Khác với những nhà sản xuất TV,
các hãng sản xuất màn hình máy tính luôn dành sự ưu ái đặc biệt dành
cho kết nối DisplayPort. Thậm chí ở một số dòng nhất định, bạn buộc phải dùng DisplayPort mới có thể sử dụng hết tính năng của màn hình. Trong bài viết này mình sẽ giúp bạn tìm hiểu những lý do dẫn đến điều này.
Trước đó trong bài "Vì sao TV thường chỉ tích hợp HDMI mà không có DisplayPort?"
mình đã giới thiệu về khái niệm cũng như sự ra đời của cả HDMI và
DisplayPort, vì vậy nên lần này mình sẽ đi thẳng đến phần nguyên nhân.
Nếu bạn vẫn chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về 2 khái niệm HDMI và
DisplayPort thì mình khuyến khích nên đọc bài "Vì sao TV thường chỉ tích hợp HDMI mà không có DisplayPort?", nó sẽ giúp bạn có đủ những thông tin cơ bản để dễ dàng hiểu được những nguyên nhân mình đưa ra bên dưới.
VESA luôn đón đầu xu hướng công nghệ khi phát triển chuẩn DisplayPort
- Ngược lại với HDMI Forum, ban điều hành của VESA bao gồm những ông
lớn trong lĩnh vực PC như Apple, Nvidia, AMD, Qualcomm, Apple,... Do đó
không chỉ tích hợp DisplayPort vào trong thiết bị của mình, những hãng
này còn có tiếng nói quyết định trong việc phát triển DisplayPort. Chính
việc laptop, desktop, card màn hình đều tích hợp DisplayPort khiến cho
các nhà sản xuất màn hình dù muốn hay vẫn buộc phải tích hợp chuẩn kết
nối này vào sản phẩm của mình. Việc ban điều hành của VESA bao gồm các
hãng công nghệ lớn trong lĩnh vực máy tính cũng thể hiện phần nào qua xu
hướng đón đầu tương lai trong quá trình phát triển DisplayPort. Chẳng
hạn như khi màn hình 4K vẫn còn chưa xuất hiện, DisplayPort 1.2 vào năm
2009 đã hỗ trợ 4K@60Hz. Còn chuẩn DisplayPort 1.3 mới nhất hiện nay đã
sẵn sàng hỗ trợ 8K@60Hz. Ngược lại, HDMI tỏ ra khá chậm chạp trong việc
nâng cấp. Phải đến khi các màn hình và TV 4K trở nên tương đối phổ biến
vào năm 2013 thì chuẩn 2.0 mới xuất hiện. Những dòng TV 4K đầu tiên dù
giá cực kỳ đắt đỏ nhưng chỉ được tích hợp HDMI 1.4b, giới hạn độ phân
giải tối đa ở 4K@30Hz
Nhà sản xuất luôn khuyến cáo sử dụng DisplayPort để đạt được hiệu năng tối ưu các màn hình chơi game tần số quét cao
- DisplayPort có thông số kỹ thuật vượt trội so với HDMI. Từ băng
thông, khả năng tuỳ biến các tính năng phụ (tính năng CEC và ARC của
HDMI trên lý thuyết vẫn có thể tích hợp trên DisplayPort nhưng tạm thời
vẫn chưa có hãng nào muốn làm điều đó), khả năng chuyển đổi (DiplayPort
cho phép dùng adapter giá rẻ để chuyển sang HDMI, DVI thậm chí là cả
VGA). Bên cạnh đó DisplayPort cho phép tốc độ tần số quét tối đa là 144
Hz, yếu tố cực kỳ quan trọng đối với màn hình chơi game. Trong khi đó
mặc dù về lý thuyết có thể thưc hiện được, HDMI hiện tại chỉ hỗ trợ tối
đa 60 Hz dù ở bất kỳ độ phân giải nào (ngoại lệ duy nhất là nó có thể
lên 120 Hz khi truyền tín hiệu hình ảnh 3D, tuy nhiên đó là do sao chép
tín hiệu). Hạn chế lớn nhất là độ dài dây thụ động tối đa của
DisplayPort chỉ là 3 m so với 10 m của HDMI, nhưng điều này không ảnh
hưởng lớn đến người dùng màn hình máy tính vì PC thường đặt ở rất gần.
Gigabyte GV-N950Xtreme-2GD là dòng card tầm trung tích hợp đến 3 cổng DisplayPort nhưng chỉ có 1 HDMI
- Khả năng hỗ trợ đa màn hình của DisplayPort tỏ ra vượt trội so với
HDMI khi cho 1 nguồn phát có thể xuất ra nhiều thiết bị cùng lúc
(1920x1080@60Hz x 4, 2560x1440@60Hz x 2). Đây cũng là cách hiệu quả nhất
để bạn có thể thiết lập hệ thống chơi game đa màn hình. Nếu để ý, bạn
sẽ thấy các dòng card màn hình cao cấp thường thích hợp 2 - 3 cổng
DisplayPort nhưng chỉ có 1 cổng HDMI. Điều này không phải ngẫu nhiên mà
đều nằm trong chủ đích của nhà sản xuất nhằm khuyến khích việc sử dụng
đa màn hình. Ngoài ra một số dòng màn hình đồ hoạ cao cấp cho phép sử
dụng DisplayPort làm kết nối bắt cầu (daisy chain), cho phép hiển thị
gián tiếp từ màn hình này sang màn hình khác.
Thunderbolt trên Macbook Pro 2015 sử dụng đầu cùng đầu cắm với chuẩn Mini DisplayPort
- VESA cho phép các thành viên của mình dựa trên chuẩn DisplayPort để
phát triển những công nghệ bổ sung. Và những ông lớn như Apple, Nvidia
hay AMD đã tận dụng rất tốt yếu tố này. Apple lấy cả kết nối mini
DisplayPort để cùng Intel để phát triển thành chuẩn Thunderbolt. Vì vậy
dù các máy Mac đời mới của Apple (trừ Macbook 2015) chỉ tích hợp
Thunderbolt, bạn vẫn có thể dùng nó để xuất hình bằng dây cáp
DisplayPort. Trong khi đó vào thời điểm hiện tại công nghệ đồng bộ tần
số quét của màn hình và tốc độ dựng hình của GPU như FreeSync (AMD) và
G-Sync (Nvidia) đều chỉ hỗ trợ DisplayPort. Thậm chí FreeSync còn được
xem như là một tuỳ chọn của chuẩn DisplayPort 1.2b. Nếu bạn để ý, ngay
cả những dòng card đời mới của AMD như R9 390x hay Fury cũng chỉ tích
hợp HDMI 1.4. Nvidia thì đỡ hơn nhưng bạn cần ít nhất Geforce 960 trở
lên thì mới có HDMi 2.0. Cả Nvidia và AMD đều cho biết sẽ phát triển
FreeSync và G-Sync cho HDMI tuy nhiên tại thời điểm của bài viết này thì
tất cả vẫn chỉ là lời hứa.
Displayport (trái) được phát hành miễn phí trong khi HDMI (phải) yêu cầu phí bản quyền
- Về mặt kinh tế, DisplayPort sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho nhà sản
xuất bởi lẽ nó không có phí bản quyền. Trong khi đó bất kỳ nhà sản xuất
nào muốn tích hợp HDMI đều phải trả phí hằng năm là 10.000 USD và 0,15
USD cho mỗi thiết bị (giảm xuống 0,05 USD nếu đặt logo HDMI trên sản
phẩm và 0,04 USD nếu tích hợp thêm chế độ bảo vệ bản quyền HDCP). Ngay
cả nếu trong tương lai VESA thua trong cuộc chiến bản quyền với MPEG-LA
thì mỗi thiết bị tích hợp DisplayPort sẽ chịu mức phí bản quyền là 0,20
USD, tuỳ theo quy mô sản xuất mà chi phí các nhà sản xuất phải trả vẫn
có thể sẽ thấp hơn HDMI.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét