Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

ALO MIỄN PHÍ BẰNG... FACEBOOK

Ứng dụng Facebook Messenger trên iOS vừa được sở hữu thêm tính năng gọi điện thoại miễn phí giúp những người sử dụng mạng xã hội này có thể gọi điện cho nhau mà không mất tiền.

Giờ đây với ứng dụng Facebook bạn có thể gọi điện thoại miễn phí cho bạn bè. Điều duy nhất bạn cần là sở hữu một chiếc iPhone và phần mềm Facebook Messenger. Tất nhiên tất cả những người dùng trong mạng xã hội này đều có thể gọi cho nhau thông qua kết nối 3G hoặc Wi-Fi. Tính năng này của Facebook giống với rất nhiều ứng dụng cho phép gọi điện thoại miễn phí khác trên di động.

Cập nhật này bắt đầu được triển khai vào hôm qua với người dùng ở Mỹ. Tuy nhiên nếu mọi chuyện "xuôi chèo mát mái", chắc hẳn Facebook sẽ để cho toàn bộ người dùng trên thế giới được sử dụng chức năng này dễ dàng trong thời gian sớm nhất. Người dùng không cần phải nâng cấp phần mềm của mình trên App Store vẫn có thể sử dụng được ứng dụng.

Thao tác gọi và nhận cuộc gọi trên Facebook Messenger.

Những cuộc gọi này có thể được thực hiện bằng cách nhấn vào chữ “i” ở góc trên bên phải cửa sổ chat sau đó chọn “Free Call” ở trong cửa sổ mới để có thể thực hiện cuộc gọi cho bạn bè. Tất nhiên người nghe cũng phải sử dụng ứng dụng Facebook Messenger và phải truy cập ứng dụng này thì mới có thể nghe điện thoại. Còn nếu không biểu tượng Free Call sẽ dần biến mất.
Tính năng này sẽ được tự động xuất hiện mà không cần người dùng phải cập nhật ứng dụng Facebook Messenger.

Giao diện cuộc gọi giống với các cuộc gọi đơn thuần trên iPhone. Với cập nhật này, mạng xã hội Facebook ngày càng phát triển hơn và mang tính chất toàn cầu hơn, người dùng có thể gọi cho nhau dù đang ở bất kì nơi đâu trên thế giới, thứ duy nhất họ cần là ứng dụng Facebook Messenger và mạng kết nối. Với những gì Facebook đang làm hiện tại liệu tại có lẽ họ nên mua lại slogan “connecting people” của Nokia vì Facebook đang làm quá tốt những gì họ cần làm.
Theo kenh14.vn
http://xahoithongtin.com.vn/20130117043422984p0c206/alo-mien-phi-bang-facebook.htm 

WEB HAY

Web hay

Gmua.vn: Tân binh gia nhập thị trường mua hàng theo nhóm

Gmua.vn: Tân binh gia nhập thị trường mua hàng theo nhóm

XHTTOnline: Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ và cập nhật về hoạt động của các website mua hàng theo nhóm ở Việt Nam song theo Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2011 thì trên trang dealcuatui.com đã tổng hợp số liệu từ 15 websites mua hàng...
 

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Tìm hiểu về thông số tiêu thụ điện TDP và SDP trong các chip xử lý Intel

intel (2).jpg

Như các bạn đã biết, tại triển lãm CES 2013 vừa qua thì Intel cũng đã giới thiệu ra thị trường một dòng CPU Ivy Bridge mới thuộc Y-series dành cho các máy tính siêu di động, mà theo họ có mức tiêu thụ điện chỉ 7W. Nhưng thực ra, con số 7W nêu trên chỉ là SDP, tức là mức tiêu hao điện trung bình của con chip, chứ không phải TDP, mức hao điện tối đa của chúng. Bài viết này sẽ giải thích về 2 khái niệm này, và cách mà Intel cũng như các hãng sản xuất máy tính áp dụng chúng.

Để hiểu đầy đủ những gì đang xảy ra ở đây, bạn cần phải hiểu TDP. Đối với Intel, một con chip khi được gán 1 mức TDP nào đó, ví dụ với Core i7-3517U (Ivy Bridge) là 17W không có nghĩa là nó luôn luôn tiêu thụ điện ở mức 17W, mà con số này sẽ xê xích tùy theo lượng công việc mà nó xử lý, và 17W là thông số khuyến cáo mà Intel đưa ra nhằm giúp các OEM biết được con chip này khi hoạt động sẽ sinh ra lượng nhiệt năng T bao nhiêu, để họ biết mà thiết kế phương án tản nhiệt phù hợp cho nó. Thế này nhé, ví dụ khi xử lý một tác vụ nặng như nén file zip/rar, chỉnh sửa video, render hình ảnh... chúng ta sẽ có 2 mức TDP, được gọi là PL1 và PL2. Trong đó:

- PL2 là mức năng lượng mà CPU được phép sử dụng để thực hiện tác vụ đó với ở mức tiết kiệm nhất, giả sử PL2 = 14W (thấp hơn TDP chuẩn 3W).
- PL1 là mức năng lượng mà CPU sẽ sử dụng để thực hiện công việc đó với thời gian ngắn nhất, giả sử PL1 = 17W.
Như vậy, Intel sẽ tính toán để đưa ra con số tiêu thụ điện dựa trên PL1 là 17W, từ đây chúng ta có thông số TDP.

Trên thực tế, Intel đã thử nghiệm cho chip ULV 17W (ví dụ i7-3517U) chạy ở 3 mức là 14W, 17W và 20W, tuy nhiên họ chỉ chọn 17W làm TDP vì đây là con số trung bình mà họ tính toán được rằng con chip sẽ tiêu tốn, trong suốt quá trình làm việc. Với việc một con chip có thể chạy ở nhiều mức tiêu thụ điện khác nhau, chúng ta có thể thấy trên thực tế, có 2 máy tính cùng sử dụng 1 chip 17W đó, nhưng lại tỏa nhiệt khác nhau, và tiêu tốn điện khác nhau cũng là vì hãng OEM đó cho nó chạy ở TDP nào mà ra.

Đây là chiêu bài marketing mà Intel đã dùng khi giới thiệu chip Ivy Bridge Y-series, với SDP chỉ 7W. Thực ra Y-series là một dòng chip Ivy Bridge ULV bị hạ xung nhịp xuống để đạt TDP cực thấp, từ 17W chỉ 13W mà thôi. Thực tế thì Intel cũng đã thử cho nó chạy ở 2 mức PL1 thấp hơn nữa là 10W và 7W, sau đó họ chọn 7W (con số thấp nhất) để làm SDP khi marketing.

Intel cho biết họ chỉ dùng thông số SDP cho các chip Y-series trong hiện tại và tương lai. Các chip U-series, M-series và CPU để bàn đều sử dụng thông số TDP cũ. Những máy tính sử dụng các chip Y-series sẽ cho thời gian sử dụng pin lâu hơn, chạy mát hơn, nhưng đồng thời cũng chậm đi đôi chút khi CPU bị giới hạn tốc độ thông qua việc giảm TDP. Điều này cũng còn tùy thuộc ở việc hãng OEM sẽ buộc con chip (ví dụ i5-3339Y) chỉ chạy ở SDP 7W hoặc được phép sử dụng TDP tối đa là 13W. Dĩ nhiên là với 2 máy tính cùng dùng chip Core i5-3339Y thì máy nào có chip chạy ở TDP = 13W sẽ nhanh hơn máy chạy ở SDP 7W trong cùng 1 tác vụ.

Như vậy, Ivy Bridge Y-series sẽ là dòng chip mà Intel nhắm đến phân khúc máy tính siêu di động và máy tính bảng cần hiệu suất ổn định nhưng vẫn đảm bảo thời lượng pin lâu trong lúc chờ Haswell xuất hiện trên các sản phẩm trong khoảng giữa năm nay.

[IMG]
Các CPU Ivy Bridge Y-series có TDP 13W,
nhưng Intel dùng thông số SDP 7W khi quảng cáo.

http://www.tinhte.vn/threads/1823229/

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

CHỈNH THÔNG SỐ TRONG MÁY THẾ NÀO CHO HỢP LÝ – KHI CHỤP RA FILE JPEG

Vấn đề của JPEG là ở chỗ nó cho ra ngay kết quả cuối cùng nhưng lại thuộc loại lãng phí thông tin.Ví dụ, ở một máy ảnh 12mp camera, thì dữ liệu ngay sau khi ra khỏi cảm quang là tới 18MB. Máy ảnh thường là quăng đi 2/3 số dữ liệu này, khi tạo ra file JPEG.Mà nói một cách tệ hơn là có tới 54MB dữ liệu (trước giải thuật Bayer), và hình ảnh cuối cùng chỉ còn 10% số đó.Lãng phí thì vẫn là lãng phí, và câu hỏi ở đây là vậy ta đã bị tiêu tán uống phí mất dữ liệu nào?
Chỉnh thông số trong máy thế nào cho hợp lý – khi chụp ra file JPEG

 Nhiều năm rồi tôi cứ gàn với JPEG.Chẳng phải là tôi ghét bỏ gì JPEG và nếu bạn muốn có ảnh một cách tiện lợi (thay vì ảnh đẹp nhất có thể) thì chụp JPEG chẳng có gì sai trái.Thi thoảng tôi cũng chụp JPEG.

Vấn đề của JPEG là ở chỗ nó cho ra ngay kết quả cuối cùng nhưng lại thuộc loại lãng phí thông tin.Ví dụ, ở một máy ảnh 12mp camera, thì dữ liệu ngay sau khi ra khỏi cảm quang là tới 18MB. Máy ảnh thường là quăng đi 2/3 số dữ liệu này, khi tạo ra file JPEG.Mà nói một cách tệ hơn là có tới 54MB dữ liệu (trước giải thuật Bayer), và hình ảnh cuối cùng chỉ còn 10% số đó.Lãng phí thì vẫn là lãng phí, và câu hỏi ở đây là vậy ta đã bị tiêu tán uống phí mất dữ liệu nào?

Mất dữ liệu gì phụ thuộc vào các thiết lập trong máy, và phụ thuộc vào việc chụp có đúng sáng không (chụp đúng sáng sẽ nói ở bài khác).
Tôi thuộc típ luôn cho rằng cho thêm vào bao giờ cũng dễ hơn là nhặt ra. Bởi vậy, nếu bạn muốn chỉnh sửa hậu kỳ thì nên nhớ hai điều: (1) chụp đúng sáng (2) đừng chỉnh quá nhiều các thông số để trệch xa khỏi dữ liệu trung tính (neutral) - điều này có nghĩa là gì?

Cân bằng trắng là một ví dụ dễ hiểu để giải thích vấn đề này. Nói một cách đơn giản, cân bằng trắng ở file JPEG được tạo bởi việc xoay chuyển các kênh đỏ và xanh dương quanh màu xanh lá cây. Khi ánh sáng “đỏ” (ấm) quá thì chúng ta đẩy phần xanh dương và phần ít đỏ lên để bù lại. Khi ánh sáng “xanh” (lạnh) thì ta đẩy phần đỏ và phần ít xanh lên để cân bằng. Nếu chỉnh chính xác thì ta sẽ có gia giảm đúng của các kênh nói trên. Nếu ta chỉnh sai cân bằng trắng thì một kênh trong số này sẽ bị cao quá, và kênh còn lại bị thấp quá. Chỉnh lại hậu kỳ cân bằng trắng là một động tác khá khó, một phần là vì chúng ta chỉ có 8 bit mà thôi, trong khi đẩy các kênh này thường tạo ra nhiễu và bệt từng cục ở kênh mà chúng ta đẩy lên. (Bệt từng cục là sao?Chúng ta có rất ít dữ liệu ở vùng tối của mỗi kênh.Chẳng hề có nhiều thông tin ở vùng tối 8-bit.Và do vậy nếu cứ cố đẩy lên thì trông chúng có vẻ không đúng. Ví dụ ta chỉ ghi được thông tin bằng 2bit ở vùng tối (tương đương  4 bậc giá trị) sau đó chúng ta muốn đẩy lên cho sáng hơn và hi vọng rõ nét / tương phản và đủ chi tiết – chúng ta làm sao có được: 4 bậc giá trị đó đâu thể cung cấp chi tiết được và vì vậy nó chỉ là những khu vực sáng hơn mà thôi.)

Nếu bạn sử dụng cân bằng trắng tự động (là ngầm định của gần như mọi chiếc máy ảnh số), bạn thường có kết quả khá chính xác khi chụp ngoại cảnh, giữa ngày và có nắng, và những hoàn cảnh càng khác vị trí chuẩn này (ngoại cảnh, giữa ngày, nắng) thì kết quả càng lệch chuẩn.Với những chiếc máy ảnh số tôi đã thử nghiệm từ nhiều năm nay, khoảng dao động của cân bằng trắng thường là từ 4100K tới 5600K (ngoại cảnh ban ngày trước giờ thường được cho là 5400K bởi đó là chuẩn của Hoa kỳ từ năm những năm 1920, nhưng nó sẽ khác đôi chút tùy vào vĩ độ, cao độ và thời điểm trong năm). Càng đi trệch khỏi điểm này thì có nghĩa là máy ảnh càng kéo các kênh đỏ và xanh dương theo chiều ngược nhau. Do đó, nguyên tắc cơ bản cho những ai chụp lấy hình JPEG là học cách điều chỉnh cân bằng trắng sao cho hình ảnh không bị quá ấm hoặc quá lạnh (trừ khi là bạn thực sự muốn vậy, và sẽ là một câu truyện khác).

Các hãng máy ảnh có cài sẵn một số ngầm định có tác động lên file JPEGs. Có thể lưu ý tới các yếu tố sau: màu, bão hòa, tương phản, giảm nhiễu và làm nét.Nhưng chẳng có cái máy ảnh nào có ngầm định giống khẩu vị của tôi cả, vậy nên hãy cùng nghiên cứu từng yếu tố một:
Màu (Color): màu cũng giống như là cân bằng trắng vậy, nhưng nhiều sắc thái hơn. Với ngôn ngữ của Nikon thì chúng ta dùng "Picture Controls" để điều khiển màu cơ bản. Ngầm định Standard của Nikon thực ra đãlàm chuyển dịch màu (color shift) một chút rồi, vì vậy nếu bạn không muốn can thiệp dịch màu của máy, thì hãy để chế độ Neutral. Rất nhiều sự phàn nàn (hay khen ngợi) về việc máy ảnh xử lý tông màu da hay những màu thường gặp như bầu trời, cỏ chính là sự chuyển dịch màu này.Phim cũng không hề trung tính, còn lâu mới trung tính.Phim dương bản thường quá bão hòa,phim Velvia thì màu xanh dương thường bị thiên lệ qua đỏ magenta. Kodachrome cũng rất tai tiếng về thiên lệch màu. Bản thân phim thường không bị quá lệch màu, nhưng đôi khi máy in ảnh nhanh hàng loạt lại thường đẩy bão hòa màu lên quá hoặc làm lệch màu. Vì một số lý do nào đó, những người phương Tây thường thích màu da ấm (có lẽ phải phơi nắng khá lâu). Màu Fujifilm kinh điển mà nhiều người thích, đó là chuyển sắc kép:tông đỏ nhích sang vàng và tông xanh lá cũng nhích sang vàng luôn (màu vàng yellow là màu nằm giữa đỏ và xanh lá). Vì tôi là nhiếp ảnh gia phong cảnh nên vấn đề tôi gặp phải là ở chỗ tông xanh dương bị dịch qua xanh lá, làm chobầu trởi hơi ngả xanh cyan (trái với màu da trời Velvia, đi theo hướng ngược lại). Bởi vậy nên lưu ý các tùy chọn chuyển dịch mầu căn bản khi chụp JPEG.Và xin nhắc lại, sử dụng thuật ngữ của Nikon EXPEED thì chúng ta có Standard, Landscape, Vivid, Portrait, and Neutral (Chuẩn, Phong cảnh, Rực rỡ, Chân dung, Trung tính) mà tất cả các chế độ này đều có sự chuyển sắc khi nhẹ nhàng, khi cực đoan ở một số màu nhất định.Phong cảnh dĩ nhiên là tốt để chụp phong cảnh, nhưng chưa hẳn đã hay nếu có người trong đó.Hãy thử nghiệm và tìm ra đâu là lựa chọn ưa thích của bạn trong các tình huống cụ thể.Các máy ảnh khác có thể sử dụng thuật ngữ khác, nhưng ý tưởng thì cũng tương tự. Chiếc Olympus Pen thì có i-Enhance, Vivid, Natural, Muted, and Portrait, ví dụ vậy (cộng với Pop Art and tùy chỉnh).Bạn cần phải biết các tùy chọn này cho kết quả thế nào và đâu là lựa chọn phù hợp cho mình ở những cảnh mà bạn hay chụp.
 Bão hòa màu (Saturation):Cẩn trọng yếu tố này khi chụp JPEG.Đúng là chúng ta thường thích màu thật no, nhưng quá bão hòa có nghĩa là sẽ rất khó khăn nếu phải chỉnh lại ở hậu kỳ.Vẫn cứ phải nói đi nói lại, đó là tăng bão hòa sau chụp thì dễ hơn nhiều so với giảm nó đi.Ngoài ra, khi tăng bão hòa tổng thể thì màu nào cũng bị dính.Hầu hết chúng ta đều không muốn bão hòa, mà là rực rỡ (có nghĩa là sự phân biệt màu), và thường là phải làm hậu kỳ thì mới tốt.
Tương phản(Contrast): Tương phản cũng là một thứ mà cho vào thì dễ còn lấy ra thì khó. Dĩ nhiên hình trông lờ đờ lỳ lỳ không thể nổi bằng hình có độ tương phải cao, nhưng nếu bạn chỉnh quá contrast ngay trong máy và cần làm hậu kỳ lại, thì bạn sẽ mất một lô dữ liệu cùng với file. Tuy nhiên nếu chỉnh contrast thấp thì việc cho thêm vào không làm giảm chất lượng hình và lại có thể tăng giảm một cách chọn lọc (chỉ riếng vùng tối / hoặc vùng sáng / hoặc vùng giữa …).
Giảm nhiễu và làm nét (Noise reduction, sharpening): Chúng ta tất thảy đều ghét phải chỉnh sửa hình. Ghét đến mức mà chỉ muốn chỉnh trong máy ảnh thôi và hi vọng ra hình chuẩn nhất.Nhưng hãy nên cảnh giác với 2 thứ này, nhất là khi chúng lại tương tác với nhau. Nếu bạn chỉnh quá mức về giảm nhiễu và tăng nét thì kết quả sẽ là hình ảnh đẹp mịn màng như … sáp, trông nó chẳng thật chút nào, cứ như là vẽ chứ không phải chụp. Với cặp thiết lập này, bạn cần thử nghiệm tùy theo từng mức ISO.Thiết lập tốt cho ISO 100 sẽ không tốt ở ISO 400.Thiết lập phù hợp cho ISO 400 lại không hay ở ISO 1600… nói cahcs khác, bạn cần thường xuyên thay đổi thiết lập này ứng với mỗi ISO.
Vậy làm thế nào để có được 1 nhóm các tùy chỉnh cho chụp JPEG mà bạn thích?

1. Bỏ bớt tham số: Chụp thử nghiệm ở ISO thấp nhất, tắt làm nét, chụp đủ sáng và đúng WB. Chụp vào ban ngày trời nắng là cách để WB gần đúng nhất. Bởi chúng ta muốn rang WB không làm dịch chuyển màu trong phép thử này
2. Tìm vị trí trung tính: Với máy Nikon là Neutral và chỉnh Contrast về 0 (ở cảnh ít tương phản) hoặc -1 (cảnh tương phản cao). Máy ảnh khác có lẽ các bạn phải đọc kỹ sách hướng dẫn hoặc đánh giá để tìm vị trí trung tính, nhưng những thuật ngữ như Natural cũng có thể gợi ý tương tự. Sau đó, hãy thử chụp ở các chủ đề mà bạn thường chụp: người, phong cảnh, hoa ….
3. Đánh giá kết quả chụp từ chế độ trung tính, trên màn hình đã cân chỉnh đúng màu. Trông chúng sẽ hơi bẹt và không sống động. Cũng không sao. Bởi cái chúng ta muốn bắt được là càng trung thực càng tốt, trước khi đẩy thêm màu và tương phản.
4. Từ từ, thêm từng gia vị cho vừa đủ. Ví dụ tương phản mà bị quá lố, thì đơn giản là điều chỉnh contrast lên xuống cho tới khi vừa cho mình. Khi bạn đã có được độ tương phản ưng ý, hãy thử tăng dần bão hòa và chuyển sắc cũng theo cách như vậy, để có được “vẻ ngoài” bạn thích.
5. Căn chỉnh giảm nhiễu và làm nét. Đẩy ISO tới mức tối đa trong khoảng bạn hay dùng. Chụp lại các cảnh hay chụp với thiết lập ở bước 4 (có lẽ cần phải chụp trong nhà / với ánh sáng thuận lợi đã biết) và chỉnh các thiết lập giảm nhiễu khác nhau. Kiểm tra file thật kỹ để tìm nhiễu (hi vọng chỉ là nhiễu sáng). Khi tới điểm ưng ý, bắt đầu đẩy làm nét lên cho tới khi đạt mong muốn. Ở một số máy, có thể bạn phải chỉnh đồng thời giảm nhiễu và tăng nét cùng lúc. May là với máy Nikon thì không cần phải vậy. Cái bạn không muốn đó là đẩy cả 2 cái lên cao tới mức tất cả các cạnh viền đều có cảm giác như sáp. Thà có một chút nhiễu mà các đường cạnh viền sắc nét còn hơn.
Và tới lúc này thì bạn đã có “thiết lập chuẩn” JPEG cho mình, không phải thiết lập mà các nhà sản xuất nghĩ bạn sẽ thích.Chuẩn của bạn sẽ được hiểu là các thiết lập cơ bản cho hầu hết các cảnh chụp.Cũng sẽ có lúc này lúc khác bạn cần nhấn nhá một vài tùy chỉnh ra ngoài chuẩn của mình, nhưng bạn cần đi từ điểm chuẩn của bạn, chứ không phải từ một sự ngẫu nhiên nào đó.
Những ai chụp raw cũng sẽ thấy các bước nói trên khá tương tự như những tiến trình ta làm với file raw: trước tiên là phải đúng sáng, rồi tới cân bằng trắng (sau đó có khi lại cân chỉnh phơi sáng tiếp), rồi tới tương phản, tới màu, và cuối cùng là giảm nhiễu và làm nét.


Thom Hogan
http://yeunhiepanh.net/tin-tuc-56-1269-1/chup-ra-file-jpeg.htm 

[CƠ BẢN] TÌM HIỂU VỀ ĐỊNH DẠNG ẢNH RAW

Đối với tôi tùy chọn ảnh raw trong máy ảnh luôn là số 1. Rất nhiều người sử dụng máy ảnh chỉ sử dụng định dạng ảnh này. Những lợi ích mà dạng ảnh này đem lại nếu so ra sẽ hoàn toàn đánh bại những điểm hạn chế của nó, ví dụ như quá tốn bộ nhớ. Vậy thực sự định dạng này là gì? Liệu chúng ta có nên chuyển qua sử dụng luôn chuẩn này? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Định dạng ảnh raw là gì?

Vâng, khi tìm hiểu về một khái niệm nào đó thì việc đầu tiên chúng ta phải làm luôn là định nghĩa nó. Wikipedia ơi ảnh raw là gì vậy? Wikipedia - Raw Image Format

Tên gọi raw hay RAW không phải là một từ viết tắt. Raw thực ra chỉ đơn giản là từ tiếng Anh có nghĩa là "thô, sống, nguyên". Đây là dạng ảnh thô, nguyên bản chưa hề được xử lí bởi máy ảnh. (Bởi thường chúng ta thấy máy ảnh sẽ cho ra ảnh JPEG, đây là định dạng đã được máy ảnh xử lí). Có rất nhiều định dạng raw, mỗi loại camera (từ mỗi hãng) sử dụng một định dạng cụ thể của nó.



Hãng máy ảnh | Đuôi file raw tương ứngCanon | .crw .cr2 Nikon | .nef .nrw Sony | .arw .srf .sr2 Pentax | .ptx .pef Olympus | .orf Hasselblad | .3fr Leica | .raw .rwl .dng

Khi bạn thực hiện chụp một bức ảnh, hàng loạt công đoạn được thực hiện trong máy ảnh. Quá trình này xảy ra rất nhanh: Cảm biến ảnh được phơi sáng, khi đó mỗi pixel trên bề mặt cảm biến sẽ được các điện tích riêng biệt. Các điện tích sẽ được gán một con số ("số hóa") tương ứng với mức ánh sáng trên mỗi pixel nhận được. Những con số này chỉ cho biết mức ánh sáng nhưng không có thông tin về màu. Với định dạng raw, các con số này sẽ được ghi thẳng lên thẻ nhớ mà không qua bất cứ khâu xử lí nào.

Mặt khác, với dạng JPEG, bức ảnh sẽ trải qua thêm vài công đoạn trong máy. Dữ liệu (tức các con số nói trên) được chuyển tới bộ (chip) xử lí của máy ảnh, và trải qua một quá trình phức tạp được gọi là demosaic. Trong quá trình này, các pixel sẽ được định màu. Ảnh màu cho ra sau đó được chỉnh sửa qua thêm nhiều công đoạn nữa (cân bằng trắng, làm sắc nét, nén và sau cùng là được ghi lên thẻ).

[IMG] 1-2 [IMG] 2-3 [IMG] 3-4 [IMG]

1-2: Demosaic, White Balance
2-3: Tone Curves, Contrast, Color Saturation, Sharpening
3-4: Nén thành ảnh JPEG 8 bit

Source: www.cambridgeincolour.com

Bởi một ảnh raw không được chuyển đổi thành ảnh màu hay bị xử lí, nén theo bất cứ một cách nào nên nó thực sự là ảnh rất "raw": "mộc" nhất, "thô" nhất và "nguyên vẹn" nhất. Nhưng để những tấm ảnh raw này có thể sử dụng được, chúng còn phải trải qua tất cả các công đoạn lẽ ra đã được thực hiện trong máy ảnh. Các công đoạn này giờ phụ thuộc vào người sử dụng, với công cụ xử lí là các phần mềm chuyển đổi ảnh raw, ví dụ như Adobe Lightroom, Apple Aperture, iPhoto hay Photoshop Camera Raw, v.v….

Khi nào chúng ta nên chụp ảnh dạng raw?
Có rất nhiều lợi ích của việc chụp raw, từ việc chỉnh sửa những chi tiết khó mà thực hiện được với ảnh JPEG, tới khả năng dễ dàng thay đổi cân bằng trắng hay độ phơi sáng. Nói chung, xử lí hình ảnh trên máy vi tính thay vì để máy ảnh tự xử lí có nghĩa là chính người sử dụng sẽ là người quyết định số phận bức ảnh. Lúc đó, người dùng sẽ có thể tự quyết định theo ý thích và nhu cầu của mình. Ngoài ra, nếu so với xử lí trong máy ảnh, xử lí ảnh raw bằng tay trên máy vi tính còn có thể cho ra kết quả tốt hơn nhiều. Tại sao? Đó là bởi ở máy ảnh, thuật toán xử lí phải được tối ưu để kịp thời gian chụp tấm ảnh tiếp theo trong khi máy vi tính không có gì mà phải vội cả.

Thậm chí nếu bạn không muốn chuyển hẳn sang chế độ chụp raw, bạn vẫn nên xem xét việc chuyển đổi sang chế độ này trong những tình huống cụ thể như sau:

Khi bạn không chắc chắn về Cân bằng trắng

Bạn có thể gặp rất nhiều kiểu thời tiết và điều kiện ánh sáng phức tạp khi chụp ảnh. Những lúc này bạn rất nên chụp với tùy chỉnh ảnh raw.
Ví dụ, bạn có thể chụp trong bóng râm, khi mây tạm thời che mặt trời, hay thậm chí là các điều kiện ánh sáng hỗn hợp (ví dụ như ánh sáng mặt trời chiếu vào một phòng đang mở đèn dây tóc).
Với một file ảnh raw, bạn có thể dễ dàng thay đổi cân bằng trắng của bức ảnh sau đó. Mặc dù cơ chế cân bằng trắng tự động (Auto White Balance) trên hầu hết các máy ảnh hiện nay rất tiên tiến, vẫn rất nhiều trường hợp cơ chế này bị đánh lừa. Nếu bạn đã từng cố sửa một bức ảnh JPEG sai độ màu, bạn sẽ biết thực ra chỉnh sửa cân bằng trắng không phải là một vấn đề nhỏ. Với ảnh raw, bạn không cần phải lo về điều này.

[IMG]
Lấy ví dụ ở tấm ảnh này. Bởi vì người đàn ông đang đứng trong bóng tối, Auto White Balance của máy ảnh không thể xác định chính xác được thông tin về cân bằng trắng, và kết quả là hình ảnh có phần ngả về gam màu "lạnh". Nhưng với một bức ảnh dạng raw, ta có thể sửa cân bằng trắng rất đơn giản bằng cách chỉnh thanh trượt cân bằng trắng để làm ấm lại hình ảnh mà không làm hỏng các chi tiết khác.


Trong điều kiện có vùng highlight quá sáng hoặc do lỗi chụp tạo nên ảnh quá sáng/tối

[IMG]

Tốt nhất nên luôn chụp raw nếu bạn đang chụp ảnh trong tình huống khó kiểm soát độ phơi sáng của vùng highlight. Trong một bức ảnh raw, bạn có thể khôi phục lại các chi tiết ở vùng highlight bị quá sáng (overexposed) và "cứu chữa" những tấm ảnh dường như đã bỏ đi. Ngoài ra, ảnh do vô tình chụp quá sáng/tối cũng có thể dễ dàng được sửa và khôi phục chi tiết.

Chụp raw sẽ rất hữu ích khi chụp trong điều kiện ánh sáng mặt trời mạnh, chụp chủ thể có bề mặt phản quang, chụp trong điều kiện có Dynamic Range rộng (dải từ sáng tới tối), khi da nhiều mồ hôi taoj phản quang mạnh có thể dẫn đến ảnh bị overexposed.

Khi bạn có đã quyết định sẽ hậu kì kĩ lưỡng


Ảnh dạng raw cho phép chỉnh sửa sâu hơn nhiều các tập tin JPEG. Máy ảnh có thể chụp ảnh có 12 - 14 bit dữ liệu trên mỗi pixel, nhưng một tập tin JPEG chỉ có thể chứa 8 bit. Điều này có nghĩa là, khi chụp ở chế độ JPEG, máy ảnh của bạn sẽ bỏ đi một lượng dữ liệu khá lớn của ảnh chụp được. Thông thường thì lượng dữ liệu mất đi này không quan trọng, và bạn vẫn có được một bức ảnh đầy đủ tông màu, sắc độ. Nhưng nếu bạn quyết định sẽ chỉnh sửa nhiều trên các bức ảnh này hay bạn sẽ tinh chỉnh màu sắc và độ tương phản của ảnh lên tới mức tối đa, lượng dữ liệu bị loại bỏ trên có để có ý nghĩa rất lớn. Một bức ảnh "nghèo dữ liệu" chắc chắn sẽ không thể chỉnh sửa nhiều bằng một file raw. Khi chỉnh sửa nhiều trên file JPEG bạn sẽ nhận thấy các yếu tố màu, tương phản v.v… trên ảnh sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Nếu đã nắm được điều này, và nếu không có cách nào bạn chụp được ảnh như ý muốn và sẽ phải chỉnh sửa, bạn nên chuyển sang chụp raw ở những lúc này. Những trường hợp có thể là môi trường tạo nên điều kiện khó chụp như dải Dynamic Range quá rộng hay trường hợp màu sắc cần phải chỉnh sửa nhiều.

Khi bạn cần phóng lớn hình ảnh

Như đã nói trên, thuật toán nén JPEG đánh mất nhiều dữ liệu trong ảnh. Điều này có nghĩa là, khi một bức ảnh chụp ra được nén theo chuẩn JPEG, một phần dữ liệu sẽ bị loại bỏ và lúc đó bức ảnh sẽ vĩnh viễn bị giảm chất lượng. Nếu nén JPEG quá nhiều thì độ giảm chất lượng sẽ hiện ra rất rõ rệt. Như vậy, nếu bạn muốn phóng lớn hình ảnh, JPEG không phải là một lựa chọn tốt. Nhưng nếu bạn chọn raw, bạn sẽ không phải lo về chất lượng hình ảnh khi phóng lớn. Ảnh dạng raw không hề bị nén theo bất kì kiểu nào.
Khi nào đừng chụp raw?

Hãy nhớ rằng ảnh raw không phải là phép màu giúp cho ảnh bạn chụp ra lập tức đẹp long lanh như những tác phẩm của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Ảnh raw sẽ không hề sắc nét hơn, chi tiết hơn hay màu đẹp hơn ảnh JPEG. Thực ra, raw thậm chí còn có thể có vẻ ít nét và nhạt màu hơn cả ảnh JPEG trong trình duyệt ảnh. Thêm vào đó, ảnh raw sẽ nặng hơn ảnh JPEG rất nhiều, có nghĩa là ảnh raw sẽ chiếm nhiều chỗ hơn nhiều dẫn tới máy ảnh sẽ tốn thêm thời gian để ghi ảnh ra thẻ.

Khi bạn đã xác định nhu cầu của mình thì hãy sử dụng ảnh raw. Rất nhiều khi bạn sẽ ngại tốn thời gian chỉnh sửa file raw, đặc biệt khi chụp sự kiện cần nhiều ảnh. Ảnh raw cũng chỉ có thể chụp được ở tùy chọn độ phân giải cao nhất của máy (tuy nhiên cũng có 1 số định dạng lựa chọn được với độ phân giải thấp hơn là sRAW và mRAW).

Như vậy, đối với các nhiếp ảnh gia, ảnh raw là công cụ đắc lực nhất. Nó đem lại toàn quyền quản lí bức ảnh. Đổi lại, raw sẽ ảnh hưởng tới tốc độ làm việc (kể cả khi chụp và khi hậu kì), dung lượng lưu trữ.

Tại sao không thử?

Ngày trước việc xử lí ảnh raw rất tốn công. Nhưng sau này, khi chúng ta đã có những công cụ mạnh mẽ như Apple iPhoto, Aperture, Adobe Lightroom, Photoshop Camera Raw (Element và CS) hỗ trợ rất nhiều trong quá trình làm việc với ảnh raw. Vậy tại sao chúng ta không thử một lần nhỉ?


Ví dụ về ảnh raw trước và sau xử lí từ www.erinvey.com:

Trái: RAW | Phải: RAW được chỉnh Contrast, Blacks và Exposure
[IMG]

Trái: RAW | Phải: RAW được chỉnh Contrast, Blacks và Exposure
[IMG]

RAW
[IMG]

RAW được chỉnh sửa và thêm hiệu ứng Dreamy
[IMG]

RAW
[IMG]

RAW được chỉnh Contrast và mịn da
[IMG]




Biên tập từ MacWorld
Hình ảnh từ Erinvey.com 

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

CÁCH VÔ HIỆU HÓA JAVA ĐANG GÂY LỖI NGUY HIỂM CHO MÁY TÍNH

Các chuyên gia bảo mật mới đây vừa lên tiếng cảnh báo người dùng nên tắt Java trên trình duyệt của họ để bảo vệ máy tính, bởi Java đang gặp lỗ hổng bảo mật rất lớn và hacker đang lợi dụng các lổ hổng này để tấn công người dùng. Đi tiên phong trong việc này là Apple và Mozilla.
Cách vô hiệu hóa Java đang gây lỗi nguy hiểm cho máy tính
"Táo khuyết" đã vô hiệu hóa plugin Java 7 trên OS X; còn Mozilla đưa các add-on Java 7 Update 9, Java 7 Update 10, Java 6 Update 37, and Java 6 Update 38 vào "danh sách đen" không cho tải về. Bởi thế, người dùng cần vô hiệu hóa Java trên trình duyệt của mình để tránh các nguy cơ bị tấn công trong khi chờ đợi 1 phiên bản cập nhật Java có thể vá các lỗ hổng bảo mật.

Chrome

Cách vô hiệu hóa Java đang gây lỗi nguy hiểm cho máy tính
Với người dùng Chrome, bạn cần truy cập vào địa chỉ "chrome://plugins". Tại cửa sổ giao diện, bạn tìm đến các mục có từ "Java" và click vào nút "Disable" (vô hiệu hóa). Sau đó bạn khởi động lại trình duyệt để các thay đổi có hiệu lực.

Safari

Với người dùng Safari, bạn chọn "Safari" sau đó chọn tới trang "Preferences" trên thanh tác vụ, chọn thẻ Security, bỏ chọn ở box cạnh hộp “Enable Java” để vô hiệu hóa Java. Như đã nói trên thì Apple đã không còn hỗ trợ Java trên OS X và 1 phiên bản update hồi tháng 10 năm ngoái đã gỡ phần mềm Java ra khỏi các máy Mac chạy hệ điều hành OS X Lion và Mountain Lion.

Internet Explorer 8, 9, và 10

Cách vô hiệu hóa Java đang gây lỗi nguy hiểm cho máy tính
Bạn tìm đến menu "Tools", chọn thẻ "Manage Add-ons", ở mục "Show" bên trái cửa sổ bạn chọn "All Add-ons" ở menu xổ xuống. Lúc này tất cả các plugin trên trình duyệt sẽ hiện ra. Bạn click vào nút Disable với plugin có tên "Java Plug-in ...số phiên bản". Bạn cũng nên vô hiệu hóa các plugin khác có tên bắt đầu bằng Java.

Firefox

Bạn vào menu "Tools", chọn "Add-ons", chọn mục "Plug-ins" bên tay trái cửa sổ hiện ra, sau đó cũng click nút "Disable" vào các mục có tên "Java (TM) Platform..." và khởi động lại trình duyệt.
Một lựa chọn nữa là người dùng có thể gỡ bỏ hoàn toàn Java ra khỏi máy, tuy nhiên có lẽ điều này là không thực sự cần thiết thậm chí nó có thể ảnh hưởng tới quá trình sử dụng máy tính của bạn (1 số phần mềm sẽ cần tới Java). Tuy nhiên nếu bạn vẫn muốn gỡ Java ra khỏi máy, bạn có thể truy cập vào Control Panel, click vào mục Add/Remove Programs để truy cập vào trình gỡ bỏ các phần mềm trên máy (tùy vào từng phiên bản Windows mà cách truy cập vào trình gỡ phần mềm sẽ có đôi chút khác nhau), sau đó tiến hành xóa Java hoàn toàn khỏi máy tính của mình.
Cách vô hiệu hóa Java đang gây lỗi nguy hiểm cho máy tính
Theo ICTNews

http://www.quantrimang.com.vn/kienthuc/thu-thuat/92916_Cach-vo-hieu-hoa-Java-dang-gay-loi-nguy-hiem-cho-may-tinh.aspx 

CÁCH TẮT JAVA ĐỂ CẢI THIỆN BẢO MẬT

Tuần trước, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kì vừa khuyến cáo những người sử dụng Internet nên tắt Java trên trình duyệt của họ. Lý do được đưa ra là rất nhiều lỗ hổng ở công cụ này có thể khiến các hacker ăn trộm thông tin quan trọng. Ngay cả Oracle cũng đưa ra thông báo tương tự và hứa hẹn sẽ đưa ra một bản vá lỗi trong thời gian tới.
Theo đó dựa vào các lỗ hổng Java, các cá nhân có thể tiến hành các hoạt động gây nguy hại cho máy tính của bạn. Thậm chí các bộ công cụ (kit) có sẵn đang được bán online để bất cứ ai cũng có thể làm được việc này bằng cách cài các phần mềm độc hại ăn trộm thông tin. Mới đây, Mozilla cũng đã mặc định chặn plug-in Java trên trình duyệt Firefox phiên bản 18.0.
java
Cách đơn giản nhất để người dùng tự mình tắt Java trên máy tính là trên chính phần mềm này. Kể từ phiên bản Java 7u10, bạn có thể truy cập vào bảng Security ở dưới mục Settings và bỏ chọn ở mục "Enable Java content in the browser". Điều này sẽ ngay chặn bất cứ ứng dụng Java nào khởi chạy.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tắt Java trên các trình duyệt mình đang sử dụng.
Firefox
Nếu bạn đang sử dụng Firefox, hãy truy cập vào mục Tools, sau đó bấm vào Add-ons. Khi một hộp thoại hiện lên, chọn Plugins. Nếu đang sử dụng hệ điều hành Windows, hãy chọn Java Platform và bấm vào nút Disable. Nếu bạn đang dùng Mac OS X, bạn có thể bấm vào nút Disable để tắt Java Plug-in 2 for NPAPI Browsers hoặc Java Applet Plugin. Ngoài ra, bạn cũng nên vô hiệu hóa plugin có tên Java Development Toolkit.
Chrome
Hãy gõ vào thanh địa chỉ chrome://plugins/ để xem liệu Java có mặt trên trình duyệt của bạn hay không. Nếu có, bạn hãy bấm vào nút Disable ở dưới để tự động tắt toàn bộ plugin Java Java Development Toolkit.
Safari
Trên Safari, bạn chỉ cần làm một công việc duy nhất để vô hiệu hóa Java. Ở mục Preferences, truy cập vào bảng Security, bỏ chọn đối với Enable Java để làm điều đó.
Ngoài ra, Apple cũng đã mặc định gỡ bỏ Java khỏi hệ điều hành OS X Lion và Mountain Lion bằng một bản cập nhật phần mềm vào tháng 10.
Opera
Đối với Opera, bạn có thể buộc trình duyệt này hỏi ý kiến của bạn mỗi khi Java muốn khởi chạy ở mục Settings. Sau đó hãy chọn Preferences, Advanced và chọn Enable plug-ins only on demand­. Tuy nhiên, tùy chọn này sẽ khiến tất cả các plug-in, không chỉ riêng Java, hỏi bạn mỗi khi chúng muốn hoạt động. Điều này có thể gây khó chịu đối với một số người dùng.
Internet Explorer
Ở trình duyệt của Microsoft, các thao tác vô hiệu hóa Java hơi phức tạp một chút bởi liên quan đến việc chỉnh sửa registry. Bạn có thể tạo và chạy một file .reg như sau:
[HKEY_CLASSES_ROOT\JNLPFile]
@="JNLP File"
"EditFlags"=hex:00,00,00,00
Đoạn mã trên thay đổi chế độ an ninh của Internet Explorer để hỏi ý kiến bạn mỗi khi Java muốn hoạt động. Nếu bạn muốn tiếp tục vô hiệu hóa sâu hơn, hãy xóa file jp2iexp.dll  ở các thư mục sau:
C:\Program Files\Java\jdk{version}\jre\bin
C:\Program Files\Java\jre7\bin              
C:\Program Files\Oracle\JavaFX {version} Runtime\bin
Tiếp đó, ở các thư mục trên hãy xóa các file .dll có tên bắt đầu bằng npjpi. Ví dụ như npjpi170_06.dll.
Xóa bỏ toàn bộ Java trên máy tính
Lựa chọn an toàn nhất là xóa bỏ hoàn toàn chương trình Java trên máy tính của bạn. Người dùng Windows có thể vào Programs and Features hoặc Add/Remove Programs, tùy thuộc vào phiên bản hệ điều hành, để tiến hành xóa Java khỏi danh sách các ứng dụng đã được cài đặt.
Đối với người dùng Mac, bật Finder và tìm JavaAppletPlugin.plugin và xóa nó vào thùng rác. Bạn cần có đặc quyền quản lý (Administrator) để thực hiện.
Gia Cường