Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

HƯỚNG DẪN CÀI ĐẶT MÃ PIN CHO SIM ĐIỆN THOẠI

Một trong những phương thức bảo mật được coi là tăng cường sự an toàn cho các tài khoản đó là bảo mật 2 lớp thông qua số điện thoại. Chẳng hạn với Facebook, người dùng buộc phải nhập 1 lần mật mã gửi về số điện thoại khi thực hiện bảo mật 2 lớp. Hoặc với Gmail, người dùng cũng được khuyến khích bảo mật 2 lớp bằng số điện thoại. Tuy nhiên, đặt ra trường hợp điện thoại của bạn bị trộm thì liệu kẻ trộm có thể đánh cắp thông tin, dữ liệu hay đổi password các tài khoản online đó không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Kẻ trộm sẽ lắp sim vào điện thoại khác để có số, sau đó tiến hành thay đổi mật khẩu, lấy cắp thông tin dữ liệu cá nhân của người dùng. Vậy cách xử lý trường hợp này như thế nào? Để an toàn hơn cho SIM, người dùng nên cài đặt mã PIN cho SIM và từ đó có thể ngăn chặn các cuộc gọi từ SIM. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn đọc cách đặt mã PIN cho SIM và một số những lưu ý cần thiết khác.

1. Đặt PIN cho SIM trên iPhone:

Bước 1:

Trước hết, tại giao diện trên thiết bị chúng ta sẽ truy cập vào mục Settings (Cài đặt). Tiếp đến, trong giao diện Settings, người dùng hãy nhấn chọn vào mục Phone (Di động).
Nhấn chọn mục Settings trên iPhone Nhấn chọn mục Phone

Bước 2:

Tại giao diện Phone, bạn hãy nhấn vào mục SIM PIN, rồi gạt thanh ngang sang phải tại mục SIM PIN để bật tính năng này cho thiết bị. Công việc tiếp theo của bạn đó là nhập PIN hiện tại đang dùng. Nếu bạn muốn thay đổi mã PIN thì nhấn Change PIN (Đổi PIN) với dãy số bảo mật hơn.
Mục SIM PIN Kích hoạt tính năng SIM PIN  Nhập mã PIN

2. Đặt mã PIN cho thiết bị Android:

Bước 1:

Đầu tiên bạn cũng cần truy cập mục Cài đặt trên thiết bị. Tiếp đến, tại giao diện Cài đặt bạn tìm tới mục Cài đặt bảo mật.
Cài đặt trên thiết bị Android Cài đặt bảo mật trên thiết bị

Bước 2:

Sau đó chúng ta sẽ tìm tới mục Thiếp lập khóa thẻ SIM. Gạt thanh ngang sang phải tại mục Khóa thẻ SIM rồi nhập mã PIN hiện tại đang sử dụng. Nếu muốn đổi mã PIN, bạn cũng sẽ nhấn vào Thay đổi mã PIN của SIM.
Thiết lập khóa thẻ SIM Kích hoạt khóa thẻ SIM Nhập mã PIN hiện tại
Tùy từng dòng smartphone Android mà thao tác trên có thể khác nhau, nhưng bạn cần tìm tới mục Khóa SIM.

3. Một số lưu ý về SIM PIN:

1. Trường hợp nhập mã PIN lần đầu:

Với những ai lần đầu tiên sử dụng và bật tính năng SIM PIN trên thiết bị, giao diện đầu tiên mà người dùng được yêu cầu đó chính là nhập mã PIN hiện tại. Hầu hết, mã này do nhà mạng thiết lập sẵn nên chúng ta chỉ cần nhập đúng mã PIN cho từng nhà mạng. Sau đó, bạn có thể tiến hành đổi dãy mã PIN tùy chọn.
Mã PIN cung cấp từ nhà mạng gồm:
  • SIM Viettel: bạn nhập 0000.
  • SIM Vinaphone: mặc định mã PIN là 1234.
  • SIM Mobifone: mã PIN là 1111 hoặc với trường hợp sim 4G thì nhập 0000.
Giao diện nhập mã PIN  Nhập mã PIN SIM trên Android

2. Trường hợp nhập sai mã PIN:

Khi bạn nhập mã PIN của nhà mạng bên trên không đúng hoặc thử một số mã PIN khác nhưng vẫn không được, có thể do chúng ta đã đổi mã PIN nhưng không nhớ hoặc do nhà mạng đổi của bạn.
Nếu người dùng vượt quá số lần nhập mã PIN, SIM của bạn sẽ bị khóa. Lúc đó sẽ có loại mã khác được yêu cầu nhập vào đó là mã PUK. Để có được mã này, người dùng buộc phải gọi lên tổng đài. Nếu nhập sai mã PUK quá 9 lần sẽ hỏng SIM hoàn toàn. Kể cả khi làm lại SIM thì bạn bắt buộc vẫn phải nhập mã PUK.
Khi gọi lên tổng đài để yêu cầu mã PUK, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp một số những thông tin bắt buộc như số chứng minh nhân dân, các số mới gọi gần đây nhất... Nếu chính xác, bạn sẽ được cung cấp mã PUK.
Bạn đọc có thể tham khảo số Trung tâm của các nhà mạng dưới đây:
Tổng đài Mobifone: 9090
  • Mobifone miền Bắc: liên hệ 0904.144.144.
  • Mobifone miền Trung: gọi tới 0905.144.144.
  • Mobifone miền Nam: hotline 0908.144.144.
  • Mobifone Cần Thơ: số tổng đài 0939.144.144.
Tổng đài Vinaphone: 9191
  • Vinaphone miền Bắc: hotline 0912481111.
  • Vinaphone miền Nam: gọi đến số 0918681111.
  • Vinaphone miền Trung: hỗ trợ khách hàng qua 0914181111.
Tổng đài Viettel: 198
  • Viettel miền Bắc: hotline 0989.198.198.
  • Viettel miền Nam: số tổng đài 0983.198.198.
Trên đây là hướng dẫn cách đặt mã PIN cho SIM với thiết bị iPhone hoặc iPad và các thiết bị Android. Việc cài đặt mã PIN cho SIM là thao tác tăng cường bảo mật hơn rất nhiều cho số điện thoại của bạn, khi chúng ta có thể ngăn chặn được những hành động trái phép trên SIM. Từ đó kẻ trộm sẽ không biết được số điện thoại, không lấy được mã OTP cũng như mã reset các tài khoản cá nhân của người dùng, trong trường hợp bạn bị đánh cắp điện thoại.

https://quantrimang.com/huong-dan-cai-dat-ma-pin-cho-sim-dien-thoai-131751

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

VÀI DÒNG VỀ LINEAGEOS: VẪN LÀ CYANOGENMOD MÀ CHÚNG TA TỪNG YÊU

LineageOS là phiên bản được cộng đồng tiếp tục xây dựng và phát triển sau khi Cyanogen tuyên bố ngừng phát triển dự án CyanogenMod. Nhiều anh em Tinh tế đã từng hoặc đang cài ROM CyanogenMod cho cái điện thoại mà mình xài hằng ngày nên cũng sẽ nhớ nhung và đương nhiên cần phải nâng cấp sau này nữa, và LineageOS chính là thứ mà anh em cần. Về cơ bản, LineageOS giữ lại hoàn toàn những triết lý gốc của CM: giao diện gốc ít tùy biến, khả năng cá nhân hóa mạnh mẽ, hiệu năng cao và cập nhật nhanh qua Over The Air. Đây cũng là những điểm khiến chúng ta cảm thấy thoải mái và không phải làm quen lại nếu đã từng xài qua ROM CM.

Hiện LineageOS đã hỗ trợ cho những thiết bị nào rồi? Nhiều, nhiều lắm. Anh em có thể ghé qua website của họ ở địa chỉ http://lineageos.org, nhấn vào nút Download để xem những máy nào có hỗ trợ. Lướt sơ qua danh sách thì có nhiều lắm: Asus, Google (Nexus, Pixel), Acer, LG, HTC, Samsung, Sony, Motorola, Lenovo đủ cả. Mình nghĩ là nó bao phủ được một phần rất lớn những sản phẩm Android ra mắt trong khoảng 3 năm trở lại đây. Đây là tin vui, vì nó cho thấy LineageOS giữ được cái lửa của CyanogenMod trong việc cố gắng mang bản ROM Android mới nhất đến nhiều người dùng nhất có thể. Nhiều hãng sản xuất và model điện thoại ít thấy ở Việt Nam cũng có trong danh sách hỗ trợ của nhóm phát triển, rất tuyệt vời.


Mình có đi dạo vài dòng trên XDA Developers, một trong những diễn đàn chơi ROM (tiếng Anh) lớn nhất thế giới hiện nay thì thấy LineageOS có cả một mục riêng trên đó, song trong từng sub forum ứng với từng thiết bị thì lại không thấy LineageOS xuất hiện. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với CyanogenMod trước đây vì CM không chỉ được phân phối chính thức từ nhóm phát triển cốt lõi (core team) mà còn được rất nhiều anh em dev trên toàn thế giới lấy về tùy biến lại.


LineageOS_trai_nghiem_CyanogenMod_tinhte_2.jpg

Dù chưa thể khẳng định xu hướng này có tiếp tục trong tương lai hay không nhưng nếu có thì vụ này có cả lợi và hại. Lợi là ROM LineageOS sẽ được những người giải, những người có đam mê phát triển và chúng ta có thể tin tưởng rằng các ROM được phân phối lên web lineageos.org là những bộ ROM xài được, không bị lỗi quá nặng (trừ khi developer có ghi chú thêm). Điểm hạn chế đó là những thiết bị quá hiếm sẽ không có người làm ROM LineageOS cho, đây cũng là thứ hơi đáng tiếc.

Tất nhiên mình chỉ bàn tới xu hướng chung, chứ còn LineageOS vẫn là một OS Android với đầy đủ bản chất mở của nó. Ai cũng có thể thấy về tùy chỉnh lại cho phù hợp với thiết bị của mình. Chỉ hi vọng có những hiệp sĩ sẵn sàng làm chuyện đó mà thôi.

Cũng cần nói thêm rằng LineageOS không được cài sẵn bất kì app Google nào, y hệt CM trước đây. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải cài gói GApps vào nếu muốn xài Google Play, Google Maps, Gmail và hàng tá những dịch vụ quan trọng khác của Google. Mà nói vậy thôi chứ chuyện này gần như là bắt buộc rồi vì Android mà thiếu các dịch vụ Google thì đã giảm đi tới 69% công lực. Gói GApps dùng với LineageOS vẫn y như các gói xài cho CM trước đây, anh em có thể dễ dàng download chúng từ địa chỉ http://opengapps.org rồi flash vào máy của mình sau khi cài ROM. Theo mình thì flash ROM xong thì nên flash luôn bộ GApps này để đảm bảo tính tương thích và giảm lỗi trong quá trình sử dụng (kinh nghiệm của mình thôi, anh em có gì hay thì chia sẻ thêm nhé).

The Open GApps Project

OpenGApps.org offers information and pre-built packages of The Open GApps Project. The Open GApps Project is an open-source effort to script the automatic generation of up-to-date Google Apps packages. All Android versions and platforms supported.
opengapps.org


LineageOS_trai_nghiem_CyanogenMod_tinhte_6.jpg

Đi vào bên trong, giao diện không có gì thay đổi so với CyanogenMod trước đây, cũng là một giao diện gốc của Android thuần túy. Vì mình có cài Pixel Launcher đi chung trong gói GApps nên xem như là có trải nghiệm gần như y hệt chiếc Google Pixel rồi. Nói chung, Android gốc, không có gì để nhận xét thêm.

Thứ mà chúng ta sẽ cần quan tâm kĩ hơn khi xài LineageOS đó là khả năng tùy biến. Đừng lo, bạn vẫn có thể làm được gần như đầy đủ những gì bạn có thể làm với ROM CyanogenMod, ví dụ như tùy biến các biểu tượng trên thanh status bar, chỉnh các cử chỉ cảm ứng có thể dùng để điều khiển điện thoại (gesture control, nhưng chạm hai lần để sleep chẳng hạn), tùy chỉnh profile âm thanh... Tất cả những thứ mà bạn yêu ở CyanogenMod sẽ xuất hiện đầy đủ cho bạn nghịch.

LineageOS_trai_nghiem_CyanogenMod_tinhte_4.jpg

Ngay cả tính năng LiveDisplay của CM13 cho phép chỉnh lại màu màn hình để tránh hiện tượng ám xanh, ám vàng cũng có. Đây là thứ mà mình không kỳ vọng là LineageOS sẽ sở hữu nhưng hóa ra vẫn có. Chiếc Nexus 6P của mình mặc định màn hình hơi vàng một chút nên mình sử dụng Live Display để chỉnh cho nó trắng trở lại. Thêm thông tin cho anh em: LiveDisplay sẽ tự động chỉnh màu lạnh vào buổi sáng hoặc trưa và có xu hướng dùng màu ấm hơn cho buổi tối. Tất nhiên, nó cũng sẽ thay đổi tùy theo môi trường mà anh em đang đứng có độ sáng ra sao nữa.

Rồi còn cả AudioFx, app dùng để tinh chỉnh lại âm thanh nghe cho hay, cũng có mặt trên LineageOS. Khá lâu rồi mình không xài bên CM nên mình không nhớ, nhưng app bên LineageOS thì rất đẹp và giao diện cực kì trực quan. Không còn những thanh chỉnh EQ khô khan mà nó được chia sẵn theo từng thể loại nhạc, bạn chỉ việc chọn loại bạn hay nghe là xong (tất nhiên vẫn có những chỗ cho bạn chỉnh nâng cao, không phải lo).

LineageOS_trai_nghiem_CyanogenMod_tinhte_5.jpg

Có chức năng hơi tiếc đã không còn đó là CyanogenMod Theme. Nó cho phép bạn đổi đủ thứ theme trên giao diện nên bạn sẽ có một cái máy vui vẻ hơn. Có vẻ như LineageOS chưa có giải pháp thay thế nào cả hoặc là mình chưa mò ra. Anh em nào có nghịch được thì chỉ mình với nhé. Mình down ROM gốc ngay từ trang chủ của họ. Giờ mà muốn chơi theme chỉ còn cài Xposed thì mới mạnh mẽ được như CM Theme hoặc cài icon cho các launcher mà thôi.

Về độ mượt thì chẳng có gì phải bàn. LineageOS vẫn rất tốt, rất nhanh và không hề bị đứng hay giật dù chỉ mới là bản nightly - tức là cũng chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm. Ít nhất trên chiếc Nexus 6P của mình thì mình cảm thấy thế, anh em nào có dịp xài qua thì hãy chia sẻ thêm nhé. Pin thì mình chưa test được nhưng tạm thời thấy khá ổn, không khác nhiều so với hồi Nexus 6P chạy phần mềm gốc từ Google.

Tóm lại chúng ta thấy được gì ở LineageOS? Đó là một bản ROM tốt, một bản ROM mượt và chạy nhanh, phù hợp từ những chiếc điện thoại tầm thấp cho đến các máy cao cấp. LineageOS, với chức năng và tinh thần mở kế thừa từ CyanogenMod, hoàn toàn có thể là bản ROM được tin dùng như cách mà CM tồn tại nhiều năm qua. Mình sẽ trải nghiệm thêm LineageOS để coi có gì hay thì chia sẻ tiếp cho anh em nhé.

https://tinhte.vn/threads/vai-dong-ve-lineageos-van-la-cyanogenmod-ma-chung-ta-tung-yeu.2683322/

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

GOOGLE MANG AI VÀO HỆ THỐNG DỊCH THUẬT MỚI, HỖ TRỢ TIẾNG VIỆT

Google đã bổ sung tiếng Việt vào nhóm các ngôn ngữ được hỗ trợ bởi hệ thống hỗ trợ dịch thuật thông minh (AI) của mình vào ngày hôm nay.

Mùa thu năm ngoái Google đã giới thiệu hệ thống mới phục vụ cho mảng dịch thuật ngôn ngữ của mình có tên Google Neural Machine Translation (GNMT). Hệ thống GNMT này tăng cường khả năng dịch tốt hơn, có thể bao quát nội dung một câu dài trước khi dịch chứ không đơn giản là chỉ một cụm từ như trước đây, qua đó cải thiện đáng kể khả năng dịch hiệu quả hơn.
Google mang hệ thống này vào Google Translate để hỗ dịch 8 cặp ngôn ngữ phổ biến và hôm nay chính thức hỗ trợ thêm 3 ngôn ngữ mới là tiếng Nga, tiếng Ấn Độ và tiếng Việt Nam.
Hệ thống GNMT khi đi vào hoạt động trong cuối năm ngoái đã hỗ trợ dịch qua lại giữa những ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kì. Nhóm ngôn ngữ này đại diện cho 1/3 dân số thế giới, chiếm 35% trên tổng số các truy vấn vào dịch vụ Google Translate của hãng.
Tuy nhiên con số này vừa được mở rộng thêm với 3 ngôn ngữ mới như đã nói ở trên, chỉ riêng tại Mỹ đã có gần 1,3 triệu người nói tiếng Việt, hơn 830.000 người nói tiếng Nga và khoảng gần 590.000 người nói tiếng Hin-ddi. Số liệu trích dẫn điều tra dân số Mỹ.
Google nói thêm rằng nhiều ngôn ngữ đang trong quá trình phát triển và sẽ sớm được thêm vào hệ thống hỗ trợ dịch thuật mới của Google Translate trong tương lai không xa. Báo cáo của The New York Times vào tháng 12 năm ngoái cho biết Google Translate phục vụ hơn 500 triệu người dùng hàng tháng với 140 tỉ từ mỗi ngày.
Hệ thống dich thuật với sự trợ giúp của trí thông minh nhân tạo là một bước tiến lớn so với hệ thống dịch trước, vì nó có thể tận dụng các tiến bộ đạt được trong lĩnh vực máy học để làm cho bản dịch chính xác hơn, điều này giống như cách mọi người nói ngôn ngữ tự nhiên. Điều đó tạo ra sự khác biệt là hệ thống không dịch từng phần của một mảnh câu mà nhìn sâu vào toàn bộ câu trước khi sắp xếp lại và điều chỉnh các câu sử dụng đúng ngữ pháp.
Ngoài ra, hệ thống này cũng tự cải thiện hiệu quả làm việc theo thời gian, cung cấp bản dịch tự nhiên tốt hơn sau thời gian hoạt động.
Hệ thống dịch thuật mới sẽ được cung cấp trực tiếp trên nền tảng Google Translate bắt đầu từ ngày hôm nay. Điều này bao gồm dịch vụ dịch trực tuyến tại translate.google.com, Google Search, ứng dụng Google, và Google Translate trong iOS hay Android. Bản dịch sẽ sớm được cung cấp cho hệ thống dịch tự động trên trình duyệt Google Chrome.
Theo Tạp chí công nghệ.