Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

AI ĐỨNG SAU ĐỀ ÁN BẮT HỌC SINH MUA MÁY TÍNH BẢNG SẶC MÙI TIỀN?

(GDVN) - Một đề án được đánh giá “sặc mùi tiền” và thiếu tình người này đang dần hé lộ người đứng sau xúi giục. 


Tóm tắt Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015” như sau: Toàn bộ sách giáo khoa (SGK) truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài đặt vào máy tính bảng.
Cũng theo đề án, kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỉ đồng cho 327.127 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, trong đó có 5.334 học sinh thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước chi.

SGK điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học các lớp 1, 2, 3 trong phòng học được giới thiệu tại Sở GD-ĐT TP.HCM chiều 19-8 - Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ)

Đề án này vừa đưa ra đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội từ phía dư luận. Lí do là Việt Nam và các nước trên thế giới đang cố hạn chế trẻ nhỏ sử dụng nhiều màn hình điện tử vì nó gây hại đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
Hơn nữa, đề xuất này được cho là thiếu tình người vì nếu triển khai, biết đâu sẽ xuất hiện vài bà mẹ phải tự tử để lấy tiền phúng viếng mua máy tính bảng cho con.

Ý tưởng này “chui” ra từ đâu?
Qua tìm hiểu, phân tích của phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam thì có một cái tên rất nổi tiếng, nghi án đứng sau vụ này đó là của một Nhà xuất bản và một doanh nghiệp khá nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực từ xuất khẩu lao động đến thiết bị y tế, máy đốt rác…

Trước khi đi vào phân tích, xin lưu ý với quý độc giả rằng, liên quan đến đề án trên, trong một cuộc hội thảo do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức từng xuất hiện Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC) với hàng loạt định mức đầu tư cho các loại công nghệ trị giá 3.900-4.400 tỉ đồng. Và không phải ngẫu nhiên chúng tôi lại nhắc tới cái tên này.

Cụ thể, năm 2013, NXB... có ký với Công ty AIC hợp đồng mang tên “Hợp đồng AIC-NXB… 2013” (xin tạm giấu tên NXB).
Với hợp đồng này, hai bên đã thống nhất với nhau một số nội dung hợp tác, trong đó có nói về “Chương trình sách giáo khoa điện tử”.
Theo hợp đồng, NXB… chuyển giao chương trình sách giáo khoa điện tử Classbooks để AIC đưa vào các trường phổ thông tại Việt Nam trong năm 2014 với số lượng 15.000 thiết bị.
NXB… cử cán bộ kỹ thuật xây dựng các chương trình đảm bảo có thể chuyển giao phần nội dung và kết nối với các thiết bị mà AIC đưa vào các trường học để đảm bảo giáo viên và học sinh có thể sử dụng được. Đồng thời, trong thời gian sử dụng chương trình này, NXB… thường xuyên hỗ trợ giải quyết các phát sinh có liên quan đến chương trình này để đảm bảo chương trình được vận hành tốt.
NXB… cung cấp độc quyền cho AIC (không cung cấp cho bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào khác) gói nội dung sách giáo khoa điện tử bao gồm dữ liệu, các phần mềm ứng dụng đi kèm, các cơ chế quản lý, bảo mật nội dung cùng với bản quyền sử dụng theo các mô tả chi tiết dưới đây:
- Trọn bộ bản số hóa của sách giáo khoa học sinh và sách giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12.
- Phần mềm ứng dụng đọc sách giáo khoa điện tử chạy trên hệ điều hành Android.
- Phần mềm ứng dụng quản lý giá sách chạy trên hệ điều hành Android.
- Phần mềm ứng dụng kiểm tra trắc nghiệm tích hợp chạy trên hệ điều hành Android.
- Phần mềm ứng dụng từ điển Anh – Việt tích hợp sách giáo khoa tiếng Anh chạy trên hệ điều hành Android.
- Phần mềm phát âm văn bản tiếng Anh tích hợp chạy trên hệ điều hành Android.
- Cơ chế mã hóa bảo mật nội dung theo ID của thiết bị khai thác.
- Cơ chế tải và cập nhật nội dung thay đổi của sách giáo khoa, bao gồm cả các nội dung tương tác đa phương tiện, qua mạng Internet.
Toàn gói bộ nội dung sách giáo khoa điện tử sẽ được cài đặt trên thiết bị máy tính bảng chạy trên hệ điều hành Android do công ty AIC cung cấp. NXB… có trách nhiệm thử nghiệm trên một mẫu thiết bị phần cứng của AIC, chỉnh sửa phần mềm cho phù hợp, và cài đặt phần mềm lên tất cả các máy tính bảng của AIC.
-  Bản quyền sử dụng gói nội dung sách giáo khoa điện tử được tính theo số lượng thiết bị cài đặt, với tổng số lượng cài đặt là 15.000 thiết bị. Bàn giao theo hai giai đoạn.
Còn Trách nhiệm của AIC sẽ là: Cung cấp máy tính bảng chạy trên hệ điều hành Android để phục vụ cho việc cài đặt gói nội dung sách giáo khoa điện tử.

Về hình thức thanh toán và chuyển giao sách giáo khoa điện tử:
AIC sẽ có trách nhiệm thanh toán tiền cho NXB… làm ba lần:
Lần 1: Sau khi NXB… đã hoàn thiện việc cài đặt, đào tạo hướng dẫn sử dụng và đưa vào sử dụng cho 7.500 thiết bị và có biên bản nghiệm thu giữa hai bên. Trong vòng 1 tuần, AIC sẽ thanh toán số tiền là xxxx0.000.000 đ.
Lần 2: Sau khi NXB… hoàn thành cài đặt, đào tạo hướng dẫn sử dụng và đưa vào sử dụng 7.500 thiết bị còn lại và có biên bản nghiệm thu giữa hai bên. Trong vòng 1 tuần, AIC sẽ thanh toán số tiền là xxxx0.000.000 đ
Lần 3: Sau 1 năm kể từ ngày các chương trình được đưa vào sử dụng (chi phí bảo hành 10%) và có biên bản nghiệm thu, AIC sẽ thanh toán số tiền xxxx.000.000 đ  còn lại…”

Ngoài ra còn một số nội dung khác…
Những dẫn chứng trên đã dấy lên hoài nghi, hai đơn vị này cùng nhau nghĩ ra đề án sau đó "liên hệ" với Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh để "nhờ" can thiệp(?)

Theo đề án, kinh phí để thực hiện là 4.000 tỉ đồng, một số tiền rất lớn. Và ai cũng hiểu, nếu nó được triển khai thì lợi lộc đem về cho những người liên quan là không nhỏ.

Và với đề án sử dụng máy tính bảng cho việc học tập của con trẻ, ai cũng thấy phảng phất đâu đây câu nói mà xuất hiện nhiều trong vài năm nay: “Muốn ăn phải vẽ ra dự án”.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ai-dung-sau-de-an-bat-hoc-sinh-mua-may-tinh-bang-sac-mui-tien-post149078.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét