Nhiều người tuyên bố
rằng so sánh giữa iOS và Android là so sánh 2 giá trị, 2 cách sống, 2 tư
tưởng hoàn toàn khác biệt nhau. Nhưng sự khác biệt giữa 2 hệ điều hành
này liệu có thật sự "to tát" đến như vậy hay không?
Dưới đây là bài viết thể thiện quan điểm cá nhân của biên tập viên Luke
Westaway của tạp chí Cnet, VnReview dịch giới thiệu lại để bạn đọc tham
khảo.
Chuyển từ iOS sang Android: Bước đi đầy hồi hộp
Có một sự thật khá trớ trêu rằng trong thời đại di động, rất nhiều
người nắm rõ "ngóc ngách" của các hệ điều hành di động hơn cả đường từ
nhà đến trường học, nơi làm việc. Chiếc smartphone đã trở thành một phần
quan trọng trong cuộc sống đến mức có lẽ thời gian bạn dành để chơi
Candy Crush hay nhắn tin Facebook Messenger còn nhiều hơn cả thời gian
nói chuyện với bạn bè ngoài đời.
Và với các fan "ruột" của
smartphone, chuyển hệ điều hành đang sử dụng từ Android sang iOS (hoặc
ngược lại) có lẽ là một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc
đời họ. Trong nhiều năm liền, nói đến smartphone là nói đến cuộc chiến
giữa iOS và Android. Cả những fan ruột của iPhone hay Google đều có
những lý do rất chính đáng để lựa chọn iOS hoặc Android. Và nhiều người
sẽ tưởng tượng ra rằng, cả Apple lẫn Google đều sẽ làm tất cả những gì
có thể để trải nghiệm chuyển đổi hệ điều hành trở nên khó chịu hết mức
có thể.
Cuộc chiến iOS vs Android bắt đầu ngay từ khi Apple ra mắt iPhone 1
Biên tập viên Luke Westaway của
CNET
cũng vậy. Kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng iPhone 3GS cho tới nay, những
chiếc smartphone mang mác "quả Táo cắn dở" luôn là lựa chọn của anh. Dù
nội dung công việc vẫn đòi hỏi Westaway phải có hiểu biết nhất định về
Android, anh chưa bao giờ gắn bó lâu dài với chú robot màu xanh cả. Và
rồi đến khi chiếc iPhone 5s của Westaway bị đánh cắp, anh quyết định
chuyển sang sử dụng Samsung Galaxy Note 3 – một trong những mẫu
smartphone cao cấp nhất của thế giới Android.
Và quá trình
chuyển đổi từ iOS sang Android của Westaway ban đầu cũng rất giàu cảm
xúc. Giống như nhiều fan Táo khác, anh nghĩ có thể sẽ căm ghét Android.
Một phần nhỏ trong con người anh cảm thấy lạ lẫm và tự hỏi:
"Liệu mình có thể thích Android hay không"?
Nhưng, Westaway đã nhầm. Là một người có thể đánh giá trải nghiệm hệ
điều hành một cách khách quan, anh sẽ cảm thấy gì khi dùng Note 3 làm
lựa chọn thay thế cho iPhone?
Câu trả lời là "
Không một cảm xúc nào cả. Trống rỗng".
Android và iOS: Có còn khác biệt nữa hay không?
Dĩ nhiên, trong khoảng thời gian đầu chuyển sang sử dụng chiếc Galaxy
Note 3, Westaway có cảm giác hơi ngỡ ngàng. Điều khó chịu nhất về
Android, theo biên tập viên này, là Android buộc người dùng phải xác
nhận "
Complete action using" (Chọn ứng dụng mặc định) quá nhiều. Vốn sử dụng iOS quá lâu, Westaway đã quen với phong cách
"Tôi không quan tâm các lựa chọn là gì, hãy cứ chọn ứng dụng tốt nhất cho tôi" của Táo. Song, sự "khó chịu" này cũng chỉ kéo dài không đầy 2 ngày.
Sau khoảng thời gian 48 giờ, trải nghiệm chuyển đổi từ iOS sang Android
trở nên hoàn toàn… trống rỗng. Westaway có thể sử dụng cả Galaxy Note
3, cả HTC One, cả Xperia Z1... một cách thoải mái. Không một cảm xúc
tiêu cực nào đến với Westaway. Và cũng không một cảm xúc tích cực nào
xuất hiện cả.
Vậy, tại sao quá trình chuyển đổi từ một hệ điều hành di động đình đám
sang hệ điều hành đối thủ - điều vốn được cả các fan Apple và Google
tung hô là "sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời", lại có thể… nhạt
nhẽo tới vậy?
Câu trả lời, theo Westaway, là bởi các
ứng dụng và giao diện trên iOS và Android đã trở nên quá giống nhau.
Ứng dụng
Trước đây, trải nghiệm ứng dụng trên Android và iOS khá khác biệt. Bởi
vậy, người dùng sẽ mất một thời gian để có thể tập làm quen với các thay
đổi về thiết kế, tính năng của ứng dụng khi chuyển từ iOS sang Android.
Project Butter giúp cho Android trở nên mượt mà hơn rất nhiều
Song, điều này đã hoàn toàn thay đổi. Trong khi iOS vẫn thường xuyên
được cập nhật các ứng dụng chất lượng cao trước Android (ví dụ, ứng dụng
đọc tin Facebook Paper hiện vẫn chưa có mặt trên Android), phần lớn các
ứng dụng đình đám đều là đa nền tảng. Ví dụ có thể kể tới những trò
chơi đình đám như Flappy Bird, Candy Crush, những dịch vụ phổ biến như
Evernote, cho đến những ứng dụng nhắn tin/gọi thoại đông đảo người dùng
như Skype, Viber… hay thậm chí là cả bộ ứng dụng của riêng Google
(Drive, Chrome, Maps, YouTube…). Với đại đa số người dùng, trải nghiệm
ứng dụng trên iOS và Android sẽ không có gì khác biệt: tất cả các ứng
dụng lớn đều đã trở thành các ứng dụng đa nền tảng. Chúng có mặt trên cả
iOS, Android và thậm chí là cả Windows Phone.
Xu hướng gần đây
cho thấy các nhà sản xuất phần cứng/hệ điều hành sẽ không còn nắm quyền
kiểm soát người dùng dựa trên hệ sinh thái ứng dụng mà họ sở hữu nữa.
Phần lớn các ứng dụng phổ biến hiện nay đều là ứng dụng được cung cấp
miễn phí với doanh thu đến từ quảng cáo. Ví dụ: bạn chỉ cần cài ứng dụng
YouTube, Skype, Instagram... tương ứng với hệ điều hành và đăng nhập để
bắt đầu quá trình sử dụng.
Các dịch vụ mất phí cũng không còn
bắt người dùng bỏ tiền ra mua ứng dụng lần đầu. Điều này có nghĩa rằng
thay vì phải bỏ tiền để mua một ứng dụng nhiều lần (trên iOS và
Android), khi chuyển đổi hệ điều hành bạn chỉ cần tiếp tục trả tiền phí
hàng tháng hoặc thường niên cho nhà cung cấp dịch vụ để sử dụng những gì
mình cần. Cả Evernote và Microsoft Office 365 đều hoạt động theo cách
này.
Bất
kể là bạn đang dùng iPhone hay Android, gần như chắc chắn bạn cũng sẽ
chọn Google Maps. Do đó, trải nghiệm định tuyến trên 2 hệ điều hành là
không có gì khác biệt.
Theo Westaway, đây là tất cả những gì người dùng cần làm để giữ nguyên trải nghiệm ứng dụng khi chuyển đổi từ iOS trên Android:
1. Xóa các ứng dụng rác do nhà sản xuất cài đặt sẵn, trong trường hợp bạn không cần sử dụng tới các ứng dụng này.
2. Vào ứng dụng Cài đặt (Settings), tùy chỉnh lại bàn phím, thông báo, LED… và mở tính năng khóa màn hình.
3. Đăng nhập vào tài khoản Google của bạn. Đăng nhập vào Google Play và
cài đặt các ứng dụng bạn thường dùng, ví dụ như Facebook, Kindle,
WhatsApp, Google Drive… Cài đặt Android Device Manager thay cho Find My
iPhone để đảm bảo an toàn thông tin khi để mất điện thoại.
4. Đăng nhập vào tất cả các dịch vụ đã cài đặt.
5. Tận hưởng trải nghiệm Android.
Giao diện
Android đã tiến những bước dài và không còn thô kệch như trước đây.
Thực tế, trải nghiệm ứng dụng là phần quan trọng nhất trên smartphone.
Song, hiển nhiên người dùng cũng không thể bỏ qua chất lượng giao diện
và thao tác trên các ứng dụng nền của hệ điều hành. Liệu sự khác biệt về
giao diện và cảm giác sử dụng của iOS và Android có thực sự có ý nghĩa
hay không?
Câu trả lời là
"Có, nhưng không đủ nhiều để biến Android trở thành một trải nghiệm quá khác biệt với iOS".
Chắc chắn, trong thời gian đầu sử dụng hệ điều hành mới, bạn sẽ nhận ra
rất nhiều yếu tố khác biệt về giao diện, và cũng sẽ yêu hoặc ghét các
yếu tố giao diện này. Ví dụ, Westaway rất thích các hình nền động của
Android nhưng cũng rất ghét các menu luôn có màu đen quá u ám.
Nhưng, chỉ sau vài giờ sử dụng, các yếu tố đồ họa này trở nên gần như vô nghĩa.
Lý do là bởi người dùng sẽ tập trung nhiều hơn vào tính năng hơn là vào
các yếu tố đồ họa. Ví dụ, sau khi mở khóa màn hình, gần như chắc chắn
bạn sẽ không tạm ngừng ít giây để tận hưởng hiệu ứng chuyển động trên
màn hình Home, bất kể đó là iOS hay Android. Rất có thể, bạn cũng sẽ
không sử dụng các hình nền mặc định tuyệt đẹp và thay thế bằng ảnh chụp
do chính mình lựa chọn. Các chi tiết đồ họa này trở thành một phần rất
nhỏ trong trải nghiệm của bạn.
iOS 7 đã mang tới giao diện hoàn toàn tươi mới cho hệ điều hành 7 năm tuổi của Apple.
Khi đã quen với hệ điều hành mới, mỗi lần mở màn hình chủ, bạn sẽ nhanh
chóng tìm đến các ứng dụng như YouTube, Facebook, Camera… để làm tác vụ
mình cần. Trong phần lớn các trường hợp, bạn sẽ ưu tiên các tính năng
như kết nối vào mạng Internet, mở/đóng các dịch vụ, nhập liệu, nhắn tin,
tải ảnh v…v… Chính những tính năng này sẽ "cuốn" bạn vào smartphone.
Bạn sẽ không dành thời gian để chiêm nghiệm, khen ngợi hay chê bai giao
diện hệ điều hành như lúc mới sử dụng nữa.
Tạo ra một hệ điều
hành như iOS 7.1 hay Android 4.4 KitKat không phải là một điều đơn giản.
Nhưng, sau hàng năm trời nỗ lực, cả Apple và Google đều đã thành công
khi tạo ra những trải nghiệm hệ điều hành được lòng người dùng. Các tính
năng người dùng cần tới đã trở nên rất hoàn thiện. Nếu chỉ xét riêng
khía cạnh hệ điều hành, sự khác biệt giữa iPhone và Galaxy S có lẽ đã
được giảm đi rất nhiều.
Tính năng Control Center được Apple "học" từ Android
Hiển nhiên, Android và iOS không phải là 2 hệ điều hành giống hệt nhau.
Rất nhiều yếu tố đồ họa vẫn còn rất khác biệt, nhiều tính năng trên
Android vẫn vượt trội hơn iOS và hệ điều hành của Apple vẫn tương đối dễ
sử dụng nếu so với Android. Song, so với thời điểm 2, 3 năm về trước,
rõ ràng là
2 hệ điều hành di động này đã tiến gần nhau hơn rất nhiều.
iOS đã vay mượn từ Android nhiều tính năng, Android cũng đã trở nên
mượt mà, ổn định và dễ sử dụng hơn. Quan trọng nhất, các ứng dụng/dịch
vụ đồng nhất trên iOS và Android đã giúp cho trải nghiệm 2 hệ điều hành
này không còn khác biệt tới mức có thể gây khó chịu hay thích thú nữa.
Nói cách khác, chuyển đổi từ iOS sang Android đã trở thành một trải
nghiệm quá… bình thường và nhàm chán. Sẽ không có cú "sốc" nào cả. Đây
sẽ không phải là một "chân trời" mới như các fan cuồng của Android vẫn
thường khẳng định, và cũng sẽ không phải là một trải nghiệm "vỡ nát" như
các fan cuồng của Táo lo sợ. Chất lượng của cả 2 hệ điều hành này đã
được cải thiện rất nhiều trong thời gian gần đây, và nhìn từ góc độ của
một người dùng khách quan, iOS và Android không đủ khác biệt để bạn cần
phải phí thời gian lo lắng nữa.
Lê Hoàng
Theo CNET
http://vnreview.vn/tu-van-di-dong/-/view_content/content/1100896/chuyen-tu-ios-sang-android-chang-co-cam-xuc-gi