Một chứng thư bảo mật số SSL đã bị cấp nhầm cho một trang web giả mạo Google, tạo điều kiện cho tin tặc lừa người dùng tiết lộ thông tin. Các cuộc tấn công khai thác đang bùng nổ tràn lan, người dùng nên cập nhật và làm theo các hướng dẫn trong bài viết.
Ảnh minh họa: Digitaltrends
Nhiều người dùng Gmail ở Iran đang lâm vào rủi ro bị đánh cắp thông tin đăng nhập, sau khi tin tặc đột nhập vào DigiNotar, một công ty chuyên cấp chứng thư bảo mật số ở Hà Lan để đánh cắp bản sao chứng thư bảo mật số SSL vốn dĩ chỉ dành riêng cho Google.com. Cụ thể, kẻ tấn công đã đánh lừa làm cho DigiNotar tưởng nhầm rằng yêu cầu được cấp chứng thực SSL kia là từ Google “xịn”.
Sau khi nắm trong tay chứng thực SSL vốn dành cho Google, kẻ tấn công đã tạo ra những trang web giả mạo Google và các dịch vụ thuộc Google như Gmail. Kết quả là điều này đã đánh lừa được hầu hết người dùng cũng như cơ chế phát hiện trang web giả mạo mặc định trong các trình duyệt phổ biến hiện có.
Được gọi là phương thức tấn công “MITM”, sau đó tin tặc chỉ việc ung dung ngồi chờ người dùng giao nộp thông tin tài khoản khi họ đăng nhập vào trang Gmail giả mạo.
Sau khi vụ việc xảy ra, đã có khoảng 247 chứng thư bảo mật số bị trình duyệt Chrome của Google cho vào “danh sách đen”. Kể từ phiên bản 13 trở đi, trình duyệt Chrome đã được gã khổng lồ tìm kiếm bổ sung tính năng “certificate pinning”, nhờ vậy mà vụ việc mới được phát hiện. Cụ thể, Certificate Pinning chỉ sử dụng một số rất ít những Certificate Authorities (CA - tạm dịch: đơn vị cung cấp chứng thư bảo mật số) khi truy cập đến một tên miền nhất định.
Và bởi vì DigiNotar không nằm trong số những đơn vị CA dành cho Gmail, nên trình duyệt Chrome liền tự động hiển thị một thông báo SSL lỗi, khiến cho vụ việc bị phát hiện. Google cho biết đã gửi cảnh báo đến Microsoft, Mozilla và nhiều hãng khác vốn sử dụng chứng thư bảo mật cấp bởi DigiNotar.
Hiện cả Google, Microsoft lẫn Mozilla đều đã và sẽ phát hành những bản cập nhật nhằm loại bỏ hoàn toàn DigiNotar khỏi danh sách những CA có uy tín, đây được xem như bước đi chưa từng có tiền lệ trong công nghiệp bảo mật điện toán.
Giao thức truyền tải siêu văn bản (HTTP) khi được chuyển thành HTTPS sẽ thông báo cho trình duyệt biết đường truyền giữa máy tính người dùng và địa chỉ truy cập phải được đảm bảo an ninh bằng SSL. Chỉ khi biểu tượng ổ khóa màu vàng xuất hiện, đường truyền giữa máy tính người dùng và địa chỉ truy cập mới đảm bảo an ninh.
Nếu biểu tượng ổ khóa không xuất hiện, có nghĩa trang mà người dùng muốn truy cập không sử dụng SSL.
(tuoitre)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét