Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

5 LÝ DO NÊN NÂNG CẤP BO MẠCH CHỦ MÁY TÍNH

Huy Thắng 

(PCWorldVN) Bo mạch chủ là một trong những yếu tố quan trọng nhất của hệ thống máy tính, do đó việc nâng cấp thiết bị này sẽ giúp tận dụng tối đa hiệu suất của những thành phần phần cứng khác.
Có thể nói rằng bo mạch chủ (mainboard) là nền tảng để xây dựng nên một hệ thống máy tính hoàn chỉnh. Khi xây dựng một cấu hình máy tính mới hoặc khi lên kế hoạch nâng cấp cho máy tính cũ, nhiều người thường bắt đầu từ bo mạch chủ vì phần cứng này có tương quan trực tiếp đến những lựa chọn khác là bộ xử lý, card đồ họa, RAM và thậm chí cả thùng máy.
Bên cạnh đó, bo mạch chủ cũng được xem là phần cứng có độ phức tạp cao nhất với những thông số kỹ thuật rối rắm, khó hiểu.
Thông thường, người dùng máy tính khi muốn thực hiện nâng cấp nhanh máy tính trước tiên thường hay chọn giải pháp tăng RAM hoặc chuyển từ ổ cứng HDD sang dùng ổ lưu trữ SSD. Nhưng một khi đã thử qua hết các tùy chọn nâng cấp này mà vẫn không cải thiện được hiệu năng hệ thống một cách rõ rệt, có thể đây là lúc bạn nên bắt tay vào việc xem xét đến những giải pháp nâng cấp mạnh mẽ hơn chẳng hạn như nâng cấp bo mạch chủ. Việc nâng cấp bo mạch chủ mới cũng sẽ mở ra một loạt các lựa chọn thay thế khác, giúp cho chiếc máy tính cũ của bạn trở nên mạnh mẽ hơn để phục vụ cho nhu cầu làm việc và giải trí hàng ngày.
Hỗ trợ CPU mới nhất
CPU và mainboard là bộ đôi quan trọng nhất trong máy tính.
Giả sử bạn đang sở hữu một bộ máy tính sử dụng bộ xử lý Intel Core i5 hay Core i7 đời đầu nhưng lại muốn trải nghiệm hiệu năng vượt trội của thế hệ bộ xử lý Skylake mới nhất của Intel.Để làm được điều đó, bạn sẽ phải có một hệ thống máy tính trang bị bo mạch chủ tương thích. Bo mạch chủ và CPU được xem là cặp đôi quan trọng hàng đầu trong các thành phần linh kiện phần cứng máy tính. Hai bộ phận này phải hoàn toàn tương thích với nhau mới có thể phát huy tối đa hiệu suất hệ thống. Do đó, để tránh phạm lỗi thông thường khi lắp đặt máy tính là chọn linh kiện không tương thích với nhau thì trước khi mua bạn nên tham khảo kỹ thông số của bo mạch chủ hỗ trợ những loại CPU nào.
Cho phép gắn RAM nhanh hơn
Bo mạch chủ mới sẽ cho phép gắn các loại RAM mới.
Việc nâng cấp lên phiên bản RAM mới hơn đòi hỏi bo mạch chủ hỗ trợ những mô-đun bộ nhớ RAM mới. Ví dụ, nếu đang sử dụng RAM DDR2, có thể bạn cần phải thực hiện chuyển sang DDR3 hoặc DDR4 để tăng hiệu suất hệ thống. Khi nâng cấp bo mạch chủ thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải nâng cấp lên bộ nhớ RAM mới nhất, vì hầu hết các model bo mạch chủ đời mới hiện nay đều không còn hỗ trợ RAM DDR2. Về mặt kỹ thuật, bộ nhớ RAM càng nhiều thì máy tính của bạn có thể mở cùng lúc nhiều ứng dụng mà không bị chậm.Nhìn chung, việc thêm nhiều RAM cũng có thể làm cho một số ứng dụng chạy tốt hơn.
Tương thích card đồ họa mạnh nhất
Game thủ hay biên tập viên video, hình ảnh luôn cần đến card đồ họa mạnh mẽ.
Nếu là một người đam mê công nghệ, thích chơi game hay làm công việc biên tập video và hình ảnh chất lượng cao, có thể bạn phải cần sử dụng những model card đồ họa mới nhất và mạnh nhất. Một bo mạch chủ và CPU đời mới kết hợp với một card đồ họa trang bị GPU hiệu suất cao hơn sẽ làm cho hệ thống máy tính của bạn giống như một cỗ máy hoàn toàn khác. Game sẽ chạy nhanh hơn, ít bị lag và bạn có thể tận hưởng những tựa game hạng nặng mới ngay trên chiếc máy tính của mình.Bên cạnh đó, việc biên tập hình ảnh và video sẽ hiệu quả hơn, thời gian dựng hình nhanh hơn và bạn có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu không phải là game thủ và chỉ là một người thường sử dụng Internet, tốt nhất là bạn nên chọn cách nâng cấp bộ nhớ RAM hoặc ổ SSD và có thể bỏ qua việc nâng cấp GPU.
Tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn
Bo mạch chủ mới hỗ trợ các công nghệ giao tiếp mới nhất.
Nếu công việc của bạn đòi hỏi phải thường xuyên sao chép những tập tin dung lượng lớn, có lẽ lúc đó bạn mới thấy được sự tiện dụng của các chuẩn giao tiếp SATA-3 gắn trong hoặc USB 3.0 gắn ngoài. Và dĩ nhiên, những công nghệ này chỉ có mặt trên các model bo mạch chủ đời mới được sản xuất trong vòng vài năm gần đây.Về lý thuyết, SATA-3 có tốc độ truyền dữ liệu tối đa 6Gbps, nhanh hơn gấp đôi so với chuẩn SATA-2 trước đó. Trong khi đó, công nghệ USB 3.0 cung cấp tốc độ 5Gbps và nhanh hơn đến 10 lần so với chuẩn USB 2.0. Cả hai giao tiếp mới này đều đủ nhanh để bạn có thể chép các tập tin phim HD, hình ảnh chất lượng cao hay dữ liệu cá nhân khác.
Thay thế bo mạch chủ cũ bị hư một số thành phần
Nên chọn giải pháp nâng cấp nếu mainboard gặp tình trạng hỏng một số thành phần quan trọng.
Bo mạch chủ bị hư một số thành phần là vấn đề không thường xuyên xảy ra nhưng đôi khi sẽ gây nhiều khó khăn cho người dùng. Chân cắm bị gãy, đầu cung cấp nguồn bị ngắt kết nối, cháy tụ điện và các vấn đề khác đều sẽ khiến bạn phải mang ra cửa hàng để sửa chữa. Trường hợp xấu nhất khi ngay cả những người thợ chuyên nghiệp cũng không thể cứu vãn được thì có lẽ đã đến lúc bạn phải mua bo mạch chủ mới để thay thế. Hãy nhớ rằng, việc nâng cấp bo mạch chủ và CPU là những giải pháp nâng cấp đắt đỏ nhất mà bạn phải thực hiện cho bộ máy tính hiện tại của mình. Nếu không tự tin vào khả năng của mình khi lên kế hoạch nâng cấp các thành phần phần cứng nhằm mang lại sự tương thích một cách chính xác nhất, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của những người am hiểu kỹ thuật hoặc lựa chọn một dịch vụ cài đặt chuyên nghiệp khi thực hiện.



http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/cong-nghe/2016/01/1246404/5-ly-do-nen-nang-cap-bo-mach-chu-may-tinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét