Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

NETFLIX 'GÂY CHUYỆN' VỚI CÁC CÔNG TY VPN

Bùi Lê Duy
(PCWorldVN) Sau khi mở rộng gần như cho mọi thành phố trên thế giới, Netflix gần như rơi vào thế nguy hiểm vì nội dung của họ chưa mấy quen thuộc với người xem toàn cầu.
Hồi đầu tháng 1/2016, Netflix mở rộng dịch vụ của họ đến 130 quốc gia mới, trong đó có Việt Nam nhưng lại chưa vào được Trung Quốc. Nhưng ngay sau đó, Netflix lại đưa ra một tin gây sốc khác là họ sẽ chặn VPN hoặc máy chủ proxy để nhận biết vị trí địa lý của người dùng, nghĩa là có đến hàng triệu người dùng quốc tế đang sử dụng kỹ thuật “qua mặt” này.
Rõ ràng, nội dung Netflix “gốc” tại Mỹ khác với nội dung mà Netflix đưa ra cho từng khu vực khác, như Nam Mỹ, Ba Lan, Anh Quốc, Canada, khu vực Đông Nam Á… mà điều đáng nói là nội dung “gốc” ở Mỹ nhiều hơn so với nội dung mà Netflix phát hành ra quốc tế. Cho dù Hollywood luôn kêu ca chuyện vi phạm bản quyền ngoài Mỹ nhưng với người dùng quốc tế, họ vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra cho Netflix và cả cho các dịch vụ VPN để có được IP tại Mỹ.
Netflix đang triển khai kế hoạch chặn người dùng quốc tế không xem được nội dung Netflix gốc tại Mỹ.
Netflix nói không. Trong vài tuần nữa, họ sẽ triển khai đồng bộ, hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật để chặn mọi proxy VPN, chỉ để chứng tỏ cho các studio và mạng truyền hình thấy rằng họ tuân thủ luật bản quyền, bảo vệ nội dung theo khu vực. Người dùng quốc tế phản ứng và các nhà cung cấp dịch vụ VPN đang chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thực tế, vài nhà cung cấp dịch vụ đã chạy quảng cáo rằng dịch vụ của họ xem Netflix phiên bản Mỹ rất tốt. Có vẻ như Netflix cũng sẽ mạnh tay với những công ty đưa ra quảng cáo như vậy. Nhưng chắc chắn một điều rằng người dùng quốc tế vẫn sẽ tìm được cách khác để qua mặt Netflix một lần nữa. Trò chơi mèo vờn chuột lúc nào cũng xảy ra.
Điều quan trọng hơn đối với Netflix là khách hàng quốc tế mới là yếu tố tiềm năng cho Netflix phát triển. Các nhà đầu tư đang dò xét chiến lược của Netflix, nhất là trong vài ngày tới hãng phải công bố báo cáo tài chính của quý. Câu hỏi lớn mà có thể các nhà đầu tư đặt ra không phải là Netflix có thực sự xuất hiện ở 190 quốc gia hay chưa, mà là 190 quốc gia đó có được cùng một loại nội dung như nhau hay không.
Tuy vậy, chiến lược chặn VPN vẫn chưa có gì chắc chắn. Có người vẫn truy cập VPN để xem Netflix Mỹ được, nhưng có người lại không. Theo một chuyên gia về các công nghệ proxy, nếu sử dụng VPN chuẩn, với từ 1-10 máy chủ thì Netflix có thể dễ dàng lần theo địa chỉ IP và chặn, nhưng nếu nhiều hơn thì rất khó. Hoặc Netflix có thể dựa trên tính ổn định IP của người dùng: nếu nhận thấy một người dùng mỗi lần xem Netflix với mỗi IP khác nhau, xa nhau thì Netflix cũng có thể dễ dàng khẳng định ngay người dùng ấy sử dụng VPN.
Không phải đây là trường hợp đầu tiên. Trước Netflix, Hulu cố chặn người dùng bên ngoài Mỹ sử dụng VPN và proxy hồi năm 2014. Nhưng Hulu đã thất bại vì các nhà cung cấp dịch vụ VPN đã tìm cách qua mặt được Hulu. Do đó, rất có thể Netflix cũng sẽ phải đương đầu với nhiều kỹ thuật vượt mặt của các nhà cung cấp dịch vụ VPN. Như một số công ty VPN cho biết họ rất tự tin cho rằng nếu Netflix chặn IP của họ, họ có thể thay thế IP máy chủ. Còn nếu Netflix chặn hoàn toàn hệ thống mạng thì họ lại có thể thay thế một hệ thống mạng khác, cho dù có mất vài ngày hay vài tuần chăng nữa.
Người xem quốc tế luôn muốn có được ba loại nội dung trên Netflix: phim gốc của Netflix, phim truyền hình dài tập, và phim Hollywood. Còn Netflix lại muốn một dịch vụ truyền hình trực tuyến phủ toàn cầu đúng nghĩa. Một điều đảm bảo cho Netflix đạt được mục tiêu đó là số lượng người đăng ký. Netflix muốn nhiều người đăng ký, họ phải có được thứ mà người đăng ký muốn.
Nhưng đến nay, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng Internet không có biên giới thì rõ ràng nội dung không phải muốn đi đâu thì đi, và Netflix đang tạo ra biên giới ấy. Phim ảnh lâu nay vẫn còn mang tính vùng địa lý, khiến nhiều studio và mạng phân phối đều dựa theo yếu tố này để đưa ra các chiến lược kinh doanh và giá cả. Netflix đang có cơ hội phá vỡ điều ấy nhưng họ lại quay trở lại với cách phân vùng theo khu vực.

 http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/2016/01/1246388/netflix-gay-chuyen-voi-cac-cong-ty-vpn/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+articles%2Fcong-nghe+%28PCWorldVN+-+C%C3%B4ng+ngh%E1%BB%87%29&utm_content=Netvibes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét