Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

MICROSOFT ĐỂ LỘ 32TB MÃ NGUỒN WINDOWS 10, ĐỐI MẶT TẤN CÔNG MẠNG QUY MÔ LỚN?

Theo một báo cáo từ Register, Microsoft mới đây đã để rò rỉ một lượng lớn dữ liệu mã nguồn phần mềm của hệ điều hành Windows 10 trên mạng Internet, và qua đó chắc chắn sẽ đối mặt nhiều nguy cơ về bảo mật trong tương lai.


Microsoft vừa mới để lộ những mã nguồn quan trọng trên hệ điều hành Windows 10
Microsoft vừa mới để lộ những mã nguồn quan trọng trên hệ điều hành Windows 10

Lượng thông tin bị rò rỉ theo báo cáo là có thể lên tới 32TB (1TB = 1000GB) dữ liệu gồm có mã nguồn của Windows 10 và những tệp tin vốn chỉ được phép lưu hành nội bộ bên trong Microsoft, hay thậm chí còn chưa được xuất hiện trên các bản Windows hiện hành.
Đáng chú ý, trong số dữ liệu để lộ có bao gồm cả những tệp tin ghi lại cách Windows 10 sử dụng để làm việc với phần cứng máy tính, bao gồm các trình điều khiển USB, Wi-Fi và Bluetooth được tích hợp. Điều này là đặc biệt nguy hiểm, bởi sẽ giúp cho hacker rất nhiều nếu muốn đột nhập vào hệ thống bảo mật của Windows 10 theo nhiều cách khác nhau, qua đó gây thiệt hại nặng nền cho người dùng và chính công ty sở hữu.
Theo Register, mã nguồn của Windows 10 đã được công khai trên website mang tên BetaArchive.com - vốn là một trang tìm kiếm và chia sẻ phần mềm cộng đồng.​
Satya Nadella - Giám đốc điều hành đương nhiệm của Microsoft
Satya Nadella - Giám đốc điều hành đương nhiệm của Microsoft

Trước đó, ngày 12/5 vừa qua, thế giới được một phen "chao đảo" khi một cuộc tấn công mạng mới với mã độc tống tiền WannaCry quét khắp nơi, và Microsoft lại một lần nữa là trung tâm của cuộc tranh luận về việc ai là người có lỗi vì đã để cho virus nguy hiểm tận dụng lỗ hổng trong hệ điều hành Windows để xâm nhập vào hệ thống tập tin của người dùng.
Lúc bấy giờ, Brad Smith, Chủ tịch kiêm giám đốc pháp lý của Microsoft đã đăng tải một bài viết lên trang blog cá nhân, cho rằng công ty không hoàn toàn phải chịu hết trách nhiệm. Ông đổ lỗi cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) vì đã để lọt phần mềm WannaCry vào tay hacker, qua đó xảy ra một trong những vụ tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử.​
Nguyễn Nguyễn

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

SOẠN VĂN BẢN BẰNG GIỌNG NÓI VỚI ỨNG DỤNG 'CHÍNH CHỦ' TỪ MICROSOFT

Đức Tiến
Mặc dù vẫn còn là một dự án thử nghiệm của Microsoft, nhưng Dictate lại rất phù hợp với những người dùng ưa thích trải nghiệm những công nghệ mới.
Có thể nói rằng việc ra lệnh, thậm chí là soạn, gửi tin nhắn SMS bằng giọng nói thông qua các trợ lý ảo như Siri, Google Assistant đã không còn quá xa lạ với người dùng smartphone trong những năm trở lại đây. Lấy ví dụ, trên thiết bị iOS người dùng chỉ cần ra lệnh "Hey Siri, Take a picture" để nhanh chóng chụp một hình ảnh bằng ứng dụng Camera, hoặc dùng khẩu lệnh "OK Google" trên smartphone Android để hỏi các thông tin như thời tiết, giờ hiện tại.
Bên cạnh smartphone, hiện nay rất nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng như TV thông minh cũng dần tích hợp tính năng điều khiển bằng giọng nói lên sản phẩm của mình.
Nắm bắt được xu thế đó, "ông lớn ngành công nghệ" Microsoft cũng đã trang bị công nghệ nhận lệnh từ giọng nói cho đứa "con cưng" Office thông qua công cụ mới mang tên Dictate.
Về cơ bản, Dictate là add-on được Microsoft thiết kế riêng cho bộ sản phẩm văn phòng Office, có khả năng nhận diện giọng nói của người dùng và chuyển đổi thành văn bản, giúp việc nhập liệu văn bản diễn ra một cách nhanh chóng, đơn giản nhất, đặc biệt là những người dùng máy tính bảng 2-in-1 như Microsoft Surface.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, công cụ Dictate có khả năng nhận diện được ngôn ngữ của 20 quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Đức…, dịch trực tiếp ra hơn 60 ngôn ngữ khác. Mặc dù không hỗ trợ tiếng Việt trong danh sách các ngôn ngữ chính và dịch thuật, tuy nhiên công cụ này sẽ thực sự rất hữu dụng với những ai đang cần trau dồi khả năng phát âm tiếng Anh thông qua việc tạo một văn bản đơn giản bằng Word.
Nếu muốn trải nghiệm tính năng độc đáo này, trước hết, bạn cần phải truy cập vào trang chủ của công cụ này thông qua đường dẫn tại đây.
Trong giao diện trang chủ của Dictate, bạn hãy nhấn nút download tương ứng với phiên bản Microsoft Office đang được cài trên máy tính (32 hoặc 64-bit). Tuy nhiên, Dictate chỉ có thể hỗ trợ bộ ứng dụng văn phòng Office phiên bản 2013 trở lên và trên các nền tảng Windows từ phiên bản 8.1 trở lên. Bên cạnh đó, add-on này cũng yêu cầu máy tính phải kết nối Internet trong quá trình sử dụng.
Một khi đã tải về và cài đặt hoàn tất, bạn hãy khởi chạy một ứng dụng Microsoft Office bất kỳ. Ở đây chúng tôi sẽ làm mẫu với ứng dụng Word.
Khi đó, trong giao diện chính của Word, bạn sẽ thấy một thẻ mới mang tên Dictation được hiển thị trên thanh ribbon, hãy nhấn vào thẻ này.
Thẻ Dictation trên thanh Ribbon của Word
Tại đây, bạn chỉ cần nhấn nút Start là đã có thể bắt đầu nhập văn bản bằng giọng nói. Ở mặc định, công cụ này sẽ tự động thêm chấm cuối câu mỗi khi bạn ngừng ra lệnh. Bên cạnh đó, Dictate cũng được trang bị khả năng nhận diện một số ký tự trong văn bản, chẳng như dấu phẩy sẽ ứng với lệnh “comma”.
Trình đơn Dictation khá đơn giản và không được tích hợp nhiều tính năng.
Tính năng dịch thuật văn bản trực tiếp sau khi người dùng ra lệnh.
Cuối cùng, bạn chỉ cần nhấn nút “Manual Punctuation” để kết thúc việc nhập lệnh bằng giọng nói.
Nhìn chung, mặc dù chỉ là công cụ vẫn còn là một dự án thử nghiệm của Microsoft, nhưng Dictate đã thực sự mang đến phương pháp soạn thảo văn bản khá tuyệt, dành cho những người dùng ưa thích trải nghiệm những công nghệ mới.

http://www.pcworld.com.vn/articles/1252057/soan-van-ban-bang-giong-noi-voi-ung-dung-chinh-chu-tu-microsoft/?utm_source=ar-detail&utm_medium=referral&utm_campaign=latestnews

BỘ PHẦN MỀM AIDA64 ĐỒNG LOẠT NÂNG CẤP PHIÊN BẢN 5.92

Hồng Linh
Những cập nhật mới nhất của AIDA64 được tối ưu để thử nghiệm cho các dòng bộ xử lý Skylake-X và Kaby Lake-X của Intel, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho những loại card đồ họa mới nhất từ AMD và NVIDIA.
FinalWire vừa công bố hoàn tất đợt nâng cấp mới cho AIDA64 lên phiên bản v5.92, bao gồm 4 phần mềm:
  • AIDA64 Extreme 5.92: công cụ chẩn đoán và benchmark cho người dùng gia đình.
  • AIDA64 Engineer 5.92: giải pháp chẩn đoán và benchmark chuyên nghiệp cho kỹ thuật viên và kỹ sư CNTT.
  • AIDA64 Business 5.92: giải pháp quản lý tài sản CNTT cần thiết cho doanh nghiệp vừa và nhỏ;
  • AIDA64 Network Audit 5.92: giải pháp kiểm kê mạng chuyên dụng.
AIDA64 Engineer 5.92.
Một số cải tiến đáng chú ý của AIDA64:
  • Tăng cường các phép thử AVX2 và FMA 64-bit cho bộ xử lý Intel Skylake-X và Kaby Lake-X, hỗ trợ nhiều hơn cho bộ xử lý AMD Ryzen 5 và Ryzen 7 và 20 nhóm bộ xử lý khác.
  • Hỗ trợ NVMe 1.3, WDDM 2.2 và mở rộng hỗ trợ bộ điều khiển Areca RAID.
  • Cải thiện thông tin chi tiết cho các dòng card đồ họa AMD Radeon RX 500 Series, NVIDIA GeForce GT 1030, GeForce MX150, Titan Xp.
  • Bên cạnh đó, AIDA64 cũng hỗ trợ thêm cho bàn phím Corsair K55 RGB LED và chuột Corsair Glaive RGB LED
AIDA64 Engineer là công cụ benmark tin cậy được tạp chí PC World Vietnam sử dụng trong thử nghiệm sản phẩm ở Test Lab.

 http://www.pcworld.com.vn/articles/tin-tuc/2017/06/1252047/bo-phan-mem-aida64-dong-loat-nang-cap-phien-ban-5-92/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+articles%2Fcong-nghe+%28PCWorldVN+-+C%C3%B4ng+ngh%E1%BB%87%29&utm_content=Netvibes