Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Cộng đồng mạng "tắt điện" phản đối SOPA và PIPA

TTO - Khi dự luật SOPA chưa thể hiện thực hóa do sức ép từ nhiều phía, một đạo luật khác mang tên PIPA ra đời với “mức độ giảm nhẹ” và sẽ được mang ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ vào ngày 24-1.
Chiến dịch phản đối hai dự luật trên từ cộng đồng mạng lan rộng nhanh chóng.
Gây tranh cãi ngay từ khi mới nhen nhóm ra đời, đến nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể hiện thực hóa dự luật SOPA (Stop Online Piracy Act - chống vi phạm bản quyền nội dung số) vì sức ép lớn từ cộng đồng mạng lẫn các tập đoàn công nghệ lớn.
Vì thế, Thượng viện Mỹ đã đưa ra một dự luật mới có tên gọi PIPA (Protect IP Act - về sở hữu trí tuệ) với nội dung ít “đụng chạm” hơn đến những người khổng lồ công nghệ nhằm tìm kiếm một khả năng thực thi cao hơn.
Không chỉ có người dân Mỹ mà cộng đồng người sử dụng Internet cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hai dự luật SOPA và PIPA nếu được Quốc hội Mỹ thông qua - Ảnh minh họa từ Internet
SOPA và PIPA, hiểu thế nào cho đúng?
Về cơ bản, cả SOPA lẫn PIPA đều hướng đến việc trao cho bên nắm giữ bản quyền được phép chặn truy cập (thậm chí đóng cửa) các website chứa những nội dung có dấu hiệu vi phạm bản quyền.
Tuy vậy, SOPA và PIPA lại là hai phiên bản khác nhau của một dự luật nhằm chống lại nạn vi phạm bản quyền nội dung số. SOPA được soạn thảo bởi Hạ viện Mỹ, trong khi PIPA lại là một văn bản của Thượng viện.
Khác với SOPA, PIPA không yêu cầu các cỗ máy tìm kiếm như Google hay Bing phải loại bỏ những kết quả liên kết đến một website vi phạm bản quyền có máy chủ bên ngoài nước Mỹ. Trong khi đó, yêu cầu “khắc nghiệt” trên lại chính là điểm gây tranh cãi lớn nhất của dự luật SOPA.
Sự ra đời của PIPA là một bước nhượng bộ của nhà chức trách trước các hãng khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ như Google, Facebook... Tuy nhiên, với người dùng nói riêng và cộng đồng mạng nói chung, sự kiểm duyệt vẫn còn đó, đồng nghĩa với việc họ vẫn phải tiếp tục đấu tranh để ngăn chặn SOPA lẫn PIPA.
Internet sẽ vỡ vụn vì hai dự luật trên?
"Nếu Thượng viện Mỹ thông qua dự luật PIPA, bên cạnh việc chống lại nạn xâm hại bản quyền, mặt trái của dự luật này sẽ mở ra một tương lai đen tối với Internet toàn cầu. Nó sẽ gây hại cho cơ sở hạ tầng của Internet, cản trở sự phát triển của thế giới ảo và biến đây trở thành một môi trường đầu tư quá nhiều rủi ro" - Andrew Couts, cây bút công nghệ của trang DigitalTrends, nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng hai dự luật trên ra đời với mục đích làm lợi cho những bên nắm giữ bản quyền nội dung số.
Nếu dự luật này được thông qua, các công ty trên có toàn quyền cô lập mọi truy cập đến những website có dấu hiệu vi phạm. Các cá nhân cũng có thể đệ đơn lên cơ quan hữu trách để bảo vệ tài sản từ chất xám của mình.
Tuy vậy, theo Marvin Ammori, một chuyên gia về Internet và luật học tại Stanford, SOPA lẫn PIPA rất dễ bị lạm dụng. Bởi lẽ, trên một số website như YouTube, Facebook, người dùng rất hay đăng tải những sản phẩm do tự mình làm ra, và thường gặp nhiều thủ tục phiền phức nếu có ý định xác minh bản quyền những nội dung trên với nhà cung cấp dịch vụ.
Và nếu một bên khác cũng nắm giữ “một bản sao chép” của nội dung trên và “nhanh tay” xác nhận bản quyền với nhà cung cấp dịch vụ thì tác giả thực sự kia sẽ gặp rắc rối lớn về pháp lý.
Chưa hết, cũng với những website hay mạng xã hội như Facebook ,Twitter… nội dung phần lớn do hàng triệu người dùng đóng góp. Việc vi phạm bản quyền là điều không thể tránh khỏi. Vậy các nhà mạng sẽ chặn truy cập như thế nào nếu hai dự luật trên thành hiện thực?    
"Phong trào tắt điện"
Trước nguy cơ bị xâm hại về quyền tự do trên Internet, cộng đồng mạng đang tích cực tham gia phong trào “tắt điện” để phản đối hai dự luật của Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Phản đối SOPA, ngày 18-1 Wikipedia đã đóng cửa trong vòng 24 giờ - Ảnh chụp màn hình
Mở đầu cho phong trào này là Wikipedia với quyết định đóng cửa trang bách khoa toàn trực tuyến này trong vòng 24 giờ đồng hồ. Jimmy Wales - nhà sáng lập Wikipedia và chủ tịch quỹ hỗ trợ Wikimedia tỏ ra hài hước khi kêu gọi trên Twitter rằng các sinh viên nên cố gắng hoàn thành bài tập sớm vì Wikipedia sẽ đóng cửa vào thứ tư để phản đối một “dự luật tồi”.
Một trong hàng ngàn website hưởng ứng phong trào tắt điện "cứu rỗi" Internet - Ảnh chụp màn hình
Ngay sau đó, một phong trào “tắt điện” đã nhanh chóng lan rộng trên Internet. Tính đến thời điểm hiện tại, website Sopastrike.com đã huy động được hơn 7.000 website tham gia phong trào này bằng cách thay đổi giao diện trang chủ website thành màu đen và đăng nội dung phản đối SOPA để "cứu rỗi" Internet.
Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, các chủ website muốn hưởng ứng phong trào trên cũng đã chia sẻ cho nhau những đoạn HTML hoặc những plug-in giúp việc “tắt điện” có thể thực hiện dễ dàng và nhanh chóng.
Tạm thời, chúng ta vẫn chưa thể biết được số phận của thế giới Internet sẽ được định đoạt ra sao. Câu trả lời sẽ có khi PIPA được mang ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ vào ngày 24-1 tới. Hãy thường xuyên theo dõi Nhịp sống số (nhipsongso.tuoitre.vn) để cập nhật những diễn biến mới nhất về sự kiện này.
DUY KỲ ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét