Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

8 LÝ DO MÌNH KHÔNG DÙNG MÁY ẢNH DSLR NỮA, CHỈ DÙNG MRL CHO CẢ CHỤP LẪN QUAY VIDEO

 Thông báo

8 lý do mình không dùng máy ảnh DSLR nữa, chỉ dùng MRL cho cả chụp lẫn quay video
Kết thúc quý 1 năm 2022, kể cả nguyên một năm 2021, chúng ta chỉ được chứng kiến duy nhất 1 chiếc DSLR được ra mắt đó là Pentax K3 III. Mình đã từng cho rằng DSLR vẫn luôn có một thị trường riêng, một tố chất riêng, một số nhu cầu nhất định cần đến.

[​IMG]
Nhưng đến thời điểm hiện tại, các máy ảnh MRL được các hãng chăm chút và cho ra những công nghệ cực kì khủng khiếp, nó đang cố gắng bao phủ gần như toàn bộ nhu cầu, các phương diện mà người dùng đang cần đến ở một chiếc máy chụp ảnh. Người anh DSLR đang dần bị hụt hơi, không còn theo kịp, không có đủ các đổi mới nữa. Còn các ưu điểm vượt trội trước giờ đã không còn thu hút được người dùng và các hãng thì cũng đang dần không còn mặn mà nữa.

[​IMG]
Bên dưới đây mình xin chia sẻ một số lý do mình sẽ không mua, không dùng các máy ảnh DSLR nữa, mời các bạn cùng xem.



DSLR quá nặng là cái mà ai cũng thấy ngay. Một chiếc DSLR nếu đặt lên bàn cân với một chiếc MRL thì có thể lệch nhau đến gấp rưỡi về cân nặng.

Đối với anh em làm nghề thì cái này không thành vấn đề, nhưng mà đối với anh em người dùng bình thường thì đây là một vấn đề rất lớn.

[​IMG]
Người dùng đã dần nhận ra một chiếc máy ảnh nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ mới là chân lý. Có nó, họ sẽ dễ dàng trong các chuyến đi hơn, mang vác cũng đỡ nhọc công hơn.

Trọng lượng và kích thước là một yếu tố mà MRL vượt trội hơn hẳn DSLR và mang yếu tố quyết định thắng thua ngay từ những ngày đầu MRL được ra mắt.


[​IMG]
Hệ thống lens cho máy ảnh cũng quan trọng tương tự như hệ sinh thái ứng dụng của một hệ thống di động vậy.

Máy ảnh có tốt đến mấy mà không có một hệ thống lens đa dạng và chất lượng cao thì cũng khó mà được người dùng đón nhận. Chưa kể là tính đa dạng, đáp ứng nhiều đối tượng người dùng, nằm ở nhiều tấm giá để người dùng lựa chọn lại là một câu chuyện khác nữa.

[​IMG]
MRL có một thống lens quá nghèo nàn? Đúng thực là như vậy nhưng đây là câu chuyện của 6-7 năm về trước, cái thời mà Sony còn cho ra mắt các loại ngàm để sử dụng ống kính ngàm A, hoặc ngàm Canon EF gắn cho Sony E. Muốn dùng máy ảnh MRL bạn phải nghĩ ngay đến mua ngàm gì vì thời điểm đó, các chiếc ống kính MRL còn khá đắt đỏ và chưa có nhiều sự lựa chọn cho người dùng phổ thông với giá thành thấp. Chưa kể có muôn vàn loại ngàm MF, AF,.. và hàng ngàn câu hỏi như lấy nét ngon không, tracking được không… khá nhức đầu.

[​IMG]
Còn ở thời điểm hiện tại, ống kính MRL của các hãng đã quá nhiều loại, rất nhiều phân khúc khác nhau, nhiều tiền hay ít tiền đều có. Từ đó người dùng thoải mái hơn rất nhiều và dần ít nghĩ về các loại ngàm.

Một câu chuyện nữa là các hãng dần không còn cập nhật các dòng ống kính DSLR của mình nữa. Điển hình là với Nikon thì mình thấy trong năm vừa rồi hầu như không có một cái ống kính ngàm F nào được ra mắt.

[​IMG]
Chỉ có Canon vẫn đang theo đuổi ống kính ngàm EF của họ, vì hệ sinh thái ống kính này còn được ưa chuộng quá rộng rãi, không chỉ trong lĩnh vực chụp ảnh, mà còn có cả quay video nữa.


[​IMG]
Công nghệ là yếu tố mà MRL đưa ra làm ưu thế cạnh tranh hàng đầu, ngay từ những ngày đầu ra mắt luôn và đến thời điểm hiện tại thì ưu thế này vẫn rất mạnh mẽ.

[​IMG]
[​IMG]
Hình chụp từ Nikon Z9.

Các công nghệ như tốc độ lấy nét, độ chính xác khi lấy nét, tracking người, vật thể, động vật, mắt người, mắt động vật, công nghệ chống rung body… từ lâu đã bỏ xa các máy ảnh DSLR.


Chưa kể chúng ta hiện đã có các tính năng chuyên nghiệp, chuyên sâu hơn, như chồng hình để nét toàn bộ hình trên Fujifilmtốc độ chụp liên tục nhanh hơn vượt trội, kính ngắm EVF đẹp hơn, nét hơn.


[​IMG]
DSLR được cho là có độ bền cực kì cao, chịu được các điều kiện khắc nghiệt và có khả năng vận hành trong nhiều điều kiện khó trong tự nhiên. Đúng là như vậy, DSLR đã từng cho cảm giác an toàn hơn, hoạt động ổn định, nhanh và chính xác, được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đánh giá cao và cực kì ưa chuộng.

[​IMG]
Điển hình phải kể đến như dòng Nikon D6 series, Canon 1Dx Mark III hoặc là Pentax K1 series. Chúng thực sự khủng khiếp, rất bền, và chinh chiến với các nhiếp ảnh gia hardcore trong nhiều năm. Mình không phủ nhận điều này nhưng có 2 lý do mà mình không chọn DSLR ở thời điểm hiện tại:
  • Mình và rất nhiều anh em người dùng phổ thông khác không phải nhiếp ảnh gia chuyên chụp các môi trường khắc nghiệt.
  • Độ bền và sức chống chịu của các máy ảnh MRL đã tốt hơn rất nhiều, không còn là một nhược điểm lớn như những ngày đầu ra mắt nữa.


Để mà nói một chiếc DLSR bền hơn hay MRL bền hơn thì mình vẫn luôn nghiêng về DSLR nhưng mà yếu tố này tính trên phương diện hơn thua so sánh giữa 2 bên, chứ còn sử dụng thực tế thì MRL hiện đang làm rất tốt rồi. Bằng chứng là đến thời điểm hiện tại, các chiếc máy ảnh MRL tuy đã ra đời từ rất lâu rồi như Sony A6000, Sony A7 Mark 1 hoặc 2, Fujifilm XT đời 1 hoặc 2 … nhưng vẫn còn được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.


[​IMG]
Kính ngắm quang học và kính ngắm điện tử cũng là một yếu tố làm người dùng vẫn không thể quên được DSLR, người dùng vẫn thích kính ngắm quang học bởi vì nó thực hơn, nó đẹp hơn, độ nổi khối chắn chắn là hơn một chiếc kính ngắm điện tử.

Dành cho anh em chưa biết, điểm khác nhau dễ nhận biết nhất giữa DSLR và MRL là
  • DSLR có kính ngắm quang học (VF), sử dụng gương lật và lăng kính 5 cạnh để đưa hình ảnh và ánh sáng thực tế đi từ chủ thể đến mắt chúng ta.
  • MRL không có gương lật, không có lăng kính 5 cạnh, MRL sử dụng hình ảnh từ sensor, render sau đó chiếu lên một cái màn hình nhỏ xíu trên kính ngắm của máy và được gọi là kính ngắm điện tử (EVF).


Những ngày đầu ra mắt, MRL thường chỉ được trang bị các loại kính ngắm điện tử cho góc nhìn bị phẳng hơn, xấu hơn và độ nét thì rất kém. Người dùng DSLR khi nhìn vào liền có sự không hài lòng, bạn thử nghĩ xem, một bên là một màn hình hiển thị, một bên là ánh sáng thực tế thì chắc chắn ánh sáng thực tế sẽ đẹp hơn rồi.

Kính ngắm quang học còn giúp cho người chụp quan sát, nhận định được ánh sáng thực tế như thế nào để đưa ra các thông số máy ảnh chính xác hơn, nhanh hơn, còn EVF sẽ cho ra màn hình cái mà ta nhìn thấy là bức ảnh mà ta chụp luôn.

[​IMG]
Hiện tại thì EVF trên máy ảnh MRL còn được cập nhật thêm nhiều tính năng hay hơn nữa, nhiều công nghệ hơn nữa điển hình là nhà Nikon và Canon:
  • Nikon trang bị công nghệ Dual-Streaming, công nghệ này render 2 luồng cùng lúc. Luồng thứ nhất phục vụ cho kính ngắm trong khi luồng thứ hai phục vụ cho việc chụp và ghi hình. Từ đó cho phép kính ngắm luôn hoạt động không bị chớp đen khi chụp nữa, tìm hiểu thêm tại đây.
  • Canon thì trang bị khả năng lấy nét bằng mắt người ở kính ngắm điện tử cho máy Canon R3 của họ.

[​IMG]
Bên cạnh đó là sự bùng nổ của camera trên điện thoại, người dùng đã vô tình được làm quen với cách chụp nhìn qua màn hình mà không cần nhìn kính ngắm nữa, cho nên người dùng dần quen và không còn chú ý đến tính năng này nữa.

Cho nên đến thời điển hiện tại kính ngắm với mình không còn là vấn đề giữa MRL và DSLR nữa.



Tốc độ chụp trên các chiếc máy DLSR thường nằm ở mức cao nhất cũng chỉ 14 hoặc 16 khung hình/giây, khó mà cao hơn được. Màn trập và gương lật sử dụng quá nhiều yếu tố cơ khí, cho nên dần dần các hãng đang chạm tới giới hạn vật lý của các linh kiện, khiến máy ảnh DSLR khó mà tăng tốc độ chụp lên hơn nữa. Cụ thể Canon 1Dx Mark III cũng chỉ có thể chụp được 16 khung hình/giây mà thôi, việc sản xuất ra một chiếc máy ảnh DSLR có tốc độ chụp cao hơn là có thể nhưng rất khó và giá thành sẽ rất cao.

Các hãng máy ảnh như Canon đang tìm các giải pháp với cho việc này, họ thay đổi bằng cách sử dụng từ tính hoặc các cấu trúc khác, tìm hiểu thêm tại bài viết bằng sáng chế của Canon tại đây.

[​IMG]
Màn trập cơ học ở thời điểm ban đầu hơn được màn trập điện tử ở chỗ là trong giới hạn vật lý của nó, sẽ không bị tình trạng rolling shutter, cho nên thời gian đầu các máy MRL vẫn sử dụng màn trập cơ học nhưng tốc độ chụp vẫn không cao hơn DSLR được mặc dù đã lược bỏ đi gương lật.


Các hãng cũng đã tập trung nhiều để cho ra các công nghệ mới để khắc phục các điểm yếu của màn trập điện tử, như A9, hoặc A1 đều có các ưu thế riêng. Còn riêng Nikon trên chiếc máy ảnh Nikon Z9 đã bỏ hẳn màn trập cơ học, sử dụng hoàn toàn màn trập điện tử, đây có thể cho thấy là những bước tiến mới và giảm bớt đi tầm quan trọng của màn trập cơ học.


Liên quan đến tốc độ thì mình nói thêm là MRL ở thời điểm hiện tại đã không còn tình trạng mất ổn định, giật lag, hoặc dễ bị quá nhiệt như ngày xưa. Lúc trước sử dụng các máy ảnh Sony bạn có thể cảm nhận được sự delay của nó khi chụp luôn, máy thì nhanh hết pin, đôi khi bị lag đứng máy luôn do nhiệt độ cao, nhưng hiện tại thì đã không còn nữa.


[​IMG]
Thứ mà các bạn thường tâm đắc khi nhắc đến một chiếc máy DSLR là cảm giác chụp, tiếng của màn trập, của gương lật, cảm nhận của xúc giác khi các thành phần cơ khí đập vào nhau khi bấm chụp. Thú thật đây từng là một cảm giác tuyệt vời, nó cho mình cảm hứng rất mạnh mẽ, chuyện này thể hiện ở chỗ khi mà các bạn cầm một chiếc máy ảnh như Nikon D5 hay Canon 1Dx Mark III sẽ thử ngay tính năng chụp liên tục.


Nhưng dần, đối với mình yếu tố này đã thay đổi, sự tiện lợi gọn nhẹ của MRL đã chinh phục mình, khiến mình không còn quá nhiều cảm giác với DSLR nữa.


[​IMG]
Các hãng hiện tại đã có quá nhiều sự lựa chọn tầm trung hoặc cho người mới rồi, các máy ảnh MRL ngày càng rẻ hơn kể cả giá thành của body và lens.

[​IMG]
Các dòng máy quay chụp tốt với giá thành dễ tiếp cận cho người mới như Sony A6000, ZV-E10, Fujiflm X-S10, X-E4, X-A7, Nikon Z50, Zfc, Canon M series … cũng như rất nhiều máy khác nữa.

Vì vậy, chúng ta có thể thấy giá thành ở thời điểm hiện tại không còn là vấn đề của máy ảnh MRL nữa.


[​IMG]
Sau tất cả các lý do trên, dần dần sau này mình không còn có ý định mua một chiếc máy ảnh DSLR nữa, tuy nhiên nếu đã có sẵn thì dùng vẫn được. Ngoài ra, thời gian gần đây, người quen hoặc anh em hỏi tư vấn chọn mua thì mình cũng hạn chế tối đa việc giới thiệu một chiếc DSLR. Hi vọng qua bài viết anh em sẽ hiểu hơn về 2 dòng máy ảnh này và có những quyết định mua và sử dụng đúng với nhu cầu và mục đích của anh em,