Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

“Facebook bị chặn do nhà mạng cân nhắc lợi ích kinh tế”

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc VTC đưa ra lí do này sau khi khẳng định VTC không "xúi" các cơ quan chức năng ở Việt Nam "chặn" Facebook để "dọn đường" cho Mạng xã hội Go.vn.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc VTC khẳng định việc chặn Facebook xuất phát từ lí do kinh tế. Ảnh: Hà Minh.
Theo lí giải của ông Thanh, việc chặn Facebook đã được diễn ra tại Việt Nam từ trước khi mạng Go.vn được khai sinh. Facebook bị chặn chủ yếu vì lí do kinh tế của các nhà mạng.
"Đường truyền quốc tế đắt hơn hẳn đường truyền quốc nội. Khi các nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể sinh ra tiền như Voice, IP... gia tăng thì nhà mạng sẽ "bóp" ngay đường truyền của những dịch vụ không tạo ra tiền mà tiêu tốn băng thông như Facebook, YouTube. Theo thống kê, hiện có tới 70 - 80% băng thông quốc tế chạy qua 2 cổng Facebook và YouTube mà không tạo bất cứ đồng tiền nào cho nhà mạng", ông Thanh giải thích.
"Ngay cả các dịch vụ như truyền hình Internet như VTC đang làm dù đã được ưu tiên nhưng cũng vẫn phải "xếp hàng" dưới các dịch vụ như điện thoại, IP có khả năng sinh ra tiền ngay lập tức", ông Thanh nói thêm.
Ông Thanh khẳng định việc chặn Facebook không xuất phát từ lí do chính trị mà chỉ đơn thuần vì lí do kinh tế, hiện tượng Facebook bị chặn không bao giờ diễn ra đồng loạt và liên tục trên phạm vi toàn quốc, chỉ thỉnh thoảng tắc nghẽn ở đâu đó khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cân nhắc về việc tạm dẹp những dịch vụ không sinh lời để thông đường cho những dịch vụ có tính ưu tiên, sống còn hơn.
"Tầm 30 Tết chắc chắn không bao giờ truy cập được vào Facebook vì lúc đó rất nhiều Việt kiều gọi điện về trong nước, các nhà mạng sẽ ưu tiên đường truyền cho dịch vụ thoại để thu tiền", ông Thanh dự đoán.
Những thông tin ông Lâm Thanh đưa ra ở trên đã hâm nóng không khí của Hội thảo "Công nghệ xử lí ngôn ngữ và phát triển thị trường nội dung số Việt Nam ra thế giới" do Viện CNTT - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 5/1/2012.

Nhà mạng phản hồi (cập nhật)

Đại diện một số nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đều khẳng định, việc khó truy cập Facebook tại một số thời điểm hoàn toàn không phải vì lí do kinh tế như những điều ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc công ty Viễn thông không dây VTC tuyên bố.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, đại diện các ISP cho rằng, các nhà mạng đều đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích kinh tế và không hề có chuyện "các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cân nhắc về việc tạm dẹp những dịch vụ không sinh lời để thông đường cho những dịch vụ có tính ưu tiên, sống còn hơn" hay "bóp" ngay đường truyền của những dịch vụ không tạo ra tiền mà tiêu tốn băng thông như Facebook, YouTube".
Ngoài ra, có thể ở đâu đó, việc định tuyến với nước ngoài gặp trục trặc nên dẫn đến hiện tượng khó truy cập các trang web nước ngoài như Google, Facebook... nhưng các ISP đều cố gắng khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Bởi vì, một số dịch vụ có thể không tạo bất cứ đồng tiền nào nhưng có đông người sử dụng, nếu nhà mạng tiến hành "bóp" băng thông của dịch vụ đó thì chả khác gì "tự sát" vì người dùng sẽ phàn nàn về chất lượng dịch vụ, rời mạng và vô tình "gây thiệt hại kinh tế" cho chính mình.
"Việc cung cấp dịch vụ Internet hoàn toàn tuân thủ đúng theo các quy định pháp luật của Việt Nam", lãnh đạo một ISP cho biết thêm.
Theo ICTnews.
http://www.thongtincongnghe.com/article/31972?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+ttcn+%28TTCN+-+Tat+ca%29

CHIP WI-FI CHUẨN 802.11AC RA MẮT

Ngày 6/1/2012, nhà sản xuất chip Wi-Fi Broadcom giới thiệu chip đầu tiên theo chuẩn 802.11ac, cung cấp vùng phủ sóng và tốc độ nhanh hơn gấp đôi so với chip Wi-Fi chuẩn 802.11n.
Các nhà phân tích cho rằng sản phẩm sử dụng chip 802.11ac sẽ xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2012. Chip Wi-Fi dựa theo tiêu chuẩn 802.11ac có khả năng cung cấp vùng phủ sóng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn gấp 2 lần so với chip theo tiêu chuẩn 802.11n.

Broadcom đề nghị gọi tên các sản phẩm dùng chip Wi-Fi tiêu chuẩn 802.11ac là Wi-Fi 5G, vì 802.11ac là tiêu chuẩn IEEE thế hệ thứ 5 cho công nghệ mạng không dây phổ dụng. Các thế hệ trước gồm: 802.11, 802.11b, 802.11a/g, 802.11n.

Tiêu chuẩn 802.11, tốc độ lý thuyết 2 Mbps, được giới thiệu vào năm 1997, nhưng không thu hút nhiều nhà sản xuất thiết bị. Hai năm sau, 802.11b ra mắt với tốc độ lý thuyết 11Mbps, và tiêu chuẩn này trở thành công nghệ Wi-Fi được sử dụng rộng rãi. Năm 2002, tiêu chuẩn 802.11a và 802.11g giúp cải thiện tốc độ mạng Wi-Fi lên 54Mbps. Hai tiêu chuẩn này dùng 2 tần số khác nhau, cụ thể 802.11a dùng tần số 5Ghz, 802.11g dùng tần số 2,4Ghz.

Giữa năm 2000, các nhà sản xuất thiết bị mạng quan tâm nhiều hơn đến Wi-Fi, Wi-Fi dần trở nên phổ biến. Điều này giúp thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển các tiêu chuẩn Wi-Fi thế hệ kế tiếp, và bảy năm sau IEEE phê chuẩn tiêu chuẩn 802.11n. Tiêu chuẩn 802.11n giờ hiện diện trong rất nhiều thiết bị từ máy tính xách tay, điện thoại thông minh cho đến TV.

Các thiết bị dùng chip theo tiêu chuẩn 802.11n có thể hoạt động trên băng tần 2,4 GHz hay 5 Ghz hay cả hai, tốc độ truy cập Wi-Fi phụ thuộc vào số lượng anten, công nghệ truyền nhận tín hiệu. Hiện nhiều thiết bị dùng chip theo tiêu chuẩn 802.11n có thể đạt tốc độ Wi-Fi lý thuyết đến 600Mbps.

Chip theo tiêu chuẩn 802.11ac cũng sẽ cung cấp nhiều lựa chọn cho các nhà sản xuất thiết bị, tuy nhiên thời điểm hiện tại, chip 802.11ac sẽ dùng băng tần 5GHz, với độ phủ sóng rộng hơn, ít can nhiễu tín hiệu hơn so với tần số 2,4Ghz; và hỗ trợ kênh 80Mhz (chuẩn 802.11n hỗ trợ kênh 40Mhz). Một điểm mà các nhà phân tích quan tâm là chuẩn 802.11ac sẽ tiêu thụ ít điện năng hơn so với các chuẩn Wi-Fi trước đó, điều này rất hữu ích cho các thiết bị di động.

Broadcom cho biết các thiết bị dùng chip 802.11ac của hãng sẽ tương thích với các tiết bị dùng chip 802.11n (tần số 2GHz, 5Ghz). Broadcom sẽ cung cấp các mẫu chip Wi-Fi 5G: BCM4360 hỗ trợ 3 luồng dùng giao tiếp PCI; mẫu BCM4352, BCM43526 hỗ trợ 2 luồng dùng giao tiếp PCI, USB có tốc độ truy cập Wi-Fi đến 867Mbps; mẫu BCM43516 hỗ trợ 1 luồng dùng giao tiếp USB có tốc độ truy cập Wi-Fi đến 433Mbps. Chip dùng giao tiếp PCI thường dùng trên các bộ định tuyến, điểm truy cập không dây (access point) và máy tính. Chip dùng giao tiếp USB thường dùng trên các thiết bị điện tử gia dụng như TV, đầu Blu-ray, hộp giải mã (set-top box).

Broadcom nhận thấy tiêu chuẩn 802.11ac sẽ giúp thúc đẩy các ứng dụng băng thông rộng, qua mạng Wi-Fi, tại các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
http://www.pcworld.com.vn/articles/san-pham/bo-xu-ly/2012/01/1229822/chip-wi-fi-chuan-802-11ac-ra-mat/

3 ĐIỂM ĐÁNG GHÉT Ở GIAO DIỆN TIMELINE CỦA FACEBOOK

Sau hơn 2 tháng sử dụng giao diện Timeline của Facebook, biên tập viên Kristin Burnham của CIO.com chuyển lại dùng giao diện cũ vì cảm thấy khó chịu với một số điểm ở giao diện này.
Nhiều người hào hứng với giao diện Timeline của Facebook, nhưng cũng có không ít những người khó chịu với nó. Biên tập viên Kristin Burnham của CIO.com là một trong những người như vậy. Dưới đây là nội dung bài viết của tác giả này về những điểm phiền toái ở Timeline.
Khi mới chuyển sang Timeline, tôi thực sự có những ấn tượng tốt ban đầu. Tôi nghĩ thiết kế Timeline đẹp và hiện đại. Việc người dùng có thể tự đưa một tấm ảnh lớn của mình vào làm “ảnh bìa”, trong đó có thể lồng một bức ảnh nhỏ hơn khiến tôi cảm thấy thích. Trong một thời gian ngắn, tôi thấy việc xem lại các nội dung mình đăng từ năm 2004 cũng khá hay ho.
Nhưng sự hứng khởi đó không kéo dài được lâu. Ngược lại, có 3 lý do sau khiến tôi thấy thất vọng.
CEO Facebook, Mark Zuckerberg giới thiệu giao diện Timeline (Ảnh: techteria.com)
Cơn ác mộng về tính riêng tưTôi tham gia Facebook từ trong trường đại học mà không mảy may nghĩ rằng, một ngày nào đó cha mẹ của tôi (và các ông chủ tương lai) cũng sẽ sử dụng nó. Với Timeline, giờ đây mọi người có thể xem, tìm kiếm mọi bài viết, nội dung cũ của bạn, từ ngày đầu tiên bạn tham gia Facebook. Bạn có một tuần để ẩn mọi nội dung không muốn hiển thị (Tham khảo: Việc cần làm khi chuyển sang giao diện Timeline của Facebook), nhưng làm điều đó không dễ. Phương pháp của Facebook khiến bạn thường là chọn tất cả hoặc bỏ chọn tất cả, trừ phi bạn sẵn sàng tốn thời gian cho công việc chán ngắt là thiết lập tính riêng tư cho từng mẩu nội dung mà bạn đã chia sẻ.
Lộn xộn và rối rắm
Có lẽ điều gây phiền toái lớn nhất đối với tôi là cảm giác thiết kế Timeline lộn xộn và rườm rà sau khi sử dụng thường xuyên.
Trước đây, tôi chỉ cần liếc qua là có thể nắm bắt được các nội dung mới nhất trên tường (wall) của mình mà không cần phải cuộn xuống quá nhiều. Nay thì phải di chuyển qua các nội dung cũ và chúng sẽ dẫn bạn đi mãi mới tới được chỗ cần đến.
Bạn sẽ thấy rằng Facebook rất coi trọng ấn tượng thị giác của giao diện mới. Riêng tấm “ảnh bìa” và thông tin cá nhân đã chiếm một nửa không gian hiển thị trên trình duyệt ở chế độ toàn màn hình. Các bức ảnh bạn đăng lên và nội dung các link chia sẻ cũng choán chỗ hơn trước nhiều. Những điều đó khiến giao diện mới tạo cảm giác bừa bộn.
Một điểm nữa của thiết kế khiến tôi khó chịu là vị trí các bài cứ "nhảy nhót" từ bên trái sang bên phải khi bạn đăng nội dung mới. Mặc dù giao diện mới có tên là “Timeline” (dòng thời gian), nhưng nó lại cho cảm giác không được sắp xếp liền mạch.
Thú vị lúc đầu, nặng nề về sau
Lần đầu tiên dùng Timeline, tôi duyệt thẳng tới các bài đăng từ năm 2004-2005. Mặc dù có một số nội dung khiến tôi hơi mắc cỡ khi hồi tưởng, nhưng tôi thấy thú vị với những kỷ niệm. Tuy nhiên, điều đó chỉ kéo dài khoảng 1 tuần.

Sau đó, tôi tự hỏi "Còn gì nữa?". Tôi vọc vạch với “ảnh bìa”, xem lại và tỉ mẩn chọn ẩn các bài cũ. Và không còn gì nữa. Tính mới lạ của Timeline đã hết, tôi trở lại sử dụng giao diện thông thường, nhưng với một sự thay đổi trong suy nghĩ.
Tôi nhận thấy, kể từ khi chuyển sang Timeline, tôi ngày càng muốn tránh giao diện này của Facebook. Tôi không hề muốn điền vào thông tin về các sự kiện liên quan đến cuộc sống của mình trong quá khứ, như Facebook muốn thế. Và tôi không muốn dùng giao diện này chút nào nữa.
Bạn không thể tránh Timeline mãi mãi, nhưng bạn có thể giữ giao diện hiện tại của bạn cho đến khi Facebook bắt buộc bạn chuyển đổi. Đó là điều tôi muốn làm.
Còn bạn, cảm nhận của bạn với Timeline như thế nào?
http://www.pcworld.com.vn/articles/tieu-dung/song-cong-nghe/2012/01/1229749/3-diem-dang-ghet-o-giao-dien-timeline-cua-facebook/

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

CHÈN HÌNH ẢNH VÀO NỘI DUNG THƯ TRONG GMAIL

Nếu như trước đây, muốn chèn hình ảnh vào email, bạn phải dùng chức năng Attach file và những hình ảnh sẽ được liệt kê ở phía cuối thư, thì giờ đây, bạn đã có thể chèn hình ảnh vào ngay trong nội dung thư của mình thông qua chức năng Inserting Image của Gmail Labs.
Để kích hoạt chức năng trên bạn làm những bước sau:

Bước 1: Truy cập vào hộp thư chọn Settings -> Labs

Chọn Enable trong khung đó.

Bước 2: nhấn Save changes ở cuối trang

Bây giờ, khi vào phần soạn thư, bạn sẽ thấy nút lệnh Inserting Image ở trên thanh công cụ.
Để chèn hình ảnh ở vị trí nào, bạn chỉ cần nhấn chọn nút lệnh trên.
Nếu muốn tải hình từ máy, bạn nhấn chọn My Computer và nhập đường dẫn vào khung hộp thoại Upload an Image, nếu muốn chèn hình từ 1 địa chỉ Web, bạn chọn Web Address (URL) và nhập vào đường link. Tất cả các hình ảnh được đưa lên trong cùng 1 thư sẽ được quản lý ngay trong nút lệnh Inserting Image, bạn có thể thay đổi các hình ảnh tùy thích.
Đặc biệt, khi hình ảnh đã được chèn vào nội dung thư, bạn có thể tùy chọn kích cỡ của ảnh là Small, Medium, Large hay Original Size.
Chúc mọi người vui vẻ, với tính năng này bạn có thể gửi những email kèm theo hình ảnh trong nội dung mà không phải đính kèm như trước nữa.