, nên sản phẩm sẽ kết nối với các dịch vụ một cách hoàn toàn tự nhiên."

cortana.0.
Caposella: "Nếu bạn sử dụng Cortana, bạn thật sự đã trở thành một người dùng Bing. Đây là cách mà chúng tôi đưa Cortana vào mỗi chiếc Windows Phone, vào từng chiếc máy tính chạy Windows 10."

Caposella thừa nhận rằng đây chính là kỹ thuật mà Microsoft đang áp dụng. Điển hình như đối với Surface Pro 3. Hãng tiết lộ rằng việc tích hợp sâu phần mềm ghi chú OneNote vào thiết bị đã làm lượng người dùng OneNote tăng lên rõ rệt. Một thí dụ khác, Cortana chính là công cụ để thu hút khách hàng của Google về với Bing. Caposella cho biết: "Nếu bạn sử dụng Cortana, bạn thật sự đã trở thành một người dùng Bing. Đây là cách mà chúng tôi đưa Cortana vào mỗi chiếc Windows Phone, vào từng chiếc máy tính chạy Windows 10." Có thể một số ý kiến sẽ cho rằng Cortana không thể thay đổi thói quen tìm kiếm của người dùng trong một sớm một chiều, nhưng Cortana còn được tích hợp vào rất nhiều dịch vụ khác giúp lôi kéo khách hàng về cho Microsoft.

Caposella thừa nhận: "Chúng tôi biết rằng người dùng luôn muốn lựa chọn một hệ sinh thái. Chúng tôi không có những mối liên kết chặt chẽ giữa các sản phẩm, những cái mà Apple hoặc Google đã thiết kế." Nhưng ông hứa hẹn rằng đây sẽ là chiến lược mà Microsoft đang theo đuổi và hệ sinh thái của hãng sẽ hoàn thiện trong tương lai. Điều này được thể hiện rõ từ những ngày Windows 10 chính thức được giới thiệu - một phần mềm hợp nhất tất cả các thiết bị lại với nhau. Có thể riêng Windows 10 vẫn chưa đủ để trở thành cứu tinh cho Microsoft, nhưng hãng cũng đã dùng chiến lược tương tự với các sản phẩm đang len lỏi vào iOS và Android với hy vọng sẽ phá vỡ thói quen của người dùng, bứt họ ra khỏi hệ sinh thái của Apple hoặc Google và về với Microsoft. Liệu hãng có thành công? Câu trả lời nằm ở tương lai.

Tham khảo Theverge 

https://www.tinhte.vn/threads/microsoft-noi-ve-viec-cung-cap-mien-phi-phan-mem-loi-keo-nguoi-dung-tu-he-sinh-thai-cua-hang-khac.2441103/

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Xe hơi CKD, CBU, SKD có nghĩa là gì?

bmw.
Những chiếc BMW ở Việt Nam là xe nhập khẩu nguyên chiếc CBU.

Trong thông số kĩ thuật của những chiếc xe hơi ở Việt Nam thường có một thuật ngữ ghi là "xe lắp ráp trong nước" hoặc "xe nhập khẩu nguyên chiếc", như vậy thì cũng dễ hiểu rồi, nhưng nếu người ta ghi là CKD, CBU, SKD vv... thì sẽ hiểu như thế nào đây? Thật ra đó là ghi tắt của những từ sau đây:

CKD: Completely Knocked Down: Nghĩa là xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu (completely). Ở trường hợp này, hãng xe (có nhà máy ở VN) đã nhập khẩu toàn bộ linh kiện sau đó gia công, lắp ráp thành chiếc xe hoàn chỉnh.

SKD: Semi-Knocked Down: Xe lắp ráp trong nước có một số linh kiện đã được nội địa hoá .

CBU: Completely Built-Up: Xe được sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài và nhập khẩu nguyên chiếc về VN. Ví dụ BMW, Audi không có nhà máy ở VN nên chỉ kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc.

FBU: Fully Built Up: Giống nghĩa với CBU nhưng rất hiếm khi thấy sử dụng từ này.

