Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

TRỢ LÝ A.I BƯỚC VÀO DOANH NGHIỆP

Kỳ Hà
(PCWorldVN) Trí tuệ nhân tạo bao gồm một dải rộng những công nghệ mới nổi sẽ tới ngày làm thay đổi cách chúng ta kinh doanh. Hiện tại thì chúng ta đang có bước khởi đầu tốt với trợ lý ảo.
Amy Ingram gửi một email ngắn tới đồng nghiệp của sếp cô, đề xuất ngày giờ hai người có thể gặp nhau ở quán cà phê. Cô là người xếp lịch các buổi gặp riêng như vậy cho Jason Madhosingh, trưởng bộ phận tiếp thị sản phẩm tại 1stDibs – một trang chuyên tiếp thị trực tuyến cho tranh ảnh và đồ nội thất mang tính nghệ thuật.
Ít ai trong số đồng nghiệp biết rằng cô không phải là con người bằng xương bằng thịt mà là một trợ lý ảo, với tên gọi “Amy Ingram”, dựa vào trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – A.I) để lên lịch các cuộc họp.
Được cung cấp bởi X.ai có trụ sở ở New York (Mỹ), Amy thậm chí còn có cả một trang hồ sơ LinkedIn với một điều khác thường là thiếu ảnh đại diện. Madhosingh sử dụng Amy để quản lý lịch làm việc cho ông. Amy được dạy để đọc hiểu những email gửi tới ông và nếu nhận thấy bất kỳ thông điệp nào đề cập đến ăn sáng, ăn trưa, uống cà phê hay gặp trên điện thoại, Amy sẽ tiến hành các bước để lên lịch hẹn gặp, dựa trên khung thời gian ông dành riêng cho từng loại sự việc. Ông cho biết đây thực sự là một công cụ hữu ích cho công việc.
Những trợ lý ảo kiểu như Amy đã quen thuộc với người tiêu dùng và giờ đây bắt đầu được doanh nghiệp quan tâm sử dụng cho công việc chuyên môn. Theo Gartner cho biết, đến cuối năm 2016, hai phần ba số người tiêu dùng tại các thị trường đã trưởng thành sẽ sử dụng thường xuyên trợ lý cá nhân ảo trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Trợ lý ảo là dạng cơ bản nhất của trí tuệ nhân tạo, hay còn gọi là A.I – thuật ngữ để chỉ khả năng của một cỗ máy hay phần mềm bắt chước trí thông minh của con người thông qua trải nghiệm và học hỏi, và có thể trả lời được những câu hỏi khó và giải quyết những vấn đề phức tạp.
Các hệ thống A.I cũng được xem như là những công nghệ nhận thức, hay ở một cấp độ cao hơn gọi là máy thông minh, biết cách cư xử, học hỏi và khả năng thích ứng thông minh.
Lấy ví dụ, các trợ lý số dựa trên giọng nói đang nổi lên như Siri của Apple, Cortana của Microsoft và Google Now, có thể hiểu lời nói, phân tích các câu hỏi của chúng ta và đưa ra câu trả lời hợp lý, dù tỷ lệ đúng chưa hẳn là cao.
Thậm chí có những công cụ mới về phân tích chữ viết sử dụng A.I để giúp bạn sửa câu văn bóng bẩy hơn, tất nhiên là sửa luôn cả lỗi chính tả và ngữ pháp.
Và đã tới lúc các tổ chức nhận thấy rằng trí tuệ nhân tạo có thể giúp họ tổ chức lại các hoạt động hợp lý hơn, tiết kiệm thời gian, nâng cao độ chính xác và chi phí thấp hơn. Thật vậy, nhờ vào điện toán đám mây, những cải tiến về khả năng xử lý, lưu trữ, và khả năng mở rộng ra nhiều kiểu dữ liệu khác nhau, một số công nghệ A.I hầu như đã sẵn sàng cho việc áp dụng rộng rãi trong doanh nghiệp.
Các trợ lý ảo đang đặt nền móng cho các công nghệ A.I phát triển nhanh chóng, và tới một lúc nào đó sẽ tác động mạnh mẽ vào đời sống, kinh doanh và nền kinh tế toàn cầu, theo nhận định của chuyên gia phân tích Mike Walker tại Gartner.
Nhưng vẫn còn có những nghi vấn. Các công nghệ A.I liệu có đảm bảo an toàn và tin cậy cho doanh nghiệp sử dụng? Các hệ thống có thân thiện tới mức không gây trở ngại cho nhân viên và khách hàng thiếu hiểu biết về công nghệ? Và bộ phận CNTT sẽ quản lý ra sao với làn sóng công nghệ mới tràn vào doanh nghiệp?
Dù vậy, các nhà phân tích công nghiệp đang khuyến khích các tổ chức dùng thí điểm trợ lý ảo và các công nghệ A.I khác hiện có, hoặc nếu không họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu chuẩn bị trước khi đạt tới “điểm bùng phát”.
Hệ thống siêu máy tính Watson của IBM hiểu và trả lời các câu hỏi theo ngôn ngữ tự nhiên, có khả năng tự học hỏi và ngày càng thông minh hơn.
Trợ lý ảo
Trợ lý ảo mới chỉ là phần đơn giản nhất về các khả năng của A.I, theo chuyên gia phân tích Michele Goetz của Forrester. “Sử dụng những trợ lý như Siri, Cortana, hoặc thậm chí trợ lý cá nhân Echo từ Amazon, nơi bạn hỏi về nội dung, là cách để tạo ra trải nghiệm tìm kiếm tốt hơn, nhưng nó không hẳn cung cấp trải nghiệm tìm kiếm thông minh hơn”, bà nói.
Theo bà thì quá trình tìm kiếm bằng trợ lý ảo vẫn tốn công, và câu trả lời nhận được đúng hay sai còn tùy thuộc vào khả năng của phần mềm xử lý ngôn ngữ tự nhiên mà người dùng nói. Nhưng điều đó cũng có tác dụng rèn luyện người dùng để họ sử dụng thiết bị của mình hiệu quả hơn.
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân, bệnh viện Duncan Regional tại Oklahoma (Mỹ) đã đưa vào sử dụng phần mềm nhận dạng giọng nói Dragon của Nuance Communications – nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp về nhận dạng giọng nói và ngôn ngữ. Khoảng 15 bác sỹ điều trị tại bệnh viện này đã có thể lập hồ sơ bệnh án nhanh chóng trên laptop của họ nhờ có Dragon. Dragon còn được sử dụng cho một số công việc như lên lịch các cuộc họp.
Roger Neal, phó chủ tịch và là CIO của Duncan Regional cho biết, bệnh viện sử dụng một nền tảng tin nhắn bằng giọng nói của Imprivata, đáp ứng đòi hỏi của HIPAA về bảo mật thông tin y tế. Nhờ đó, thay vì gửi tin nhắn văn bản, các bác sĩ điều trị chỉ việc nói vào microphone trên laptop và như vậy họ không bị ngắt quãng tương tác với bệnh nhân.
Neal nhìn nhận A.I đã giúp tăng hiệu suất đáng kể các công việc hàng ngày tại bệnh viện.
Hiện tại, bệnh viện đang thí điểm một dự án cho phép y tá sử dụng phần mềm nhận dạng giọng nói để nhập liệu cho hồ sơ bệnh án. Điều này rất có ý nghĩa cho ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe khi hồ sơ y tế điện tử ngày càng nhiều lên.
A.I trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đi kèm với những thách thức đặc biệt, chẳng hạn như cần ghi lại ngôn ngữ chuyên khoa một cách chính xác. Hồ sơ điều dưỡng thì rất chi tiết, Neal cho biết. Bệnh viện hiện đang hợp tác với Nuance Communications để tích hợp Dragon vào hệ thống thông tin sức khỏe Meditech của bệnh viện bao gồm những hồ sơ điều dưỡng hết sức đặc thù, với kỳ vọng 500 điều dưỡng viên sẽ có thể truy cập hồ sơ bằng giọng nói.
Nhưng không phải tất cả thử nghiệm tại Duncan Regional đều thành công. Vào năm 2013, bệnh viện đã thất bại trong việc áp dụng thử công nghệ nhận dạng giọng nói trong phòng mổ. Ý tưởng là để các bác sĩ phẫu thuật nói thành lời những thao tác của họ trong quá trình phẫu thuật nhằm tiết kiệm thời gian lập hồ sơ hậu phẫu. Tuy nhiên, âm thanh ghi được chưa trong trẻo như mong muốn, còn xen lẫn nhiều tiếng ồn và có quá nhiều khoảng lặng, Neal cho biết. Và ông khuyên những tổ chức lần đầu sử dụng A.I lấy đó làm bài học, không vì thất bại mà nản lòng.
Cố vấn tài chính ảo
Một số công nghệ A.I hiện tại sử dụng phần mềm ngôn ngữ tự nhiên để hiểu người dùng, rồi phân tích một khối lượng lớn dữ liệu để đưa ra những giải đáp thông minh. Nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm và tài chính đã bắt đầu sử dụng chuyên gia tư vấn ảo - siêu máy tính Watson, một hệ thống điện toán nhận thức của IBM.
USAA, tập đoàn bảo hiểm hàng đầu của Mỹ, hiện cung cấp dịch vụ tài chính cho các gia đình quân nhân Mỹ; ước tính có khoảng 150.000 quân nhân rời quân ngũ mỗi năm. USAA đang khai thác sức mạnh của siêu máy tính Watson để giải đáp mọi câu hỏi của khách hàng, như việc hoàn trả khoản tiền học phí đã vay, hay những thay đổi về phúc lợi sức khỏe.
Watson là đột phá đầu tiên của USAA vào không gian điện toán nhận thức. USAA thành lập một nhóm chuyên viên, dành ra hơn 6 tháng để huấn luyện Watson trả lời các câu hỏi chuyên về quân nhân. Họ bắt đầu với 2.000 câu hỏi để dạy Watson, và mở rộng dần ra những thông tin siêu máy tính có thể trả lời. Watson chỉ biết những gì nó đã được dạy, do vậy khi máy nhận được một câu hỏi “lạ” thì nhóm huấn luyện sẽ dạy nó.
Ban lãnh đạo USAA cho biết, hệ thống thông minh cung cấp cái nhìn sâu sắc và thông tin tốt hơn so với cổng thông tin số USAA sử dụng lâu nay, và giúp rút ngắn thời gian các cuộc gọi dịch vụ, cung cấp nhiều ngữ cảnh hơn cho các cuộc gọi tới và giảm thiểu giấy tờ cho khách hàng.
Một trường hợp ứng dụng A.I khác là tại ngân hàng ANZ Úc. Từ mùa Thu năm ngoái, ngân hàng này đã triển khai giải pháp Watson Engagement Advisor của IBM tại Sydney Grow Centre, nhằm phục vụ hơn 400 chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính dựa trên nền tảng điện toán nhận thức.
Khi nhận được tham vấn của khách hàng về một công ty hay một khoản đầu tư nào đó, nhà tư vấn tài chính có thể dùng ngôn ngữ tự nhiên, bằng giọng nói hay gõ phím, chuyển các câu hỏi tới Watson. Hệ thống sẽ lọc từ “núi” thông tin – bao gồm các báo cáo năm, hồ sơ gửi SEC, những câu chuyện, tin tức liên quan và quan điểm của các chuyên gia phân tích – và đưa ra bản phân tích sâu về việc đầu tư.
Như vậy, khách hàng sẽ có được bức tranh rõ nét hơn để ra những quyết định đầu tư so với việc chỉ tính toán các con số tài chính.
ANZ cho biết, ngân hàng hy vọng theo dõi các kiểu câu hỏi của cả khách hàng và các nhà tư vấn tài chính để tiếp tục nâng cao năng lực và nhận thức của Watson.
Máy giúp việc
Một thể loại khác nữa của A.I là dạng robot, hay máy móc kết nối mạng, có khả năng tự động thực hiện các nhiệm vụ.
Chẳng hạn, Blue Prism, một nhà cung cấp phần mềm tự động hóa các máy móc, đã tạo ra robot “mềm” có khả năng thực hiện các công việc quản trị văn phòng và kết hợp dữ liệu thích hợp từ các hệ thống thu nhận thông tin để hoàn thành một loạt công việc được giao.
Theo Giám đốc tiếp thị Pat Geary của Blue Prism cho biết, những robot này được dạy để có thể thay thế nhân viên thực hiện một số qui trình đã được chuẩn hóa thông qua việc mô phỏng một loạt phím cần gõ để điều khiển các ứng dụng doanh nghiệp. Chẳng hạn, những robot “mềm” này có thể tự động đăng nhập vào các hệ thống, rồi chuyển thông tin của khách hàng từ hệ thống này sang hệ thống khác theo đúng như những gì nhân viên thường làm.
Bệnh viện University Hospitals Birmingham (UHB) ở Anh sử dụng từ 35 tới 40 robot “mềm” cho rất nhiều công việc, liên quan đến hàng chục nghìn tác vụ mỗi ngày trên các máy tính trong bệnh viện. Một trong những robot “mềm” được dùng sớm nhất đã giúp quản lý 2.000 bệnh nhân ngoại trú mà trước đây một bệnh viện UHB phải cần tới 34 bàn tiếp nhận đăng ký khám, chữa bệnh hàng ngày cho các bệnh nhân này.
UHB đã từng dự định sử dụng các kiosk để đẩy nhanh quá trình đăng ký khám, chữa bệnh của bệnh nhân, nhưng hệ thống đặt chỗ khám bệnh là một nền tảng đóng và không thể giao tiếp với các kiosk. Bây giờ, với sự hỗ trợ của giải pháp Blue Prism, hai hệ thống đã liên thông với nhau, cho phép tự động hóa các cuộc hẹn với bệnh nhân. Và Robot “mềm” hiện cập nhật hệ thống hẹn bệnh nhân tới 40.000 lần mỗi tuần.
Sẵn sàng cho A.I
Dù trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng, nhưng Gartner cho rằng sự chuyển đổi kinh doanh thực sự do tác động từ A.I sẽ không diễn ra trong khoảng vài năm tới, và máy móc thông minh nói chung có khả năng tư duy thì sẽ còn lâu hơn.
Tuy nhiên, các nhà quan sát công nghiệp đồng quan điểm khi cho rằng các công ty nên bắt đầu sử dụng các hệ thống với chức năng A.I ngay từ bây giờ, dù công nghệ mới phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thiện. Bằng cách đó, nhân viên sẽ quen dần với công nghệ ở quy mô nhỏ, và những người phụ trách CNTT thì tìm ra cách thức dạy người dùng về khả năng của A.I, từ đó doanh nghiệp sẽ có được tư thế sẵn sàng đón nhận làn sóng A.I khi được thương mại hóa.


Tỷ phú Elon Musk cho rằng trí tuệ nhân tạo chính là mối đe dọa lớn nhất cho sự sống loài người
Trí tuệ nhân tạo sẽ đe dọa sự sống

Mặc dù là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ nhưng tỷ phú Elon Musk lại thẳng thắn cho rằng trí tuệ nhân tạo chính là mối đe dọa lớn nhất cho sự sống loài người.
Trong khuôn khổ một hội nghị chuyên đề về không gian vừa được tổ chức tại Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), tỷ phú Elon Musk - người đứng sau hãng hàng không vũ trụ tư nhân danh tiếng SpaceX cũng như công ty sản xuất ô tô chạy hoàn toàn bằng điện Tesla - đã đưa ra quan điểm e ngại của cá nhân ông về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong tương lai.
Vị giám đốc thường được giới công nghệ thế giới ví như là "người sắt" Tony Stark đã thẳng thắn nêu vấn đề là trước thực tế phát triển ngày càng nhanh của trí tuệ nhân tạo thì liệu con người có thể đánh giá hết những ảnh hưởng mà công nghệ này mang lại cho toàn nhân loại trong vài thập kỷ tới.
“Tôi nghĩ chúng ta nên cẩn thận với trí tuệ nhân tạo. Nếu tôi phải đoán điều gì là mối nguy lớn nhất làm cho nhân loại bị diệt vong, thì đó chắc chắn sẽ là trí tuệ nhân tạo. Vì thế chúng ta cần phải thật cẩn thận”, Musk cho biết, "Tôi có suy nghĩ rằng chúng ta nên cần một số biện pháp giám sát quản lý, có thể là ở mức độ quốc gia hoặc quốc tế, nhằm đảm bảo rằng chúng ta không làm điều gì quá sai lầm".
Musk mô tả việc đầu tư của các công ty như SpaceX hay Tesla trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo là "theo dõi sát sao những gì đang diễn ra", hơn là chỉ lo làm thế nào để xoay vòng vốn.
“Với trí tuệ nhân tạo, chúng ta đang triệu hồi quỷ dữ. Trong các câu chuyện thường tồn tại 1 anh chàng mang ngôi sao năm cánh và nước thánh, và với trí tuệ nhân tạo cũng giống thế. Anh ta nghĩ mình có thể kiểm soát quỷ dữ nhưng thực tế thì anh này đã không thể làm được”, Musk so sánh.
Được biết, Elon Musk trong tháng 3/2014 đã cùng với ông chủ Facebook Mark Zuckerberg và diễn viên Ashton Kutcher đầu tư 40 triệu USD tạo dựng một công ty mới mang tên Vicarious chuyên nghiên cứu sâu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Mục tiêu của Vacarious là phát triển một hệ thống máy tính có khả năng suy nghĩ hệt như con nguời, ngoại trừ việc phải suy nghĩ khi nào cần ăn và cần ngủ.
Hồi đầu tháng 8/2014 vừa qua, Elon Musk từng tuyên bố trên trang Twitter cá nhân của ông này rằng chúng ta cần cảnh giác với trí tuệ nhân tạo bởi trí tuệ nhân tạo sẽ trở nên nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân.
PC World VN, 09/2015
http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/giai-phap/2015/09/1242492/tro-ly-a-i-buoc-vao-doanh-nghiep/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét