Contents
I. MỞ ĐẦU
II. MỘT SỐ KHÁI NIỆM
1. Dữ liệu (data)
2. Sao lưu (backup)
3. Phục hồi (restore)
4. Android
III. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC SAO LƯU, PHỤC HỒI DỮ LIỆU
IV. SƠ LƯỢC VỀ CÁCH SAO LƯU, NỘI DUNG SAO LƯU VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA VIỆC SAO LƯU DỮ LIỆU
1. Các cách sao lưu dữ liệu
2. Các nội dung cần sao lưu của dữ liệu trên Android
3. Một số nguyên tắc cần thiết trong sao lưu dữ liệu
V. HƯỚNG DẪN SAO LƯU DỮ LIỆU
1. SAO LƯU BẰNG THỦ CÔNG
2. SAO LƯU BẰNG PHẦN MỀM
2.1 Hướng dẫn sao lưu dữ liệu bằng tính năng Tự động đồng bộ và sao lưu của Android
2.2 Hướng dẫn sao lưu dữ liệu bằng phần mềm Titanium Backup
2.3 Hướng dẫn sao lưu dữ liệu bằng Bkav Mobile Security
2.4 Hướng dẫn sao lưu dữ liệu bằng phần mềm quản lý smartphone trên PC Moborobo
VI. BẢNG SO SÁNH CÁC ỨNG DỤNG, PHẦN MỀM
VII. MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ SỬ DỤNG CÁC PHẦN MỀM SAO LƯU DỮ LIỆU
VIII. KẾT
I. MỞ ĐẦU
Sao lưu dữ liệu là việc sao chép lại dữ liệu để lưu trữ, bảo đảm dữ liệu
không bị mất vì đã có bản sao dự phòng. Trong trường hợp dữ liệu “gốc”
bị mất, người dùng có thể phục hồi lại dữ liệu từ những bản sao dự phòng
này.
Việc sao lưu dữ liệu là hết sức quan trọng và cần thiết đối với người
dùng. Dữ liệu trong quá trình lưu trữ có thể bị mất, bị hư hỏng do nhiều
nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là bị mất hoặc bị hư thiết bị, lúc
ấy việc sao lưu và phục hồi dữ liệu là biện pháp cần thiết để giữ lại
những dữ liệu quan trọng của mình.
II. MỘT SỐ KHÁI NIỆM
1. Dữ liệu (data)
Theo Từ điển Tiếng Việt, dữ liệu là “số liệu, tư liệu đã có để giải
quyết một vấn đề” hay “sự biểu diễn của một thông tin trong máy tính”.
Hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa thường dùng, dữ liệu là tất cả những tài
liệu (văn bản, hình ảnh, âm thanh, video clip, các “tập tin” khác...)
được lưu trữ trên máy tính hoặc các thiết bị lưu trữ. Đôi khi nó còn
được hiểu là những thông tin mà con người cần trong một trường hợp cụ
thể (ví dụ, các thông tin về danh bạ, địa chỉ, các lá thư điện tử
(email)...)
2. Sao lưu (backup)
Sao lưu hay backup được hiểu là sao chép lại để lưu trữ. Việc sao lưu dữ
liệu sẽ giúp dữ liệu không bị mất (vì một lý do nào đó) khi dữ liệu gốc
bị mất (vì đã có bản sao đã lưu).
3. Phục hồi (restore)
Phục hồi là quá trình “đi kèm” với sao lưu, cụ thể là việc đưa bản sao
(đã thực hiện trong quá trình sao lưu) trở về “như là” bản gốc để thay
thế cho bản gốc.
4. Android
Android là một hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux được thiết kế dành
cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng như điện thoại thông minh
và máy tính bảng do Google phát hành theo mã nguồn mở. Các dòng điện
thoại thông minh hiện nay sử dụng phổ biến HĐH Android, với biểu tượng
là một chú robot màu xanh lá cây. Có thể kể đến một số dòng điện thoại
nổi tiếng dùng HĐH Android như Samsung Galaxy, Sony Erricsson Xperia,
Google Nexus, HTC Desire...
III. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC SAO LƯU, PHỤC HỒI DỮ LIỆU
Trong nhiều trường hợp, dữ liệu là một thứ hết sức quý giá (đôi khi là
vô giá), và còn quan trọng hơn nhiều so với bản thân thiết bị lưu trữ dữ
liệu đó. Có lẽ bạn đã từng gặp trường hợp bị mất một cái điện thoại và
bị mất hết các danh bạ của bạn bè, đối tác, người thân, lúc đó mới có
thể thấy hết được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc sao lưu lại dữ
liệu. Càng quan trọng hơn nữa khi điện thoại, laptop bị mất là của một
doanh nhân hoặc giám đốc doanh nghiệp, trong đó chứa nhiều thông tin tài
chính có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của cả một công ty...
Như vậy, cho dù có ở môi trường, “hệ điều hành” nào thì việc sao lưu dữ
liệu là hết sức cần thiết. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta
chỉ tập trung vào việc hướng dẫn sao lưu dữ liệu trên nền hệ điều hành
Android dùng trong các dòng điện thoại thông minh (smartphone) hoặc máy
tính bảng (tablet). Các hướng dẫn được thực hiện theo hệ điều hành
Android phiên bản 2.3.6 trên máy Viettel V8404 đã root. Các phiên bản
khác thực hiện tương tự.
IV. SƠ LƯỢC VỀ CÁCH SAO LƯU, NỘI DUNG SAO LƯU VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA VIỆC SAO LƯU DỮ LIỆU
1. Các cách sao lưu dữ liệu
Thực ra, việc “sao lưu” dữ liệu đã được chúng ta thực hiện khá phổ biến
trong cuộc sống: viết lại một vài số điện thoại quan trọng ra giấy, chép
lại một bài thơ hay, sao chép (copy) những bài hát yêu thích vào USB...
Còn trong sử dụng điện thoại Android, việc sao lưu có thể thực hiện
theo những cách phổ biến sau:
- Copy dữ liệu (các tập tin hình ảnh, âm thanh, video, các file xuất
danh bạ .VCF,...) trên bộ nhớ máy vào thẻ nhớ, hoặc vào thiết bị lưu trữ
khác (ổ cứng máy tính, USB...).
- Dùng phần mềm chuyên dụng để nén dữ liệu trên bộ nhớ máy thành 1 file duy nhất và lưu vào thẻ nhớ.
- Dùng phần mềm để sao chép dữ liệu vào các thiết bị lưu trữ ngoài (như
máy tính) khi kết nối với các thiết bị đó (bằng cable hoặc kết nối không
dây khác...)
- Dùng phần mềm để sao chép dữ liệu và lưu trữ trên các dịch vụ nền tảng
“đám mây” (cloud). Việc này đòi hỏi bạn phải có kết nối dữ liệu (kết
nối Internet) cho thiết bị.
-.......
Mỗi cách đều có ưu, nhược điểm riêng và chúng ta sẽ đề cập đến trong các phần dưới.
2. Các nội dung cần sao lưu của dữ liệu trên Android
Tuỳ thuộc vào nhu cầu của mỗi người và phương pháp sao lưu, trên các điện thoại Android có thể sao lưu các nội dung sau:
- Danh bạ liên lạc, tin nhắn, lịch, email, nhật ký cuộc gọi, ứng dụng...
- Dữ liệu trên thẻ nhớ: hình ảnh, video clips, file nhạc, file văn bản, các thư mục, file cần thiết khác...
3. Một số nguyên tắc cần thiết trong sao lưu dữ liệu
- Sao lưu định kỳ theo thời gian hợp lý. Điều này giúp giảm thiểu nguy
cơ bị mất dữ liệu mới, nếu trong thời gian dài ta không sao lưu thì
những dữ liệu mới phát sinh có thể bị mất khi phục hồi. Nên sử dụng tính
năng tự động sao lưu theo định kỳ, nếu có.
- Lưu trữ dữ liệu sao lưu ở nơi an toàn. Không lưu trữ dữ liệu sao lưu
trên cùng thiết bị chứa dữ liệu gốc, vì nếu chẳng may thiết bị chứa dữ
liệu gốc bị hư hỏng hoặc bị mất thì dữ liệu sao lưu cũng mất theo. Ví
dụ, sao lưu danh bạ vào thẻ nhớ của chính điện thoại đó, khi điện thoại
đó bị mất thì thẻ nhớ cũng mất luôn...
- Tổ chức các tập tin sao lưu theo hệ thống để tránh việc lẫn lộn các
lần sao lưu. Khi cần phục hồi có thể chọn chính xác các tập tin sao lưu
theo mong muốn. Có thể sắp xếp theo thời điểm sao lưu hoặc viết ghi chú
về những chi tiết khi sao lưu.
V. HƯỚNG DẪN SAO LƯU DỮ LIỆU
1. SAO LƯU BẰNG THỦ CÔNG
a. Giới thiệu
Cách sao lưu này đơn giản, không cần cài đặt phần mềm, chỉ cần rành thao
tác copy và paste là xong. Nhược điểm là chỉ sao lưu được các dữ liệu
trên thẻ nhớ và bộ nhớ trong của điện thoại. Cụ thể là ta sao chép các
nội dung trên thẻ nhớ và bộ nhớ máy vào ổ cứng máy tính hoặc USB rồi đem
đi cất ở nơi an toàn.
b. Thực hiện
Bước 1: Kết nối điện thoại với máy tính (qua cable USB hay bluetooth, wifi...)
Bước 2: Khi kết nối điện thoại với máy tính bằng cable, trên màn hình điện thoại
nếu được hỏi, ta chọn “Bật bộ lưu trữ USB” – OK để xác nhận. (Nếu không
thấy, ta kéo thanh thông báo trên cùng xuống và chọn mục “USB đã kết
nối” sẽ thấy)
Bước 3: Sau khi chọn, trong Windows Explorer sẽ thấy thêm 2 ổ đĩa mới
(thường có tên là Removable Driver), trong đó 1 cái là bộ nhớ máy, 1 cái
là thẻ nhớ ngoài.
Ta truy cập vào và tiến hành sao chép các tập tin cần sao lưu và lưu ở nơi thích hợp.
Khi cần phục hồi lại các tập tin trong thẻ nhớ, bạn chỉ việc kết nối
điện thoại với máy tính và chép những tập tin đã sao lưu vào thẻ nhớ là
xong.
c. Đánh giá
* Ưu điểm
- Thực hiện nhanh, không cần cài đặt phần mềm.
- Thao tác đơn giản.
* Hạn chế
- Không sao lưu được các ứng dụng và các thiết đặt hệ thống cũng như danh bạ, tin nhắn, nhật ký cuộc gọi...
2. SAO LƯU BẰNG PHẦN MỀM
2.1 Hướng dẫn sao lưu dữ liệu bằng tính năng Tự động đồng bộ và sao lưu của Android
a. Giới thiệu
Hệ điều hành Android cung cấp sẵn dùng chức năng sao lưu và đồng bộ hoá
dữ liệu. Tính năng này cho phép sao lưu các dữ liệu trên điện thoại như
danh bạ, lịch, email (Gmail) và các dữ liệu khác là sản phẩm của Google
(như Picasa web album, ứng dụng Tuyến đường trên Android...) từ thiết bị
lên dịch vụ đám mây của Google.
Để có thể sử dụng tính năng này, bạn cần có một tài khoản Google. Nếu chưa có, bạn có thể đăng ký tài khoản Google tại
https://accounts.google.com/SignUp?hl=vi, hoặc có thể đăng ký ngay trong phần Cài đặt.
b. Thực hiện
Bước 1: Vào Cài đặt, chọn Tài khoản & đồng bộ hoá
Bước 2: Tiếp theo, trong mục Quản lý tài khoản, chọn Thêm tài khoản, chọn loại tài khoản là Google.
Bước 3: Nếu chưa có tài khoản, hãy chọn Tạo để tạo tài khoản mới. Sau đó
nhập các thông tin như tên, họ, tên người dùng Google rồi nhấn Tiếp
theo để Google tạo tài khoản mới. (Lưu ý, bạn cần cho phép thiết bị kết
nối Internet).
Nếu đã có tài khoản Google, chọn Đăng nhập, sau đó nhập tên người dùng, mật khẩu và nhấn Đăng nhập.
Bước 4: Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, hãy chọn tài khoản của
bạn trong mục Quản lý tài khoản và check vào các mục mà bạn muốn sao lưu
và đồng bộ.
Lúc này, tiến trình sao lưu và đồng bộ dữ liệu giữa thiết bị và tài
khoản của bạn bắt đầu, thể hiện bằng ký hiệu hai mũi tên ngược chiều
trên thanh trạng thái. Lần đầu sao lưu, dữ liệu cần sao lưu nhiều nên
thời gian hơi lâu, những lần (tự động) sao lưu sau thì sẽ nhanh hơn rất
nhiều.
Lưu ý: Danh bạ được đồng bộ là Danh bạ Google, không phải là danh bạ
trên thiết bị (SIM hoặc trên máy). Để danh bạ trên máy (hoặc trên SIM)
được sao lưu và đồng bộ, bạn cần sao chép nó vào Danh bạ Google. Cách
thực hiện như sau:
Sau khi đã tạo tài khoản Google, bạn vào phần Liên lạc của thiết bị:
Nhấn menu, chọn Quản lý liên lạc.
Chọn tiếp Sao chép liên lạc:
Chọn 1 danh bạ trên máy hoặc trên SIM mà bạn muốn sao chép:
Sau đó, chọn liên lạc mình muốn sao chép (hoặc muốn chọn tất cả thì nhấn vào Chọn tất cả), rồi chọn Sao chép đến:
Ở màn hình tiếp theo, chọn tài khoản Google của bạn:
Vậy là danh bạ của bạn đã được đồng bộ và sao lưu với dịch vụ của Google
một cách an toàn. Với ứng dụng Lịch, khi bạn tạo sự kiện mới, bạn cũng
lưu ý chọn tạo sự kiện trên tài khoản Google của bạn để sự kiện được sao
lưu và đồng bộ trên máy chủ Google.
c. Hướng dẫn phục hồi và chỉnh sửa dữ liệu trên tài khoản Google
* Phục hồi dữ liệu:
Thực ra, khi bạn sao lưu và đồng bộ dữ liệu trên máy chủ Google thì nếu
cài lại máy hoặc chuyển sang thiết bị khác, bạn chỉ việc đăng nhập vào
tài khoản Google và chọn “Tự động đồng bộ hoá” trong cài đặt Tài khoản
& đồng bộ hoá thì mọi dữ liệu bạn đã cho phép đồng bộ hoá (Danh bạ,
Lịch...) sẽ đươc tự động phục hồi lên thiết bị cho bạn mà bạn không phải
thao tác gì thêm. Điều này rất tiện lợi nếu bạn thường xuyên cài lại
máy hoặc chuyển đổi giữa nhiều thiết bị.
* Xem, chỉnh sửa dữ liệu trên tài khoản Google:
Bạn có thể xem danh bạ, sự kiện lịch và các ứng dụng khác của Google rất
dễ dàng trên các máy tính có kết nối Internet. Chỉ cần đăng nhập vào
tài khoản Google (vào Google, chọn Đăng nhập), sau đó chọn các sản phẩm
của Google tương ứng (như Danh sách liên hệ, Lịch...). Ở đó bạn có thể
xem danh bạ trên điện thoại, sự kiện lịch... và chỉnh sửa, thêm xoá
thoải mái. Mọi thay đổi sẽ được cập nhật ngay trên điện thoại nếu / khi
thiết bị có kết nối Internet.
d. Đánh giá:
* Ưu điểm:
- Việc sao lưu, đồng bộ diễn ra hoàn toàn tự động, không cần phải can thiệp.
- Dữ liệu được lưu trữ trên dịch vụ đám mây ở các máy chủ của Google nên rất an toàn.
- Dễ dàng sao lưu, đồng bộ, phục hồi dữ liệu ở mọi lúc mọi nơi. Có thể
dễ dàng xem, chỉnh sửa dữ liệu trên các thiết bị có kết nối Internet
(PC, máy tính bảng...) bằng tài khoản Google.
- Quá trình sao lưu, đồng bộ dữ liệu nhanh chóng, tốn ít băng thông mạng.
* Hạn chế:
- Chỉ sử dụng được dịch vụ khi thiết bị có kết nối Internet.
- Chỉ sao lưu, đồng bộ được các ứng dụng, dịch vụ của Google, không sao
lưu được các dữ liệu như tin nhắn, nhật ký cuộc gọi, ứng dụng, hình ảnh,
video clips, file âm thanh...
2.2 Hướng dẫn sao lưu dữ liệu bằng phần mềm Titanium Backup
a. Giới thiệu
Titanium Backup là phần mềm giúp các bạn sao lưu, phục hồi ứng dụng, tin
nhắn... trên máy Android. Titanium Backup can thiệp khá sâu vào hệ
thống, cho phép bạn xóa được cả ứng dụng hệ thống, sao lưu dữ liệu ứng
dụng nên nó yêu cầu quyền root.
Mục đích ban đầu của team Titanium Track khi phát triển Titanium Backup:
người dùng Android vọc vạch, nghịch ROM, cài ROM rất nhiều; và mỗi khi
cài lại ROM họ phải mất hàng giờ để cài lại app, game; thậm chí nhiều
game sau khi cài lại thì không khôi phục được dữ liệu, bạn phải chơi lại
từ đầu. Với Titanium Backup, bạn có thể factory reset, cài ROM mới và
khôi phục lại mọi thiết đặt, ứng dụng chỉ trong chưa đầy 20 phút.
b. Yêu cầu và cài đặt
- Máy bạn cần root trước khi cài đặt và sử dụng Titanium Backup. Còn
root là gì và cách root máy Android ra sao thì trong khuôn khổ bài viết
không thể nêu chi tiết, xin vui lòng tham khảo tại đây (
http://forum.bkav.com.vn/showthread.php?90466-VIETTEL-v8404-toan-tap)
- Android phiên bản từ 1.5 đến 4.4+
- Phiên bản Titanium Backup giới thiệu trong bài là phiên bản miễn phí,
bạn có thể download tại Google Play trên thiết bị Android hoặc tại đây (
https://play.google.com/store/apps/details?id=com.keramidas.TitaniumBackup&hl=vi)
c. Hướng dẫn sao lưu dữ liệu
- Bước 1: Trước khi chạy chương trình, bạn vào Cài đặt - Ứng dụng, tích
chọn “Nguồn không xác định” để chương trình làm việc hiệu quả nhất.
- Bước 2: Sau khi cài đặt, khởi động Titanium Backup. Chương trình sẽ
quét toàn bộ ứng dụng trên thiết bị và đưa ra danh sách tổng quan.
- Bước 3: Nếu là lần đầu sao lưu, bạn nên sao lưu toàn bộ ứng dụng của
mình. Để thực hiện điều này, bạn nhấn Menu để hiện menu của Titanium
Backup và chọn Batch Action...
- Bước 4: Màn hình Batch Action (thực hiện tác vụ hàng loạt) hiện ra.
Bạn có thể sao lưu ứng dụng user (là ứng dụng bạn cài) hoặc ứng dụng hệ
thống. Mình thì chỉ sao lưu user app, vì thế lần đầu mình sẽ chọn
“Backup all user app” (nhấn vào nút RUN. Sau đó màn hình mới hiện ra,
bạn có thể chọn ứng dụng cần sao lưu.
- Bước 5: Bạn có thể sao lưu tất cả các ứng dụng (Select all) hoặc nhấn
Deselect all để bỏ chọn tất cả rồi chọn lại các ứng dụng mình cần sao
lưu. Sau đó nhấn nút RUN để thực hiện.
Tiến trình sao lưu bắt đầu, tuỳ thuộc vào ứng dụng nhiều hay ít, thời
gian sao lưu sẽ lâu hay mau. Sau khi xong, Titanium Backup sẽ thông báo
trên thanh trạng thái của thiết bị.
Sau một thời gian sử dụng, nếu muốn sao lưu các bạn không cần chọn tùy
chọn Backup all user app nữa mà chúng ta nên sử dụng Redo backup for
modified data (chỉ thực hiện sao lưu dữ liệu đã thay đổi) và Redo backup
for new user app & newer app version (thực hiện sao lưu với ứng
dụng mới cài hoặc / và phiên bản ứng dụng mới hơn).
Các bạn nên chọn “Redo backup for new user app & newer app version”
trước để quét các app mới. Phần Redo backup for modified data thì chúng
ta chỉ nên chọn app nào hay sử dụng hoặc có thay đổi quan trọng cần sao
lưu so với lần sao lưu đầu để tiết kiệm thời gian.
Các tuỳ chọn sao lưu của Titanium Backup
Để chỉ hiển thị các ứng dụng do người dùng cài (user app) hay ứng dụng
hệ thống (system), bạn nhấn Menu, chọn Filter... (hoặc nhấn Click to
edit filter..), sau đó thiết đặt bộ lọc:
- Backed up: đã sao lưu / Not backed up: chưa sao lưu
- User: người dùng / System: hệ thống / Uninst (đã gỡ cài đặt)
- Internal: bộ nhớ trong / External: bộ nhớ ngoài
* Các sao lưu đặc biệt trong phần Hệ thống (bao gồm tin nhắn, lịch sử cuộc gọi...)
-Call log: Lịch sử cuộc gọi
-Wifi Access Point: Tên và password wifi
-Account: tài khoản Google trên máy
-Bluetooth Pairings: Các thiết bị Bluetooth đã kết nối
-Boookmark: Đánh dấu trang của trình duyệt mặc định
-Country, language Time zone: Quốc gia, ngôn ngữ và múi giờ
-Dialer Storage: Tin nhắn, APN
-Internet: Sao lưu đánh dấu trang và trình duyệt mặc định
-Messages (SMS/MMS): Sao lưu tin nhắn và ứng dụng tin nhắn
-Message: Sao lưu mỗi tin nhắn
-Wallpaper: Hình nền máy đang dùng
d. Khôi phục
Sau khi cài lại máy, cài ROM mới, các bạn cài lại Titanium Backup và mở
ra, cho nó quyền root rồi chọn Backup / Restore, tiếp tục nhấn Menu –
Batch Action..., kéo xuống phần Restore, chọn Restore missing app with
data (phục hồi ứng dụng đã bị mất và dữ liệu), hoặc Restore all app with
data (phục hồi tất cả ứng dụng và dữ liệu, các ứng dụng và dữ liệu hiện
có sẽ bị ghi đè).
Bạn chọn các ứng dụng cần phục hồi, sau đó nhấn RUN để thực hiện.
e. Đánh giá:
* Ưu điểm:
- Có thể sao lưu tất cả các thiết đặt hệ thống và ứng dụng, dữ liệu một cách hoàn toàn tự động.
- Có bộ lọc mạnh mẽ, cung cấp cho người sử dụng sự lựa chọn đa dạng, phù hợp với nhu cầu sao lưu.
- Nhiều tính năng để người sử dụng khám phá.
* Hạn chế:
-Quá nhiều tính năng nên người mới sử dụng dễ bị rối rắm.
-Chưa hỗ trợ tiếng Việt.
-Không hỗ trợ sao lưu lên dịch vụ đám mây, server...
-Máy phải được root.
2.3 Hướng dẫn sao lưu dữ liệu bằng Bkav Mobile Security
a. Giới thiệu:
Bkav Mobile Security là giải pháp an ninh tốt nhất cho thiết bị di động.
Phiên bản Bkav Mobile Security Pro được trang bị bộ lọc thông minh
Smart Filter để tự động chặn tin nhắn rác với tỷ lệ lên đến 100% và chặn
cuộc gọi không mong muốn. Bên cạnh các tính năng diệt virus, chống
trộm, tìm vị trí điện thoại, Bkav Mobile Security (BMS) cũng được tích
hợp công nghệ giám sát truy cập và duyệt web an toàn.
Hỗ trợ các hệ điều hành: Android, iOS, Symbian, Blackberry, Windows Phone.
BMS cũng tích hợp tính năng sao lưu các dữ liệu của thiết bị di động
(danh bạ, tin nhắn, nhật ký cuộc gọi) lên thẻ nhớ và / hoặc server của
Bkav, giúp người dùng có thể phục hồi lại các dữ liệu này trong trường
hợp đổi máy hoặc reset, root lại máy.
b. Yêu cầu và cài đặt:
BMS có thể cài đặt trên mọi phiên bản Android và không cần root. Để cài
đặt, bạn vào Cửa hàng Play trên thiết bị và cài đặt hoặc download tại
đây (
http://mobile.bkav.com.vn/).
c. Thực hiện sao lưu dữ liệu:
- Bước 1: Mở ứng dụng Bkav Mobile Security trên màn hình thiết bị.
- Bước 2: Nhấn vào tab Sao lưu dữ liệu, bạn sẽ thấy có hai tuỳ chọn để sao lưu và phục hồi. Để sao lưu, ta chọn Sao lưu dữ liệu.
- Bước 3: Trong Tuỳ chọn sao lưu, bạn có thể chọn sao lưu tin nhắn, danh
bạ hay nhật ký cuộc gọi, và chọn nơi sao lưu là Thẻ nhớ và / hoặc sao
lưu lên server của Bkav. Sau khi chọn xong, nhấn nút Sao lưu dữ liệu.
Sau khi hoàn tất quá trình sao lưu (nếu là sao lưu lên Bkav Server thì
đòi hỏi phải có kết nối mạng và thời gian hơi lâu một chút), BMS thông
báo quá trình sao lưu thành công.
d. Phục hồi dữ liệu:
Sau khi cài lại máy hoặc đổi máy, bạn tiến hành phục hồi dữ liệu đã sao lưu theo các bước sau:
- Bước 1: Cài đặt BMS, đăng ký và đăng nhập bình thường.
- Bước 2: Kiểm tra (các) file sao lưu chắc chắn đã nằm trong thư mục BKAV\BACKUP trên thẻ nhớ.
- Bước 3: Mở BMS, chọn tab Sao lưu dữ liệu, lần này ta chọn chức năng Phục hồi dữ liệu.
- Bước 4: Chọn file backup (file đã sao lưu) để phục hồi. Nếu có nhiều
file backup .bms trong thư mục BACKUP, bạn có thể lựa chọn file cần
thiết. Nhấn nút Đồng ý.
- Bước 5: Chọn nội dung khôi phục (Tin nhắn, nhật ký cuộc gọi hay danh bạ...). Nhấn OK để bắt đầu khôi phục.
Quá trình phục hồi bắt đầu:
Sau khi hoàn tất, BMS hiện thông báo tới người dùng:
e. Một số tính năng mở rộng khác của BMS:
- Quét virus: Hiện tại, Android không còn an toàn trước những mã độc.
Virus đã có thể tấn công vào Android, nằm vùng trong bộ nhớ và khai thác
dữ liệu hoặc từ đó tấn công vào máy tính.
Bkav Mobile Security với công nghệ điện toán đám mây có thể xử lý hiệu
quả virus trên máy và các ứng dụng độc hại. Để quét virus với BMS, bạn
mở ứng dụng và chọn tab Diệt virus.
Trước khi quét virus, có thể vào phần Tuỳ chọn để chọn các chế độ quét:
Các tuỳ chọn diệt virus của BMS
Khi chọn Quét virus, một giao diện hiện ra cho phép chọn Quét từng phần
hay Quét toàn bộ. Nếu có bản quyền, bạn có thể chọn Quét nâng cao. Sau
đó nhấn Quét.
Sau khi quét xong, BMS hiển thị thông báo đến người dùng về tình hình
virus đã xử lý. Người dùng có thể xem lại trong mục Nhật ký.
- Chặn spam SMS/cuộc gọi: Tin nhắn rác đang gây sự bực mình và phiền
toái đến người dùng điện thoại di động. Với BMS bạn sẽ không còn những
bực mình do tin nhắn rác hoặc cuộc gọi quấy rối. BMS có thể chặn đến
100% spam SMS nhờ bộ lọc thông minh. Tính năng này được kích hoạt tự
động và chạy nền. Để điều chỉnh hoặc thêm nội dung cần chặn:
+ Vào thẻ Chặn spam (call/SMS), thiết đặt Danh sách đen. Những số có trong danh sách đen sẽ bị BMS chặn 100%.
Bạn có thể thiết đặt chặn theo số, đầu số hoặc chặn các số không có trong danh bạ.
Hoặc người dùng cũng có thể chặn theo nội dung tin nhắn (nhập những từ có trong tin nhắn cần chặn)
- Tính năng chống trộm của BMS là một tính năng hết sức hữu ích và cần
thiết để bảo vệ dế yêu của mình. Khi bị mất điện thoại, người dùng có
thể soạn tin nhắn theo các cú pháp để khoá máy, xoá dữ liệu hoặc định vị
điện thoại. Chi tiết, xin xem thêm tại
http://www.mobile.bkav.com.vn/
- BMS còn có tính năng Giám sát truy cập, quét các ứng dụng được cài đặt
trên máy để phát hiện các phần mềm nghe lén, gián điệp hoặc các ứng
dụng độc hại chuyên gửi tin nhắn đến các tổng đài tính phí.
Nếu nghi ngờ ứng dụng nào, người sử dụng có thể xem xét gỡ bỏ ứng dụng đó.
e. Đánh giá:
* Ưu điểm:
- Giao diện đơn giản, dễ sử dụng, có tiếng Việt.
- Thao tác đơn giản, quá trình sao lưu, phục hồi diễn ra tự động, nhanh chóng.
- Hỗ trợ sao lưu trên thẻ nhớ và trên server.
- Do là một tính năng của Bkav Mobile Security – một giải pháp bảo vệ
smartphone nên ứng dụng có thêm những chức năng quét virus, chống trộm
(Anti-Theft), chặn tin nhắn rác, chặn cuộc gọi, giám sát truy cập, duyệt
web an toàn... Tất cả các tính năng trên đều được thiết kế trên những
tab riêng biệt, dễ dàng cho người sử dụng.
* Hạn chế:
- Không sao lưu được ứng dụng và các thiết đặt hệ thống.
2.4 Hướng dẫn sao lưu dữ liệu bằng phần mềm quản lý smartphone trên PC Moborobo
a. Giới thiệu:
Moborobo là phần mềm miễn phí tốt nhất để quản lý điện thoại của bạn từ
máy tính. Phần mềm này có giao diện đơn giản với các thẻ tab rõ ràng, hỗ
trợ hầu như tất cả các thiết bị Android. Ngoài ra Moborobo cho phép bạn
tải về và cài đặt ứng dụng, gửi và đọc các tin nhắn SMS, chuyển dữ liệu
liên lạc từ smartphone này đến smartphone khác, sao lưu và khôi phục
lại địa chỉ liên lạc, tin nhắn SMS, cài đặt ứng dụng, hình ảnh, âm nhạc
trên điện thoại thông minh của bạn đến máy tính của bạn.
Bạn có thể sử dụng ứng dụng này để gửi tin nhắn trực tiếp từ máy tính cá
nhân và cũng có thể gửi tin nhắn nhanh theo nhóm, chuyển dữ liệu liên
lạc từ Android cho iPhone, và ngược lại. Tất cả thông tin trên điện
thoại của bạn đều sẽ được lưu trong máy tính. Vì vậy, nếu có sự cố xảy
ra với điện thoại thì bạn vẫn còn dữ liệu sao lưu.
b. Yêu cầu và cài đặt
Moborobo hỗ trợ Windows XP / 7 / 8 và yêu cầu cấu hình rất thấp, không đáng kể.
Tải về Moborobo tại Trang chủ
http://download.moborobo.com/download/Client/Moborobo(Moborobo_En_official).exe
Sau khi tải về và cài đặt thành công, khi kết nối thiết bị với máy tính,
thiết bị Android sẽ tự động cài đặt phần mềm Mobo Daemon. Đây là ứng
dụng cần thiết để trao đổi dữ liệu giữa điện thoại và PC, bạn không nên
gỡ bỏ nó.
Để chuyển sang ngôn ngữ Tiếng Việt, nhấn vào mũi tên ở góc trên bên phải màn hình, chọn Select Language – Tiếng Việt.
c. Hướng dẫn sao lưu dữ liệu bằng Moborobo
- Bước 1: Kết nối điện thoại với máy tính. Khởi động Moborobo trên máy tính.
- Bước 2: Khi máy tính đã nhận thiết bị, tên và trạng thái của thiết bị
thể hiện ở Trang chủ. Nhấn vào nút Sao lưu / Phục hồi để vào công cụ sao
lưu dữ liệu.
- Bước 3: Cửa sổ Sao lưu/Phục hồi hiện ra, trong tab Sao lưu chọn các
nội dung cần sao lưu: Danh bạ, tin nhắn, nhật ký cuộc gọi, hình ảnh,
hình nền, chủ đề, nhạc, nhạc chuông, ứng dụng và dữ liệu ứng dụng. Lựa
chọn nơi lưu file backup sau đó nhấn nút Sao lưu.
Quá trình sao lưu đang diễn ra
Thông báo quá trình sao lưu hoàn thành.
d. Phục hồi:
- Bước 1: Kết nối điện thoại với máy tính, khởi động chương trình Moborobo.
- Bước 2: Nhấn nút Sao lưu/Phục hồi
- Bước 3: Trong cửa sổ Sao lưu/Phục hồi, chọn thẻ Phục hồi.
-
Bước 4: Chương trình sẽ tự động đọc thư mục sao lưu mặc định \My
Documents\Moborobo\Backup\Android để liệt kê các tập tin .info trong các
thư mục sao lưu tương ứng.
Chọn tới tập tin sao lưu cần phục hồi, sau đó chọn các nội dung cần phục hồi và nhấn nút Phục hồi.
Phục hồi thành công.
Lưu ý:
- Bạn có thể kết nối thiết bị di động với máy tính bằng một trong hai
cách: cáp USB hoặc WiFi. Nếu kết nối bằng cáp USB, tên thiết bị xuất
hiện bên dưới mục USB Connection, bạn nhấn nút Connect tương ứng với
thiết bị muốn truy xuất dữ liệu. Nếu kết nối thông qua WiFi, bạn cần tải
và cài đặt ứng dụng Moborobo Phone Daemon cho thiết bị di động, sau đó
gõ đúng mật khẩu mà Moborobo Phone Daemon cung cấp vào khung Validation
Code trên máy tính để kết nối.
- Để sử dụng Moborobo trên cả Windows và Android thông qua kết nối Wi-Fi
thì yêu cầu cả hai đều phải cùng truy cập vào một mạng Wi-Fi duy nhất.
- Không điều chỉnh hoặc xóa bất kỳ tập tin nào trong thư mục sao lưu, nếu không thì việc phục hồi sẽ bị thất bại.
Lưu ý:
- Bạn có thể kết nối thiết bị di động với máy tính bằng một trong hai
cách: cáp USB hoặc WiFi. Nếu kết nối bằng cáp USB, tên thiết bị xuất
hiện bên dưới mục USB Connection, bạn nhấn nút Connect tương ứng với
thiết bị muốn truy xuất dữ liệu. Nếu kết nối thông qua WiFi, bạn cần tải
và cài đặt ứng dụng Moborobo Phone Daemon cho thiết bị di động, sau đó
gõ đúng mật khẩu mà Moborobo Phone Daemon cung cấp vào khung Validation
Code trên máy tính để kết nối.
- Để sử dụng Moborobo trên cả Windows và Android thông qua kết nối Wi-Fi
thì yêu cầu cả hai đều phải cùng truy cập vào một mạng Wi-Fi duy nhất.
- Không điều chỉnh hoặc xóa bất kỳ tập tin nào trong thư mục sao lưu, nếu không thì việc phục hồi sẽ bị thất bại.
e. Đánh giá:
* Ưu điểm:
- Thao tác sao lưu, phục hồi đơn giản, thuận tiện.
- Cho phép sao lưu cả dữ liệu hệ thống (danh bạ, nhật ký cuộc gọi, tin nhắn) và dữ liệu người dùng (hình ảnh, nhạc, ứng dụng...)
- Hỗ trợ giao diện tiếng Việt.
- Nhiều tính năng cho phép người dùng quản lý toàn diện thiết bị Android trên máy tính.
* Hạn chế:
-Không sao lưu được toàn bộ hệ thống.
-Không hỗ trợ sao lưu trên server hoặc dịch vụ đám mây.
VI. BẢNG SO SÁNH CÁC ỨNG DỤNG, PHẦN MỀM:
VII. MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ SỬ DỤNG CÁC PHẦN MỀM SAO LƯU DỮ LIỆU
Để sao lưu dữ liệu, có rất nhiều phần mềm, một số trong số đó đã được
giới thiệu ở trên. Việc lựa chọn phần mềm để sao lưu dữ liệu cũng tuỳ
thuộc vào nhu cầu, thói quen và sở thích của từng người.
- Sao lưu dữ liệu thủ công thích hợp cho những người không thích sự rối
rắm, phức tạp của việc cài đặt, sử dụng phần mềm; hoặc trên thiết bị
không có dữ liệu quan trọng, chỉ có các tập tin đa phương tiện (hình,
video clip, nhạc...).
- Sao lưu qua đồng bộ Google thích hợp với những người muốn quản lý danh
bạ, lịch làm việc trên dịch vụ đám mây qua tài khoản Google, sử dụng
nhiều thiết bị, hay cài lại thiết bị và muốn dữ liệu liên lạc, lịch làm
việc được đồng bộ một cách tự động, không phức tạp.
- Titanium Backup là một giải pháp toàn diện cho việc sao lưu, phục hồi
dữ liệu hệ thống và người dùng, tuy nhiên nó khá rắc rối, phức tạp, đòi
hỏi người dùng phải am hiểu nhất định về hệ thống Android. Trong trường
hợp bạn thích “vọc” Android thường xuyên, việc mất mát dữ liệu là dễ xảy
ra, vì vậy bạn cần sao lưu lại tất cả dữ liệu trước khi “vọc”.
- Bkav Mobile Security là giải pháp sao lưu, phục hồi nhanh chóng các dữ
liệu danh bạ, tin nhắn, nhật ký cuộc gọi một cách đơn giản, an toàn.
Ngoài ra nó còn được trang bị nhiều tính năng về an ninh thông tin như
quét virus, chống trộm, chặn tin nhắn rác, duyệt web an toàn...
- Moborobo thích hợp với những người sử dụng Android kết hợp với máy
tính, sử dụng máy tính để quản lý toàn diện thiết bị Android. Việc sao
lưu nhanh chóng, gọn và sao lưu được nhiều loại dữ liệu (hệ thống, tập
tin người dùng) là một điểm cộng của phần mềm.
Cá nhân mình thì mình thấy Bkav Mobile Security tốt, chặn tin nhắn rác,
cuộc gọi không mong muốn, bảo vệ điện thoại trước nguy cơ virus, giúp
sao lưu và khôi phục dữ liệu (tin nhắn, cuộc gọi, danh bạ) dễ dàng trên
Bkav server hay thẻ nhớ. Ngoài ra mình thường sao lưu, đồng bộ trên
Google 2 tuần 1 lần các dữ liệu, ảnh, video... trên điện thoại. Là một
người thích “vọc” Android nên trước khi “vọc” mình cài Titanium Backup
để sao lưu dữ liệu, tránh mất mát dữ liệu, còn việc cài thường xuyên sẽ
làm chiếm dung lượng bộ nhớ nên mình không dùng thường xuyên.
VIII. KẾT
Việc sao lưu, phục hồi dữ liệu là hết sức quan trọng. Tuy nhiên phần mềm
cũng chỉ là giải pháp, còn quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Do
đó mỗi người cần phải tạo cho mình thói quen sao lưu dữ liệu định kỳ và
sử dụng hiệu quả các phần mềm, công cụ sao lưu dữ liệu nhằm đảm bảo an
toàn cho những dữ liệu quý giá của mình:
- Việc sao lưu dữ liệu cần được xem là một thói quen. Không ai có thể
biết trước được dữ liệu của mình mất mát hư hỏng khi nào. Do đó thói
quen sao lưu dữ liệu là hết sức quan trọng. Nên sao lưu dữ liệu định kỳ
mỗi tuần (có thể thiết đặt lịch sao lưu tự động của các phần mềm sao lưu
dữ liệu).
- Đối với những dữ liệu quan trọng hơn (tin nhắn quan trọng hoặc các
nhật ký cuộc gọi) nên sao lưu mỗi ngày hoặc vài ngày sao lưu một lần.
- Nên kiểm tra dữ liệu sao lưu đã được cất giữ ở nơi an toàn chưa. Hiện
nay, xu hướng sao lưu trên dịch vụ đám mây và các máy chủ (server) là
một lựa chọn hiệu quả bởi các máy chủ và dữ liệu trên đó ít có nguy cơ
hư hỏng, mất mát hơn.
- Cuối cùng, đôi lúc nên thử phục hồi (restore) lại dữ liệu để kiểm tra
xem quá trình phục hồi có bình thường hay không, đề phòng tình trạng sao
lưu được nhưng không phục hồi được.
Nếu người sử dụng có thói quen sao lưu dữ liệu định kỳ, cộng với việc
lựa chọn, sử dụng hợp lý phần mềm sao lưu dữ liệu, chắc chắn nỗi lo về
an toàn dữ liệu sẽ được giải quyết.
Bài dự thi có tham khảo thông tin từ một số nguồn trên Internet.
http://www.tinhte.vn/threads/huong-dan-sao-luu-du-lieu-tren-android-full.2236227/