Vậy sự khác nhau giữa một chiếc xe CKD và một chiếc xe CBU là gì? Nếu loại trừ yếu tố kĩ thuật, tay nghề của công nhân, chất lượng nhà máy, thì sự khác biệt lớn nhất giữa xe CKD và CBU là thuế. Thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ cao hơn xe lắp ráp trong nước, khiến giá xe sẽ cao hơn. Ngoài ra cũng có khi có một số khác biệt ví dụ option của nội/ngoại thất, xe CKD có thể sẽ được tuỳ chỉnh thêm, bớt một số đồ chơi cho phù hợp với thị trường trong nước.

https://www.tinhte.vn/threads/xe-hoi-ckd-cbu-skd-co-nghia-la-gi.2440483/

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

MICROSOFT THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH SECURE BOOT, KHÓ CÀI OS KHÁC TRÊN MÁY TÍNH WINDOWS 10 HƠN

Secure_Boot_01.

Tại hội nghị WinHEC, Microsoft đã nói thêm về yêu cầu phần cứng cho Windows 10 và một trong những điểm đáng chú ý là tình năng Secure Boot giờ đây không còn mở như trước, người dùng có khả năng không thể tắt Secure Boot chuyển về Legacy để cài đặt thêm hoặc thay thế hệ điều hành trên máy.

Trong bảng cấu hình trên, các OEM vẫn buộc phải tích hợp Secure Boot trên máy tính nhưng nút tắt tính năng này có thể có hoặc không. Microsoft cũng đưa ra yêu cầu khác nhau giữa Windows 10 cho máy tính bàn (desktop) và cho thiết bị di động (laptop, máy tính bảng …). Đối với máy tính bàn, các OEM có thêm tùy chọn cho phép người dùng cuối tắt Secure Boot hoặc không. Đối với thiết bị di động, Secure Boot phải luôn bật trên các thiết bị bán lẻ. Trước đây với Windows 8, Microsoft chia tính năng theo kiến trúc CPU, chip x86 thì có nút tắt, chip ARM thì không.

Như vậy, tương lai của Linux và các hệ điều hành khác vẫn rất mù mịt. Đối với những hãng sản xuất hệ thống máy tính bàn, họ vẫn có thể cung cấp tùy chọn bật/tắt Secure Boot nhưng câu chuyện lại khác đối với máy tính laptop. Một số nhà sản xuất laptop dĩ nhiên sẽ tiếp tục cho phép người dùng tắt Secure Boot trong thiết lập UEFI nhưng những nhà sản xuất như HP và Dell có thể sẽ quyết định giới hạn sự tự do của người dùng bởi biên độ lợi nhuận trên máy tính PC hiện tại không còn cao. Việc không cho phép người dùng can thiệp hệ thống cũng là một cách để giảm thiểu chi phí hỗ trợ.

3003070_Secure_Boot.

Secure Boot là một tính năng bảo mật trong UEFI và nó bảo vệ hệ thống trước khả năng malware can thiệp vào quy trình khởi động nhằm tiêm mã độc vào hệ điều hành ở cấp độ thấp. Khi Secure Boot được kích hoạt, các thành phần chính của hệ thống được dùng để khởi động máy cần phải có các chứng chỉ số mã hóa phù hợp và firmware UEFI sẽ xác thực các chứng chỉ này trước khi cho phép khởi động máy. Nếu các file bị giả mạo, hệ thống ký hiệu bị phá vỡ và hệ thống sẽ không được phép khởi động.

Đây là một tính năng bảo mật hay nhưng lại gây phiền toái cho những ai muốn cài đặt các hệ điều hành khác. Trong trường hợp hệ điều hành đó không chứa các file chứng chỉ mã hóa mà Secure Boot có thể nhận diện và xác thực thì bạn sẽ không thể khởi động PC.

Vẫn chưa rõ liệu các nhà phát triển bản phân phối Linux và BSD sẽ có thể tích hợp các chứng chỉ mã hóa vào phần mềm và cài đặt vào các máy tính chạy Windows 10 với Secure Boot được bật sẵn hay không. Rất có khả năng một số nhà phát triển sẽ hợp tác với các hãng sản xuất để cung cấp các bản phân phối Linux chứa các chứng chỉ số phù hợp để có thể chạy trên các phần cứng này. Trước mắt, chúng ta vẫn phải chờ đợi phản hồi chính thức từ Microsoft.

Theo: ArsTechnica​