Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

BÊN TRONG CHIẾC ĐIỆN THOẠI MÔ-ĐUN ĐƯỢC IFIXIT CHẤM 10/10 ĐIỂM, FAIRPHONE 2


10/10 là số điểm tuyệt đối mà iFixit chấm cho Fairphone 2, có nghĩa đây là chiếc điện thoại dễ tháo lắp và sữa chữa nhất đối với cả những người không chuyên. Để có được điểm số này, phần lớn nhờ vào thiết kế dạng mô-đun tháp lắp của Fairphone 2, đa phần các linh kiện bên trong được lắp ráp với nhau theo kiểu ghép mô-đun chứ không phải kiểu hàn hoặc dán keo. Tiêu chí của hãng là giúp cho bất kỳ ai cũng có thể tự tháo máy ra vệ sinh hoặc thay thế linh kiện một cách dễ dàng nhất.


Fairphone 2-1a.

Fairphone 2-1b.
Cấu hình Fairphone 2: màn hình 5" Full-HD (446 ppi), Gorilla Glass 3, Snapdragon 801, 2 GB RAM, bộ nhớ trong 32 GB, microSD, pin 2.420 mAh, camera 8 MP, Android 5.1.
Fairphone 2 (bên trái) so kích thước với Fairphone 1. Máy có 2 khe SIM nhìn thấy rõ sau lớp vỏ trong suốt. Màu đỏ trong hình là đầu kết nối 5 chân nhưng chưa rõ dùng để làm gì.


Vỏ sau trong suốt, tháo ra dễ dàng, không dán keo, pin tháo được (thật ra thì cái gì trên chiếc điện thoại này cũng đều tháo được).



Tháo pin, cục pin Lithium-Ion 3.8 V 9.2 Wh, dung lượng 2.420 mAh.


Máy không dùng ốc để kết nối các thành phần lại với nhau mà dùng những cái nút gạt màu xanh như trong hình. Chỉ cần gạt những cái nút này qua một bên là có thể nhấc màn hình lên được, không cần tua vít hay thiết bị chuyên dụng. Màn hình kết nối với bo mạch chính bằng các chân cắm dạng điểm "pogo", không hề có dây cáp nên không có khái niệm tháo cáp màn hình.


Đã tiếp cận được với bo mạch chính (đúng nhanh luôn), bo mạch gồm có 3 mô-đun ghép lại với nhau, thậm chí mỗi mô-đun còn có icon dùng để chỉ chức năng của nó nên ai nhìn vào cũng hiểu được ngay mà không cần có kinh nghiệm tháo lắp máy.
  • Mô-đun 3.5mm, loa thoại và camera trước
  • Camera sau
  • Microphone
Mở đến đây rồi mà nãy giờ vẫn chỉ dùng tay không để mở.
Fairphone 2-6.
Để tháo từng mô-đun ra thì bắt đầu phải dùng tua-vít (loại Phillips #0). Mỗi mô-đun này tiếp tục dùng chân cáp dạng lò xo pogo thay cho cáp kết nối với bo mạch bên dưới.



Bắt đầu tách rời mô-đun đầu tiên: mô-đun 3.5mm và camera. Camera trước tháo ra rất dễ (dùng cáp dẻo), loa ngoại dùng chân cắm lò xo rất dễ tháo, riêng phần jack 3.5mm thì được hàn vào bo mạch chính của máy. Sau khi tháo ra hết thì mô-đun này chỉ còn lại phần vỏ trống không, nếu có phải thay thế thì giá cũng sẽ rất rẻ.​



Tới mô-đun camera sau: 8 MP CMOS, cảm biến 1/3.2", khẩu độ F/2.2. Toàn bộ cụm camera được gói bên ngoài bởi một cái vỏ bằng nhựa cho gọn gàng và cũng có thể tháo ra dễ dàng.​


Mô-đun micro: trong mô-đun này còn có thêm motor rung và loa ngoài kết nối bằng chân cắm lò xo, cái nào cũng dễ tháo. Tuy nhiên, cổng USB và và micro lại được hàn luôn vào bo mạch.



Tấm kim loại in các icon cũng là tấm tản nhiệt chính của máy. Trong hình là cáp radio RF có nhiệm vụ gửi tín hiệu radio chạy dọc thân máy đến an-ten chính của điện thoại.​


Khung máy được làm bằng nhựa hơi trong suốt để chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ các an-ten cũng như nút bấm ở bên trong, toàn bộ các thứ này được nối với bo mạch chính bằng chân cắm lò xo. Cái chân cắm 5 chấu mà chúng ta nhìn thấy ở đầu bài thực ra chính là giao tiếp của USB 2.0, chức năng là để dành kết nối với các phụ kiện khác trong tương lai ví dụ như case hoặc phần cứng bổ sung.

Fairphone 2-12.

Các thành phần chính của bo mạch:​
  • Chip nhớ 32 GB: eMMC NAND Samsung KLMBG4WEBC
  • Chip kết nối combo Wi-Fi và Bluetooth: Qualcomm WCN3680B Wi-Fi 802.11ac Bluetooth Combo
  • Chip cảm biến: ST Microelectronics LSM330DLC 6-Axis Accelerometer + Gyroscope
Fairphone 2-13.

Mặt sau của bo mạch:​
  • 2 GB RAM: Samsung K3QF2F20EM 2 GB LPDDR4 RAM, bên dưới là Snapdragon 801 MSM8974AB
  • Qualcomm WTR1625L RF Receiver
  • RF Micro Device RF7389EU Multimode Multiband Power Amplifier Module
  • Qualcomm QFE1100 Envelope Tracking Power Management
  • Qualcomm PM8841 PMIC
  • Qualcomm WCD9320 Audio Codec
Fairphone 2-14.

Toàn bộ linh kiện:
Fairphone 2-15a.
Chấm điểm:

Fairphone 2-15b.
Theo iFixit

https://tinhte.vn/threads/ben-trong-chiec-dien-thoai-mo-dun-duoc-ifixit-cham-10-10-diem-fairphone-2.2528551/

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

TÌM HIỂU VỀ U2F - BẢO MẬT HAI LỚP BẰNG PHẦN CỨNG VÀ UAF - CHUẨN ĐĂNG NHẬP KHÔNG CẦN PASSWORD

U2F (Universal Second Factor) là một chuẩn xác thực hai lớp mới đang được rất nhiều công ty lớn ủng hộ, và bởi vì nó sử dụng thêm phần cứng bên ngoài nên độ an toàn cao hơn so với việc gửi code qua email vốn có thể bị trộm dễ dàng. Những phần cứng này có thể là một cái bút nhớ USB, một cái vòng tay, một chiếc nhẫn hay thậm chí là chìa khóa xe. Chúng sẽ giao tiếp với máy tính bằng nhiều cách khác nhau: USB, NFC, Bluetooth. Hiện tại Chrome đã hỗ trợ U2F cho một số dịch vụ của mình, Dropbox cũng đã bắt đầu triển khai, và Microsoft thì đang làm việc để mang U2F vào Edge.

U2F là gì?

Bảo mật 2 lớp là một cách cơ bản giúp bạn bảo vệ những tài khoản online quan trọng. Đó có thể là tài khoản email, tài khoản lưu trữ đám mây, tài khoản ngân hàng online hay tài khoản để đăng nhập vào web nội bộ của công ty. Thông thường, các ứng dụng hay dịch vụ nào có hỗ trợ bảo mật 2 lớp thì sẽ yêu cầu bạn đăng nhập với các bước như sau:

Buoc_xac_thuc_hai_lop_truyen_thong.
  1. Mở trang web / dịch vụ cần đăng nhập, gõ vào username và password như bình thường
  2. Sau đó, một mã xác thực sẽ được gửi đến bạn theo nhiều cách khác nhau: có thể là qua SMS, qua email, đọc mã bằng điện thoại, hoặc sử dụng một số app chuyên biệt.
  3. Khi đã có mã xác thực trong tay, bạn tiếp tục nhập mã đó vào website / dịch vụ thì mới đăng nhập thành công.
Về cơ bản, lớp bảo mật thứ 2 có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập trái phép vào tài khoản ngay cả khi bạn đã bị lộ hết chi tiết đăng nhập. Ví dụ, người nắm trong tay username và password của bạn để vào web ngân hàng không thể nào lấy được mã xác thực vì nó chỉ được gửi vào điện thoại của bạn hoặc chỉ được gửi vào email của bạn mà thôi. Kết quả là hắn ta vẫn sẽ bị kẹt lại bên ngoài trang web đó và không thể làm gì hơn, cùng lắm là xem được vài chi tiết về số dư chứ không thể thực hiện giao dịch chuyển tiền.

Tất nhiên, nếu hắn cũng trộm được điện thoại hay biết cách đăng nhập vào tài khoản email thì đó lại là chuyện khác. Rất nhiều người hiện nay xài chung mật khẩu của email cho nhiều trang web và dịch vụ online nên kẻ xấu vẫn có thể truy cập vào hộp thư rồi lấy code bảo mật 2 lớp. Lúc này thì lợi ích của cơ chế bảo mật 2 lớp hoàn toàn biến mất.

Tương tự, điện thoại cũng là thứ rất dễ bị ăn cắp và mở SMS ra xem code bảo mật 2 lớp. Thậm chí không cần phải đánh cắp, kẻ xấu vẫn có thể thấy được code xác thực gửi đến điện thoại của bạn khi thông báo hiện ra màn hình khóa. Chỉ đơn giản thế thôi, mà lại cực kì nguy hiểm đúng không nào?

U2F ra đời để giải quyết những hạn chế này. U2F sử dụng PHẦN CỨNG để làm code xác thực nên bạn không còn lo ngại nếu có ai đó hack được vô hộp thư hay lấy điện thoại của bạn nữa. Việc đăng nhập bắt buộc phải thực hiện với sự có mặt của cái phần cứng đó, không thể hack hay đột nhập từ xa nên giảm được nhiều rủi ro. Hiện tại phần cứng U2F phổ biến nhất là bút nhớ USB, nó có kích thước rất nhỏ gọn nên dễ đem theo bên mình mọi lúc mọi nơi. Trong tương lai sẽ có thêm các hãng làm thiết bị U2F trong hình thù của chiếc nhẫn, vòng cổ, vòng tay, chìa khóa và hàng tá những thứ khác.

U2F được phát triển bởi một liên minh gọi là FIDO (Fast IDentity Online), trong đó có sự tham gia của Google, Microsoft, PayPal, American Express, MasterCard, VISA, Intel, ARM, Samsung, Qualcomm, Bank of America và nhiều công ty lớn khác. Tính đến tháng 6 năm nay, FIDO đã có 200 thành viên từ nhiều quốc gia khác nhau. FIDO hiện đang rất tích cực trong việc quảng bá U2F, từ phần cứng đến phần mềm, và trong tương lai nó sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi.

U2F hoạt động như thế nào?


U2F.
Mình sẽ mô tả quy trình hoạt động của U2F với ổ USB vì nó là giải pháp phổ biến nhất hiện nay. Lúc cần đăng nhập vào một dịch vụ online, ví dụ Gmail, bạn vẫn phải nhập username và password như bình thường. Ở bước kế tiếp, bạn sẽ được yêu cầu ghim ổ USB tương thích U2F vào máy tính. Trình duyệt Chrome ngay lập tức phát hiện ra sự hiện diện của thiết bị và sử dụng các công nghệ mã hóa để lấy dữ liệu từ nó (bạn sẽ phải nhấn một cái nút trên ổ USB). Chrome tiếp tục xác nhận dữ liệu có đúng, có hợp chuẩn hay không và nếu mọi thứ đều ổn thì bạn sẽ được đăng nhập tiếp vào Gmail.

Lý do bạn vẫn phải nhập username và password ở bước đầu tiên là để ngăn ngừa tình trạng ai đó đột nhập được vào tài khoản của bạn chỉ bằng cách trộm chìa khóa. Mà cũng đúng thôi, vì như vậy mới là "2 lớp" chứ không thì nó cũng như 1 lớp mà thôi.

Trong quá trình Chrome xác thực thông tin thực chất có rất nhiều thứ diễn ra để đảm bảo sự an toàn cho bạn. Đầu tiên, trình duyệt sẽ kiểm tra xem liệu nó có đang giao tiếp với website thật thông qua giao thức https hay không. Điều này giúp tránh tình trạng bạn dùng bảo mật 2 lớp với một website giả mạo. Kế tiếp, trình duyệt sẽ gửi một mã lấy từ ổ USB của bạn lên thẳng website nên về lý thuyết, một kẻ tấn công sẽ không thể lấy được mã này trong lúc dữ liệu đang truyền đi.

Theo cấu hình của U2F, ngoài việc nhập password đầy đủ như bình thường, các website cũng có thể cho bạn tùy chọn nhập mã PIN ngắn sau đó ấn một nút trên thiết bị USB để tiếp tục đăng nhập. Bằng cách này bạn có thể đơn giản hóa việc ghi nhớ password cũng như tiết kiệm thời gian hơn trong quá trình sử dụng dịch vụ (vì bạn phải gõ ít kí tự hơn).

Hiện U2F đã được hỗ trợ ở đâu?

Tính đến lúc viết bài này thì không nhiều website, dịch vụ và phần mềm đã hỗ trợ chính thức cho U2F. Chrome hiện là trình duyệt duy nhất tích hợp U2F và nó có mặt trên cả Windows, Mac, Linux lẫn Chrome OS. Firefox và Edge thì đang được tích hợp nhưng chưa biết bao giờ thì hoàn thiện. Một số website đã xài U2F bao gồm các web của Google, Dropbox, Github (anh em dev chắc biết trang quản lý source code này). Hi vọng là trong tương lai thì sẽ thấy thêm nhiều web lớn khác hỗ trợ cho U2F.

2619236_Security_Key_Gmail.

Và như đã nói ở trên, để dùng được U2F thì bạn phải xài một cái ổ USB đặc biệt chứ không thể lấy ngay ổ USB mà bạn đang có trong tay. Các ổ này có thể tìm thấy trên Google, Amazon và bạn có thể dùng từ khóa "FIDO U2F Security Key" để tìm kiếm, giá dao động từ vài đô cho đến chục đô. Mình chưa thấy mấy ổ U2F có bán ở Việt Nam nên nếu muốn mua cũng sẽ khó khăn, có thể nhờ ship hay xách tay về.

Giả sử như bạn đã mua được một ổ USB U2F rồi thì bạn có thể vào trang cấu hình bảo mật 2 lớp của Google rồi thực hiện theo chỉ dẫn của web để bắt đầu sử dụng.

But_nho_USB_FIDO_U2F.

Còn UAF là gì?

UAF (Universal Authentication Framework) cũng là một chuẩn đăng nhập khác được phát triển bởi chính FIDO, tuy nhiên nó không cần password gì luôn. Chính vì vậy mà UAF còn được gọi là trải nghiệm passwordless. UAF yêu cầu phải có một biện pháp xác thực nào đó nằm ở trên chính thiết bị của người dùng và không truyền ra bên ngoài (local). Một vài ví dụ của biện pháp xác thực local đó là cảm biến vân tay, cảm biến mống mắt, nhận diện gương mặt, thậm chí là xài microphone để nhận diện giọng nói. Sau khi đã đăng kí với dịch vụ online, mỗi khi cần đăng nhập thì người dùng chỉ đơn giản là quét ngón tay qua cảm biến hay đưa mặt lại gần camera là xong.

UAF.

Bạn có thể tưởng tượng đến UAF như cách mà Apple sử dụng cảm biến Touch ID để giúp chúng ta đăng nhập vào App Store, hay cách mà Samsung dùng cảm biến vân tay của Note 4, Note 5, S6, S6 Edge để giúp bạn login vào các website hay mua hàng PayPal mà không cần gõ mật khẩu. Mỗi khi cần xác thực, chỉ việc để ngón tay lên cảm biến là xong, mọi thứ khác sẽ được tiến hành hoàn toàn tự động.

UAF khác với giải pháp của Apple và Samsung ở chỗ nó được chuẩn hóa, do đó mọi website hoặc ứng dụng sẽ có thể triển khai kiểu bảo mật này thật nhanh chóng và dễ dàng, không phải làm từ đầu, và thậm chí còn không bị phụ thuộc vào bất kì nền tảng hay hệ điều hành nào. Điều đó sẽ giúp UAF trở nên hấp dẫn hơn và được nhiều dịch vụ xài hơn, cũng như tiếp cận được với nhiều người dùng hơn trên diện rộng.

UAF cũng cho phép xài kết hợp mã PIN hoặc password với bảo mật local, tuy nhiên khi đó thì trải nghiệm sẽ không còn thật sự là passwordless nữa mà chuyển thành bảo mật hai lớp.

Dữ liệu dùng để xác thực cho chuẩn UAF, ví dụ như dấu vân tay hay mẫu giọng nói của bạn, sẽ luôn nằm trên chính thiết bị của bạn mà thôi và tất nhiên là chúng được mã hóa kĩ càng. Những dữ liệu nhảy cảm này không được phép lộ diện ra bên ngoài vì khi đó sẽ có rủi ro bị đánh cắp bởi các tin tặc.

Tham khảo: FIDO, HowToGeek, Yubico, Wikipedia, Tinhte
 

https://tinhte.vn/threads/tim-hieu-ve-u2f-bao-mat-hai-lop-bang-phan-cung-va-uaf-chuan-dang-nhap-khong-can-password.2528204/

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

SO SÁNH ANDROID TV VÀ ANDROID BOX: LIỆU CHÚNG TA CÓ CẦN ĐẾN CẢ 2?

Với sự xuất hiện của Android TV, câu hỏi mà không ít người tiêu dùng đặt ra chính là liệu những đầu Android box có còn cần thiết nữa hay không. Trong trường hợp bạn là người tiêu dùng thông thường với những nhu cầu giải trí cơ bản, câu trả lời đơn giản là không. Tuy nhiên đứng ở góc độ công bằng, Android box vẫn có một số tính năng nâng cao đáng giá nếu bạn quyết định bổ sung.

Thế nào là Android box, Android TV?

Khái niệm Android TV và Android box tại Việt Nam hiện nay đang bị bóp méo đi rất nhiều. Nếu dạo quanh một số trang bán hàng, bạn sẽ thấy rất nhiều sản phẩm được giới thiệu là Android TV nhưng thực chất chúng chỉ là Android box. Trong khi đó, nhiều người dùng nhầm lẫn giữa TV tích hợp hệ điều hành Android và Android TV, cũng như nghĩ rằng Android Tv thực chất không khác gì với Android thông thường. Do đó để giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc so sánh, trước tiên mình sẽ nói về khái niệm của 2 thiết bị này.

Android box


Zidoo-12.
Android box Zidoo X6 Pro

Bùng nổ tại Việt Nam từ 2012, Android box là những thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc với mục tiêu đem lại trải nghiệm TV thông minh cho người sử dụng dụng với mức chi phí thấp. Khác với đầu HD truyền thống chỉ tập trung vào tính năng chơi phim/nhạc, Android box hướng đến giải pháp giải trí toàn diện với khả năng chơi game và những dịch vụ truyền hình trực tuyến. Nhờ sử dụng nền tảng Android, tất cả mọi yếu tố này có thể đạt được rất dễ dàng bởi các ứng dụng và với chi phí rất thấp.

Android box sử dụng phiên bản hệ điều hành Android dành cho di động, giống như điện thoại và tablet. Cũng cần lưu ý là tuy Android là hệ điều hành mở miễn phí, tuy nhiên tất cả các hãng di động lớn như Samsung, Sony hay HTC đều đăng ký bản quyền và được sự hỗ trợ trực tiếp từ Google trong quá trình phát triển. Trong khi đó hầu hết các đầu Android box hiện nay đều sử dụng phiên bản phát hành miễn phí, do đó không có bất kỳ sự hỗ trợ chính thức nào từ Google. Mỗi thương hiệu Android box đều cố gắng tuỳ biến giao diện sản phẩm của mình để tạo sự khác biệt so với phần còn lại, tuy nhiên về cơ bản các tính năng vẫn không có bất kỳ sự thay đổi nào so với Android gốc.

Về phần cấu hình, Android box sử dụng các dòng chipset giá rẻ từ Trung Quốc. Bạn sẽ không thể tìm thấy những cái tên nổi tiếng như Nvidia, Qualcomm hay MediaTek mà thay vào đó là Rockchip, AMlogic và Allwinner. Các chipset được sử dụng hiệu năng không cao, tuy nhiên đủ để chạy các ứng dụng giải trí cơ bản. Nhờ không sử dụng các dịch vụ mạng, độ mượt mà Android box đem lại nhìn chung là khá tốt, có thể sánh ngang với những dòng điện thoại tầm trung dù hiệu năng chip thấp hơn.

Android TV

Android TV-1.
Sony Android TV W800C
Sau khi thất bại với Google TV, Google năm ngoái đã giới thiệu nền tảng Android TV và những mẫu Android TV đầu tiên đã được bán ra từ giữa năm nay. Khác với Android box, Android TV có thể được tích hợp trực tiếp lên TV (Sony Android TV) hoặc đầu phát (Razor Forge TV, Nvidia Shield Android TV). Dựa trên nền tảng Android 5.0, Android TV là nền tảng TV thông minh của Google cạnh tranh trực tiếp với Tizen (Samsung), WebOS (LG), FireOS (Panasonic),...

Tất cả các thiết bị sử dụng Android TV cho đến thời điểm này đều được sự hỗ trợ từ cả nhà sản xuất (Sony, Nvidia, Razor,...) và cả Google. Ngoài việc tích hợp một số ứng dụng độc quyền, những thiết bị Android TV đều sử dụng giao diện mặc định của Google với tính năng tương tự nhau.

Về phần cấu hình, các thiết bị Android TV có cấu hình rất đa dạng, từ rẻ tiền cho đến cao cấp. Điểm chung là các hãng sản xuất ưu tiên những thương hiệu lớn trên thị trường chipset như Qualcomm, MediaTek và Nvidia. Nhìn chung, các dòng Android TV box có cấu hình rất cao ngay cả khi so sánh với điện thoại cao cấp; điển hình như Nvidia Shield Android TV (Tegra X1) hay Razor Forge TV (Qualcomm S805). Dĩ nhiên giá của nó cũng cao không kém. Trong khi đó, về phần TV thì riêng Sony cũng sử dụng chipset từ MediaTek với hiệu năng khá. Nhờ được tối ưu rất tốt, các thiết bị Android TV đem lại trải nghiệm mượt mà có thể sánh ngang với các dòng điện thoại cao cấp.

Giao diện

Giao diện của Sony Android TV W800C (trái) và Zidoo X6 Pro (phải)


Android box
  • Tối ưu cho màn hình TV.
  • Sử dụng launcher riêng của từng hãng nhưng thường chỉ thiết kế lại màn hình chính, các menu tuỳ chọn bên trong giữ nguyên từ Android gốc.
  • Ưu tiên các ứng dụng giải trí đa phương tiện cài sẵn
  • Tối ưu cho điều khiển bằng remote
Android TV
  • Tối ưu cho màn hình TV.
  • Sử dụng Android TV launcher của Google, thiết kế lại toàn bộ giao diện từ home cho đến menu.
  • Giao diện dạng bàn cờ chia ra nhiều nhóm, kích thước biểu tượng ở mức trung bình
  • Có xu hướng thiết kế gợi ý nội dung cho người dùng.
  • Giao diện tối ưu cho việc điều khiển bằng remote
  • Hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói
Nhìn chung, thiết kế giao diện của Android TV và Android box thể hiện 2 trường phái trái ngược nhau. Nếu như Android TV mang hơi hướng hiện đại và thông minh với khả năng gợi ý nội dung cho người dùng, Android box đi theo phong cách truyền thống trưng bày những gì đang có sẵn (trò chơi, ứng dụng,...). Tuỳ theo sở thích của mỗi người mà bạn có thể thích hoặc không thích điều này. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là cả Android TV và Android box đều có thể tuỳ biến giao diện của mình thông qua các launcher trong Store, vì vậy ở phương diện này không có bên nào thực sự nổi bật.

Tính năng


Thông tin về phiên bản Android cua Sony W800C (trái) và Zidoo X6 Pro (phải)
Android Box
  • Hệ điều hành được tuỳ biến bởi hãng thứ 3 dựa trên nền tảng Android di động
  • Mức độ tương thích trung bình với các ứng dụng trên PlayStore, chủ yếu là vì cấu hình không cao và phương pháp tương tác.
  • Tối ưu cho ứng dụng giải trí
  • Chỉ được hỗ trợ bởi hãng sản xuất, không đảm bảo sẽ lâu dài
  • Cập nhật phiên bản phụ thuộc vào hãng sản xuất
Android TV
  • Được phát triển bởi chính Google
  • Mức độ tương thích cao với các ứng dụng trên PlayStore (kho ứng dụng được phát triển riêng chứ không dùng chung với điện thoại)
  • Cấu hình không thực sự quan trọng vì được Google tối ưu cho ứng dụng
  • Tối ưu cho ứng dụng giải trí
  • Được hỗ trợ lâu dài bởi nhà sản xuất và Google.
  • Android TV là chuẩn chung của Google, sự tuỳ biến của các nhà sản xuất là tương đối thấp do đó thời gian chờ đợi để được nâng cấp có thể sẽ ngắn hơn cả điện thoại (trong trường hợp của Sony). Cập nhật phần mềm phụ thuộc chính vào Google.


PlayStore của Android box (trái) và PlayStore của điện thoại Android (phải)
Đây có lẽ là điểm lớn nhất tạo ra sự khác biêt giữa Android box và Android TV. Việc sử dụng hệ điều hành Android dành cho di động có thể xem là con dao 2 lưỡi đối với các đầu Android box hiện nay, đặc biệt là với người dùng nâng cao. Ưu điểm của nó là có thể sử dụng hết tất cả các ứng dụng có trên PlayStore (và đại đa số các ứng dụng cài đặt thông qua file apk), nếu có kinh nghiệm thì bạn sẽ rất dễ dàng tuỳ biến theo ý muốn của mình. Như đã đề cập trong phần khái niệm, các Android box là những thiết bị giá rẻ với cấu hình hạn chế nên hiệu năng thường chỉ đủ cho các tác vụ giải trí cơ bản. Bạn có thể cài đặt những trò chơi hay ứng dụng năng, tuy nhiên không thể đảm bảo được trải nghiệm mà chúng mang lại sẽ tối ưu nhất. Bên cạnh đó, việc sử dụng những chipset từ Trung Quốc cũng hạn chế phần nào sự tương thích với các ứng dụng so với chipset phổ biến từ Qualcomm hay Samsung. Ngoài ra các ứng dụng dành cho di động tương tác bằng cảm ứng, khi chuyển sang Android box bạn vẫn có thể giả lập bằng chuột bay nhưng trải nghiệm thật sự là không hoàn hảo. Tuy nhiên đây là trường hợp xấu nhất dành cho những người thích vọc, hầu hết người dùng phổ thông có lẽ sẽ không gặp vấn đề nào về sự tương thích ứng dụng khi dùng Android box.


PlayStore của Android TV (trái) và PlayStore của Android box (phải)
Trong khi đó Android TV là một phiên bản tuỳ biến của Android được thiết kế dành riêng cho giải trí với hệ thống PlayStore riêng biệt. Những phần mềm được đưa lên đây có độ tương thích tối đa với thiết bị. Đơn cử là mình sử dụng W800C, một trong những dòng Android TV rẻ nhất hiện nay nhưng vẫn có thể chạy tốt hầu hết các ứng dụng cũng như trò chơi trong mục đề xuất. Điều quan trọng nhất là tất cả các ứng dụng này đều được tối ưu khi dùng điều khiển. Bù lại, dù vẫn rất phong phú nhưng số lượng ứng dụng trên PlayStore dành riêng cho Android TV thiếu vắng khá nhiều ứng dụng quen thuộc (nhưng chủ yếu là các trình benchmark, tiện ích dành cho điện thoại nên không ảnh hưởng nhiều đến giải trí). Bạn cũng có thể cài đặt các ứng dụng dành cho di động lên Android TV thông qua file apk nhưng độ tương thích không cao.

Android TV-7.
Không có sự khác biệt trong tính năng ứng dụng KODI trên Android box và Android TV
Về mặt tính năng giải trí, cả Android box và Android TV đều dựa vào ứng dụng. Sử dụng cùng một ứng dụng, những gì mà chúng đem lại là khá tương đồng.

Trải nghiệm

Android TV-26.
Chơi game Asphalt 8 trực tiếp trên Sony W800C
Ngay cả dòng Android TV giá thấp nhất như W800C cũng có thể đem lại trải nghiệm mượt mà tương đương với Android box cao cấp. Tạm không xét về cấu hình, cá nhân mình nhận thấy Android TV được Google tối ưu tốt hơn thông qua việc lược bỏ các tính năng không cần thiết, điển hình là chạy đa nhiệm. Ngoài các tác vụ cơ bản như xem nghe nhạc trong lúc lướt web hay truy cập màn hình home khi đang chạy ứng dụng, Android TV chỉ hỗ trợ chạy 1 ứng dụng trong 1 thời điểm nhất định dù ứng dụng đó nặng hay nhẹ. Trong khi đó Android box thừa hưởng tính năng của Android truyền thống nên bạn có thể chạy nhiều ứng dụng ngầm. Nhìn chung thì cả 2 bên đều mượt nhưng Android TV có lợi thế hơn, đặc biệt là nếu bạn sử dụng những dòng sản phẩm cao cấp và đắt tiền như Shield Android TV hay Forge TV.

Android TV-20.
Remote kèm theo của Sony W800C (trái), ứng dụng remote tích hợp sẵn trên Sony Xperia M5 (giữa), remote của Zidoo X6 Pro (phải)
Phương pháp tương tác với thiết bị cũng là một điểm rất quan trọng trong trải nghiệm của người dùng. Và ở mặt này, Android TV chiếm ưu thế hoàn toàn. Các đầu Android box hiện nay sử dụng remote rẻ tiền với chất lượng chỉ dừng ở mức trung bình. Cảm giác cầm trên tay, độ nảy phím cũng như thiết kế đều thua xa ngay cả remote thường kèm theo TV. Nếu so với remote thông minh của các dòng Android TV cao cấp hay tay cầm của các đầu Android TV dùng kết nối bluetooth cho phép không cần phải "thấy" thiết bị, chênh lệch là một trời một vực. Không phủ nhận người dùng Android box có thể sắm thêm chuột bàn, bàn phím hay tay cầm, nhưng về cơ bản thì họ vẫn phải tốn thêm một khoảng chi phí để bắt kịp với Android TV. Bên cạnh đó, hầu hết các dòng điện thoại Android của Sony, Samsung hay LG đều tích hợp sẵn ứng dụng remote, cho phép bạn ngay lập tức điều khiển được TV khi kết nối cùng một mạng Wifi. Một số đầu Android box cũng có tính năng này nhưng người dùng phải cài đặt từ PlayStore hoặc từ mã QR.

Riêng về mặt trải nghiệm người dùng, Android TV có thể xem là có ưu thế hơn hẳn so với Android box.

Những tính năng nâng cao đáng giá chỉ có ở Android box

Xét những yếu tố mình đề cập ở trên, Android TV là quá đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí thông thường của người dùng. Nếu đã sở hữu những dòng Android TV như Sony Bravia 2015, không có nhiều lý do để bạn tốn thêm chi phí sắm đầu Android box. Tuy nhiên tính đến thời điểm bài viết này, Android box vẫn có một số lợi thế nhất định như sau:

Android TV-15.
Chi phí: nếu như ngân sách của bạn dưới 10 triệu, giải pháp sử dụng đầu Android box và TV không thông minh đem đến trải nghiệm tương đương một chiếc Android TV. Dĩ nhiên là bạn sẽ phải hi sinh đôi chút chất lượng hình ảnh, nhưng đây là điều không thể tránh khỏi. Và đứng ở góc độ thực tế, 10 triệu khó lòng mà giúp bạn sở hữu TV chất lượng cao trừ những đợt xả hàng tồn.

Android TV-11.
Pass-though tín hiệu: như một quy luật, chip âm thanh tích hợp trong Android box không phải là loại tốt với chất lượng chỉ dừng lại ở mức trung bình. Để khắc phục điều này, các hãng trang bị tính năng pass-though cho phép tính hiệu âm thanh được truyền tải nguyên gốc từ Android box đến thẳng Receiver, ở đó nó được DAC chuyên dụng giải mã và cho chất lượng âm thanh xuất ra tốt hơn rất nhiều so với chip tích hợp. Sony Android TV W800C mà mình thử nghiệm lại hoàn toàn thiếu tính năng quan trọng này và tất cả tín hiệu âm thanh được đưa ra ngoài theo chuẩn PCM (đã qua xử lý bởi chip âm thanh tích hợp). Đối với những hệ thống âm thanh giá rẻ, điều này là không ảnh hưởng nhiều vì khả năng xử lý âm thanh của chip X1 là rất tốt. Tuy nhiên nếu bạn sở hữu dàn âm thanh cao cấp và receiver đắt tiền, Android box sẽ là lựa chọn tốt hơn để tối ưu chất lượng âm thanh.

https://tinhte.vn/threads/so-sanh-android-tv-va-android-box-lieu-chung-ta-co-can-den-ca-2.2526526/ 



 
 

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

KHỞI ĐẦU NHỮNG DỰ ÁN IOT BẰNG RASPBERRY PI

Thạch An
(PCWorldVN) Raspberry Pi không chỉ là một nền tảng phần cứng thú vị để ứng dụng cho các dự án IoT mà còn là công cụ giúp các nhà phát triển học hỏi và hoàn thiện kĩ năng Internet kết nối vạn vật.
Internet of Things được cho là chủ đề nóng nhất trong lĩnh vực CNTT hiện nay. Mọi tổ chức muốn tham gia vào xu hướng IoT thì luôn đòi hỏi các chuyên gia CNTT phải được trang bị các kỹ năng, kinh nghiệm cho các dự án của mình. Có rất nhiều tùy chọn cho việc học về IoT, nhưng không có gì tốt hơn ngoài những kinh nghiệm thực tế.
Một trong những nền tảng quan trọng cho việc học IoT là mạch tính toán nhỏ và đơn giản, nhắm đến khả năng tạo một máy tính nhỏ gọn, giá rẻ phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu và thử nghiệm. Nhưng cùng với đó, chiếc máy tính giá 35 USD này lại có một mảng ứng dụng khác rất có giá trị trong ngành CNTT truyền thống và doanh nghiệp.
Trong thực tế, phần khó khăn nhất của việc sử dụng Raspberry Pi để học về IoT là lựa chọn các dự án phù hợp để bắt đầu. Trên Internet, chúng ta có thể tìm thấy hàng ngàn dự án dựa trên Raspberry Pi. Một số trong đó chứa đầy tham vọng, một số khác thì khá vô bổ nhưng hầu hết đều là những ví dụ tuyệt vời cho việc tương tác với Raspberry Pi cũng như nguồn thông tin hữu ích cho IoT. Điều gì làm cho dự án trải nghiệm IoT thành công? Đầu tiên là việc sử dụng nhiều loại cảm biến hoặc các hệ thống điều khiển phổ biến. Phần cứng có thể được tùy chỉnh theo sở thích từng người nhưng đối với một dự án nghiêm túc thì mọi thứ cần có những tiêu chuẩn nhất định. Tiếp theo đó là phần mềm điều khiển phải có điểm thú vị, tính năng đặc trưng. Dưới đây là 10 trong số những dự án ấn tượng trong việc ứng dụng  Raspberry Pi.
Dự án Pi in the Sky
Thiết bị này là một máy thu GPS kiêm máy phát vô tuyến được thiết kế để theo dõi các chuyến bay khinh khí cầu ở các tầng độ cao. Sản phẩm này  sử dụng máy phát vô tuyến UHF, ngoài ra cần thêm máy thu sóng ở trên không và một máy tính kết nối dưới mặt đất. Cùng với phần mềm mã nguồn mở, hệ thống  Raspberry Pi  này đã được thực nghiệm thành công trên hơn 50 chuyến bay.  Dự án này có nhiều tiềm năng trong ứng dụng thực tế khi hệ thống này đơn giản chỉ là tiện ích bổ sung mà không nhất thiết phải tích hợp gắn thêm vào thiết bị cần theo dõi. Vậy dự án này mang lại cho người phát triển điều gì? Đầu tiên bạn sẽ nhận được những kinh nghiệm thực tế trong việc khai thác ứng dụng GPS, module truyền RF cũng như cảm biến nhiệt độ.
Raspberry Pi được thiết kế trong việc định vị và xác định độ cao
Cảm biến nhiệt độ và độ ẩm
Trong nhiều thời điểm, bạn cần tìm ra câu trả lời cho việc tìm ra những điểm nóng và ẩm thấp của các tủ chứa đồ. Một khi chỉ số vượt qua con số đáng báo động mà bản thân mình không biết thì chi phí cho dịch vụ bảo trì hoặc thay thế cho thiết bị đang bảo quản là rất đáng kể. Đối với những người bắt đầu quá trình học tập với Raspberry Pi thì tình huống này là một trong những bài thử rất tốt. Raspberry Pi Temperature & Humidity Network Monitor là một sản phẩm được thiết kế cho các tủ chứa nhằm cảnh báo nhiệt độ và độ ẩm chỉ với chi phí chừng 50 USD. Raspberry Pi  đóng vai trò thiết bị giám sát với khả năng truy cập đến cơ sở dữ liệu SQL và lấy dữ liệu từ các cảm biến được tích hợp. Màn hình hiển thị giám sát nhiệt độ với đồ thị giao diện web, qua đó cho phép dễ dàng đọc dữ liệu và lưu trữ kết quả đến cơ sở dữ liệu.
Cảm biến giám rát độ ẩm Raspberry Pi Temperature & Humidity
Máy chủ Raspberry Pi
Một trong những ứng dụng tốt nhất của Raspberry Pi chính là trở thành trung tâm điều khiển dành cho các thiết bị sử dụng nguồn điện áp thấp. Trong lĩnh vực này, Raspberry Pi có thể thu thập và báo các về các điều kiện hay sự thay đổi của cơ sở dữ liệu rồi trả về trung tâm. Giao thức Web chính là ứng dụng thực tế hiệu quả nhất. Một dự án đơn giản mà chúng ta có thể thực hiện là  thiết lập một máy chủ Web Apache trên hệ điều hành Linux chạy trên Raspberry Pi.  Dự án máy chủ Stratum 1 Network Time Protocol sử dụng nền tảng Raspberry Pi là minh chứng rõ ràng nhất khi  tạo nên một thiết bị có khả năng xác thực dựa trên thư mục. Ngoài ra Stratum 1 Network Time này còn giúp giải quyết vấn đề về độ trễ trong việc xác thực máy chủ.
Hệ thống máy chủ tạo từ Raspberry Pi
Cụm máy tính nhúng
Đặt một cụm các máy tính nhúng chi phí thấp cùng nhau không phải là điều mới - nó được thực hiện với bo mạch vi xử lý Arduino và điều khiển nhúng giống như những gì thập niên 80 đã từng làm. Arduino là bo mạch đã thiết kế sẵn các thành phần điện tử, những ai không am hiểu về điện tử nhưng có kiến thức cơ bản về tin học và lập trình là có thể lập trình để điều khiển được.
Trong trường hợp hợp dự án này, Raspberry Pi được thiết kế để  làm hệ thống nền tảng cho ngăn xếp ứng dụng trên Drupal - một hệ thống quản lý nội dung, đối thủ lớn nhất của Wordpress hiện nay. Những gì bạn có thể học hỏi với các dự án này? Ngoài hữu ích với chính người dùng Drupal thì bạn có thể hiểu biết sâu hơn về việc thiết lập các hệ thống đa xử lý và các cụm máy tính Raspberry Pi.
The Pirate Box
Không phải tất cả các dự án IoT có thể sử dụng máy chủ Web công cộng. Ngay cả với mã hóa, chứng thực, đôi khi IoT đơn giản là chỉ để kiểm soát và báo cáotình trạng giao thông thông qua mạng riêng biệt. Dự án Pirate Box này sử dụng các giao thức Torrent và mạng Wi-Fi để chia sẻ các tập tin với các máy tính Raspberry Pi khác. Có thể bạn không muốn sử dụng Torrent cho các dự án doanh nghiệp nhưng  Pirate Box sẽ cho bạn hiểu rõ hơn các khái niệm về thiết lập mạng Wi-Fi và cách sử dụng giao thức cấp cao hơn để giữ cho dòng chảy dữ liệu thông suốt, an toàn giữa các trạm.
Pirate Box cho việc chia sẻ tệp tin
Nhạc cụ điện tử ảo
Raspberry Pi và Pi2 đã có sức mạnh xử lý hơn một máy tính để bàn từ năm 99. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi những dụng cụ âm nhạc như Moog, Yamaha DX, Casio CZ đều có thể Raspberry Pi mô phỏng . Các ứng dụng ảo hóa nhạc cụ được tổng hợp âm thanh dựa trên yếu tố kỹ thuật của phần mềm chạy trên Pi. Việc ảo hóa này yêu cầu người thực hiện phải kết hợp các thiết bị chuyển mạch, cảm biến và khả năng chuyển đổi từ analog sang kỹ thuật số.
The Beet Box
Một sản phẩm được thiết kế dựa trên nền tảng công nghệ cho phép người dùng chơi nhịp trống bằng cách chạm vào củ cải đường, Beetbox là một dự án IoT như vậy. Thiết bị này được được trang bị một Raspberry Pi với bộ cảm biến cảm ứng và một bộ khuếch đại âm thanh. Cảm biến MPR121 Capacitive Touch Sensor của Sparkfun được hoạt động thông qua những đoạn mã kịch bản viết bằng Python, cho phép việc chạm vào rau củ có thể phát ra tiếng trống. Âm thanh được xử lý qua một bộ khuếch đại LM386 trước khi kết nối tới hệ thống loa.
Robot
Một trong những dự án đình đàm trên trang gọi vốn cộng đồng Kickstarter là chú robot Rapiro được vận hành bởi Raspberry Pi. Dự án này là một trong những chương trình được phát triển với mục đích giáo dục cho đối tượng mới bắt đầu chế tạo robot. Tại Việt Nam có thể nhắc đến K-Bot Wi-Fi Robot của Ngô Huỳnh Ngọc Khánh thiết kế hồi năm 2013. Robot này có thể đồng thời thực hiện ba nhiệm vụ: quan sát, tìm kiếm và an ninh. Tính năng nổi trội nhất của K-Bot là quay được video và truyền trực tuyến về trung tâm điều khiển, chủ động phát hiện chuyển động và ghi lại hình ảnh. Ngoài ra robot còn có radar gắn phía sau để hỗ trợ di chuyển, có thể khảo sát và vẽ biểu đồ, tính thông số về nhiệt độ, độ ẩm ở nơi đang hoạt động... Những dự án về robot này có thể giúp người thực hiện nhận thức rõ hơn về việc sử dụng động cơ hồi tiếp vòng kín Servo, thiết kế  hệ thống điều khiển nhúng cho các vật thể chuyển động.
Robot Rapiro được vận hành bởi Raspberry Pi
Hệ thống giải trí XBMC
XBMC là mã nguồn mở miễn phí được thiết kế cho việc quản lý và xem phim, nhạc, ảnh, trò chơi. Khả năng sắp xếp thông tin dữ liệu là điểm mạnh nhất của XBMC, ngoài ra truy xuất thông tin phim ảnh từ các kho dữ liệu trực tuyến (như IMDB, The MovieDB) có thể làm cho hệ thống của bạn khá phong phú. Quy trình cài HĐH cho Raspberry Pi về rất đơn giản, chỉ cần tải Win32DiskImager rồi flash image sang thẻ SD. Dự án này không đòi hỏi nhiều trong cách bẻ khóa phần cứng nhưng mang đến nhiều kinh nghiệm trong việc tương tác với thiết bị đầu vào và đầu ra theo phương pháp chuẩn, các chuyển đổi cơ bản và khả năng xử lý lưu trữ.
Hệ thống giải trí XBMC được cài đặt trên Raspberry Pi
Dựng phim time-lapse với Raspberry Pi
Phim tua nhanh thời gian có các khung hình ở tốc độ thấp hơn nhiều so với chuẩn điện ảnh là 24, 25 hoặc 30 hình/giây. Những hình ảnh thu được sử dụng để dựng những cảnh hoặc sự kiện diễn ra lâu trong thực tế, ví dụ như toàn cảnh mặt trời mọc hay quay lại một bông hoa đang nở… Một thiết bị hỗ trợ chụp ảnh time-lapse chuyên nghiệp có giá tầm hơn 15 triệu VNĐ, nhưng với một dự án như RasPiLapse dựa trên nền tảng Raspberry Pi  thì chi phí này thấp hơn rất nhiều. Ngoài Raspberry Pi, hệ thống này còn được trang bị kết nối GPIO (General Purpose Input / Output) mà chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát. Các kịch bản hoạt động đều được viết bằng Python, từ việc kiểm soát thời gian cho đến số lượng hình chụp. Dự án này cho phép bạn tiếp cận các kỹ năng trong việc kiểm soát động cơ, điều khiển thiết bị bên ngoài thông qua nguồn năng lượng duy nhất, sử dụng thời gian chính xác và cuối cùng là khả năng đồng bộ hệ thống.
Dựng phim time-lapse với Raspberry Pi
PC WORLD VN, 11/2015
 http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/song-va-cong-nghe/2015/11/1245036/khoi-dau-nhung-du-an-iot-bang-raspberry-pi/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+articles%2Fcong-nghe+%28PCWorldVN+-+C%C3%B4ng+ngh%E1%BB%87%29&utm_content=Netvibes