Từng là ổ đĩa flash nhỏ bé và được xem như món phụ kiện đắt giá, nhưng giờ đây ổ cứng lưu trữ thể đặc (SSD) đã xuất hiện trên hầu hết các dòng máy tính xách tay ultrabook, laptop, và rồi còn được khuyến khích sử dụng trên máy tính để bàn. Sở dĩ trở thành lựa chọn sáng giá là nhờ các ổ cứng SSD tận dụng được sức mạnh và tốc độ xử lý của bộ nhớ flash trong việc lưu trữ và truy cập dữ liệu mà không cần phải dùng đến các bộ phận cơ khí nặng nề và dễ gây rắc rối như HDD truyền thống, thêm vào đó còn tiết kiệm được điện năng tiêu thụ không ít cho người dùng. Trước xu thế giá bán chung của SSD đang giảm mạnh gần đây tạo điều kiện cho việc thay thế dần ổ cứng HDD loại cũ bằng SSD thì tất yếu người dùng cũng cần biết thêm cách sử dụng sao cho đúng để đạt tối đa hiệu quả kinh tế.

Sau đây mời các bạn đọc bài hướng dẫn từ trang tin công nghệ Digital Trends.

Vòng đời của ổ cứng SSD


Có một thông tin logic thế này: các ổ cứng SSD không dùng các bộ phận cơ khí như kim đọc / ghi, phiến từ như HDD thế nên chúng sẽ không bị hao mòn hoặc xộc xệch, ít nhất là về mặt vật lý dễ nhận biết bằng mắt thường. Nhưng không vì thế mà SSD không có những vấn đề riêng của nó. Thực tế thì ổ cứng SSD dùng cơ chế gọi là chu kỳ program-erase (P/E cycle) để lưu trữ các thông tin do người dùng nhập vào. Theo đó, cứ mỗi lần dữ liệu được ghi thì một block bộ nhớ sẽ biến mất để thay thế bằng một block mới chứa dữ liệu.

Chính cơ chế như vậy đã giúp ích rất nhiều cho tốc độ và tính đáng tin cậy của loại hình lưu trữ mới này. Thế nhưng không có gì là vĩnh viễn được, sau một số lần ghi và tái ghi nhất định thì ổ cứng SSD sẽ bắt đầu "lão hóa" để rồi cuối cùng là yên giấc ngàn thu. Câu hỏi đặt ra là người dùng sẽ có thể có bao nhiêu lần ghi/tái ghi như vậy? Điều này rất khó nói chính xác vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, song nếu một người dùng bất kỳ bước vào cửa tiệm và mua một ổ cứng SSD mới tinh thì con số chu kỳ P/E ước tính được sẽ là từ 3.000 đến 4000 lần.

Trong trường hợp muốn tìm hiểu nhiều hơn về chu kỳ P/E cũng như các giới hạn của nó thì người dùng sẽ bị ném ngay vào thế giới kỹ thuật đầy phức tạp. Thế nên nếu thật sự có nhiều thời gian và ham thích khám phá thì mới cần tìm hiểu sâu, còn thì người dùng có thể yên tâm rằng họ rất có thể sẽ phải thay ổ cứng SSD cũ lấy ổ cứng mới trước khi nó thật sự không còn dùng được nữa. Đó là vì chu kỳ này được tính bởi từng block ghi mà một ổ SSD thì chứa đến hàng triệu block. Những gì người dùng cần biết trong bài viết này bao gồm các thủ thuật giúp ổ SSD hoạt động mạnh khỏe, phong độ mà thôi.

Các thủ thuật giúp ổ cứng SSD hoạt động mạnh khỏe và phong độ


Trước khi thật sự làm quen với các thủ thuật mới dành cho ổ cứng SSD thì cần lưu ý người dùng HDD truyền thống mới chuyển sang SSD rằng họ cần xóa bỏ ngay tất cả những kiến thức dùng để tối ưu hóa ổ cứng (HDD) đã thu thập trước đó. Bởi một điều rất đơn giản là SSD rất khác so với HDD về cơ chế lưu trữ dữ liệu - một đằng dùng cơ khí phiến từ và một đằng áp dụng công nghệ bộ nhớ flash hiện đại, và tất cả các phần mềm cùng thủ thuật cũ đều chỉ hướng đến cho ổ cứng cơ khí chứ không phải dạng flash. Nên nói cách khác thì người dùng sẽ không nên áp dụng chúng lên SSD, chẳng hạn như không cần dùng đến giải pháp chống phân mảnh đối với ổ cứng SSD, hoặc chạy các phần mềm tối ưu hóa (vốn không đi kèm) cho SSD. Người dùng không cần phải quá lo lắng về nhiệt độ của ổ SSD, không cần phải quét dọn bất cứ thứ gì cả. Còn nếu thật sự quan tâm và muốn tỏ ra có hiểu biết lẫn trách nhiệm đối với ổ cứng SSD đang sở hữu thì đã có những phương thuốc đặc trị riêng.

  • Dùng tính năng TRIM do nhà sản xuất ổ cứng cung cấp kèm theo: Với tính năng TRIM sẽ bảo đảm tốc độ làm việc của ổ cứng SSD sẽ không bị giảm sút theo thời gian. Tính năng này sẽ giúp cải thiện hiệu suất và năng lực ghi dữ liệu cho ổ cứng. Như chúng ta đã biết, bộ nhớ flash hoạt động dựa trên nguyên tắc tìm các cell lưu trữ còn trống để ghi thông tin lên đó. Nếu không tìm thấy cell còn trống nào thì nó sẽ phải thay thế các dữ liệu cũ và việc này sẽ khiến làm chậm tốc độ ghi một cách đáng kể. Vì vậy, một khi các ổ cứng SSD đã dùng hết các cell bộ nhớ trống thì đó là lúc rắc rối phát sinh. Lúc này đây, với tính năng TRIM sẽ giúp xóa tất cả các cell chứa các dữ liệu không còn cần thiết hoặc không còn sử dụng nữa. Người dùng máy tính chạy hệ điều hành Windows có thể dùng tính năng TRIM với công cụ đi kèm của nhà sản xuất ổ cứng (như với Intel thì tên của công cụ là Intel SSD Toolbox) hoặc dùng lệnh trực tiếp như sau: mở command prompt với quyền quản trị, gõ dòng lệnh fsutil behavior query DisableDeleteNotify, sẽ có bảng thông báo là đã kích hoạt mang trị bằng 0 hoặc 1 là chưa kích hoạt.


    Nếu nhận được trị bằng 1 thì người dùng gõ thêm dòng lệnh fsutil behavior set DisableDeleteNotify 0 để kích hoạt tính năng TRIM. Với các máy tính chạy hệ điều hành OS X của Apple thì cần dùng ứng dụng của bên thứ ba.
  • Phần mềm quản lý: Các ổ cứng SSD đều có phần mềm quản lý riêng để đáp ứng những yêu cầu của riêng nó. Phần mềm này sẽ cho phép người dùng cập nhật và nâng cấp firmware, vá lỗi v.v. và chắc chắn là sẽ giúp giữ cho sức khỏe của ổ cứng luôn trong tình trạng tốt và hoạt động hiệu quả. Có hai dạng phần mềm như vậy, một là phần mềm chính chủ do nhà sản xuất ổ cứng cung cấp, chẳng hạn như phần mềm Magician của Samsung. Hai là phần mềm do bên thứ ba cung cấp, ví dụ như phần mềm Tweak-SSD. Để tận dụng được các chức năng tốt nhất thì người dùng được khuyên nên sử dụng phần mềm chính chủ từ nhà sản xuất ổ cứng.
  • Chia bớt dữ liệu quá lớn: Tất nhiên là các ổ cứng SSD có thể dễ dàng lưu trữ và xử lý các bộ sưu tập phim, ảnh, nhạc hoặc tài liệu khổng lồ từ người dùng. Tuy nhiên, nếu có thể thì người dùng được khuyến khích giữ các bộ sưu tập có dung lượng khổng lồ ở nơi khác, có thể là ổ cứng rời chẳng hạn - mà lúc này đây sẽ là thời điểm để bạn già HDD thể hiện năng lực - vì các thao tác ghi, tìm kiếm trong núi tập tin đôi khi khiến ổ cứng SSD phải căng cơ quá mức. Và dẫn đến kết quả là làm giảm tuổi thọ của chính thiết bị.
  • Kích thước dung lượng sẽ tạo nên khác biệt: Người dùng SSD được khuyên nên đầu tư ổ cứng dung lượng lớn nhất nếu điều kiện kinh tế cho phép. Điều này là do cơ chế hoạt động đặc thù của thiết bị này, các ổ cứng dung lượng lớn hơn sẽ thường cho tốc độ làm việc nhanh hơn và tuổi thọ cũng lâu hơn so với những người anh em nhỏ bé. Bên cạnh đó, do các ổ cứng SSD sẽ thường trở nên chậm chạp khi mọi cell bộ nhớ đã bị chiếm dụng bởi thông tin lưu trữ, nên một ổ cứng dung lượng lớn đồng nghĩa với việc kéo dài thêm được thời gian tận dụng tốc độ của nó.
  • Nên bổ sung thêm RAM: Một chiếc máy tính được trang bị RAM dồi dào sẽ giúp cho ổ cứng SSD được yên ổn mà sống mạnh khỏe do tiết kiệm được rất nhiều chu kỳ ghi/tái ghi. Điều này là liên quan đến những người dùng muốn tận dụng dung lượng của ổ cứng để làm bộ nhớ ảo. Do vậy, hãy nâng cấp thêm RAM khi dùng máy tính trang bị ổ cứng SSD.


Chớ dại dột làm những điều sau!


Ở trên chúng ta đã được biết nên làm những gì để sử dụng hiệu quả nhất một ổ cứng SSD, thì tiếp theo sau đây là những điều cần ghi nhớ chớ dại dột thực hiện với máy tính đang sở hữu SSD.

  • Tuyệt đối không thực hiện chống phân mảnh: Như chúng ta đã đề cập ở trên, do cơ chế hoạt động khác nhau nên nếu thao tác chống phân mảnh mang lại hiệu quả tốt cho các ổ cứng HDD thì việc chống phân mảnh lại hết sức có hại với SSD do nó khiến ổ cứng này phải ghi tới ghi lui một lượng lớn dữ liệu, để cuối cùng là khiến nó bị hao mòn chu kỳ P/E. Tóm lại, tuyệt đối không chạy chống phân mảnh cũng như không dùng bất kỳ phần mềm chống phân mảnh nào dù cho là được quảng cáo dành riêng cho SSD - tất cả chỉ nhằm đưa người dùng vào tròng mà thôi.
  • Không dùng các phần mềm tối ưu hóa: Cũng giống ý bên trên, tất cả các phần mềm giúp tối ưu hóa dành cho ổ cứng cơ khí phiến từ HDD đều chỉ khiến ổ cứng SSD mang họa. Thành ra nếu phần mềm ấy không là chính chủ từ nhà sản xuất ổ SSD thì người dùng cần vô hiệu hóa hoặc gỡ bỏ ngay phòng nhiều khi nhầm lẫn. Các tính năng như tạo chỉ mục (indexing) cũng nên được tắt đi khi dùng ổ cứng SSD, hoặc chỉ dùng khi đó là ổ cứng HDD.
  • Không nên nhồi nhét quá nhiều dữ liệu: Chúng ta đã có nói ở trên, khi ghi quá nhiều thông tin (chiếm dung lượng khoảng 90% hoặc hơn) lên SSD sẽ khiến bộ nhớ flash của nó khó nhọc tìm các khe trống còn lại để nhét dữ liệu vào. Mọi thứ sẽ trở nên chậm chạp không khác gì tình trạng ùn tắc giao thông vậy. Vậy nên, lời khuyên hữu ích là người dùng một khi đã lưu được 75% dung lượng bộ nhớ thì nên tìm nơi lưu trữ khác để giảm tải chứ không nên chất chồng cho bằng hết 100% sức chứa.


Hy vọng các thông tin trên sẽ giúp ích cho việc sử dụng và bảo quản ổ cứng SSD của các bạn đúng cách nhất.