Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

CHUYỂN ĐỔI LIVE PHOTOS TRÊN IPHONE 6S/6S+ THÀNH VIDEO HOẶC ẢNH ĐỘNG VỚI LIVELY

LiveLy là ứng dụng chuyển các Live Photos chụp bởi iPhone 6s/6s Plus thành dạng video hoặc ảnh GIF để chia sẻ lên internet. Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến các bạn một số chi tiết của ứng dụng này để chúng ta sử dụng Live Photos tốt hơn.



Live Photos là tính năng cho phép người dùng chạm giữ lên bức hình đã chụp để xem được những chuyển động. Hiện tại, chúng ta có thể đăng tải các live photos này lên Facebook và người xem có thể xem được các chuyển động, nhưng khi dùng những bưc ảnh Live Photo này để gởi email hoặc đăng tải lên các trang web không hỗ trợ thì đây chỉ ảnh tĩnh.

Lively có 3 tính năng chính:
  • Chuyển Live Photos thành ảnh Gif
  • Chuyển Live Photos thành video
  • Chuyển Live Photos thành ảnh tĩnh ở một khung ảnh khác

1. Chuyển sang ảnh GIF:

Đây là cách đơn giản nhất để chia sẻ sự chuyển động của Live Photos nhờ dung lượng thấp và sự hỗ trợ rộng rãi định dạng ảnh này

lively tinhte.
Bạn chỉ cần nhấn Export GIF và menu chia sẻ hiện ra. Menu này cho phép chọn lưu vào Camera Roll (Save) hoặc chia sẻ ở những ứng dụng khác.

lively tinhte 2.
Bạn cũng có những tuỳ chọn nâng cho cho ảnh Gif như:
  • Backward: Đảo chiều ảnh GIF
  • Auto Reverse: Ảnh tự động lặp lại và đảo chiều liên tục
  • Thanh trượt để tăng tốc độ ảnh GIF
  • KÍch thước ảnh
GIF

2. Xuất ra thành video:

  • Máy sẽ xuất ra thành video định dạng MOV,
  • Video có tỉ lệ khung hình 4:3, độ phân giải 1440x1080 - 13 khung hình/giây

lively tinhte 3.

3. Trích xuất các khung ảnh khác trong Live Photos

  • Bạn có thể chọn lại khung hình bất kỳ trong khoảnh khác 1,5 giây trước đó hoặc 1,5 giây sau khi chụp
  • Ảnh có độ phân giải 1440x1080 (bằng với độ phân giải video ở trên)

lively tinhte 4.
 

https://tinhte.vn/threads/thu-thuat-chuyen-doi-live-photos-tren-iphone-6s-6s-thanh-video-hoac-anh-dong-voi-lively.2543780/

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

CÁCH CÀI ĐẶT REMIX OS 2.0 LÊN Ổ CỨNG VÀ CHẠY SONG SONG VỚI WINDOWS

Như đã thông tin trước đó thì Jide đã chính thức phát hành phiên bản Remix OS Alpha thử nghiệm đầu tiên đến đông đảo người dùng vào sáng hôm 12/01/2016. Và trên trang web của hãng cũng đã hướng dẫn cách làm thế nào cài đặt và trải nghiệm Remix OS.
Tuy nhiên, có một yêu cầu đó là người dùng phải cài đặt Remix OS lên USB 3.0 có tốc độ 20MB/s để có thể trải nghiệm hệ điều hành này một cách tốt nhất.
Một điều khá buồn cười là hầu hết chúng ta đều sử dụng các thiết bị USB chuẩn 2.0 nên yêu cầu này có phần “hơi” làm khó người dùng, trên thực tế khi trải nghiệm Remix OS trên USB 2.0 có tốc độ 10MB/s thì mọi thứ có phần…rất là ức chế. Hơn nữa, có lẻ cũng không nên vì một hệ điều hành đang “trong trứng” mà chúng ta lại phải bỏ một khoảng tiền để “tậu” một chiếc USB 3.0 về để “nghịch” vài ngày phải không?
Tuy nhiên, nếu bạn tinh ý chút xíu, bạn có thể dễ dàng cài đặt và trải nghiệm Remix OS ngay trên chính ổ cứng máy tính của mình, và thậm chí là sử dụng nó song song (dual boot) với hệ điều hành mình đang dùng. Nếu bạn quan tâm thì sau đây là cách thực hiện.
Cài đặt Remix OS 2.0 lên ổ cứng và chạy song song với Windows
Tải về gói ISO cài đặt của Remix OS tại đây. Sau đó tiến hành tải và cài đặt phần mềm EasyBCD tại đây.
Tiếp theo bạn hãy khởi động tính năng Disk Management của Windows lên bằng cách nhấn phải chuột vào nút Start và chọn Disk Management hoặc tìm nó từ khung tìm kiếm.
Trong Disk Management, bạn hãy tiến hành tạo một phân vùng trống có dung lượng khoảng 20GB và được định dạng theo chuẩn FAT32 rồi đặt tên cho nó là “Remix OS” hay gì cũng được.
Bây giờ bạn hãy tiến hành Mount tập tin ISO của Remix OS mà mình đã tải ở trên sang ổ đĩa ảo bằng cách nhấn phải vào nó và chọn lệnh Mount (trên Windows 8.1 và Windows 10). Trường hợp đang dùng phiên bản Windows thấp hơn, hay sử dụng các ứng dụng về ổ đĩa ảo như UltraISO chẳn hạn.
Tiếp theo bạn hãy truy cập vào ổ đĩa ảo chứa dữ liệu của Remix OS và sao chép tất cả mọi thứ trong đó.
Rồi dán vào phân vùng Remix OS mà mình vừa tạo trong Disk Management ở trên.
Khi quá trình sao chép kết thúc, bạn hãy đóng tất cả cửa sổ lại và mở ứng dụng EasyBCD mà mình đã cài đặt trước đó lên và nhấn vào Add New Entry.
Trong Add New Entry, bạn hãy nhấn vào tab NeoGrub và nhấp vào tùy chọn Install.
Tiếp theo nhấn tiếp vào tùy chọn Configure ở kế bên và dán đoạn mã này https://cldup.com/zcR0lBzl_T.txt vào và lưu lại.
Lưu ý: thành phần “root (hd0,5)” trong đoạn mã trên là số thứ tự của phân vùng mà bạn sử dụng cho Remix OS. Ví dụ như trong hình là ổ đĩa thứ thứ nhất ( Disk 0) và phân vùng chứa Remix OS là thứ 5 nên chúng ta sẽ có giá trị root ở đây là “root (hd0,5)”
Bây giờ bạn hãy nhấn vào tùy chọn Edit Boot Menu, nhấn chọn NeoGrub Bootloader và nhấn Rename để đổi tên tùy chọn boot này lại thành “Remix OS” để cho “đẹp” nữa là được.
Khi mọi thứ đã xong, bạn hãy nhấn vào Save Settings để lưu lại và khởi động lại Windows. Cuối cùng là chọn Remix OS ở lựa chọn Menu boot để boot vào nó và bắt đầu trải nghiệm thôi.

Chúc bạn thành công.
http://genk.vn/thu-thuat/cach-cai-dat-remix-os-2-0-len-o-cung-va-chay-song-song-voi-windows-20160113105500941.chn

BIẾN SMARTPHONE, MÁY TÍNH BẢNG THÀNH ĐIỀU KHIỂN TỪ XA ĐA NĂNG CHO MÁY TÍNH

Dân trí Chuột hoặc bàn phím máy tính bất ngờ hỏng mà bạn chưa kịp mua để thay thế? Bạn muốn dùng máy tính từ xa mà không muốn bỏ tiền ra để mua chuột hay bàn phím không dây? Ứng dụng dưới đây sẽ giúp biến smartphone/tablet thành thiết bị điều khiển từ xa đa năng cho máy tính.

Unified Remote là ứng dụng miễn phí sẽ biến thiết bị di động chạy Android (bao gồm smartphone và máy tính bảng) trở thành chuột cảm ứng và bàn phím không dây dành cho máy tính, cho phép người dùng có thể ngồi từ xa để điều khiển máy tính thay vì phải ngồi ở gần.
Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép người dùng mở file trên máy tính, khởi động/tắt máy... từ smartphone mà không cần chạm tay vào máy tính.
Lưu ý: để sử dụng chức năng này cả smartphone lẫn máy tính đều phải đang kết nối chung một mạng Wifi.
 
Video giới thiệu về ý tưởng của Unified Remote

Hướng dẫn cài đặt và kết nối smartphone/máy tính bảng với máy tính
Đầu tiên, bạn download phiên bản miễn phí của ứng dụng tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 2.3 trở lên).
Tiếp theo, download phiên bản của phần mềm dành cho Windows tại đây hoặc phiên bản dành cho máy tính Mac tại đây. Đây là phần mềm dùng để kết nối Unified Remote trên smartphone với máy tính của người dùng.
Tiến hành cài đặt ứng dụng trên Android và phần mềm trên máy tính. Cách thức sử dụng phần mềm trên Mac và Windows là tương tự nhau, do vậy bài viết sẽ hướng dẫn cách thức sử dụng đối với máy tính chạy Windows.
Lưu ý: trong quá trình cài đặt phần mềm Unified Remote trên máy tính, bạn nên để nguyên những thiết lập mặc định của phần mềm. Phần mềm có thể yêu cầu người dùng cài đặt thêm một vài thành phần để sử dụng, bạn nhấn nút “Install” (như hình minh họa bên dưới) để đồng ý cài đặt các thành phần này.

 

Sau khi cài đặt, biểu tượng của phần mềm sẽ xuất hiện trên khay hệ thống của máy tính. Bạn có thể kích đúp vào biểu tượng này để truy cập vào trang web quản lý của phần mềm.
Đối với ứng dụng trên Android, sau khi cài đặt, trong lần đầu tiên sử dụng, ứng dụng sẽ yêu cầu người dùng đăng nhập vào tài khoản Google để dùng ứng dụng được thuận tiện hơn. Tại đây, bạn có thể nhấn nút “Skip this step” để bỏ qua bước đăng nhập này.


Ứng dụng Unified Remote sẽ tự động quét và tìm kiếm máy tính có chung mạng kết nối Wifi với smartphone để người dùng có thể kết nối 2 thiết bị với nhau.
Lưu ý: người dùng phải kích hoạt phần mềm Unified Remote trên máy tính trước mới có thể kết nối 2 thiết bị với nhau.
Sau khi tìm được máy tính cần kết nối, Unified Remote sẽ hiển thị trên giao diện ứng dụng. Bạn nhấn nút “Let’s get started” để bắt đầu dùng smartphone/máy tính bảng như một thiết bị điều khiển từ xa của máy tính.


Lưu ý: sau khi kết nối ứng dụng trên smartphone với máy tính, nếu trên giao diện ứng dụng xuất hiện thông báo “Could not sync”, bạn cần phải khởi động lại ứng dụng (thoát và truy cập trở lại ứng dụng).
Các chức năng điều khiển máy tính từ smartphone/máy tính bảng
Mặc dù bài viết chỉ giới thiệu phiên bản miễn phí, tuy nhiên phiên bản miễn phí này cũng cung cấp khá đầy đủ những tính năng hữu ích và cần thiết để người dùng có thể biến chiếc smartphone/máy tính bảng thành một điều khiển từ xa đa năng cho chiếc máy tính của mình.
Từ giao diện chính của ứng dụng Unified Remotes trên smartphone sẽ hiển thị các chức năng để điều khiển máy tính, bao gồm:
- Basic Input: đây là chức năng biến smartphone/máy tính bảng thành chuột và bàn phím không dây cho máy tính. Sau khi truy cập vào chức năng này, bạn có thể lướt ngón tay trên màn hình smartphone để di chuyển chuột của máy tính, nhấp vào màn hình bằng một ngón tay tương ứng với chức năng chuột trái, nhấp vào màn hình bằng 2 ngón tay tương ứng với chức năng chuột phải. Người dùng cũng có thể dùng 2 ngón tay để lướt từ trên xuống dưới tương ứng với chức năng cuộn chuột...


Để biến thiết bị di động thành bàn phím từ xa cho máy tính, bạn nhấn vào biểu tượng bàn phím ở phía dưới giao diện, bàn phím ảo của smartphone sẽ hiện ra và cho phép người dùng gõ để nhập nội dung từ xa lên máy tính.
- File Manager: đây là chức năng cho phép người dùng truy cập và mở file trên máy tính thông qua smartphone. Với chức năng này, bạn có thể truy cập vào ổ cứng trên máy tính, kích đôi vào một file có trong danh sách, lập tức nội dung của file đó sẽ được mở ngay trên máy tính đã được kết nối.


- Keyboard: đây là tính năng biến smartphone thành bàn phím cho máy tính, tương tự như tính năng ở mục Basic Input ở trên.
- Media: với chức năng này, người dùng có thể biến chiếc smartphone của mình thành một thiết bị điều khiển chơi nhạc từ xa trên máy tính. Tại đây bạn có thể điều chỉnh âm lượng, chạy hoặc tạm ngừng các file video/nhạc đang chạy trên máy tính...


- Power: đây là mục cho phép người dùng có thể tắt, khởi động lại, khóa hoặc đưa máy tính về chế độ ngủ... từ smartphone. Nhấn vào các nút tương ứng để ra lệnh cho máy tính.


Trên đây là những tính năng mà phiên bản miễn phí của Unified Remote cung cấp cho người dùng, để mở rộng thêm các tính năng, người dùng cần phải mua phiên bản chuyên nghiệp của ứng dụng. Tuy nhiên, nhìn chung phiên bản miễn phí của ứng dụng đã cung cấp đầy đủ các chức năng cần thiết để giúp bạn điều khiển máy tính từ xa, hoặc có thể khai thác smartphone làm chuột và bàn phím cho máy tính trong trường hợp một trong hai thiết bị này đang bị hư hỏng và không thể sử dụng được.
 
Phạm Thế Quang Huy
 http://dantri.com.vn/suc-manh-so/bien-smartphone-may-tinh-bang-thanh-dieu-khien-tu-xa-da-nang-cho-may-tinh-20160113202304051.htm

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

5 CÔNG CỤ TẠO Ổ BOOT USB TỪ TẬP TIN ISO

Huy Thắng
(PCWorldVN) Cài đặt hệ điều hành từ thiết bị USB đã trở nên phổ biến hiện nay. Sau đây là 5 phần mềm giúp bạn tạo ổ USB có thể khởi động để cài đặt các hệ điều hành Windows cũng như Linux.
1. Rufus
Rufus hiện được xem là một trong những công cụ tốt nhất và dễ nhất để tạo ổ USB khởi động được trên máy tính. Ứng dụng miễn phí này sẽ giúp bạn tạo ra bộ cài đặt Window XP, Windows 7, Windows 8 hay thậm chí cả Ubuntu bằng cách khởi động từ ổ USB rất nhanh và dễ dàng. Ứng dụng có kích thước khá nhỏ, giao diện đơn giản với các tùy chọn cơ bản như chọn dạng phân vùng, hệ thống tập tin, kích thước cluster hay thậm chí kiểm tra bad sector.
Rufus có giao diện đơn giản và dễ dùng.
Để tạo ổ Boot USB, bạn chỉ cần nhấn vào biểu tượng hình ổ đĩa trong mục “Create a bootable disk using” và tìm đường dẫn đến tập tin ISO cài đặt Windows hay Linux đã chuẩn bị sẵn. Xong bước này, bạn không cần phải thay đổi bất cứ tùy chỉnh nào khác trong phần mềm vì khi chọn bộ cài đặt Windows thì phần mềm sẽ tự chuyển định dạng File System sang NTFS, còn nếu chọn Ubuntu thì Rufus sẽ chuyển qua FAT32. Tiếp theo, bạn chỉ cần nhấn vào nút Start để bắt đầu tiến hành tạo bộ cài đặt cho ổ USB.
2. Windows 7 USB/DVD Download Tool
Công cụ miễn phí này có chức năng tạo ổ USB hoặc đĩa DVD có thể khởi động được và cài đặt Windows 7. Để sử dụng, trước hết bạn cần phải có sẵn tập tin ISO có chứa bộ cài đặt Windows bằng cách tải về từ trên mạng. Sau khi khởi động Windows 7 USB/DVD Download Tool, bước đầu tiên bạn cần thực hiện là chọn đường dẫn trỏ đến tập tin ISO có chứa bộ cài đặt Windows.
Windows 7 USB/DVD Download Tool có chức năng tạo ổ USB hoặc đĩa DVD có thể khởi động được và cài đặt Windows 7.
Trong bước tiếp theo, hãy chọn nút USB Device hoặc DVD để chép bộ cài đặt vào thiết bị tương ứng; và dĩ nhiên trong khuôn khổ bài hướng dẫn này thì bạn sẽ chọn ổ USB. Sau đó, ứng dụng sẽ bắt đầu định dạng thiết bị đang được kết nối và chép các tập tin khởi động cũng như toàn bộ tập tin cài đặt Windows 7 vào. Cuối cùng, bạn chỉ cần gắn thiết bị USB có chứa công cụ này vào bất kỳ máy tính nào có hỗ trợ boot từ cổng USB để bắt đầu cài đặt hệ điều hành Windows 7.
3. RMPrepUSB
RMPrepUSB cũng là một trong những công cụ miễn phí để tạo ổ Boot USB từ tập tin ISO dễ dùng nhất. Bên cạnh các tùy chọn Bootloader (trình quản lý boot) hoặc hệ thống tập tin, ứng dụng còn có thêm các tính năng như DiskDoctor, Speed Tests và một vài cấu hình hữu hiệu khác như cài đặt Grub4dos, Syslinux hay QEMU Emulator. Grub4dos và Syslinux là những gói bootloader được thiết kế để cho phép người dùng chọn một trong nhiều bộ cài đặt hệ điều hành khác nhau, trong khi QEMU Emulator là công cụ ảo hóa dùng để kiểm tra thiết bị USB trước khi thực hiện sao chép.
Giao diện của RMPrepUSB tương đối phức tạp hơn nhiều so với các phần mềm khác
Giao diện của RMPrepUSB tương đối phức tạp hơn nhiều so với các phần mềm khác, nhưng một khi đã làm quen rồi thì bạn chắc chắn sẽ không còn cảm thấy khó khăn trong việc sử dụng nữa. RMPrepUSB hoạt động hoàn toàn độc lập và không cần phải cài đặt, nhưng nó sẽ ghi một số thiết lập vào Registry của Windows khi bạn thoát khỏi ứng dụng.
4. WinSetupFromUSB
WinSetupFromUSB là một công cụ miễn phí dùng để tạo ổ USB có khả năng khởi động từ các tập tin hình ảnh ISO. Đây là một giải pháp hoàn hảo cho những ai muốn khởi động máy tính một cách nhanh hơn và thuận tiện hơn. Nhìn chung, phần mềm WinSetupFromUSB cung cấp các tính năng ở mức tầm trung mà bất kỳ người dùng nào trong lĩnh vực tạo thiết bị Boot USB cần đến.
WinSetupFromUSB có thể kết hợp nhiều tập tin ISO vào một môi trường duy nhất.
Ứng dụng hiện cho phép tạo ổ USB cài đặt từ phiên bản Windows 2000 cho đến Windows 8.1. Ngoài ra, WinSetupFromUSB cũng hỗ trợ các tập tin ISO nền tảng Linux như Debian, Ubuntu, Mint, Fedora, CentOS và nhiều phiên bản khác. Đặc biệt, WinSetupFromUSB có thể kết hợp nhiều tập tin ISO vào một môi trường duy nhất, tạo ra ổ USB với trình đơn khởi động cho phép chọn hệ điều hành mà bạn cần khởi động.
5. UltraISO
Thật ra, UltraISO là công cụ tạo ổ đĩa ảo thông dụng nhất và có lẽ đã quá quen thuộc với cộng đồng người dùng máy tính hiện nay. Bên cạnh các tính năng hữu ích mà UltraISO mang lại, phần mềm này còn hỗ trợ tạo, chỉnh sửa hay chuyển đổi các tập tin ảnh ISO từ đĩa CD/DVD vào máy tính và tạo ra ổ USB hay đĩa CD/DVD khởi động được.
Bên cạnh khả năng tạo ổ đĩa ảo, UltraISO còn cho phép tạo ổ USB hay đĩa CD/DVD khởi động được.
UltraISO là phần mềm có tính phí (29,95 USD) và cho phép dùng thử miễn phí. Tuy nhiên, phiên bản dùng thử (trial version) giới hạn kích thước tập tin ISO tạo ra nhưng hoàn toàn không can thiệp gì vào nội dung bên trong những tập tin này. Để tạo ổ Boot USB bằng UltraISO, hãy trỏ đường dẫn đến vị trí tập tin ISO có sẵn, sau đó chọn trình đơn Bootable > Write Disk Image. Lưu ý là phải đảm bảo tùy chọn USB-HDD+ trong mục “Write Method” đã được chọn. Cuối cùng, bạn chỉ cần nhấn nút Write và UltraISO sẽ thực hiện phần còn lại.
PC WORLD VN, 11/2015

http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/lam-the-nao/2015/11/1245008/5-cong-cu-tao-o-boot-usb-tu-tap-tin-iso/

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

BỘ XỬ LÝ INTEL SKYLAKE CÓ THỂ KHIẾN MÁY BỊ TREO CỨNG

Mai Hoa
(PCWorldVN) Bộ xử lý thế hệ thứ 6 mới nhất của Intel có thể khiến máy tính hoặc máy tính bảng dùng chip này treo cứng khi bị vắt kiệt sức.
Những tưởng bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 6 (tên mã Skylake) vừa được Intel trình làng cách đây ít lâu hiện được xem là có hiệu năng “vô đối”.
Tuy nhiên, theo phát hiện mới nhất từ trang Ars Technica thì bộ xử lý Skylake của Intel cũng có thể khiến những hệ thống dùng nền tảng bộ xử lý này bị treo cứng khi phải "gồng mình" tính toán hết sức lực.
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng lỗi này được cho là do bộ xử lý thế hệ mới nhất của Intel trên những hệ thống Windows hoặc Linux bị quá tải khi phải gánh vác những tác vụ vốn có thể vắt kiệt hiệu năng tính toán của bộ xử lý như khi dùng công cụ Prime 95 để đo hiệu năng CPU.
Bộ xử lý Intel Skylake có thể khiến những hệ thống Windows hoặc Linux treo cứng khi bị ép tính toán đến mức quá tải.
Hiện tại, Intel cũng đã xác nhận tình trạng lỗi nói trên của những bộ xử lý Intel Skylake. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn hiện vẫn còn là những ẩn số. Intel chỉ cho biết việc ép bộ xử lý tính toán đến kiệt sức có thể khiến các hệ thống Windows, Linux dùng CPU Skylake có thể bị treo cứng hoặc gây ra những tình trạng không thể lường trước.
May mắn là Intel cũng cho biết hãng đã có cách khắc phục lỗi trên thế hệ bộ xử lý Skylake mới nhất của mình. Dự kiến, Intel sẽ sớm phát hành những bản cập nhật sửa lỗi qua hình thức cập nhật BIOS thông qua các đối tác phần cứng của hãng này.

http://www.pcworld.com.vn/articles/san-pham/bo-xu-ly/2016/01/1246242/bo-xu-ly-intel-skylake-co-the-khien-may-bi-treo-cung/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+articles%2Fcong-nghe+%28PCWorldVN+-+C%C3%B4ng+ngh%E1%BB%87%29&utm_content=Netvibes

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

10 ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM VỚI CHIẾC MÁY TÍNH CỦA BẠN

Minh Huy
(PCWorldVN) Chiếc máy tính của bạn là công cụ làm việc hàng ngày và cũng là thiết bị giải trí. Hãy giữ nó luôn hoạt động tốt và có tuổi thọ lâu dài hơn. Một số điều sau đây bạn tuyệt đối không nên bao giờ thực hiện.
1. Quên làm sạch bụi
Việc duy trì luồng không khí không bị cản trở bên trong máy tính là vô cùng quan trọng đối với hiệu suất và tuổi thọ của máy. Bụi bẩn có thể tích tụ một cách nhanh chóng nếu bạn không thường xuyên vệ sinh làm sạch bên ngoài và bên trong thùng máy, dẫn đến máy quá nóng, hiệu năng giảm và thậm chí có thể làm hỏng hoàn toàn một số thành phần linh kiện.
Để khắc phục, hãy lên lịch làm sạch máy tính thường xuyên bằng cách mang thùng máy ra ngoài phòng và quét bằng cọ hay thổi bụi bằng dụng cụ thổi khí nén. Ngoài ra, hãy làm sạch bàn phím và chuột vì đây là những thành phần mà bạn tiếp xúc trực tiếp mỗi khi sử dụng.
Dùng cọ để quét hay dụng cụ thổi khí nén để làm sạch bụi bên trong máy tính.
2. Gắn trực tiếp vào nguồn điện
Luôn cắm máy tính của bạn vào bộ ổn áp vì chỉ cần một pha tăng hay giảm điện áp bất thường cũng có thể làm hỏng bộ nguồn của máy hay thậm chí hỏng cả bo mạch chủ cũng như các thành phần khác. Ngoài ra, những trường hợp như đột ngột cúp điện rồi sau đó có điện lại cũng gây ra tình trạng cháy nguồn hay hư máy do chập điện. Đối với người dùng thường xuyên làm những công việc quan trọng thì việc trang bị thêm bộ lưu điện UPS (uninterruptible power supply) cũng là một yếu tố cần cân nhắc, tránh trường hợp bị mất thông tin quan trọng do mất điện đột xuất khi đang làm việc.
Không nên cắm máy tính vào nguồn điện trực tiếp mà phải qua bộ ổn áp hay bộ lưu điện UPS.
3. Làm sạch màn hình bằng dung môi
Trong quá trình làm vệ sinh máy tính, một điều quan trọng là không nên xịt bất kỳ chất lỏng nào lên màn hình máy tính khi lau chùi. Nếu cần làm sạch màn hình, hãy dùng một miếng vải khô mềm và mịn, thấm ướt bằng nước thường hay nước lau màn hình chuyên dụng rồi vắt khô trước khi thực hiện lau chùi bề mặt màn hình.
Lưu ý là không nên sử dụng các loại dung môi hay hóa chất và xịt trực tiếp vì chúng có thể làm hỏng bề mặt màn hình. Đồng thời, một điều quan trọng để đảm bảo an toàn khi lau chùi màn hình cũng như các thiết bị ngoại vi khác là phải tắt nguồn hoàn toàn và rút điện ra khỏi ổ cắm.
4. Vô tình làm đổ nước vào máy tính
Nước và các thiết bị điện tử luôn là "kẻ thù" của nhau. Một ly cà phê hay bia có thể làm cho bạn hạnh phúc và có động lực hơn để làm việc, nhưng nó sẽ làm cho chiếc máy tính của bạn trở thành đống sắt vụn. Hãy cẩn thận và đặt tất cả những thứ có chất lỏng tránh xa máy tính của bạn. Và có lẽ bạn không nên ăn uống tại bàn làm việc của mình quá nhiều, vì các loại thức ăn nước uống có thể làm vấy bẩn bộ máy tính.
Nước và các thiết bị điện tử luôn là "kẻ thù" của nhau.
5. Đẩy khay đĩa CD đóng lại bằng tay
Người dùng thường mở khay đĩa trên ổ quang máy tính bằng nút nhấn ở mặt trước, nhưng hầu hết trong số họ lại có thói quen đóng khay đĩa bằng cách đẩy nó vào bằng tay. Các hãng sản xuất đã thiết kế ra nút mở đồng thời cũng có chức năng đóng khay đĩa. Tuy nhiên, do thùng máy tính để bàn hầu như thường được đặt dưới gầm bàn hay tại những vị trí mà chúng ta không thể thao tác một cách dễ dàng, đồng thời, một điều dễ hiểu là khi khay đĩa ổ quang đang được mở ra thì nó sẽ che khuất nút nhấn của ổ đĩa nên cách thuận tiện nhất mà đa số người dùng thường thực hiện để đóng khay lại là đẩy nó vào bằng tay. Điều đó về lâu về dài sẽ thực sự làm hỏng dàn cơ bên trong ổ đĩa. Do đó, bạn nên sử dụng nút nhấn phía trước cả khi mở lẫn đóng khay đĩa để tuổi thọ ổ đĩa sử dụng được bền hơn.
Nên dùng nút trên ổ quang để đóng/mở khay đĩa.
6. Tắt nguồn khi máy đang lưu công việc hay cập nhật hệ thống
Đây là một thực tế phổ biến của hầu hết người dùng. Họ thường tắt ngay nguồn máy tính bằng cách nhấn nút nguồn của máy hay thậm chí kéo phích cắm ra khỏi tường (hoặc gạt cầu dao điện khi ra khỏi phòng). Việc ngắt điện máy tính ngay lập tức trong khi các chương trình vẫn đang được lưu hay hệ thống đang chạy các bản cập nhật sẽ khiến cho các công việc mà bạn đã làm bị mất, hệ điều hành dễ bị hỏng và đồng thời khiến cho các thiết bị phần cứng cũng bị ảnh hưởng về tuổi thọ. Hãy chú ý đến các cảnh báo có liên quan vô cùng hữu ích, chờ cho đến khi các chương trình hoàn thành tiến trình lưu và đóng hoàn toàn trước khi thực hiện tắt nguồn máy tính đúng cách. Đó là lời khuyên để giúp cho hệ thống của bạn chạy ổn định hơn, lâu bền hơn.
Không nên tắt nguồn khi máy đang lưu công việc hay cập nhật hệ thống.
7. Thùng rác không gọn gàng
Bạn thường "tống" tất cả mọi thứ không cần thiết vào thùng rác trên máy tính của mình, từ những tập tin hình ảnh JPG hay PNG, video AVI, tài liệu Word. Tuy nhiên, hãy nhớ là những thứ này vẫn còn nằm trong thư mục Recycle Bin của hệ thống cho đến khi bạn thực hiện thao tác xóa hoàn toàn chúng khỏi máy tính. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần phải tìm và phục hồi lại những tập tin đã xóa vì một lý do nào đó và việc tìm kiếm sẽ trở nên khó khăn trong đống hỗn độn. Hãy tạo những thư mục con (có thể đặt tên theo tháng trong năm chẳng hạn như 042015) để chứa các tập tin cần xóa, rồi sau đó xóa các thư mục này vào Recycle Bin nhằm tổ chức các tập tin gọn gàng hơn để có thể dễ dàng tìm kiếm sau này. Điều này giống như việc phân loại các loại rác thải trong nhà bạn trước khi đưa rác đến nơi cần bỏ".
Phân loại các tập tin trong thùng rác Recycle Bin để dễ tìm kiếm.
8. Gỡ bỏ thiết bị USB không đúng cách
Quá trình chính xác để gỡ bỏ một ổ đĩa USB thực sự khá đơn giản. Hãy chắc chắn rằng các tập tin đã được đóng lại, sau đó nhấn vào biểu tượng "Safely remove hardware" ở khay hệ thống của Windows rồi chọn ổ đĩa cần gỡ bỏ. Bây giờ chỉ cần nhẹ nhàng kéo thiết bị USB ra khỏi cổng kết nối. Hầu hết các thiết bị USB bị hư hỏng nhanh chóng đều do người dùng rút khỏi máy tính mà không thực hiện các bước thực hiện an toàn như trên.
Nên gỡ bỏ thiết bị USB đúng cách.
9. Không khởi động lại máy sau khi cài đặt trình điều khiển
Chúng ta đều biết nên thường xuyên cập nhật phiên bản trình điều khiển mới nhất cho các thành phần linh kiện máy tính để chúng hoạt động tối ưu hơn. Tuy nhiên, một số người dùng thường làm biếng khởi động lại máy mà vẫn tiếp tục sử dụng sau khi quá trình cài đặt hoàn thành nhằm tiết kiệm thời gian. Thực tế, bạn nên khởi động lại máy tính của mình mỗi khi cài đặt bất kỳ thứ gì mới để hệ thống cập nhật các thay đổi và hoạt động trơn tru hơn. Microsoft cho biết, phiên bản hệ điều hành Windows 10 sẽ tự động khởi động lại mỗi khi bạn cập nhật một sản phẩm Adobe hay thậm chí khi đóng một tab trong trình duyệt Chrome hoặc mở chương trình Steam.
Nên khởi động lại máy tính mỗi khi cập nhật bất kỳ phần mềm hay trình điều khiển hệ thống.

10. Quên sao lưu dữ liệuMột ngày nào đó, máy tính của bạn bị hư và bạn bị mất toàn bộ dữ liệu quan trọng vì không thực hiện công tác sao lưu dự phòng trước đó. Hãy thường xuyên thực hiện công việc tuy mất thời gian và công sức này nhưng sẽ hiệu quả nếu bạn từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngày nay, bạn cũng có thể sao lưu dữ liệu của mình lên các dịch vụ lưu trữ đám mây, chẳng hạn như Google Drive, Dropbox, OneDrive... Ngoài ra, nếu dữ liệu của bạn có dung lượng lớn thì hãy thực hiện sao lưu vào ổ cứng gắn ngoài hay các thiết bị lưu trữ khác như đĩa DVD.
Nên sao lưu dữ liệu thường xuyên.

PC World VN, 04/2015

http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/lam-the-nao/2016/01/1238808/10-dieu-khong-nen-lam-voi-chiec-may-tinh-cua-ban/?utm_source=ar-related&utm_medium=Referral&utm_campaign=relatednews



OFFICE 2016 CHO WINDOWS CÓ GÌ MỚI?

Bùi Lê Duy
(PCWorldVN) Microsoft Office 2016 for Windows vẫn là bộ phần mềm văn phòng mạnh nhất, chuyên nghiệp nhất hiện nay. Nhưng có đáng để nâng cấp? Vì đây là một câu hỏi khác.
Phần lớn người dùng máy tính đều biết đến ứng dụng Office này của Microsoft, từ những năm 1990. Ngót nghét 20 năm qua, đây vẫn là công cụ làm việc, học tập chủ yếu của doanh nghiệp, sinh viên và người dùng phổ thông. Office 2016 cũng vừa xuất hiện với vô vàn thay đổi, nhưng không có thay đổi nào khiến chúng ta phải ngạc nhiên, trầm trồ.
Thay đổi lớn nhất trong Office 2016 là giao diện, khi mọi ứng dụng đều có mã màu riêng trên thanh tác vụ. Hầu hết ứng dụng đều có khả năng tìm kiếm thông qua tính năng "Tell Me". Nhưng hầu như tất cả chỉ có vậy, vì những cập nhật khác chỉ nhỏ nhặt. Office 2016 cũng có màu sắc tương hợp với Windows 10, nhưng vẫn chưa lôi cuốn như Cortana.

Tương lai
Ngoài Outlook ra, mọi ứng dụng còn lại đều đưa ra nhiều tính năng hơn mức người dùng cần đến. Một lý do khác mà bộ Office nâng cấp lần này không mấy ý nghĩa là bởi bức tranh tổng thể về thiết bị làm việc đang thay đổi rất nhanh. Microsoft đã đi đúng hướng khi tập trung nhiều hơn vào ứng dụng di động, làm cho ứng dụng chạy suôn sẻ trên máy tính bảng và điện thoại thông minh. Apple vừa tung ra iPad Pro, là dấu hiệu cho thấy Microsoft không còn dựa được nhiều vào nền tảng PC truyền thống nữa.
Tuy vậy, thay đổi lớn nhất của bộ Office 2016 có lẽ là cách tính phí mà Microsoft đưa ra cho doanh nghiệp: chuyển từ mua trọn bộ sang đăng ký sử dụng hàng tháng. Đến nay, Microsoft chắc chắn tập trung vào lượng người đăng ký sử dụng Office 365, cũng là người nhận được bản cập nhật Office 2016 miễn phí (cùng với các bản cập nhật khác trong tương lai nếu có). Do vậy, có vẻ như Microsoft sẽ không theo lối cũ là cứ vài ba năm lại tung một bản cập nhật lớn, mà cập nhật dần dần, liên tục hơn.
Đây là tin vui cho những ai đã chọn Office 365. Có nhiều lý do để người dùng chọn đăng ký dịch vụ Office trực tuyến này, không phải chỉ là cớ để có giấy phép cài Office 2016 lên máy tính với phí 12 USD/tháng.
Nhưng còn với những ai không cần đến Office trực tuyến, có lẽ Office 2016 xuất hiện không phải là tin vui. Vì nếu bạn nâng cấp trực tiếp từ Office 2013 lên 2016, đó không phải là lựa chọn sáng suốt. Đầu tiên, đó là mức giá khi Microsoft đưa đến 179 USD cho bản Home và Student. Kế đến, không gì chắc chắn lộ trình cập nhật, nâng cấp lên bản Office tiếp theo của Microsoft sẽ như thế nào vì hãng đã chuyển hướng tập trung lên bộ Office 365.
Khung Tell Me trong Office 2016 rất tiện lợi để bạn tìm lệnh nhanh.
Word 2016Word là một trong những ứng dụng có biểu tượng bóng đèn "Tell Me" phía trên thanh ribbon. Tính năng này hoạt động khá tốt, hiển thị kết quả tìm kiếm nhanh và bạn không phải lục lọi trong nhiều tab của thanh ribbon. Ví dụ, để đếm số từ, bạn gõ Alt+Q để đưa trỏ chuột đến Tell Me, sau đó gõ "word count" và nhấn Enter. Chuyên nghiệp hơn nữa, bạn chỉ cần gõ Alt+Q là những lựa chọn trước đây của bạn sẽ hiện ra theo mặc định, giúp công việc nhanh hơn.
Tính năng này có cả khi làm việc cộng tác, thời gian thực trên Office 365 và OneDrive. Một khi lưu tài liệu lên một trong hai dịch vụ đám mây này thì bạn có thể nhấn vào nút Share ở góc trên bên phải, và chọn hoặc gõ vào địa chỉ email cần chia sẻ. Người nhận sẽ nhận được link của tài liệu và nếu người nhận cũng sử dụng Office 2016 hoặc Office Web Apps thì họ cũng có thể chỉnh sửa tài liệu đó, và những thay đổi của người khác cũng sẽ được hiển thị trực tiếp khi họ thay đổi nội dung. Thực tế, có chút độ trễ nhưng dù sao, tính năng này cũng ấn tượng.
Word trước đây cũng có chức năng làm việc cộng tác nhưng phiên bản mới này nhạy hơn, những thay đổi xuất hiện ngay lập tức khi có người chỉnh sửa thay vì trước đây là chúng chỉ được lưu lại. Một điểm trừ là bạn phải sử dụng đám mây của Microsoft, là một máy chủ SharePoint tạo sẵn, và máy chủ này không phải không có lỗi. Vì thỉnh thoảng, bạn sẽ thấy những thông báo lỗi gửi về từ máy chủ này như nó không thể chia sẻ tài liệu được.
Một cải tiến đáng giá khác của Word là tính năng Smart Lookup. Chức năng này xuất hiện khi bạn nhấn chuột phải vào câu chữ được chọn, và Smart Lookup thay thế tính năng "Search with Bing" của Office 2013. Ví dụ, bạn tìm từ "Sài Gòn" với Smart Lookup, một cửa sổ Insights bên mép phải màn hình sẽ hiện ra các thông tin mà Word tìm được trên mạng, như định nghĩa và các thông tin có liên quan khác về Sài Gòn. Điều quan trọng của tính năng này là nó tìm kiếm được ngay trong ứng dụng, nên bạn không cần đi đâu ra ngoài Word để tìm thông tin.
Công cụ soạn và biên tập các ký hiệu toán học cũng được cải tiến. Có lẽ người dùng thường xuyên đối diện với toán sẽ thích bộ chuyển đổi mới "Ink to Math". Nó sẽ mở một cửa sổ nhập mà bạn có thể viết tay một ký hiệu toán học vào, và Word sẽ nhận diện và chuyển sang ký tự, sau đó cho bạn chèn vào văn bản. Nhiều ký tự toán học phức tạp Word có thể dễ dàng nhận diện tốt và chính xác.
Tính năng Ink to Math giúp bạn gõ các công thức toán học rất dễ.
Excel 2016Công cụ phân tích dữ liệu và bảng tính này của Microsoft thực sự là bà hoàng của bộ Office. Excel được rất nhiều người sử dụng và đến nay, nó hầu như không có đối thủ. Có lẽ vì thế mà Excel 2016 không có nhiều cải tiến đáng kể, mà Microsoft chỉ tinh chỉnh lại cho nó gọn gàng, hợp lý hơn một chút mà thôi.
Excel 2016 không có tính năng cộng tác thời gian thực giống như Word, PowerPoint và OneNote, nhưng nó có giao diện mới đẹp hơn nhưng thực sự không mấy cần thiết, cộng thêm vài cải tiến nho nhỏ.
Đầu tiên, đó là 6 loại biểu đồ mới:
• Treemap: hiển thị dữ liệu phân cấp dạng các khối chữ nhật
• Sunburst: hiển thị dữ liệu dạng vòng tròn đồng tâm
• Waterfall: biểu đồ hình thác nước
• Histogram: biểu đồ dữ liệu tĩnh
• Pareto: kết hợp cột và dòng để tạo các giá trị riêng biệt và cộng dồn
• Box và Whisker: hiển thị loạt giá trị với các giá trị trung bình trong một hộp, trong khi dòng vẽ ra điểm tối đa và tối thiểu
Nét đẹp của các biểu đồ Excel là tính dễ dàng sử dụng, chỉnh sửa và các kiểu biểu đồ mới này được nhiều người thích. Excel mới cũng có tính năng Forecast Sheet để tự động tạo một sheet ước đoán dữ liệu dựa trên loạt sheet đã có. Để có được tính năng này, Microsoft đã tinh chỉnh lại hàm Forecast hoạt động bên dưới nó.
Công cụ PivotTables mạnh mẽ của Excel cũng được cải tiến. Bảng pivot cho bạn phân tích dữ liệu bằng cách đưa ra giá trị tổng, giá trị đếm và giá trị trung bình dựa trên cột mà bạn chọn, thậm chí áp dụng cho trên nhiều sheet với nhiều dữ liệu khác nhau. Excel 2016 cũng có tính năng khác như tự động nhận diện mối quan hệ, nhóm gộp thời gian và các nút zoom dữ liệu.
Công cụ add-in Power Query dùng để kết nối đến dữ liệu từ các nguồn khác nhau nay được tích hợp trong Excel, nằm luôn trên thanh ribbon Data. Bản đồ 3D trước đây cũng là add-in có tên Power Maps, nay cũng là một tính năng chính của Excel 2016.
Ngoài ra, Excel 2016 có những cải tiến nhỏ khác như khi bạn chèn ảnh vào Excel, nó sẽ lấy thông tin của ảnh có trong dữ liệu EXIF để xoay tấm ảnh cho đúng chiều. Bạn cũng có được tính năng Tell Me trong Excel, giống như trong Word, Outlook và PowerPoint: chỉ việc nhấn Alt+Q để tìm công cụ cần dùng. Nhưng với Excel, có vẻ như tính năng Tell Me hơi phức tạp cho chính bản thân nó vì khi bạn gõ "set a heading row" để cố định lại một hàng thì nó chẳng giúp ích được gì, nhưng nếu gõ “freeze panes” thì được. Hơn nữa, Tell Me trong Excel chỉ có tác dụng tốt với những gì có sẵn trên thanh ribbon mà thôi, không phải với các hàm của Excel.
Nếu bạn sử dụng Office 365 hoặc SharePoint, bạn có thể truy cập lịch sử tài liệu ngay trong Excel. Khung File History hiển thị các phiên bản trước đây và bạn chỉ việc chọn một phiên bản để xem và phục hồi lại phiên bản ấy. Tính năng Ink to Math của Excel cũng tỏ ra hiệu quả không kém Word.
Cũng như Word, Excel không có nâng cấp quan trọng nào mà chỉ có những chỉnh sửa nhỏ kể trên. Dù vậy, Excel vẫn ngự trị và chưa có công cụ nào có thể thay thế nó trong doanh nghiệp.
Biểu đồ dạng Treemap (trên) và Sunburst mới trong Excel 2016.
Outlook 2016Outlook làm rất tốt việc tích hợp email, địa chỉ liên lạc, lịch làm việc và quản lý tác vụ vào trong một ứng dụng. Nhưng từ lâu nó bị mang tiếng là quá rối rắm, phức tạp và nhiều tính năng "nhiễu". Ví dụ, nó nhúng Word vào là trình soạn thảo email, và hậu quả là email dựng ra bản HTML từ Word, rất khó định dạng lại được nếu bạn muốn thêm vào hay chỉnh sửa gì đó trong nội dung đó.
Outlook 2016 cũng không có nhiều cải tiến lớn nhưng vẫn có vài điểm mới. Đáng quan tâm nhất có lẽ là gửi và chia sẻ file đính kèm. Khi bạn đính kèm một tài liệu chứa trong OneDrive vào một email thì Outlook gửi một đường link mặc định đến email thay vì đính kèm file. Trừ khi bạn chỉnh lại quyền truy cập file, còn không thì tài liệu bạn gửi cho người nhận, họ có thể chỉnh sửa được. Đây là giải pháp cộng tác rất hay nhưng chỉ với những ai biết mình đang làm gì và chuyện gì đang xảy ra mà thôi. Còn nếu bạn không muốn làm theo cách mới này thì bạn có thể gửi tài liệu trên đám mây với link có quyền "chỉ đọc", hoặc gửi file đính kèm theo kiểu truyền thống.
Cũng có vài tính năng mới khác trong Outlook mà thực chất đã có trên Office 365. Đó là thư mục Clutter dành cho những email có độ ưu tiên thấp, khác với thư rác. Clutter dựa vào các thuật toán trong Office 365, nay cũng được tích hợp vào Outlook. Có nghĩa là, nếu bạn cho rằng thuật toán chưa chính xác đối với một email nào đó, bạn có thể chọn email đó và chọn Move to Clutter bằng cách nhấn chuột phải để "dạy" lại cho thuật toán biết cách "đối xử" với loại email đó về sau. Điều này không chỉ chuyển email vào thư mục Clutter mà còn cải thiện độ chính xác của dịch vụ này. Tuy vậy, bạn vẫn cần đến Office 365 nếu muốn bật hay tắt Clutter.
Một tính năng mới khác của Office 365 là Group mà bạn cần đăng ký Enterprise mới có được. Group là danh sách gửi email mà bạn chỉ định trước trong địa chỉ liên lạc. Ngoài gửi email, bạn có thể gửi lịch họp, chia sẻ tài liệu cho nhóm trong Group. Dĩ nhiên, nhóm liên lạc kiểu cũ vẫn có.
Nếu bạn không dùng Office 365 thì Office 2016 không có gì mới ngoài giao diện thay đổi chút ít, mà thực chất là giao diện thay đổi đồng bộ trong cả bộ Office 2016, có thêm Tell Me để tìm kiếm lệnh hoặc giúp đỡ. Vì Outlook có nhiều tuỳ chọn khó tìm nên Tell Me tỏ ra thực tế hơn với ứng dụng này so với các ứng dụng khác. Ví dụ nếu bạn đang soạn một email và muốn thêm ai đó vào trường BCC hoặc thay đổi địa chỉ trên From. Mặc định, Outlook ẩn những trường này và bạn cần nhấn chuột vào tab Options để cho chúng hiển thị ra. Bây giờ, bạn có thể nhấn Tell Me, gõ bcc thế là xong.
Điểm thất vọng là có quá ít thay đổi cải tiến trong nhân của bộ Office 2016. Khi cựu CEO của Acompli vừa trở thành Phó chủ tịch của Outlook (Acompli chịu trách nhiệm các bản Outlook di động), chúng ta hy vọng Outlook sẽ được cải tiến nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Đính kèm file lưu trên OneDrive trong Outlook 2016 thực chất chỉ đính kèm đường dẫn.
OneNote 2016Bản OneNote trong Office 2016 cũng hệt như bản OneNote 2013, mặc dù giao diện bóng bẩy hơn chút ít. Tuy vậy, điều lạ lùng là nó không có tính năng Tell Me như các ứng dụng khác của Office 2016.
Mặc dù thiếu các tính năng mới trong phiên bản này nhưng có nhiều thứ đã xảy ra đối với OneNote kể từ bản 2013 đến nay. Một tính năng rất tiện lợi là khả năng viết ghi chú qua email. Ý tưởng ở đây là bạn có thể tìm được thứ gì đó mà bạn muốn ghi lại vào OneNote mà ứng dụng này không có sẵn. Ví dụ như bạn có thể gửi email vào địa chỉ têncủabạn@onenote.com, thì nội dung đó sẽ được gửi trực tiếp đến OneNote và nó sẽ tạo một trang nội dung OneNote chứa trong OneDrive. Để có đợc tính năng này, bạn cần phải thiết lập, đăng ký địa chỉ email trên trang onenote.com, lúc ấy bạn sẽ được cấp một notebook nhận email cố định.
Một cách khác để gửi nội dung cho OneNote là Clipper, là một liên kết trình duyệt, cho bạn ghi lại trang web mà mình muốn. Công cụ khác nữa là Office Lens cho iOS, Android và Windows Phone để quét ảnh di động bằng camera của điện thoại và gửi ảnh đó vào OneNote.
Dù vậy, OneNote vẫn được xem là viên đá quý nhưng chưa được mài dũa của bộ Office 2016. Những thay đổi nhỏ nhặt trong OneNote 2016 cũng bổ sung phần nào bộ mặt mới cho công cụ ghi chú rất hữu ích này.
Một trong những tính năng rất hữu ích của OneNote là hệ thống ghi âm. Bạn chỉ việc mở OneNote, nhấn vào nút ghi âm và cả văn bản và bản ghi âm của một ghi chú sẽ kết hợp với nhau khi bạn vừa ghi âm, vừa gõ bàn phím. Điều này có nghĩa là bạn có thể chọn một bản ghi chú có cả văn bản và âm thanh, và ghi nghe lại âm thanh, bạn sẽ thấy những ghi chú văn bản được làm nổi trong suốt thời gian bạn nghe lại. Nhưng điều hơi bực mình là chất lượng ghi âm mặc định rất thấp, chỉ ở 12Kb/s, 16kHz mono.
Còn tính năng cộng tác Collaboration trong OneNote lại không sánh bằng với hai ứng dụng Word và PowerPoint trong bản 2016 này. Bạn vẫn có thể làm việc trên các ghi chú được chia sẻ nhưng bạn sẽ không thấy được những thay đổi của đồng nghiệp trên ghi chú, theo thời gian thực, nghĩa là bạn phải chờ họ nhấn nút đồng bộ thì mới nhìn thấy thay đổi.
Tuy vậy, mặc dù thiếu tính năng mới nhưng OneNote vẫn là công cụ ghi chú mạnh, linh hoạt và hiện thời nó hỗ trợ được trên nhiều nền tảng phổ biến, trong đó có web. Có lẽ công việc của Microsoft sẽ là làm sao cho người dùng sử dụng OneNote thường xuyên hơn Word và tạo bộ công cụ hữu dụng hơn cho OneNote.
Một trong những tính năng rất hữu ích của OneNote là hệ thống ghi âm
PowerPoint 2016
Ứng dụng tạo trình diễn phổ biến này được Microsoft đối đãi chu đáo nhất trong các anh em của bộ Office 2016, trong đó Tell Me dùng để tìm kiếm và trợ giúp, giao diện bóng bẩy, kết quả tìm kiếm Smart Lookup for Bing hiển thị ở panel kế bên và tính năng cộng tác.
Dù vậy, tính năng cộng tác chỉ hoạt động được khi bạn lưu file lên OneDrive hoặc Office 365. Miễn là bạn lưu file lên đó thì bạn có thể nhấn vào nút Share ở góc phải bên trên ứng dụng để gửi link mời đồng nghiệp đến xem và cùng làm việc trên file ấy.
Tuy vậy, có vẻ như tiến trình chia sẻ file cộng tác chưa được suôn sẻ mấy. Một khi đồng nghiệp của bạn nhận được đường link của tài liệu, tài liệu đó sẽ được mở trong Office Web Apps. Và nếu bạn muốn chỉnh file trình diễn này trên ứng dụng để bàn, bạn phải nhấn vào một tuỳ chọn khác để mở nó trong PowerPoint. Nhưng điều này lại gây khó chịu vì sau đó trình duyệt sẽ cảnh báo bảo mật, sau đó PowerPoint lại bắt đầu thông báo bạn cẩn thận với những file từ Internet vì rủi ro chứa virus.
Ở điểm này, mọi đồng nghiệp của bạn được chia sẻ file đều có thể làm việc đồng thời cùng nhau trên file. Nhưng cũng như OneNote, đồng nghiệp của bạn phải lưu file lại thì bạn mới thấy thay đổi.
Mặc dù tiến trình chia sẻ file này hoạt động tốt khi mỗi đồng nghiệp làm việc trên từng slide riêng rẻ, nhưng nếu làm trên cùng một slide thì sau khi lưu lại, có thể slide đó sẽ bị lộn xộn lên.
Một bổ sung có ích của PowerPoint bản này là các loại biểu đồ mới giống trong Excel, gồm Treemap, Sunburst, Histogram, Box and Whisker và Waterfall. Khi bạn chỉnh sửa dữ liệu biểu đồ, một sheet Excel nhúng xuất hiện, là một ví dụ điển hình cho việc tương tác tốt giữa các ứng dụng trong bộ Office mới này. Người dùng máy tính bảng và nút cảm ứng có thể dùng công cụ Ink to Math để chuyển đổi những ký tự đặc biệt như trong Word.
Đó là những thay đổi đáng chú ý nhất của PowerPoint 2016, ngoài ra không còn gì khác. Rõ ràng đội ngũ phát triển PowerPoint đã tập trung nhiều hơn vào ứng dụng Office Mobile hơn và cho phiên bản dành cho máy Mac hơn.
Dù vậy, cũng cần ghi nhận từ khi PowerPoint 2013 xuất hiện thì đội ngũ phát triển Office không ngồi yên. Những tính năng mới như quay hình màn hình cho bạn tạo video trên toàn màn hình hoặc từng vùng cụ thể trên màn hình máy tính, ghi âm... cũng là một tiến bộ. Bạn có thể xuất một trình diễn PowerPoint thành video riêng rẻ, thậm chí tính năng nguệch ngoạc bằng bút cảm ứng trên màn hình, sau đó bạn có thể xuất video ấy lên Office 365 hoặc lên YouTube. Những tính năng thú vị này, kết hợp với microphone trên máy tính, đã giúp PowerPoint trở thành công cụ xuất bản và giảng dạy rất phù hợp.
PowerPoint luôn là một công cụ linh hoạt cho người chuyên phải thuyết trình hoặc giảng dạy. Điều này vẫn không thay đổi trong PowerPoint 2016 và Microsoft vẫn cho thấy đây là một công cụ khó lòng thay thế.
PowerPoint 2016 bổ sung vài kiểu biểu đồ và làm việc cộng tác.
PC World VN, 12/2015 
http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/cong-nghe/2016/01/1246088/office-2016-cho-windows-co-gi-moi/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+articles%2Fcong-nghe+%28PCWorldVN+-+C%C3%B4ng+ngh%E1%BB%87%29&utm_content=Netvibes

NHIỀU ỨNG DỤNG ĐỘC HẠI TRÊN ANDROID NGƯỜI DÙNG CẦN GỠ BỎ NGAY

Dân trí Vấn đề bảo mật trên nền tảng Android một lần nữa lại khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi khi hàng chục ứng dụng độc hại bị phát hiện đang được chia sẻ công khai trên kho ứng dụng Google Play chính thức dành cho nền tảng này.

Một loạt 13 ứng dụng độc hại, thuộc chuỗi ứng dụng độc có tên gọi Brain Test, vừa được Google phát hiện và gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng Google Play dành cho nền tảng Android.
Những ứng dụng này tưởng chừng như vô hại với người dùng, tuy nhiên trên thực tế khi người dùng vô tình cài đặt những ứng dụng này, chúng sẽ chiếm quyền điều khiển cao nhất trên thiết bị (đối với các thiết bị chạy Android đã root), điều này cho phép các ứng dụng độc hại vẫn có thể tồn tại trên thiết bị ngay cả khi người dùng khôi phục lại hệ thống trên máy. Trong trường hợp này, cách duy nhất để loại những ứng dụng độc hại này đó là cài đặt mới hoàn toàn nền tảng Android trên thiết bị, một điều không hề đơn giản mà không phải ai cũng làm được.

Cake Tower và Honey Comb, 2 trong số 13 ứng dụng độc hại vừa bị gỡ bỏ khỏi Google Play, có số đánh giá rất cao, mặc dù đây chỉ là những đánh giá giả mạo, để qua mắt người dùng
Cake Tower và Honey Comb, 2 trong số 13 ứng dụng độc hại vừa bị gỡ bỏ khỏi Google Play, có số đánh giá rất cao, mặc dù đây chỉ là những đánh giá giả mạo, để qua mắt người dùng

Ngoài ra, các ứng dụng này còn bí mật cài đặt thêm các ứng dụng khác trên thiết bị bị lây nhiễm mà người dùng không hay biết để chiếm thêm quyền hoạt động trên thiết bị. Các ứng dụng độc hại này còn âm thầm tự tạo các đánh giá ảo trên Google Play cho các ứng dụng nhất định bằng tài khoản Google của người dùng mà họ không hay biết.
Phần lớn 13 ứng dụng độc hại này chủ yếu đều là “mạo danh” dưới dạng các game nhỏ và vui nhộn nên dễ thu hút nhiều người dùng cài đặt. Điều may mắn là vào thời điểm ứng dụng bị Google phát hiện và loại bỏ, số người đã cài đặt những ứng dụng độc hại này vẫn ở mức hạn chế, do vậy hậu quả do các ứng dụng này gây ra có lẽ là chưa lớn.
Mục đích của hacker đứng đằng sau chuỗi ứng dụng độc hại này đó là sẽ giúp tăng lượng cài đặt và lượng đánh giá (review) cho những ứng dụng khác trả tiền cho chúng, bằng cách âm thầm cài đặt và viết đánh giá giả mạo từ các thiết bị bị lây nhiễm mã độc của người dùng.
Điều đáng nói là những ứng dụng độc hại này được chia sẻ công khai lên Google Play, mặc dù Google đã áp dụng các chính sách kiểm duyệt và thắt chặt các loại mã độc được phát tán trên kho ứng dụng của mình. Điều này đặt ra câu hỏi phải chăng Google đang gặp khó khăn trong việc ngăn chặn mã độc đang được phát tán trên nền tảng Android?
Dưới đây là danh sách 13 ứng dụng độc hại vừa bị gỡ bỏ khỏi Google Play. Người dùng Android nên kiểm tra xem mình có vô tình cài đặt nhầm một trong số 13 ứng dụng này hay không:
1. Cake Blast
2. Jump Planet
3. Honey Comb
4. Crazy Block
5. Crazy Jelly
6. Tiny Puzzle
7. Ninja Hook
8. Piggy Jump
9. Just Fire
10. Eat Bubble
11. Hit Planet
12. Cake Tower
13. Drag Box
T.Thủy