Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

TÌM HIỂU VỀ DÒNG INTEL ATOM, CHỌN MUA MÁY TÍNH BẢNG CHẠY WINDOWS ƯNG Ý


1.

Phần lớn máy tính bảng/máy tính lai chạy Windows hiện có trên thị trường được trang bị vi xử lý Intel Atom. Và câu hỏi được phần lớn anh em thắc mắc là liệu Atom có thể cán đán nổi Windows hay không, máy tính bảng Windows chạy chip Atom có hiệu năng ra sao, pin thế nào? Trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những thế hệ Atom dành cho máy tính bảng, qua đó nắm được những cải tiến về công nghệ, hiệu năng từ đó anh em có thể chọn được chiếc máy tính bảng/máy tính lai ưng ý.

Atom.

Intel Atom là dòng vi xử lý SoC giá rẻ, tiết kiệm năng lượng được ra mắt lần đầu tiền vào năm 2008 và trải qua 7 năm, Atom cũng đã được Intel nâng cấp liên tục tương tự dòng chip hiệu năng cao Core i. Nhà Atom của Intel trải dài trên nhiều phân khúc, từ Atom cho desktop, netbook đến điện thoại smartphone, máy tính bảng, hệ thống nhúng và thậm chí cả máy chủ. Trong bài này, mình định hướng sẽ nói về Atom cho máy tính bảng nơi con chip này được dùng phổ biến nhất. Thêm nữa là máy tính bảng Windows thay vì Android bởi hiệu năng của Atom khi chạy Windows thường được anh em quan tâm hơn.

*Khác với dòng Core I, tên gọi các thế hệ Atom khá đa dạng và dễ gây nhầm lẫn bởi Atom hướng đến nhiều thiết bị hơn, mặc dù cùng công nghệ nhưng lại được chia ra thành nhiều tên, tương ứng với loại thiết bị mà con chip nhắm đến. Chẳng hạn như Medfield và Cloverview: cùng được sản xuất trên quy trình 32 nm nhưng Medfield dành cho smartphone trong khi Cloverview dành riêng cho tablet.

1. Chúng ta sẽ bắt đầu với thế hệ Lincroft, phát triển trên vi kiến trúc Bonnell, nền tảng Oak Trail, đơn lõi, quy trình 45 nm, ra mắt đầu năm 2011:

Lincroft là một phần của nền tảng vi xử lý cho máy tính bảng Intel Oak Trail và chúng ta vẫn hay gọi là Oak Trail thay vì cái tên róp riết khó nhớ này. Thế hệ Lincroft có 2 phiên bản CPU dành cho máy tính bảng gồm Atom Z650 và Z670. Cả 2 đều được sản xuất trên quy trình 45 nm, chỉ có 1 lõi, hỗ trợ siêu phân luồng, tích hợp GPU Intel GMA 600 và TDP 3 W.

  • Atom Z650: 1 lõi, 2 luồng, xung nhịp CPU 1,2 GHz, 32-bit, 512 KB Cache L2, xung nhịp GPU 400 MHz, hỗ trợ RAM DDR2-800 tối đa 2 GB,
  • Atom Z670: 1 lõi, 2 luồng, xung nhịp CPU 1,5 GHz, 32-bit, 512 KB Cache L2, xung nhịp GPU 400 MHz, hỗ trợ RAM DDR2-800 tối đa 2 GB,
Trong 2 phiên bản CPU này thì con Z670 được sử dụng khá phổ biến vào thời điểm đó. Z670 được Intel quảng cáo là mang lại hiệu năng phát video tốt hơn, duyệt web nhanh hơn và thời lượng pin lâu hơn. Nó từng được nhiều hãng máy tính như HP, Dell, Samsung, Fujitsu trang bị trên các mẫu máy tính bảng, máy tính lai của mình. Một số cái tên đáng chú ý là HP Slate 2, Samsung Sliding PC 7 và Fujitsu Q550. Thời điểm này Windows 8 vẫn chưa xuất hiện nên tất cả các mẫu máy đều chạy Windows 7. Giờ đã là năm 2015, những mẫu máy tính bảng chạy Intel Atom Z6xx hầu như đã tuyệt chủng :). Mặc dù vậy, có thể nhận ra con Atom cũ quắc này nhờ:

Atom_Lincroft.

>Đặc điểm nhận dạng: Intel Atom Z6xx (3 số, đầu số 6).
>Thế hệ này cũng chưa sử dụng tem Intel Atom Inside, chỉ là tem Intel như hình trên.


2. Thế hệ Cloverview, phát triển trên vi kiến trúc Satwell, nền tảng Clover Trail/Clover Trail+, lõi kép, quy trình 32 nm, ra mắt năm 2012:

Acer_Iconia_W510.
Acer Iconia W510 chạy Atom Z2760.​

Cloverview vẫn được phát triển trên nền tảng vi kiến trúc Bonnell nhưng là thế hệ nhân thứ 3 và là một phần của nền tảng chip xử lý cho máy tính bảng Clover Trail. Do vậy, tương tự Lincroft với cái tên thường gọi là Oak Trail thì những con chip Cloverview cũng thường được gọi là Clover Trail. Các phiên bản chip Atom thuộc thế hệ này đều có 2 lõi, hỗ trợ siêu phân luồng, tích hợp GPU Intel GMA phát triển dựa trên PowerVR SGX 544MP2/SGX 545, TDP vẫn là 3 W.

  • Atom Z2520: 2 lõi, 4 luồng, xung nhịp CPU tối đa 1,2 GHz, 32-bit, 1 MB Cache L2, xung nhịp GPU tối đa 300 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR2-1066 tối đa 2 GB
  • Atom Z2560: 2 lõi, 4 luồng, xung nhịp CPU tối đa 1,6 GHz, 32-bit, 1 MB Cache L2, xung nhịp GPU tối đa 400 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR2-1066 tối đa 2 GB
  • Atom Z2580: 2 lõi, 4 luồng, xung nhịp CPU tối đa 2 GHz, 32-bit, 1 MB Cache L2, xung nhịp GPU tối đa 533 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR2-1066 tối đa 2 GB
  • Atom Z2760: 2 lõi, 4 luồng, xung nhịp CPU tối đa 1,8 GHz, 32-bit, 1 MB Cache L2, xung nhịp GPU tối đa 533 MHz (SGX 545), hỗ trợ RAM LPDDR2-800 tối đa 2 GB

Trong số những phiên bản này riêng có Z2760 là "lạc loài" với tên gọi Z27xx thay vì Z25xx. Thực chất Z2760 là một phiên bản Atom thuộc nền tảng Clover Trail dành cho cả máy tính bảng lẫn laptop, sau đó Intel mới ra mắt Clover Trail+ dành riêng cho máy tính bảng nên chúng ta có thể thấy một số điểm khác biệt đáng chú ý giữa Z2760 với 3 phiên bản còn lại, đầu tiên là GPU SGX 545 xung nhịp cố định ở 533 MHz, tiếp theo là việc chỉ hỗ trợ RAM bus 800 thay vì 1066 và không hỗ trợ nhiều công nghệ như ảo hóa VT-x, không có Intel SpeedStep, không có công nghệ giám sát nhiệt độ TMT như 3 phiên bản còn lại.

Mặc dù vậy với làn sóng máy tính bảng chạy Windows 8 đầu tiên thì Atom Z2760 lại được sử dụng phổ biến nhất, điển hình là Acer Iconia W3, Iconia W510, ASUS Vivo Tab, Vivo Tab Smart, Dell Latitude 10, HP ElitePad 900, HP Envy x2 11, Lenovo IdeaTab Miix 10, Samsung ATIV Tab 3 … Sau đó với thế hệ Clover Trail+, có lẽ các nhà sản xuất đã nhanh chóng nhận ra máy tính bảng Windows 8 không đem lại nhiều lợi nhuận nên cả 3 phiên bản Clover Trail+ đều xuất hiện chủ yếu trên máy tính bảng Android, số ít như ASUS dùng nó trên dòng máy tính lai Transformer Book Trio.

Atom_Clover_Trail.

>Đặc điểm nhận dạng: Intel Atom Z25xx và Z2760 (4 số, đầu số 25 hoặc 27)
>Tem Intel Atom Inside như hình trên.


3. Tiếp theo là thế hệ Valleyview, phát triển trên vi kiến trúc Silvermont, nền tảng Bay Trail-T, lõi tứ, quy trình 22 nm, ra mắt giữa năm 2013:

Intel giới thiệu vi kiến trúc Silvermont từ giữa năm 2013 và là vi kiến trúc đầu tiên dùng hệ thực thi out-of-order vốn thường được sử dụng trong hầu hết các vi xử lý hiệu năng cao. Ở hệ thực thi này, một vi xử lý sẽ thực hiện các chỉ thị theo một thứ tự được quản lý bởi dữ liệu đầu vào sẵn có thay vì thứ tự nguyên gốc trong một chương trình. Bằng cách này, vi xử lý có thể tránh được tình trạng tạm nghỉ khi phải đợi chỉ thị đến trước để hoàn thành rồi mới nhận dữ liệu cho chỉ thị tiếp theo trong một chương trình. Qua đó, vi xử lý có thể thực thi chỉ thị ngay lập tức và độc lập. Mặc dù vậy, tính năng siêu phân luồng Hyper-Threading đã bị Intel loại bỏ trên dòng chip này.

ASUS_T100.
ASUS Transformer Book T100 chạy Atom Z3740.
Với thế hệ Valleyview, quy trình sản xuất đã được giảm xuống còn 22 nm, các vi xử lý cho máy tính bảng đều có 4 lõi, hỗ trợ công nghệ đẩy xung Intel Burst Performance Technology (BPT) và điều đáng chú ý nhất là GPU tích hợp trên các con chip Atom Bay Trail-T được Intel phát triển dựa trên GPU Intel HD Graphics 4000 của dòng vi xử lý hiệu năng cao Ivy Bridge. GPU này có 4 đơn vị thực thi (EU), hỗ trợ DirectX 11 và các chuẩn OpenGL. Do đó, các tựa game Windows cũ và không cần nhiều tài nguyên đồ họa vẫn có thể chạy tốt trên Bay Trail-T. Ngoài ra, Bay Trail-T cũng đã hỗ trợ tập lệnh 64-bit, nhận nhiều RAM hơn và dĩ nhiên có thể chạy được các hệ điều hành 64-bit. TDP của thế hệ này từ 2 đến 2,2 W.

  • Atom Z3735D/E/F/G: 4 lõi, xung nhịp 1,33 GHz (Burst lên 1,83 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 313-646 MHz, hỗ trợ RAM DDR3L-1333 đơn kênh;
  • Atom Z3736F/G: 4 lõi, xung nhịp 1,33 GHz (Burst lên 2,16 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 313-646 MHz, hỗ trợ RAM DDR3L-1333 đơn kênh;
  • Atom Z3740: 4 lõi, xung nhịp 1,33 GHz (Burst lên 1,86 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 311-667 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR3-1066 kênh đôi;
  • Atom Z3740D: 4 lõi, xung nhịp 1,33 GHz (Burst lên 1,86 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 313-688 MHz, hỗ trợ RAM DDR3L-1333 đơn kênh;
  • Atom Z3745: 4 lõi, xung nhịp 1,33 GHz (Burst lên 1,86 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 311-778 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR3-1066 kênh đôi;
  • Atom Z3745D: 4 lõi, xung nhịp 1,33 GHz (Burst lên 1,86 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 313-792 MHz, hỗ trợ RAM DDR3L-1333 đơn kênh;
  • Atom Z3770: 4 lõi, xung nhịp 1,46 GHz (Burst lên 2,39 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 311-667 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR3-1066 kênh đôi;
  • Atom Z3770D: 4 lõi, xung nhịp 1,5 GHz (Burst lên 2,41 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 313-688 MHz, hỗ trợ RAM DDR3L-1333 đơn kênh;
  • Atom Z3775: 4 lõi, xung nhịp 1,46 GHz (Burst lên 2,39 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 311-778 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR3-1066 kênh đôi;
  • Atom Z3775D: 4 lõi, xung nhịp 1,49 GHz (Burst lên 2,31 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 311-792 MHz, hỗ trợ RAM DDR3L-1333 đơn kênh;
  • Atom Z3785: 4 lõi, xung nhịp 1,49 GHz (Burst lên 2,41 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 313-833 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR3-1333 kênh đôi;
  • Atom Z3795: 4 lõi, xung nhịp 1,59 GHz (Burst lên 2,39 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, xung nhịp GPU 311-778 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR3-1066 kênh đôi.
Nhìn chung cách đặt tên của thế hệ Bay Trail-T vẫn theo kiểu cũ với đầu số Z37xx nhưng có thêm các hậu tố (suffix) gồm D, E, F, G và không hậu tố. Sự khác biệt giữa các hậu tố này là gì?

Với những cặp chip như Z3770 và Z3770D: hậu tố D cho biết sự khác biệt lớn nhất giữa 2 phiên bản này là ở xung nhịp CPU/GPU (D có xung nhịp cao hơn) và khả năng hỗ trợ RAM. Phiên bản không có hậu tố hỗ trợ RAM nhiều hơn, tối đa 4 GB với khả năng chạy dual-channel (kênh đôi). Ngược lại phiên bản có hậu tố D hỗ trợ ít RAM hơn, tối đa chỉ 2 GB và chỉ có thể chạy single-channel (đơn kênh).

Như vậy có thể tóm gọn tất cả các phiên bản không có hậu tố đều có xung nhịp cao, hỗ trợ nhiều RAM chạy kênh đôi. Đây là một yếu tố rất quan trọng bởi việc chạy 2 thanh RAM sẽ cho băng thông dữ liệu gấp đôi, giúp dữ liệu giữa RAM và vi điều khiểm bộ nhớ (MC) tích hợp trong CPU được truyền đi theo cả 2 chiều, tránh tình trạng thắt cổ chai và tăng hiệu năng xử lý đồ họa.

Với phiên bản Z3735 có cả 4 hậu tố D, E, F, G thì sự khác biệt giữa các hậu tố này nằm ở khả năng hỗ trợ RAM. Cả 4 phiên bản đều hỗ trợ ít RAM, tối đa 2 GB với các phiên bản D và F, 1 GB với các phiên bản E và G và đều chạy đơn kênh. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất giữa D và E, F và G nằm ở độ rộng bus nhớ, D hỗ trợ 64-bit độ rộng bus nhớ còn E chỉ hỗ trợ 32-bit. F và G khác biệt tương tự.

Atom_Bay_Trail.

>Đặc điểm nhận dạng: Intel Atom Z37xx + hậu tố (4 số, đầu 37)
>Tem Intel Atom Inside như hình.


Một số mẫu máy tính bảng Windows tiêu biểu dùng Intel Atom Bay Trail-T:

4. Cuối cùng chúng ta đến với thế hệ mới nhất là Cherryview, phát triển trên vi kiến trúc Airmont, nền tảng Cherry Trail, lõi tứ, quy trình 14 nm, ra mắt năm 2015:

Surface_3.
Surface 3 là một trong những chiếc máy tính bảng Windows đầu tiên dùng SoC Intel Cherry Trail.​

Airmont là kiến trúc kế thừa Silvermont nhưng quy trình sản xuất được thu nhỏ xuống còn 14 nm. Cải tiến lớn nhất trên các vi xử lý Atom thế hệ này là GPU tích hợp được phát triển dựa trên GPU Intel HD Graphics thế hệ thứ 8, số lượng đơn vị thực thi (EU) đã tăng lên 12 hoặc 16 đơn vị, hỗ trợ DirectX 11.1 và các chuẩn OpenGL. Xung nhịp GPU, bus RAM đều cao hơn nhưng TDP vẫn giữ ở mức 2 W. Cách đặt tên CPU cũng đã được Intel thay đổi, phân hóa rõ ràng hơn.

Hiện tại, Atom Cherry Trail được chia làm 3 dòng với tên gọi Atom x3, x5 và x7. Riêng dòng Atom x3-C3000 còn được gọi là SoFIA LTE dành riêng cho các smartphone và tablet giá rẻ, có hỗ trợ mạng di động và điều cần lưu ý là các phiên bản CPU thuộc dòng này được sản xuất trên quy trình 28 nm và GPU tích hợp không phải Intel HD Graphics mà là Mali.

Các phiên bản còn lại là x5-Z8000 và x7-Z8000 chỉ dùng cho máy tính bảng và được sản xuất trên quy trình 14 nm. Với dòng này, Intel đã công bố 3 phiên bản gồm:
  • Atom x5-Z8300: 4 lõi, xung nhịp 1,44 GHz (Burst lên 1,84 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, GPU HD Graphics (12 EU), xung nhịp GPU 200 - 500 MHz, hỗ trợ RAM DDR3L-1600 đơn kênh, tối đa 2 GB;
  • Atom x5-Z8500: : 4 lõi, xung nhịp 1,44 GHz (Burst lên 2,24 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, GPU HD Graphics (12 EU), xung nhịp GPU 200 - 600 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR3-1600 kênh đôi, tối đa 8 GB;
  • Atom x7-Z8700: 4 lõi, xung nhịp 1,6 GHz (Burst lên 2,4 GHz), 64-bit, 2 MB Cache L2, GPU HD Graphics (16 EU), xung nhịp GPU 200 - 600 MHz, hỗ trợ RAM LPDDR3-1600 kênh đôi, tối đa 8 GB.
Phiên bản mạnh nhất là x7-Z8700 hiện đang được dùng trên chiếc máy tính bảng Surface 3 của Microsoft. Hiệu năng của nó thế nào thì anh em có thể xem thêm tại link dưới.

Atom_Cherry_Trail.

>Đặc điểm nhận dạng: Intel Atom x3-C3xxx và x5/x7-Z8xxx (4 số, tiền tố C hoặc Z, đầu 3 hoặc 8)
>Tem Intel Atom Inside như hình.


Tạm kết:

Như vậy, qua những thông tin trên và kinh nghiệm của mình thì nếu bạn đang có ý định mua máy tính bảng chạy Windows thì nên chọn dòng máy tính bảng đời mới, chạy Atom thế hệ Bay Trail-T trở lên. Từ thế hệ này, Atom đã có 4 lõi xử lý, cache 2 MB, tích hợp GPU mạnh hơn, tiết kiệm pin hơn nhờ TDP thấp, quy trình sản xuất thu nhỏ xuống từ 22 đến 14 nm. Do đó, khả năng xử lý đa nhiệm, đồ họa nhẹ và tính di động của thiết bị nhờ thiết kế mỏng, nhẹ cũng tăng thêm.

Kể từ Bay Trail-T, SoC Atom đã hỗ trợ 64-bit và nhiều RAM hơn nên hiệu năng của máy tính bảng khi chạy Windows sẽ tốt hơn so với các thế hệ trước. Bạn cũng nên để ý về hậu tố của các phiên bản chip Bay Trail-T, các phiên bản không hậu tố hỗ trợ nhiều RAM hơn, chạy kênh đôi nhưng bù lại bus RAM thấp hơn đôi chút so với các phiên bản có hậu tố, chạy đơn kênh.

Nếu có thể thì bạn nên chọn mua Cherry Trail bởi nhiều nâng cấp giá trị của dòng Atom này. GPU có nhiều đơn vị thực thi sẽ mang lại hiệu năng đồ họa cao, cùng với việc hỗ trợ đến 8 GB RAM thì vấn đề về RAM sẽ không còn là nỗi lo nữa. Nhưng cũng cần lưu ý là mua từ x5-8500 trở lên nhé :).

Windows 10 sắp sửa ra mắt và Microsoft đã có kế hoạch phát hành miễn phí cho mọi thiết bị đang chạy Windows 8/8.1 bản quyền và những chiếc máy tính bảng Windows cũng không phải là ngoại lệ. Nếu anh em muốn trải nghiệm giao diện cũng như những tính năng cho thiết bị cảm ứng mới của Windows 10 thì việc chọn mua 1 chiếc máy tính bảng đang chạy Windows 8/8.1 sẽ rất hợp lý bởi cấu hình và mức giá phải chăng. Hy vọng qua bài này, anh em sẽ có thêm thông tin để trở thành một người tiêu dùng thông minh.

Tham khảo: Wikipedia [1], [2], Intel

https://www.tinhte.vn/threads/chia-se-tim-hieu-ve-dong-intel-atom-chon-mua-may-tinh-bang-chay-windows-ung-y.2487875/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét