Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

VIỀN MÀN HÌNH LAPTOP ĐÃ CHẾT, VÀ IFA CHÍNH LÀ "THỦ PHẠM"

Tại IFA 2018, tương lai của màn hình laptop cuối cùng cũng đã trở nên đại trà.


Trong vài năm qua, IFA đã trở thành show diễn dành cho laptop. Dù nó không phải là nơi để các công ty lớn như Apple hay Microsoft mang đến flagship của mình, nhưng khi nói đến laptop tầm trung, những sản phẩm thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng nhiều nhất, IFA chính là một sự kiện "đáng tin cậy". Và trong năm nay, có một cuộc "cách mạng" rất thú vị đã bùng nổ: cái chết của viền màn hình laptop, với "thủ phạm" chính là IFA.

Đây không phải là một trào lưu mới. Kỷ nguyên không viền đã khá phổ biến trên những chiếc smartphone trong năm qua. Bắt đầu từ Essential Phone hay iPhone X, nó đã dần lan rộng ra toàn bộ thị trường smartphone. Thực tế, đa phần các chiếc điện thoại được tung ra vào năm nay đều sẽ có tai thỏ hoặc có màn hình gần như không viền. Xu hướng này phổ biến đến mức Google phải hỗ trợ cho nó trên Android 9.0 Pie. Chúng ta còn thấy những thiết bị không viền thực sự (nhưng vẫn có "cằm) với kiểu thiết kế thanh trượt chứa cụm camera và cảm biến, ví dụ như Oppo Find X, Vivo Nex hay sắp tới là Xiaomi Mi Mix 3.
The Verge cho hay, những chiếc laptop hiện tại cũng đã bắt đầu xu hướng này khi mà tại IFA năm nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều mẫu laptop không viền, ví dụ như Swift 7 hay Swift 5 của Acer, dòng ZenBook mới của Asus, những phiên bản nâng cấp của dòng laptop Lenovo Yoga hay thậm chí Dell cũng đã thực hiện điều này với dòng máy tính tầm trung Inspiron của mình.


Những chiếc laptop này có tỉ lệ màn hình/thân máy (screen-to-body) khá cao: với Swift 5 là 87,6%, trong khi chiếc Swift 7 là 92%. Những chiếc ZenBook của Asus lại sở hữu thiết kế bản lề ErgoLift mới của Asus, giúp cải thiện khả năng gõ văn bản nhưng cũng đảm bảo viền màn hình khá nhỏ, với tỉ lệ màn hình/thân máy là 95%.
Việc loại bỏ viền màn hình không chỉ để đảm bảo tính thẩm mỹ. Đúng là nó sẽ làm cho màn hình thiết bị trở nên đẹp hơn, nhưng đó chỉ là một mảnh ghép của bức tranh lớn hơn. Điểm nhấn thực sự chính là việc các công ty có thể "nhét" màn hình lớn trong thân hình nhỏ nhắn hơn rất nhiều so với trước đây. Ví dụ như chiếc Swift 5 mới của Acer sở hữu màn hình 15,6 inch trong thân hình một chiếc laptop 14 inch ở hiện tại. Chính điều này cũng đã giúp Acer giảm đi kích thước của máy và hãng cũng tuyên bố đây là chiếc laptop 15 inch nhẹ nhất. Hoặc như những chiếc ZenBook 13 inch của Asus, chúng gần như không có viền, giúp cho Asus có thể thu gọn toàn bộ chiếc laptop hơn, đảm bảo kích thước nhỏ hơn đáng kể so với những chiếc laptop 13 inch ở hiện tại.


Trào lưu màn hình không viền trên laptop có lẽ bắt đầu từ Dell với chiếc laptop XPS 13 sở hữu màn hình Infinity Display ra mắt hồi 2015. Năm nay, hãng cũng mang tới IFA chiếc XPS 13 mới sử dụng con chip Core i3 với mức giá rẻ hơn, bên cạnh những chiếc laptop thuộc dòng Inspiron.
Tuy nhiên, có một số khó khăn mà công nghệ không viền màn hình đang vấp phải. Các công ty đã làm hết mức có thể để cho màn hình gần như không có viền ở trên và hai bên, tuy nhiên, cần phải có chỗ chứa cho những thứ giúp cho màn hình hoạt động, ví dụ như bản lề hay dây cáp kết nối. Đó chính là lý do tại sao viền phía dưới khó có thể bị thu gọn lại được. Các chiếc smartphone ở hiện tại cũng gặp vấn đề tương tự, và chúng ta vẫn gọi vui đó là phần "cằm". Hiện tại, chỉ có iPhone X của Apple giải quyết được vấn đề này bằng cách uốn cong tấm nền OLED, điều tất nhiên không thể áp dụng lên laptop (hay ít ra thì chưa).


Ngoài ra, công nghệ này cũng xuất hiện thêm một vấn đề nữa, đó chính là webcam. Viền phía trên chính là nơi mà các công ty thường hay đặt webcam, và nếu thu gọn viền này, đồng nghĩa rằng họ sẽ phải tìm một nơi khác thích hợp để đặt nó. Các công ty như Huawei hay Dell đã thử rất nhiều cách, ví dụ như giấu camera ở phía sau màn hình hoặc ẩn vào bên trong bàn phím nhưng thực sự nó không hữu dụng. Tuy nhiên, năm nay, Dell đã thực hiện nó tốt hơn trên dòng sản phẩm Inspiron của mình. Họ đã chấp nhận đánh đổi một chút độ mỏng ở viền trên nhằm chứa một mô-đun camera nhỏ nhất vào bên trong. Nhưng đây cũng là điều mà toàn bộ ngành công nghiệp laptop phải giải quyết nếu không muốn thấy một chiếc laptop nhỏ gọn sở hữu màn hình có tai thỏ nằm bên trên.

Những chiếc laptop này dường như chỉ là khởi đầu của một sự thay đổi lớn trong thiết kế laptop. Rõ ràng, chúng ta đã quá nhàm chán với những chiếc laptop sở hữu viền màn hình dày cục mịch và trở nên kém sang trọng hơn khi so với thế hệ đàn em ở hiện tại. Những chiếc laptop ZenBook mới của Asus hoặc Swift của Acer trông thật hấp dẫn và nó khiến ai cũng không thể cưỡng lại việc nâng cấp chiếc laptop của mình.
Minh Hùng
 https://vnreview.vn/tu-van-may-tinh/-/view_content/content/2591702/vien-man-hinh-laptop-da-chet-va-ifa-chinh-la-thu-pham

[CÙNG NGHE] NOTHING LIKE THE SUN CỦA STING - RẠNG RỠ VÀ NỒNG NHIỆT NHƯ ÁNH MẶT TRỜI



Hẳn ai trong số mấy anh em trong này đều đã từng nghe Every Breath You Take của Police rồi. Mình nhớ hồi mình còn tý hon đã nghe bản này trên MTV, ấn tượng nhất là một anh vừa ca vừa búng Contrabass với mái tóc bồng bềnh và phông nền quay đen trắng huyền ảo. Nam ca sỹ - nhạc sỹ - nhà từ thiện Gordon Sumner, hay còn được biết đến với nghệ danh Sting, không ai xa lạ chính là giọng ca chủ lực của huyền thoại The Police. Ông là hình thái tiêu biểu của những nghệ sỹ luôn làm việc 1 cách không mệt mỏi khi vừa tham gia hoạt động trong The Police vừa phát hành những ấn phẩm solo cho riêng mình. Không dừng lại ở đó, Sting còn lấn sân sang cả mảng điện ảnh, đồng thời còn là nhà từ thiện hoạt động không ngừng nghỉ. Với mình, mọi album của Sting đều rực rỡ, quyến rũ như ánh hừng đông, đặc biệt là Nothing Like The Sun với chất lượng thu âm cao và tư duy nghệ thuật độc đáo, đánh dấu được quá trình phát triển mạnh mẽ trong sự nghiệp của ông. Sting sở hữu chất giọng giàu cảm xúc, hơi “sạn” , phong cách chín chắn, đi cùng các ý tưởng bộc phá và đa dạng giúp tài năng của ông càng thăng hoa hơn nữa. Mời anh em vừa nghe vừa theo dõi

Đang tải tinhte_sting_nothing_like_the_sun (3).jpg…

Nothing Like the Sun phát hành năm 1987 được phối theo phong cách Jazz-Pop – một đặc thù của âm nhạc US-UK trong khoảng những năm cuối 1980s, không gian ảo diệu, các track được thu với echo vừa vừa tạo cho ta cảm giác lâng lâng, các kỹ sư thu âm đã kiểm soát dynamic range của album này rất tốt khi mở to mà cái dàn hifi hay tai nghe vẫn không “la”, trong không gian tưởng như mờ ảo đó, các nhạc cụ không đục, không chìm lắng mà nổi lên sống động như sao hôm lúc chập choạng tối trời. Âm trường của các bản thu không quá rộng, không cao bay, quá thoáng đãng nhưng lại gần gũi, trầm mặc, làm người nghe khi nghe có cảm giác hoài niệm, suy tư với các suy nghĩ hướng nội. Album được Sting dành tặng cho mẹ của ông với hầu hết các ca khúc trong album đều lột tả tình mẫu tử cùng tác động 2 chiều của nó đến sự ra đời, hôn nhân hay cả cái chết. The Lazarus Heart ẩn chứa tất cả những cảm xúc đó với sự khắc khoải không thôi. Nothing Like The Sun mê hoặc thính giả với 12 ca khúc nói về tình yêu, các ý tưởng chính trị và cả ý nghĩa cuộc sống, đồng thời tránh được sự cứng nhắc cũng như hơi có phần khô khan của album đầu tay The Dream of the Blue Turtles. Các cảm xúc trong Nothing Like The Sun cũng biến chuyển rất mượt mà, từ những rung động tự nhiên (với Be Still My Beating HeartSister Moon) đến các cảm giác bức bối khó chịu (trong History Will Teach Us Nothing hay They Dance Alone) hoặc cả những ràng buộc cá nhân (như The Secret Marriage).

Album có sự tham gia của nghệ sỹ saxophone Branford Marsalis và keyboard Kenny Kirkland, những cái tên đã từng góp mặt trong The Dream of the Blue Turtles. Manu Katché chơi trống, Mino Cinelu đánh bộ gõ và Sting đảm nhiệm vị trí bass, ngoài ra còn có thêm những nghệ sỹ khách mời khác như Andy Summers, Eric Clapton và Mark Knopfler. Những âm nhạc cụ được chơi với kỹ thuật cao đã lồng ghép với nhau thật mượt mà, dày đặc nhưng không hỗn loạn chút nào ( English Man in New York ). Straight to My HeartRock Steady còn được tô điểm thêm bởi nhịp gõ vô cùng linh hoạt và sống động, giúp “nối nhịp” 1 cách xuyên suốt cho cả album. Và cũng kiểu nối nhịp quá “êm” này nên tiết tấu của cả Album hơi dễ đoán, nói nôm na là không gây được sự bất ngờ quá lớn cho người nghe. Điều này hơi đáng tiếc, nhất là khi album có được sự tham gia của các nghệ sỹ tầm cỡ như nói trên. Mà thôi kệ đi, nghe nhạc đi các ông ạ, thi thiên mười họa mới lục lại được cái đĩa hay bỏ lên nghe thử, hơi đâu mà quan tâm thiếu này hụt kia, tổng thể hay thì nghe tiếp ha :D

Nothing Like the Sun còn được biết đến như 1 trong những album đầu tiên có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong công nghệ thu âm. Album thực ra chỉ phù hợp với loại hình đĩa CD hoặc băng từ cassette vì nó có thời lượng quá dài, và 1 bản đĩa vinyl không thể nào chứa hết 54 phút nhạc. Phiên bản CD của Nothing Like the Sun cũng sở hữu chất âm tốt hơn. Bản Vinyl trong hình mình chụp là ấn phẩm 1st pressing đầu tiên dùng phôi DDM-Cut và bị chia ra làm 2 đĩa lận.



Englishman in New York - Một track thuộc dạng "phải nghe" khi nhắc đến Sting
Sting khá là nổi danh nhưng mình ít thấy mọi người thích nghe nhạc ở Việt Nam nhắc đến, đi mấy cái show audio cũng không bao giờ thấy ai mở hết, thiệt rầu! Thực ra lịch sử và bề dày thành tích của anh rất lớn, Ít ai biết được rằng trước khi tạo nên The Police vào năm 1977 cùng tay trống Stewart Copeland và cây guitar Henri Padovani, Sting đã tham gia khá nhiều các nhóm nhạc khác và trui rèn được các phong thái sáng tác và biểu diễn vô cùng đa dạng. Bản single đầu tiên của nhóm là Roxanne năm 1978 (với tay guitar Andy Summers) tuy nhiên lại không được công chúng đón nhận quá nồng nhiệt, do đó ba chàng trai bắt đầu chuyến “tự lưu diễn” dài hơi xuyên suốt các bang của nước Mỹ và biểu diễn trong những hộp đêm nhỏ, trong đó có CBGB ở thành phố New York.

Album đầu tiên Outlandos d'Amour (1978) sau đó may mắn gây được tiếng vang và bắt đầu “leo” các bảng xếp hạng tại Anh và Mỹ với tốc độ chóng mặt. Ca khúc Roxanne cũng được phát hành lại, đi kèm cùng So LonelyCan't Stand Losing You tạo nên 3 single cực kỳ ăn khách của The Police. Trong khoảng thời gian này, Sting cũng xuất hiện để thử sức trong bộ phim ca nhạc Quadrophenia (1978).

Đang tải tinhte_sting_nothing_like_the_sun (1).jpg…

Tuy được đặt vào danh sách các nhóm punk và new wave nhưng người nghe tinh ý sẽ nhanh chóng cảm nhận được 1 chút chất jazz trong âm nhạc của The Police, hoặc đôi khi còn pha thêm progressive rock. Phong thái nhạc độc đáo này cũng là tiền đề giúp The Police gặt hái được nhiều thành công trong thời gian rất ngắn, mang lại cho nhóm 1 fanbase vô cùng đông đảo. Album thứ 2 của The Police là Reggatta de Blanc (1979) sở hữu 2 single được viết bởi Sting mang tên Message in a BottleWalking on the Moon đã thắng giải Grammy Best Rock Instrumental Performance 1980, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký lúc bấy giờ.

Album tiếp theo là Zenyatta Mondatta (1980) tiếp tục xây dựng thêm những thành công mới trên nền tảng có sẵn của The Police với các bản hit như Don't Stand So Close to Me De Do Do Do, De Da Da Da. Đây cũng là khoảng thời gian mà The Police có lịch lưu diễn vô cùng dày đặc, dù vậy nhóm vẫn cố gắng phát hành thêm 1 album nữa ngay vào năm tiếp theo. Ghost in the Machine (1981) với ca khúc Every Little Thing She Does Is Magic dễ dàng đứng top các bảng xếp hạng ngay khi vừa phát hành.

1982 cũng là “năm vàng” với Sting khi ông tham gia vai chính trong bộ phim Brimstone and Treacle, đi kèm cùng bản hit Spread a Little Happiness ông viết riêng cho bộ phim này. The Police sau đó cũng tái hợp để ra mắt album studio tiếp theo mang tên Synchronicities (1983). Ca khúc Every Breath You Take trong album được giới phê bình đánh giá rất cao, nhận xét nó là 1 bản tình ca thơ mộng với tình yêu mù quáng. Sau khi chuyến lưu diễn quảng bá album này chấm dứt, The Police và Sting cũng tạm ngưng các hoạt động của mình.

Quả là 1 thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến sự nghiệp solo của Sting. Người sành nhạc chắc hẳn sẽ nhớ ngay đến album Dream of the Blue Turtles mà ông phát hành vào năm 1985 với hầu hết những sáng tác được thành hình trước cả The Police. Sự nghiệp solo của ông thành công vang dội với 1 chuỗi các album ăn khách như Nothing Like the Sun (1987), The Soul Cages (1991), Ten Summoner's Tales (1993) hay Mercury Falling (1996). Trong khoảng thời gian này, Sting trực tiếp thử sức với nhiều phong cách sáng tác và biểu diễn khác nhau, từ những bản ballad sướt mướt đến dòng nhạc thị trường sôi động. Nhiều ca khúc của ông nhanh chóng xuất hiện trên các bảng xếp hạng uy tín trong đó có Englishman in New York, If I Ever Lose My Faith in You hay Fields of Gold chẳng hạn.

Đang tải tinhte_sting_nothing_like_the_sun (4).jpg…

Sting còn tham gia diễn xuất trong “thời gian rảnh rỗi” của mình qua các bộ phim như Dune (1984) hay Lock, Stock, and Two Smoking Barrels (1998). Ông cũng tham gia viết nhạc cho các bộ phim khác trong đó có The Mighty (1998), The Thomas Crown Affair (1999) và The Emperor's New Groove (2000). Năm 1999 Sting ra mắt album Brand New Day với ca khúc chủ đề theo phong cách vô cùng tươi sáng và mới lạ, ẵm về cho mình giải Grammy Best Male Pop Vocal Performance 2000. Các album sau đó lần lượt được phát hành gồm All This Time (2001), Sacred Love (2003) và Songs from the Labyrinth (2006).

The Police tái hợp 1 lần nữa vào năm 2007 và bắt đầu chuyến lưu diễn đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ. Sting tuy vậy vẫn tiếp tục các hoạt động solo của riêng mình, trình làng album tiếp theo là If On a Winter's Night... vào năm 2009. Sau đó ông cũng đều đặn ra thêm các album khác như Symphonicities (2010), The Last Ship (2013) và 57th & 9th (2016).

https://tinhte.vn/threads/cung-nghe-nothing-like-the-sun-cua-sting-rang-ro-va-nong-nhiet-nhu-anh-mat-troi.2839581/?utm_campaign=related_threads&utm_medium=tags&utm_source=internal 

DTS Entertainment có phát hành 3 DTS-CD của Sting là Nothing Like The Sun (1987), Ten Summoner's Tales (1993) Brand New Day (1999). Những đĩa này được mix 5.1 rất hiệu quả và được các diễn đàn nhạc đánh giá cao. Nghe headphones nhiều, thỉnh thoảng mình chuyển sang thưởng thức nhạc bằng dàn 5.1, cộng với những album được mix tốt như thế này, mình được "đổi gió" đúng nghĩa!

Lấy ngay bản Englishman in New York làm ví dụ, tiếng soprano sax của Branford Marsalis từ phía trước bên trái dần dần lan tỏa làm nhạc cụ chủ đạo, Mino Cinelu chơi bộ gõ râm ran gần phía sau trái phải rồi phần solo trống của Manu Katché kết đoạn improv. Lời hát của Sting "Be yourself no matter what they say" lặp đi lặp lại rồi nhỏ dần như miên man trong không gian. Sau này Sting thu âm lại Englishman in New York thành bản phối giao hưởng với dàn nhạc Royal Philharmonic Orchestra trong album Symphonicities (2010) - lần này Aaron Heick chơi clarinet làm chủ đạo.

Mình biết đến Sting nhiều hơn qua live show In Boston của Chris Botti, một nghệ sĩ trumpet nổi tiếng trước đây từng là nhạc công lưu diễn của Sting khoảng 1999-2001. Thực sự Sting khám phá và quy tụ được nhiều nghệ sĩ tài năng để cùng làm nên những bản thu chất lượng. Mời mọi người thưởng thức bản Shape of My Heart (trong album Ten Summoner's Tales) được Sting song ca cùng Josh Groban, với Dominic Miller (guitar) và Chris Botti (trumpet):

[CÙNG NGHE] NGHỈ LỄ, THƯỞNG THỨC ALBUM NIGHT TRAIN CỦA OSCAR PETERSON

Đang tải tinhte_oscar_peterson_trio_night_train_4.jpg…

Thời nay, người nghe mới dễ dàng cảm thấy nhàm chán với một bản jazz dài, sự hối hả và nhịp điệu cuộc sống như con ki ki rong chơi ngoài hiên nhà, vụt mất rất nhanh :D Riết rồi người ta cho rằng jazz là âm nhạc của người có tiền, có thời gian, âu cũng là vì mấy cái album audiophile hay mấy cái audio show toàn mở thể loại này, nhưng mà anh em ơi, gốc rễ của jazz là sự khó khăn, thể hiện khát vọng tự do, các giới hạn nội tâm và ràng buộc của bản thân. Mình chẳng phải là người nghe "cao cấp" hay gì hết (mà như nhiều kẻ tự nhận mình là thế), mình cũng là người thích nghe các thể loại nhạc tá lả trên thị trường hiện nay từ EDM, Pop, Rock và K-pop nữa, nhưng ở một khía cạnh nào đó thì mình vẫn dành khá nhiều thời gian để nghe jazz vì sự ngẫu hứng trong tiết tấu của nó kích thích đầu óc, càng nghe càng tỉnh, càng nghe càng tạo ra các hứng khởi như dopamine vậy, mình nghe một cách không mộng mị, không suy xét, nghe như để nhạc tự chảy vào trong người khi đang ngồi làm việc, bài nào quá xá hay thì mình đánh dấu lại và thêm vào danh sách ưa thích, riết cái list nó cũng hơi dài :D Nếu có cơ hội, một buổi offline chẳng hạn, để nói, để giới thiệu nhạc với mọi người, chắc chắn sẽ có những "cột mốc" mà mình luôn muốn chia sẻ với mọi người những tuyệt phẩm của Ray Charles, Buddy Rich, Billie Holiday hay Duke Ellington, Dave Brubeck … Tuy nhiên, để bắt đầu nói về jazz thì hôm nay, nghệ sỹ đầu tiên mà mình sẽ giới thiệu với mọi người sẽ là Oscar Peterson, nghệ sỹ piano trứ danh đến từ Montreal, Canada.




Đây là một album hay ở cả bản vinyl lẫn file nhạc số mà anh em có thể tìm thấy trên Tidal, Apple Music hoặc mua từ HDTracks, cả bản thu khá trong trẻo, độ động tốt, tổng thể các nhạc cụ từ trầm tới bổng đều có sự nổi khối rõ ràng, có không gian rất tốt. Nói chung, về mặt kỹ thuật thu âm và chất lượng âm thanh thì anh em cứ tạm tin mình vậy, không dở đâu nghen :D

Album tập hợp đầy đủ các ngón nghề đầy mê hoặc của Peterson (chơi piano), Ray Brown (chơi bass) và Ed Thigpen (chơi trống). Ray Brown đóng góp các đoạn bắt nhịp bằng guitar bass cùng vài đoạn solo tuyệt hảo, đi kèm cùng tiếng trống bắt tai và giàu chất "phiêu" của Thigpen. Giữa những xúc cảm đó, tiếng piano của Oscar Peterson vang lên réo rắt với tốc độ nhanh như vũ bão, mang lại cái hồn không lẫn vào đâu được mà một album jazz phải có. Ví dụ như trong C-Jam Blues chẳng hạn, tác phẩm này sở hữu rất nhiều phân đoạn solo khó chơi kèm theo những thêm thắt ngẫu hứng để hợp thành một bản hợp tấu hoàn chỉnh. Nếu bạn chăm chú và chớ từ nan, cố gắng trải qua những giai điệu nhẹ nhàng đầu tiên thì càng về sau bạn sẽ cảm thấy Oscar Peterson chơi rất phiêu, đầy hoa mỹ và phong thái chơi nhạc đôi khi quá đà có thể làm người nghe như bơi giữa một rừng các nốt trầm bổng giàu sắc thái, biến tấu linh hoạt. Đây cũng là lý do vì sao mình chọn Oscar Peterson làm nghệ sỹ đầu tiên mà mình sẽ giới thiệu cho những ai mới tiếp cận với jazz, vì nó đầy ngẫu hứng và đầy năng lượng.


Tác phẩm Honey Dripper sở hữu những tiếng búng bass và kỹ thuật arpeggios tay phải đã tạo nên cho nó một đoạn hook cực kỳ bắt tai. Đây chính là tiêu điểm khiến người đã quen nghe jazz như mình phải chú ý, cho phép ta nhận ra được mình đang nghe gì và "chuẩn bị tai" cho những kỹ thuật chơi nhạc điêu luyện hơn. Như nói trên, C-Jam Blues hay Georgia On My Mind cũng đi theo xu hướng thể hiện này. Và thế là sau khi đã cảm thấy quen thuộc hơn một chút, người nghe sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với các tác phẩm như I Got It Bad (And That Ain’t Good) với nhịp chậm hay Band Call có kiểu đánh biến tấu mượt mà hơn. Night Train không có một bài nào chơi ở mức gọi là trung bình cả, bài nào trong album cũng đều có nét riêng và đều có các đoạn xuất thần.




Hymn to Freedom có thể được xem như một trường hợp đặc biệt khi nổi bật hơn so với hầu hết các ca khúc khác trong album. Tác phẩm mở đầu bằng đoạn dạo chậm của Oscar Peterson sau đó dần dần xuất hiện thêm phần hợp tấu của Ray Brown và Ed Thigpen. Phần solo của Oscar Peterson dễ tạo được ấn tượng sâu sắc nhờ vào các biến tấu mà ông thêm vào, khiến người nghe khó mà đoán được diễn biến các khúc sau sẽ là gì. Nếu đã nghe quen phong cách của Oscar Peterson, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cái cách mà ông hay "bẫy" người nghe ở phần đầu nhạc phẩm, ông đi khá êm ở đầu bài nhưng rồi lại gia tăng tiết tấu đột ngột, thay đổi phong cách âm nhạc của chính bài hát như ngày và đêm vậy. Đây là một trong những bản jazz mà mình cho là xuất sắc nhất trong nhiều năm nghe nhạc.

Chúng ta hãy cùng điểm qua đôi nét về Oscar Peterson. Ông là nghệ sỹ jazz piano người Canada nổi tiếng với phong cách Liszt (như huyền thoại jazz piano Art Tatum), cho phép ngón đàn của ông "biến hóa" bất cứ giai điệu nào thành những nốt ngẫu hứng và ở bất kỳ tempo nào. Ông sử dụng cả hai tay một cách thuần thục, cộng thêm cái đầu thiên tài không bao giờ mắc lỗi khi tính nhịp, trở thành nghệ sỹ jazz piano được yêu thích nhất trong thể loại này. Oscar Peterson mất vì bệnh suy thận vào năm 82 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho ngành âm nhạc.

Đang tải tinhte_oscar_peterson_trio_night_train_2.jpg…

Oscar Peterson bắt đầu học piano vào năm 6 tuổi tại Montreal từ sự khuyến khích của cha ông, một nhân viên đường sắt với các kiến thức piano tự học. Năm 14 tuổi, Oscar chiến thắng trong cuộc thi tài năng trên radio và bắt đầu làm việc trong các show nhỏ của đài Montreal. Trong thời gian này ông cũng là một thành viên thường xuyên của Johnny Holmes Orchestra với ngón đàn điêu luyện lấy cảm hứng từ Teddy Wilson, Tatum và Nat "King" Cole. Oscar Peterson cũng từng học kèn trumpet tuy nhiên phải dừng lại vì lý do sức khỏe, từ đó ông dành tất cả thời gian và đam mê của mình cho đàn piano. Ông làm chủ được cả mười ngón tay của mình trên phím đàn khi còn rất trẻ, trong khi hầu hết nhiều nghệ sỹ piano vẫn chơi theo tay thuận và chỉ sử dụng tay còn lại một cách chiếu lệ mà thôi.

Oscar Peterson lúc đầu không có ý định lập thân ở Mỹ tuy nhiên sau đó ông quyết định ra mắt công chúng tại Carnegie Hall trong chương trình Jazz at the Philharmonic của Norman Granz vào tháng 9/1949. Granz nhận ra được phong cách mới mẻ cũng như thiên hướng âm nhạc độc đáo của Oscar Peterson nên đã dẫn dắt sự nghiệp của ông trong suốt những năm '50, giúp ông thu âm và thường xuyên mời ông đến diễn trong chương trình Jazz at The Philharmonic. Phong cách của Oscar Peterson ban đầu chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bộ tam Cole, nghĩa là thường chỉ tận dụng guitar và double-bass sau đó "phiêu" theo nhịp trống. Trong những năm '50, guitar bass của Peterson luôn là Brown, và Herb Ellis chơi guitar - tuy nhiên từ 1958, Ellis được thay thế bằng Ed Thigpen, một trong những tay trống có khả năng theo kịp nhịp piano của Peterson mà không hề có cảm giác "lấn lướt" ngón đàn của ông. Bộ tam "hợp rơ" này bắt đầu thu âm liên tục, và những tác phẩm classic mà Peterson cover lại được công chúng rất yêu thích, trong đó có cả người yêu jazz lẫn người nghe không chuyên.

Đang tải cover_tinhte_oscar_peterson_trio_night_train_3.jpg…

Năm 1960 Peterson sáng lập trường Advanced School of Contemporary Music ở Toronto với sự giúp đỡ của Brown, Thigpen và nhà sản xuất kiêm nhạc công clarinet Phil Nimmons. Ông dừng chân tại đây 3 năm và chuyên tâm vào dạy nhạc. Sau đó ông tiếp tục biểu diễn và thu âm như trước, tạo ra nhiều bản hit để đời như With Respect to Nat vào năm 1965 để dành tặng riêng cho Nat "King" Cole.

Vào những năm '70 khi jazz bắt đầu sa sút với sự xuất hiện của "dòng nhạc thời đại" rock'n'roll, Peterson vẫn tiếp tục chứng minh rằng tài năng của mình đủ "sáng" để không bị ảnh hưởng quá nhiều từ các thay đổi thời cuộc. Ông bắt đầu biểu diễn solo và mang đến cho thính giả những bài trình diễn tuyệt vời. Chỉ mười ngón tay của ông lướt trên phím đàn mà cứ như hai hay ba nghệ sỹ piano đang chơi cùng lúc vậy. Oscar Peterson cũng được mời đến nhiều sự kiện đa dạng hơn, xuất hiện cùng những tên tuổi nổi trội lúc đó như Ella Fitzgerald, Stan Getz, Dizzy Gillespie, Clark Terry hay Joe Pass. Trong những năm tiếp theo ông còn biểu diễn chung với nghệ sỹ guitar bass Niels-Henning Orsted Pedersen. Phong cách biểu diễn của Oscar Peterson dường như phù hợp hơn khi chỉ đứng chung với một hoặc hai nhạc công khác, do kiểu đánh tốc độ của ông sẽ làm các nghệ sỹ khác phải đuổi theo, và càng nhiều nhạc công phải làm điều này thì tác phẩm sẽ càng hỗn loạn.

Oscar Peterson đa tài, ông cho ra đời khá nhiều album hay trong khoảng thời gian ngắn, Affinity (1963) là album bán chạy nhất của ông, tuy nhiên cũng không thể không nhắc đến Canadiana Suite (1964), hay Night Train mà chúng ta đã đề cập ở trên. Peterson còn sáng tác soundtrack cho bộ phim Play It Again Sam, tham gia chủ trì talkshow khi lưu diễn ở Nga vào năm 1974 và có ảnh hưởng đến những nghệ sỹ khác như Steve Winwood, Dudley Moore hay Joe Zawinul. Ông còn biên soạn một số giáo án dạy nhạc cho các sinh viên học jazz piano. Trong một số tài liệu âm nhạc, Oscar Peterson được nhắc đến như một nghệ sỹ với phong cách biểu diễn "áp chế" người khác, hay nói cách khác là "bắt người ta đi theo phong cách của mình". Ô, anh em nghe cái album Night Train này tới cỡ 2 3 bài đầu là thấy liền ấy mà :D

Và trở lại với Night Train, chúng ta dễ dàng thấy được vì sao album này được xem là một trong những tác phẩm để đời của Oscar Peterson. Night Train có thể được đặt vào tất cả những bộ sưu tập nhạc khác nhau của bạn, dù bạn là người yêu nhạc jazz hay luôn nhìn nó bằng "nửa con mắt". Mười một tác phẩm trong album nói chung có thời lượng khá ngắn cho mỗi bài, kéo dài chỉ từ năm phút rưỡi hoặc hơn một chút mà thôi. Vì thế nếu bạn tưởng tượng rằng jazz là kiểu nhạc kéo dài lê thê và "tự sướng" thì Night Train sẽ ngược lại hoàn toàn.

Oscar Peterson mất năm 2007 nhưng âm nhạc của ông sẽ tồn tại mãi mãi về sau. Nếu bạn muốn biết bàn tay của một thiên tài có thể làm được những gì trên phím đàn piano, Night Train sẽ là câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm. Hãy nghe thử Night Train và chia sẻ những cảm nhận của riêng mình nhé.
 


https://tinhte.vn/threads/cung-nghe-nghi-le-thuong-thuc-album-night-train-cua-oscar-peterson.2843196/