Đây là 3
định dạng file system
phổ biến thường được sử dụng với máy tính và cả những thiết bị điện tử
khác như điện thoại, máy tính bảng, TV, máy chơi game... Trong bài này
mình sẽ chia sẻ với anh em sự khác biệt của 3 loại
file system
này, ưu nhược điểm của chúng và nên sử dụng định dạng nào cho trường
hợp nào nhằm đảm bảo tính tương thích cũng như yêu cầu của hệ điều hành.
Tóm tắt ngắn gọn bằng cái bảng này, còn chi tiết hơn thì anh em nên đọc bài bên dưới
File system là gì?
Chữ này chắc anh em gặp hoài luôn nhưng không phải ai cũng có thời gian
hay mong muốn tìm hiểu về nó, thôi thì sẵn đây mình chia sẻ luôn. File
system là thứ được hệ điều hành sử dụng để điều khiển việc đọc và ghi dữ
liệu. Nếu không có file system, dữ liệu lưu trên
ổ cứng,
thẻ nhớ hay ổ USB của bạn sẽ là một đống hỗn độn và không có cách gì
đọc nó ra được vì hệ điều hành không biết chỗ nào dữ liệu bắt đầu, chỗ
nào là kết thúc, cũng chẳng phân biệt được đâu là file 1, đâu là file 2.
Còn với file system, dữ liệu được chia thành nhiều "khúc" riêng biệt
nhau, mỗi khúc có một cái "tên" riêng nên dễ nhận biết hơn.
Cách chia và cách đặt tên cho từng khúc sẽ khác nhau theo từng file
system, đó cũng là lý do mà chúng ta có nhiều file system như
FAT32,
NTFS rồi cả
exFAT và Apple HSF+ nữa. Một thiết bị lưu trữ, ví dụ một ổ cứng, có quyền có nhiều
phân vùng,
mỗi phân vùng là một định dạng file system độc lập. Ngày nay người ta
vẫn thường hay làm như thế để cài nhiều hệ điều hành lên máy đó thôi.
Trên ổ cứng hay bất kì thiết bị lưu trữ nào người ta cũng chia nhỏ thành
các đơn vị lưu trữ, bao gồm sector và cluster. Nhỏ nhất là sector, và
một file có thể được chứa trên một hoặc nhiều sector tùy dung lượng. Ví
dụ, nếu file system quy định sector có kích thước là 512 byte thì một
file 800 byte sẽ được ghi vào 2 sector. Còn cluster là sự kết hợp của
một hoặc nhiều sector nằm liên tiếp nhau trên ổ cứng, và thường 1
cluster sẽ có 8 sector nhỏ trong đó. Mỗi định dạng file system sẽ có
cách chọn kích thước sector và cluster khác nhau nhưng chúng ta sẽ không
nói đến quá nhiều trong bài này vì nó không quá cần thiết.
FAT32
Đây là một định dạng file system cũ, viết tắt cho chữ File Allocation
Table, còn số 32 là để chỉ kích thước 32-bit của mỗi cluster. FAT32 ngày
trước thường được xài cho ổ cứng gắn trong, ổ gắn ngoài nhưng ngày nay
chỉ xuất hiện trên các ổ USB hay thẻ nhớ mà thôi. Trước thời Windows XP,
Windows thường được cài lên phân vùng FAT32, về sau Microsoft bắt buộc
hệ điều hành chỉ được cài trên NTFS mà thôi.
Bởi vì xuất hiện đã rất lâu nên FAT32 có lợi điểm là tính tương thích
cực kì cao, gần như hệ điều hành mới cũ nào cũng có thể đọc được định
dạng file system này, cả kể trên máy tính lẫn di động. Đây cũng là một
trong những nguyên nhân mà các nhà sản xuất thường format ổ USB và thẻ
nhớ theo FAT32 cho đến tận ngày nay.
Hạn chế lớn nhất của FAT32 đó là dung lượng tối đa của 1 file chỉ là 4GB
mà thôi. Ở những năm 2000 trở về trước thì đây không phải là điều đáng
lo ngại, nhưng thời buổi bây giờ file 4GB xuất hiện đầy rẫy. Một file
phim HD dễ dàng vượt qua mốc này, một file ZIP game thì 10GB cũng có chứ
đừng nói là 4GB, chưa kể đến các file thư viện ảnh, thư viện video thì
còn lớn hơn. Chính vì thế, FAT32 không còn phù hợp để làm file system
cho ổ cứng máy tính nữa.
Một hạn chế khác nữa đó là một phân vùng FAT32 phải có dung lượng từ 2TB
trở xuống. Đây rõ ràng là một rào cản rất lớn vì ngày nay ổ 3TB, 4TB đã
xuất hiện đầy cả ra, nhu cầu lưu trữ cũng lớn hơn rất nhiều. Trong môi
trường doanh nghiệp, việc phân vùng 3TB, 4TB là bình thường nên FAT32
không phải là lựa chọn tốt cho thời buổi hiện đại nữa.
Tóm lại:
- Tính tương thích: rất cao, xài được với mọi hệ điều hành Windows, Mac, Linux, máy chơi game, máy di động, TV,...
- Giới hạn: Dung lượng file 4GB, phân vùng 2TB
- Sử dụng cho: các thiết bị lưu trữ ngoài như ổ USB, thẻ SD, thẻ microSD
NTFS
Đây là định dạng mới hơn mà Windows đang xài. NTFS (New Technology File
System) lần đầu tiên xuất hiện trên Windows XP và dần dần phổ biến hơn
về sau. Khi bạn cài những bản Windows mới từ Vista trở đi thì bạn bắt
buộc phải cài trên phân vùng NTFS, không thể cài trên FAT32 nữa.
Dung lượng tối đa mà một file có thể lưu trên phân vùng NTFS là 16TB,
một con số quá khổ lồ mà trong vài năm nữa chúng ta cũng chưa chắc đã
chạm đến. Lưu ý đây chỉ là 1 file thôi đấy nhé, chứ còn giới hạn dung
lượng của phân vùng NTFS thì lên tới 16EB, tức là bằng 16.777.216TB.
Chắc cả chục năm nữa cũng chưa có một ổ cứng nào đạt được mức này.
NTFS còn được tích hợp nhiều tính năng mới hơn so với FAT32. Thứ nhất,
nó cho phép hệ điều hành gắn quyền vào từng file vì lý do bảo mật, ví dụ
như nếu bạn không có đủ quyền thì sẽ không thể mở file của sếp. Ngoài
ra NTFS còn hỗ trợ journal, một kĩ thuật theo dõi liên tục sự thay đổi
của file để cho phép khôi phục lại dữ liệu trong trường hợp máy tính bị
lỗi mà bạn chưa kịp lưu. Rồi NTFS còn có chức năng dành cho sao lưu, mã
hóa, liên kết cứng (nhiều tên cho cùng 1 file), nén dữ liệu, quota...
Nhược điểm của NTFS đó là nó không tương thích hoàn toàn với tất cả mọi
hệ điều hành. Windows thì từ XP trở đi là đã có thể chơi được với NTFS,
nhưng Mac thì chỉ đọc được dữ liệu trên NTFS mà thôi chứ không cho ghi.
Muốn ghi được dữ liệu lên phân vùng NTFS trên máy Mac, bạn sẽ phải tinh
chỉnh một chút về hệ điều hành hoặc xài phần mềm của bên thứ ba. Linux
cũng tương tự như vậy, một số bản distro chỉ cho đọc và không cho ghi.
Ngay cả chiếc Xbox 360 của Microsoft cũng không thể chơi với NTFS, chỉ
có chiếc Xbox One mới là được.
Vì sao việc hỗ trợ NTFS lại hạn chế như vậy? Đó là vì NTFS là định dạng
file system độc quyền của Microsoft. Nếu các công ty khác muốn xài NTFS
trong sản phẩm của họ thì họ phải xin phép Microsoft và chấp nhận trả
phí bản quyền. Như bên Apple, họ đâu có xài NTFS mà xài HFS+ làm định
dạng file system cho phân vùng cài Mac.
Chia sẻ thêm một chút kinh nghiệm của mình: Nếu bạn xài một cái máy tính
Windows, bạn nên format tất cả các phân vùng trên ổ của mình theo NTFS
(trừ khi bạn muốn cài thêm OS khác). Ngoài ra, ổ cứng rời của mình cũng
format theo NTFS luôn mặc dù chiếc máy tính của mình là Mac. Lý do là vì
mình muốn
HDD
của mình đem đi gắn vào máy tính nào cũng sẽ đọc được, còn trên Mac của
mình thì đã cài phần mềm ghi lên NTFS nên không lo lắng. Một lựa chọn
khác để định dạng ổ rời đó là exFAT, sẽ nói tới ở bên dưới sau.
Tóm lại:
- Tính tương thích: chạy với tất cả bản Windows từ XP trở đi, nhưng
trên Mac thì mặc định chỉ đọc được, Linux cũng chỉ đọc. Muốn ghi thì
phải cài thêm phần mềm. Những thiết bị khác thì nhiều khả năng là không
hỗ trợ cho NTFS
- Giới hạn: không phải lo lắng cho đến nhiều chục năm sau
- Sử dụng cho: ổ cứng gắn trong của máy tính Windows, ổ cứng rời (nếu bạn chủ yếu xài cho máy Windows)
exFAT
Định dạng file system này được giới thiệu lần đầu vào năm 2006 và cũng
đã được hỗ trợ từ Windows Vista (XP cũng có nhưng phải cài thêm bản
update). Nó được thiết kế như là một giải pháp thay thế FAT32 và đặc
biệt là được tối ưu cho các
ổ lưu trữ
thể rắn. Bạn có thể xem exFAT giống như là NTFS nhưng lược bỏ đi các
tính năng nâng cao. Và chủ nhân của exFAT không phải ai khác, chính là
anh Microsoft.
Giống như NTFS, exFAT có giới hạn file và phân vùng rất lớn đến mức
chúng ta không cần phải lo lắng trong tương lai gần. Một file trên exFAT
có thể bự đến 128 petabyte (PB), còn một phân vùng có thể lên tới 16EB.
Nói thực tế hơn, bạn có thể thoải mái lưu các file với dung lượng trên
4GB trên ổ USB hay thẻ SD cảu mình nếu bạn định dạng nó là exFAT. Thực
chất thì Hiệp hội thẻ SD cũng đã chọn exFAT làm định dạng mặc định cho
những thẻ dung lượng trên 32GB.
Tính tương thích của exFAT cao hơn so với NTFS. Windows thì tương thích
exFAT đầy đủ không phải nói rồi, ngay cả Mac cũng hỗ trợ đọc ghi đầy đủ
cho định dạng này luôn. Linux thì có thể đọc được exFAT nếu bạn cài thêm
một số phần mềm bên ngoài. Android cũng hỗ trợ cho exFAT.
Một số thiết bị như camera, TV, đầu máy chơi game cũng có thể đọc và ghi
exFAT, tuy nhiên tính tương thích của nó vẫn chưa rộng rãi như là
FAT32. Ví dụ, PlayStation 3 không hỗ trợ, Xbox 360 cũng không (Xbox One
thì có). Lý do cũng giống như NTFS: exFAT là định dạng riêng của
Microsoft, thế nên ai muốn xài thì phải trả tiền. Các hãng sản xuất
thiết bị Android hiện nay đang phải trả khá nhiều tiền bản quyền cho
Microsoft để được phép sử dụng exFAT trên phần cứng của họ.
Tóm lại:
Tham khảo: HowToGeek (1), (2), NTFS