Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

CÁC ĐẦU PHÁT NỘI DUNG LẬU BỊ PHÁT HIỆN CHỨA ĐẦY MALWARE

Các nhà nghiên cứu bảo mật thuộc Digital Citizen Alliance (DCA) và Dark Wolfe Consulting đã phát hiện các đầu phát nội dung lậu trôi nổi trên thị trường hiện nay có khả năng chưa đầy malware. Và nếu chúng không tích hợp sẵn trong phần cứng thì cũng sẽ từ những phần mềm cho phép xem phim lậu.

Những đầu phát chính thống như Apple TV, Roku hay Amazon Fire Stick thường có mức giá tương đối cao cũng như các dịch vụ nội dung mà chúng cung cấp thường tính phí hằng tháng như Netflix, Hulu,... Chính vì vậy mà thị trường tràn ngập các đầu phát lậu với mức giá rất rẻ và cho phép người dùng có thể xem miễn phí những nội dung đáng lẽ phải trả phí.

Vấn đề ở chỗ các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một lượng lớn trong số những đầu phát lậu này ở thị trường Mỹ bị cài malware, nếu không trong phần cứng thì cũng phần mềm. Những malware này có thể giúp kẻ xấu kiểm soát camera hoặc microphone kết nối cùng mạng nội bộ với đầu phát chỉ trong 1 giờ đầu tiên. Và dĩ nhiên, mục tiêu của những kẻ xấu chính là tiếp cận thông tin tài khoản ngân hàng để đánh cắp tiền của bạn.

Thực tế cho thấy không có gì là miễn phí và những đầu phát lậu là cái bẫy để dụ dỗ người dùng từ đó đánh cắp tiền của họ. Những ứng dụng cung cấp nội dung miễn phí cũng chứa đầy mối nguy hiểm. Điển hình như các nhà nghiên cứu phát hiện ra một ứng dụng mang tên "Free Netflix" thực chất là sử dụng một mạng lưới những tài khoản ăn cắp của Netflix và xoay tua liên tục để người xem không nghi ngờ. Song song đó ứng dụng Free Netflix này âm thầm quét hệ thống mạng của người dùng và tìm kiếm các mục tiêu để tấn công. Thậm chí dạo quanh các diễn đàn dành cho hacker, những kẻ xấu công khai thảo luận cách để lợi dụng malware trên các đầu phát lậu.

Thông tin này là hồi chuông cảnh báo đối với những người bị cám dỗ bởi những đầu phát lậu giá rẻ và lời hứa được xem phim "miễn phí". Thực tế cho thấy phần lớn chúng chỉ là cái bẫy để đưa bạn vào tầm nhắm của những kẻ xấu mà thôi.

Theo Cnet ​

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

CHỈ CẦN 20 BƯỚC LÀ GIẢI ĐƯỢC BẤT KỲ KHỐI RUBIK NÀO, NHƯNG MẤT 36 NĂM NGHIÊN CỨU TA MỚI TÌM RA CON SỐ 20 "THẦN THÁNH"

Cha đẻ của khối rubik, ông Ernő Rubik phải mất một tháng để tự giải được thử thách mình tạo ra.

Năm 1974, ngoài việc Stephen Hawking dự đoán trước sự tồn tại của bức xạ Hawking, khoa học xác định được vị trí của hố đen siêu lớn Sagittarius A nằm giữa Dải Ngân hà, lần đầu tiên nước Mỹ sử dụng mã vạch để bán hàng, thì nhân loại còn chứng kiến một sự kiện đặc biệt khác:
Giáo sư kiến trúc và thiết kế người Hungary, ông Ernő Rubik phát minh ra thứ đồ chơi đi trước thời đại, một khối rubik.
Chỉ cần 20 bước là giải được bất kỳ khối rubik nào, nhưng mất 36 năm nghiên cứu ta mới tìm ra con số 20 thần thánh - Ảnh 1.

Nó là một khối lập phương, ghép lại từ 27 khối lập phương nhỏ hơn, diện tích 3x3x3 với mặt khối lập phương nhỏ mang màu khác nhau. Bạn có thể xoay khối rubik thế nào tùy thích, để đưa các khối lập phương nhỏ tới bất kỳ mặt nào. Cách chơi cũng đơn giản thôi: đối diện với một khối rubik ở trong trạng thái scrambled (tạm dịch là đảo lộn) , mỗi mặt có đủ thứ màu, bạn phải xoay khối lập phương sao cho mỗi mặt 3x3 của nó có cùng màu.
“Đơn giản” đến mức cha đẻ của nó, ông Ernő Rubik phải mất tới một tháng để giải được chính câu đố mình vừa phát minh ra.
Kể từ ngày đó, người chơi đã sinh ra rất nhiều cách giải và chiến thuật khác nhau để chơi thành công khối rubik. Những “cuber” (biệt danh của người chơi rubik) với những đầu ngón tay giải đố thành thạo có thể hoàn thành một khối rubik chỉ trong vài giây. Kỷ lục thế giới hiện tại là 3,47 giây.
Những cách đảo khối rubik mang bản chất biến hóa khôn lường, mỗi cách giải một khác đã làm các nhà toán học mê đắm. Khối rubik với mỗi lần xoay khác nhau lại ra những câu đố khác hợp với toán học vô cùng, như lá chanh với thịt gà vậy.
Chỉ cần 20 bước là giải được bất kỳ khối rubik nào, nhưng mất 36 năm nghiên cứu ta mới tìm ra con số 20 thần thánh - Ảnh 2.

Một khối rubik bình thường sẽ có các mặt 3x3 hiển thị một màu duy nhất, câu đố bắt đầu khi ta trộn các mặt lại với nhau, để tạo ra một khối màu sặc sỡ. Có tổng cộng 18 nước đi cơ bản, xoay một mặt ra phía trước, về phía sau, sang trái, sang phải rồi thuận chiều kim đồng hồ, ngược chiều kim đồng hồ hay xoay 180 độ. Có thể thấy quá trình giải khối rubik, dù ở bất kỳ trạng thái nào, đều là 18 bước trên được sắp xếp theo thứ tự khác nhau.
Câu hỏi triệu đô đặt ra cho cộng đồng các cuber đây: số nước đi nhỏ nhất để hóa giải một khối rubik là gì? Và một câu hỏi xa hơn, số nước đi nhỏ nhất để hóa giải MỌI cách sắp xếp khối rubik là bao nhiêu? Con số toàn năng này vẫn được những người chơi rubik gọi là God’s Number - con số Thần thánh.
Như Ernő Rubik đã chỉ ra trong một bài phỏng vấn với Business Insider, câu hỏi lớn này “liên quan chặt chẽ tới những vấn đề toán học xoay quanh khối rubik”.
Chỉ cần 20 bước là giải được bất kỳ khối rubik nào, nhưng mất 36 năm nghiên cứu ta mới tìm ra con số 20 thần thánh - Ảnh 3.

Cuối cùng toán học cũng tìm ra câu trả lời: đó là 20 nước đi. Nhưng phải mất 36 năm nghiên cứu, các nhà toán học và lập trình viên mới tìm ra được câu tra lời cuối cùng. Vào năm 2010, một nhóm các nhà toán học và nhà lập trình máy tính chứng minh rằng 20 chính là con số Thần thánh.
Tại sao mất nhiều năm thế? Bởi bản thân khối rubik quá phức tạp, phức tạp hơn bạn tưởng nhiều. Phân tích cho thấy số lượng câu đố ẩn trong khối lập phương sặc sỡ kia, số lượng cách sắp xếp trật tự của các mảng màu trên khối rubik, là 43.000.000.000.000.000.000 cách - 43 tỷ tỷ cách.
Những năm tiếp nối 1974, công nghệ chưa đủ hiện đại để tìm ra phương pháp giải cần ít nước đi nhất cho toàn bộ 43 tỷ tỷ câu đố. Chìa khóa quan trọng nhất trong chuyến hành trình đó là tìm ra được số nước nhỏ nhất để giải thành công một trạng thái đảo lộn bất kỳ. Có được con số đó, các nhà toán học sẽ lợi dụng được mối liên hệ giữa các trạng thái đảo lộn khác nhau.
Năm 1995, nhà toán học Michael Reid tìm ra được trạng thái đảo lộn có tên là “siêu lật - superflip”, ông chứng minh được rằng chỉ cần ít nhất 20 bước để giải được trạng thái superflip. Nhờ có ông Reid, ta đặt được giới hạn dưới cho con số Thần thánh. Câu hỏi còn lại là liệu có những trạng thái đảo lộn nào cần hơn 20 bước để giải không.
Chỉ cần 20 bước là giải được bất kỳ khối rubik nào, nhưng mất 36 năm nghiên cứu ta mới tìm ra con số 20 thần thánh - Ảnh 4.

Trong những thập kỷ tiếp theo, liên tục xuất hiện những giới hạn trên của số bước cần có để giải một khối rubik. Một trong những phân tích toán học đầu tiên về khối rubik, được thực hiện bởi Morwen Thistlethwaite, chứng minh được rằng: giải bất kỳ khối rubik nào cũng chỉ cần tối đa 52 bước.
Lập trình viên Tomas Rokicki dựng nên một bản phân tích tìm ra những cách giải ngắn nhất cho một khối rubik, dựa trên một trong những nghiên cứu toán học đầu tiên liên quan tới khối lập phương sặc sỡ kia, nghiên cứu của Herbert Kociemba. Nhà toán học đã chia quá trình giải khối rubik ra làm hai phần, dựa trên tổ hợp 19,5 tỷ khối rubik đã được giải một phần. Tất cả các trạng thái đảo lộn trong tổ hợp 19,5 tỷ kia đều có số bước giải khá ít.
Bước một sẽ là đưa khối rubik về một trong 19,5 tỷ trạng thái kia. Bước thứ hai mới là áp dụng cách giải.
Thuật toán của nhà toán học Kociemba vẫn là “xương sống” của rất nhiều hệ thống giải rubik tự động. Đây là một ví dụ:hững dự án giải rubik cũ đều cho thấy số bước thực hiện tối đa là 30, cho bất kỳ cách đảo lộn rubik nào. Trong số đó, việc giải chỉ cần tối đa 18 bước, việc đưa rubik vào trạng thái đặc biệt để giải thì mất 12 bước.
Anh Rokicki cải tiến phương pháp giải trên bằng cách gộp 19,5 tỷ tổ hợp kia thành một tổ hợp đặc biệt, rồi tìm cách giải một lúc toàn bộ 19,5 tỷ cách đảo lộn rubik đó. Vậy là tổng cộng, họ “chỉ” phải giải 2.217.093.120 tổ hợp mà mỗi tổ hợp, có “mỗi” 19.508.428.800 cách đảo khối rubik.
Thế nên chỉ cần giải 2,2 tỷ lần, chứ không cần thực hiện tất cả 43 tỷ tỷ cách đảo lộn. Phương pháp này vẫn cần một siêu máy tính cực mạnh, nhưng công nghệ cuối cùng cũng đã bắt kịp với nhu cầu giải toán của con người. Năm 2010, Rokicki và các đồng nghiệp đã sử dụng siêu máy tính của Google để tìm ra con số Thần thánh, ta có được kết quả 20.
Các nhà nghiên cứu mất hơn 3 thập kỷ, sử dụng cả toán học sâu xa lẫn siêu máy tính để giải được câu đố rubik; chẳng cuber “bình dân” nào tận tụy được như họ cả. Nhưng mỗi người lại có những điều kiện khác nhau để cho mình thú vui riêng mà. Có lẽ với “người thường” chúng ta, xoay tít mù khối rubik trên tay cũng đã là niềm vui rồi.

TỪ VỤ QUALCOMM, APPLE LỘ RÕ SỰ THỦ ĐOẠN VÀ YẾU ĐUỐI

Dùng đủ chiêu trò để làm giảm giá trị công nghệ của Qualcomm, cuối cùng Apple vẫn phải trả số tiền rất lớn để tiếp tục hợp tác.

Vụ kiện kéo dài 2 năm giữa Apple và Qualcomm bất ngờ đi đến hồi kết chỉ sau 1 ngày ở phiên xét xử mới nhất. Hai hãng đã đạt thỏa thuận đền bù “không được tiết lộ” và tiếp tục hợp tác với nhau trong tương lai.

Apple phải trả hàng tỷ USD để tiếp tục hợp tác
Mặc dù các điều khoản thỏa thuận không được tiết lộ, dựa trên thông báo về lợi nhuận của Qualcomm, công ty phân tích thị trường UBS ước tính Apple đã phải trả 5-6 tỷ USD cho Qualcomm. Bên cạnh đó, Quả táo còn đồng ý trả 8-9 USD bản quyền cho mỗi chiếc iPhone.

[​IMG]
Apple phải trả hàng tỷ USD cho Qualcomm để sớm mang công nghệ 5G lên iPhone. Ảnh: Bloomberg.
Theo nhà phân tích Timothy Arcuri của UBS, số tiền 5-6 tỷ USD có thể là tiền nợ bản quyền mà Apple phải thanh toán cho Qualcomm. Kể từ khi hai hãng vướng vào cuộc chiến pháp lý năm 2017, Apple đã ngừng trả tiền bản quyền. Hai công ty vẫn còn hợp tác trên các thiết bị trước năm 2018, đến giờ vẫn đang được bán.

Số tiền Apple phải trả trên mỗi chiếc iPhone cũng tăng lên so với mức 7,5 USD/máy mà hãng trả trước đây, theo tiết lộ của giám đốc vận hành Apple Jeff Williams tại tòa.

“Thỏa thuận này là một kết quả rất tốt cho Qualcomm, và rõ ràng là tốt hơn rất nhiều so với con số khoảng 5 USD/máy mà trước đây chúng tôi ước tính”, CNBC dẫn lời ông Arcuri.

Apple tìm mọi cách làm giảm giá trị của Qualcomm
Các tài liệu của phiên tòa vừa được tiết lộ cho thấy Apple đã cố gắng sử dụng các chiêu trò để khiến các công nghệ của Qualcomm kém phần quan trọng.

Theo Washington Post, luật sư của Apple nói với tòa rằng họ đã ký kết thành công nhiều thỏa thuận về bản quyền với các công ty khác như Huawei và Ericsson, và những bản quyền đó rẻ hơn nhưng giá trị gấp đôi các bản quyền của Qualcomm.

Lý lẽ của Apple bị bóc mẽ khi Qualcomm phát hiện ra Apple đã cố tình mua hàng đống bản quyền về với mục đích duy nhất là khiến bản quyền của Qualcomm mất giá trị, chứ không phải để sử dụng. Luật sư của Qualcomm cho rằng Apple muốn “tạo bằng chứng”.

Các tài liệu chuẩn bị cho phiên tòa của Apple cho thấy họ đã “lựa chọn cẩn thận” những bản quyền “đáng giá nhất”, nhằm “làm bằng chứng để so sánh trong vụ tranh chấp với các công ty khác”.

“Vậy là họ đã tới các công ty khác, thỏa thuận để mua bản quyền giá rẻ trong nhiều năm nhằm tạo bằng chứng, rồi đến đây và nói rằng các đối tác đó tốt hơn bởi họ bán nhiều bản quyền với giá rẻ, còn chúng tôi là những kẻ xấu”, luật sư Evan Chesler của Qualcomm cho biết.

“Mặc dù các công ty khi kiện nhau thường tìm cách để giành lợi thế, những tài liệu này cho thấy một sự thật khó chịu. Chúng tiết lộ rằng Apple đã sử dụng một lý lẽ sai trái trước cả những nhà hành pháp và tòa án và làm sai lệch giá trị và bản chất đích thực của các bản quyền Qualcomm sở hữu”, giáo sư luật Adam Mossoff tại đại học George Mason nhận xét.

[​IMG]
Apple đã sử dụng chip Qualcomm trên iPhone từ thế hệ đầu tiên, nhưng bắt đầu chuyển sang dùng chip Intel từ năm 2017. Ảnh: Bloomberg.
Tài liệu cũng cho thấy Apple đã có ý định kiện Qualcomm từ 2014, nhưng họ đã chờ tới cuối năm 2016, sau khi Qualcomm trả hàng tỷ USD cho Apple trong một thỏa thuận trước đó. Một tài liệu của Apple từ tháng 6/2016, có tên “Làm giảm giá trị bản quyền Qualcomm”, cho rằng Apple sẽ kiện Qualcomm trong vòng 6 tháng. Thực tế diễn ra đúng như vậy.

Apple cho biết trong tài liệu rằng họ sẽ tìm nhiều cách, bao gồm “khiến Qualcomm thiệt hại về tài chính” và “thách thức mô hình bản quyền của Qualcomm”.

Công nghệ 5G của Qualcomm quá quan trọng với Apple
Việc sử dụng hàng loạt chiêu trò nhưng cuối cùng vẫn đồng ý trả số tiền lớn cho thấy Apple không thể hoàn toàn cắt đứt mối quan hệ làm ăn với Qualcomm. Điều này cũng được thể hiện trong các tài liệu nội bộ của Apple.

Theo tài liệu, một quản lý mảng phần cứng của Apple mô tả công nghệ của Qualcomm là “tốt nhất”, trong khi một quản lý khác cho rằng “nói về công nghệ, họ vẫn là số một”.

Một tài liệu khác thì mô tả Qualcomm có “lượng bản quyền độc nhất” và “vị thế rất lớn”. Một tài liệu khác từ năm 2009 mô tả Qualcomm “được thừa nhận rộng rãi là công ty sở hữu lượng bản quyền lớn nhất cho các chức năng quan trọng của ngành viễn thông”.

[​IMG]
Qualcomm “là công ty duy nhất trên thế giới giúp iPhone có 5G vào năm sau”, theo nhận định của một nhà phân tích. Ảnh: Qualcomm.

Có thể việc bỏ hàng tỷ USD cho Qualcomm vẫn là có lời so với những gì Apple nhận được. Không có Qualcomm, Apple chưa thể tìm được đối tác cung cấp chip 5G. Đối tác cung cấp chip modem còn lại của họ là Intel vẫn chưa thể phát triển xong chip 5G, dẫn đến Apple chậm chân so với các đối thủ.

Sau khi Apple và Qualcomm đạt được thỏa thuận, Intel cũng công bố họ không phát triển chip 5G cho di động nữa. Các thông tin mới nhất cho thấy Apple và Qualcomm đã chốt được thông số kỹ thuật 5G cho iPhone trong năm 2020.

“Đã quá muộn để Apple sử dụng chip của Qualcomm trong năm nay, nhưng tới năm 2020 thì họ sẽ mua các chip modem, bao gồm chip 5G từ Qualcomm sau khi đạt được thỏa thuận”, Nikkei dẫn lời một nguồn tin.

Nikkei cũng dẫn nhiều nguồn tin nhận định việc phụ thuộc vào Intel trong giai đoạn trước là một “điểm yếu” của Apple trong vụ kiện Qualcomm. Qualcomm là một trong những công ty đầu tiên có chip modem 5G. Chip Snapdragon X50, được giới thiệu năm 2016, có mặt sớm hơn các sản phẩm của Intel hay MediaTek tới gần 2 năm.

Trước đó, Intel cho biết chip 5G của họ sẽ chỉ sẵn sàng vào quý IV/2020. Nếu chờ Intel, Apple sẽ chậm hơn các đối thủ tới hơn 2 năm. Nỗ lực tự phát triển chip modem của họ cũng chưa cho thấy thành quả. Nhiều nguồn tin cho rằng phải tới 2021 Apple mới có thể sử dụng chip modem tự phát triển.

“Modem là thứ quan trọng nhất. Qualcomm có lẽ là công ty duy nhất trên thế giới có thể giúp Apple mang 5G lên điện thoại trong năm sau”, Gus Richard, nhà phân tích về chip tại Northland Capital Markets nói trên Bloomberg.

Bản thân Apple cũng không thể chọn hợp tác với Huawei dù nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã mở lời, bởi chính phủ Mỹ đang gia tăng sức ép với các công ty công nghệ trong nước không dùng thiết bị, linh kiện viễn thông của Huawei.

Công nghệ 5G không chỉ vượt trội so với 4G về tốc độ mạng. Khả năng kết nối với độ trễ thấp cũng là tính năng đáng chú ý, nhất là đối với các tiêu chuẩn không giây yêu cầu độ trễ ở mức 1 ms. Đây là điều quan trọng, không chỉ đối với ngành công nghiệp game online mà cả lĩnh vực Internet vạn vật (IoT) và xe hơi thông minh.

Bên cạnh iPhone, các sản phẩm được dự đoán là rất quan trọng với Apple trong tương lai là kính thực tế ảo tăng cường (AR) và phần mềm xe tự lái. Chiếc điện thoại lúc này đóng vai trò trung tâm điều khiển mọi thiết bị. Có lẽ vì vậy mà Apple không thể chờ đợi lâu hơn để đưa 5G lên iPhone.

Theo Zing