Thông thường khi ráp một chiếc máy tính, chúng ta luôn nghe rằng gắn RAM 2 kênh (dual-channel) sẽ tăng băng thông đáng kể cho máy tính, đồng nghĩa với tốc độ truy xuất nhanh hơn và hiệu năng tốt hơn, vậy có bao giờ bạn nghe về gắn 4 kênh RAM (quad-channel) sẽ như thế nào chưa? Qua các bài tính điểm hiệu năng (benchmark) sẽ nói lên sự thật về các cách gắn RAM, và bạn nên gắn như nào để tăng hiệu năng tối đa cho chiếc máy tính. Và đặc biệt nếu ai đang còn phân vân lắp cho mình một chiếc HTPC, đây là một bài viết đáng quan tâm dành cho bạn.

Phép đo hiệu năng RAM được thực hiện trên những con chip như Intel Haswell-E, CPU này hỗ trợ 4 kênh RAM DDR4. Trước khi đi vào các phép đo, chúng ta nói một chút về CPU, để khai thác đúng hiệu năng từ RAM, buộc CPU phải hỗ trợ 2 kênh hoặc cao cấp hơn là 4 kênh, thông thường các con chip như Core i7-4790K hay như chip Skylake mới i7-6700K chỉ hỗ trợ 2 kênh RAM mà thôi, trong khi Core i7-5960X mới có thể hỗ trợ lên đến 4 kênh RAM.


Vấn đề đặt ra

Vấn đề là gì? Rằng bạn không thể gắn vừa vặn con chip Haswell-E cùng 4 kênh RAM kích cỡ lớn theo như bạn muốn vào một chiếc bo mạch nhỏ - Mini-ITX dành cho việc lắp một chiếc HTPC. Bởi lẽ về mặt vật lý chúng không thể dùng 4 thanh RAM kích cỡ lớn. Nhưng nếu bạn chỉ dùng RAM kích cỡ nhỏ gắn vào những chiếc bo mạch Mini-ITX và dùng CPU Haswell-E, điều đó đồng nghĩa với những chiếc máy tính mini không thể tận dụng tối đa hiệu năng của con chip 4 nhân.

Giải pháp của Asrock rất tuyệt vời, họ đem 2 khe RAM kích cỡ đầy đủ lên chiếc bo mạch X99E-ITX/ac của mình. Vâng, điều đó cắt bớt một nửa băng thông của RAM (bình thường 4 khe RAM), nhưng với bo mạch này bạn có thể ráp một chiếc máy tính vô cùng mạnh mẽ bởi nó có thể giúp bạn chạy nhiều hơn 4 nhân của CPU. Và câu hỏi lắn đặt ra rằng: Có đáng để hy sinh 2 khe cắm RAM?


Asrock X99-ITX/ac


Cách kiểm tra

Để so sánh với 4 kênh RAM, hệ thống kiểm tra có phần cứng bao gồm: bo mạch X99 Pro của Asus, bộ xử lý Intel 6 nhân Core-i7 5820K, đi cùng với VGA GeForce 970 và 16GB RAM DDR4/2666 4 kênh (tức 4x4GB), sau đó thay 2 cặp RAM 4GB bằng 1 cặp Ram 8GB DDR4/2666 chạy dual-channel.


Hệ thống kiểm tra

Ban đầu ý định là sẽ để nguyên 4x4GB RAM để kiểm tra hệ thống với 4 kênh RAM, và sau đó rút bớt 2 thanh để kiểm tra 2 kênh RAM, nhưng sẽ có nhiều cá nhân nói 8GB và 16GB không công bằng, nên giải pháp đưa ra rằng thay hoàn toàn 4x4GB RAM bằng 2x8GB RAM. Và giờ đây, chúng ta cùng kiểm tra thực tế cuộc chiến về RAM giữa: 16GB DDR4/2666 chạy dual-channel (2 kênh) và 16GB DDR4/2666 chạy quad-channel (4 kênh)

Đo băng thông qua phần mềm Sisoft Sandra

Thử nghiệm các hệ thống trên với phần mềm đo băng thông bộ nhớ Sisoft Sandra. Đây là một phần mềm dùng để đo băng thông bộ nhớ chuẩn dành cho máy tính. Và kết quả đem lại đúng như mong đợi, băng thông từ 4 kênh RAM gần như gấp đôi so với hệ thống 2 kênh RAM, và để cho chắc chắn tháo 2 thanh 8GB của hệ thống dual channel và lắp vào 2 kênh còn lại, kết quả đem lại vẫn tương tự như cũ.


Tới đây thì bạn nghĩ 4 kênh sẽ tuyệt hơn ư, hãy tiếp tục xem xét về hiệu năng đem lại, băng thông chưa nói lên được điều gì nhiều đâu, chúng ta cùng tiếp tục ở mục tiếp theo nào.

Hiệu năng mã hóa

Các bài kiểm tra tổng hợp đo lường hiệu suất theo lý thuyết là một chuyện, nhưng những gì hệ thống thể hiện lại là một chuyện khác! Để tìm hiểu hiệu năng, cho hệ thống chạy Handbrake – một chương trình mã hóa video thông dụng và miễn phí, nó sẽ vắt kiệt sức mạnh xử lý của CPU. Mã hóa video luôn bị cho là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến băng thông RAM, vì khi mã hóa, nó sử dụng gần hết băng thông RAM, dưới góc độ này, dường như gấp đôi băng thông sẽ thực sự đem lại hiệu năng ấn tượng hơn. Nhưng không may rằng, nếu bạn nhìn vào bảng kết quả dưới đây, bạn sẽ rất ngạc nhiên.


Điểm số hầu như không chênh lệch nhau, thật lạ lùng, bởi nếu bạn gắn 1 thanh RAM, nâng lên dual-channel với 2 thanh sẽ tăng đáng kể hiệu năng mã hóa, nhưng quad-channel và dual-channel đem lại điểm số gần như nhau. Có thể nếu bạn dùng chương trình khác để mã hóa video, điểm số sẽ khác đi đôi chút, nhưng ít nhất với phép thử này, hiệu năng của 4 kênh RAM không mang lại ấn tượng.

PCMark 8 Creative

Phần mềm tiếp theo để thử mang tên PCMark 8 Creative. Phần mềm này sẽ giả lập các tác vụ thông thường: chỉnh sửa hình, mã hóa video, chơi game và duyệt web. Và với bài test này, tùy chỉnh không dùng GPU trở nên chính đáng bởi vì nếu dùng GPU, GPU sẽ dùng bộ nhớ RAM nội tại trên card màn hình. Và kết quả một lần nữa đem lại sự thất vọng: vẫn cùng một điểm số với cả 2 hệ thống.


PCMark 8 Home

Để cho chắc chắn, việc dùng đến một phần mềm khác để kiểm tra là không tránh khỏi, và PCMark 8 Home and Work Conventional được chọn, tức phần mềm thường thức hơn, dùng kiểm tra tác vụ nhẹ nhàng hơn. Và kết quả không khác với PCMark 8 Creative, gấp đôi băng thông không đồng nghĩa gấp đôi hiệu năng.


WinRAR

Vâng, WinRAR, một phần mềm trông có vẻ đơn giản nhưng hiệu năng hệ thống được thể hiện rõ nét nhất, nén/giải nén dữ liệu là một tác vụ cần đến băng thông hệ thống rất lớn, hy vọng hệ thống 4 kênh sẽ đem lại điều khác biệt.


Sau phép thử, cuối cùng hệ thống RAM 4 kênh cũng đã đem lại chút khác biệt, dù không nhiều nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy.

7Zip

Một phần mềm nén/giải nén khác. Hệ thống 4 kênh RAM cũng đã tỏ ra ưu thế của mình, nhưng không nhiều như mong đợi.


Tomb Raider

Thử các tác vụ thông thường thế là đủ rồi, giờ chúng ta sẽ thử sức với game nào!
Hệ thống của chúng ta chỉ được trang bị card màn hình GTX 970, và nếu đem ra so với băng thông của RAM, hệ thống chắc chắn sẽ bị nghẽn cổ chai, nếu hệ thống được trang bị card Titan X thì chúng ta sẽ có một cái nhìn chính xác hơn, nhưng giải pháp tối ưu nhất rằng chúng ta sẽ chạy các game cũ hơn một chút, với độ phân giải 1920 x 1080.


Kết quả đem lại như nào? Một lần nữa, không khác biệt!

BioShock Infinity

Ở game này, kết quả đem lại có phần tréo ngoe hơn, dual channel đem lại hiệu năng cao hơn so với quad channel. Với BioShock, game này được cài đặt ở high settings, và điểm số bạn có thể nhìn thấy như dưới đây.


Dirt Showdown

Một lần nữa, Dual Channel đem lại hiệu năng tương tự với Quad-channel



Kết luận

Quay ngược trở lại ban đầu, những bo mạch chủ mini chỉ trang bị 2 khe RAM có thực sự đáng để bạn rước về? Hy sinh 2 khe RAM và nghĩa là bạn cắt giảm một nửa băng thông RAM? Điều đó không còn quan trọng nữa, vì sau một loạt các phép thử, kết quả đem lại như nào bạn cũng thấy, hiệu năng có hơn một chút nhưng không ấn tượng.

Vậy nếu bạn ráp một chiếc PC mạnh mẽ, tất nhiên 4 kênh RAM vẫn là một lựa chọn hàng đầu, bởi vì dù gì nó cũng đem lại khả năng nâng cấp RAM mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nhưng đối với thần dân Hdvietnam, HTPC vẫn là một lựa chọn đáng giá cho hệ thống giải trí tại gia, càng ngày nhiều bo mạch chủ ITX được trang bị khe RAM kích cỡ lớn sẽ càng xuất hiện nhiều, và nếu bạn có thấy bo mạch mini chỉ có 2 kênh RAM kích cỡ lớn bạn cũng đừng lo nghĩ nữa, vì bởi lẽ sự khác biệt giữa Dual-channel và Quad-channel là không lớn. Vậy bạn có nghĩ về một chiếc HTPC cực kỳ mạnh mẽ chưa? Có lẽ đây là lúc bạn nên nghĩ đến, bởi một chiếc HTPC giờ đây sẽ không bị kìm hãm bởi bo mạch chủ nữa, mãnh hổ sẽ được chấp cánh để bay đến một chân trời mới hơn.

Theo PCWorld