MÁY TÍNH LƯỢNG TỬ LÀ GÌ VÀ CON NGƯỜI ĐÃ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ NÀY ĐẾN ĐÂU?
Máy tính lượng tử
hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong thế giới kỹ thuật số. Tuy
nhiên, con người sẽ khai thác năng lượng từ cơ học lượng tử như thế nào?
Đó còn là câu hỏi không chỉ dành cho các bạn mà còn là mối quan tâm của
các nhà nghiên cứu và hãng sản xuất máy tính. Vật thật sự thì máy tính
lượng tử là gì và công nghệ này đã phát triển tới đâu? Bài viết này sẽ
chia sẻ với các bạn một số thông tin nhằm trả lời cho các thắc mắc nói
trên.
Điện toán lượng tử là gì?
Các hệ vật thể lượng tử có thể tồn tại tại nhiều trạng thái khác nhau
cùng một lúc và được gọi là trạng thái chồng chập lẫn nhau. Ý tưởng máy
tính lượng tử được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1980 bởi nhà toán học
người Đức gốc Nga Yuri Manin bằng cách sử dụng các hiệu ứng chồng chập
và vướng víu lượng tử để thực hiện các tính toán trên dữ liệu đưa vào.
Khác với máy tính kỹ thuật số dựa trên tranzitor đòi hỏi cần phải mã hóa
dữ liệu thành các chữ số nhị phân, mỗi số được gán cho 1 trong 2 trạng
thái nhất định là 0 hoặc 1, tính toán lượng tử sử dụng các bit lượng tử ở
trong trạng thái chồng chập để tính toán. Điều này có nghĩa là 1 bit
lượng tử (đơn vị cơ bản của thông tin trong điện toán, viết tắt là
qubit) có thể có giá trị 0 và 1 ở cùng 1 thời điểm.
Việc đánh giá giá trị của qubit được thể hiện qua thí nghiệm đồng xu của
David Deutsch và Richard Jozsa, hai nhà tiên phong trong lĩnh vực tính
toán lượng tử. Thông thường, để xem hai mặt của một đồng xu ta phải lật
nó lại. Như vậy là mất hai bước. Trong khi đó, Deutsch và Jozsa dùng
tính toán lượng tử để cùng lúc xem cả hai mặt của một đồng xu (giả
tưởng) sau khi nó được tung lên. Một qubit sẽ là sự kết hợp bình quân
giữa mặt sấp và mặt ngửa.
Về mặt lý thuyết, một máy tính có nhiều qubit có khả năng xử lý một
lượng tác vụ vô cùng lớn như tính toán số học hoặc thực hiện tìm kiếm
trong cơ sở dữ liệu cực lớn trong thời gian nhanh hơn nhiều so với các
máy tính thông thường. Một máy tính lượng tử còn có thể giải quyết cực
nhanh những vấn đề phức tạp mà các siêu máy tính hiện nay dù mất hàng
triệu năm vẫn không tìm ra được lời giải đáp.
Thậm chí, một máy tính lượng tử có khả năng giải được các vấn đề phức
tạp nhanh hơn so với máy tính cổ điển sử dụng thuật toán tốt nhất hiện
nay, điển hình như thuật toán Shor để phân tích số tự nhiên thành số
nguyên tố hoặc thuật toán Simon.
Đã có ai chế tạo ra máy tính lượng tử hay chưa?
Trên thực tế, nhiều phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đã chế tạo ra
các thiết bị có khả năng thực hiện các phép tính lượng tử trên một số
nhỏ qubit. Tuy nhiên, thậm chí các nhà nghiên cứu đã mất một thời gian
dài mà vẫn chưa tạo ra được các thiết bị mạnh tương đương máy tính bỏ
túi. Thành công ấn tượng nhất là phân tích số 21 ra thành 2 thừa số là 7
và 3.
Và rồi vào năm 2007, công ty D-Wave tại Canada đã công bố chiếc máy tính
lượng tử đầu tiên có khả năng thương mại hóa đầu tiên mang tên D-Wave
One. Theo mô tả từ D-Wave thì đây là cỗ máy tính lượng tử sử dụng tiến
trình "phép tôi luyện lượng tử" với hệ thống 128 qubits. Số qubit này
phân thành 16 ngăn, mỗi ngăn 8 qbits và được tạo ra bởi các vòng siêu
dẫn.
Tiếp theo, D-Wave cho ra đời phiên bản thứ 2 của máy tính lượng tử mang
tên D-Wave 2. Đó là một chiếc hộp đen cao 3 mét, bên trong chứa con chip
máy tính niobium được làm lạnh ở -273 độ C. Theo lý thuyết, D-Wave có
khả năng giải quyết được những vấn đề mà các siêu máy tính phải mất vài
thế kỷ mới làm được trên nhiều lĩnh vực, từ mật mã tới công nghệ nano,
từ dược phẩm tới trí thông minh nhân tạo.
D-Wave có rất ít các khách hàng do tính rủi ro của dự án và cái giá quá
đắt: từ 10 đến 15 triệu đô la. Chủ yếu chỉ có những tổ chức chính phủ,
quốc phòng,... nhằm tiến hành thực nghiệm lẫn nghiên cứu lý thuyết. Theo
báo cáo thì gần đây Google cũng đã bắt tay với
NASA nhằm thực hiện nghiên cứu điện toán lượng tử bằng cỗ máy D-Wave.
Vậy D-Wave đã được sử dụng như thế nào?
Hãng D-Wave mô tả đó là một cỗ máy hoạt động theo phương pháp lượng tử
và có thể thực hiện tính toán. Dù vậy, các nhà nghiên cứu trên thế giới
vẫn chưa tìm ra cách vận dụng cỗ máy D-Wave vào công tác thực tiễn
nghiên cứu. Nhà
khoa học
Matthias Troyer tại Viện khoa học công nghệ Zurich, Thụy Sĩ cho biết:
"Không ai biết D-Wave có thật sự là máy tính lượng tử? Đây thật sự là
một dự án đầy rủi ro và có tính lý thuyết hơn là thực tế. Nếu có ai đó
đưa ra một minh chứng rõ ràng, đó thật sự là một bước đột phá tuyệt
vời."
Từ hồi đầu năm nay, Troyer đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu nhằm kiểm
chứng cỗ máy D-Wave 2 tại tập đoàn công nghệ Google. Và kết quả cuối
cùng khá đáng thất vọng là không hề có sự tăng tốc lượng tử diễn ra bên
trong D-Wave 2. Bên cạnh đó, chưa có ai có thể sử dụng D-Wave để thực
hiện tính toán cụ thể như các máy tính cổ điển. Để thực hiện điều này
cần phải phát triển một thuật toán lượng tử đặc biệt với cấu trúc hoàn
toàn khác so với phần mềm máy tính thông thường. Bên cạnh đó, các bài
kiểm tra vẫn chưa chứng minh được ưu thế vượt trội của việc tăng tốc
lượng tử so với các máy tính thông thường.
Do đó, cho tới hiện tại, cỗ máy trên chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu
nhằm tiếp tục phát triển lý thuyết hơn là được sử dụng thực tiễn. Chưa
có ai biết được thuyết tăng tốc lượng tử sẽ được dịch sang các hành động
trong thế giới thực bằng cách nào. Hiện tại, cả phương diện thực nghiệm
và nghiên cứu lý thuyết đều đã và đang được triển khai thực hiện bởi
các tổ chức có sở hữu máy tính lượng tử.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm chứng máy tính D-Wave như thế nào?
Các bài kiểm tra được đặt ra dựa trên ưu thế của máy tính lượng tử so
với máy tính thông thường. Điển hình như là vấn đề phân tích độ cao thấp
của cảnh quan có nhiều đồi núi. Theo cách phân tích của máy tính thông
thường sẽ kiểm tra toàn bộ các ngọn núi, sau đó so sánh và chọn ra ngọn
núi thấp nhất. Quá trình này sẽ mất thời gian khá lâu. Trong khi đó, máy
tính lượng tử chọn một cách rất riêng được ví như là "tạo một đường
hầm" nhằm tìm ra được ngọn núi thấp nhất và dĩ nhiên, quá trình thực
hiện vô cùng nhanh chóng.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các thử nghiệm chưa đủ khó khăn để so sánh ưu
thế vượt trội của máy tính lượng tử so với máy tính thông thường. Điều
này đã tạo nên sự nghi ngờ rằng hoặc D-Wave chưa đủ điều kiện để trở
thành máy tính lượng tử, hoặc con người chưa tạo ra được các bài kiểm
tra nhằm "ép" D-Wave hoạt động hết công suất.
Vadim Smelyanskiy, nhà khoa học tại phòng thí nghiệm điện toán lượng tử
và trí tuệ nhân tạo của NASA cho biết: "Cỗ máy D-Wave vẫn chỉ là sử dụng
nguồn lực truyền thống thay vì ứng dụng cơ học lượng tử để thực hiện
tính toán." Từ trước đến nay, NASA đã hợp tác với Google nhằm thực hiện
nghiên cứu ngay trên cỗ máy D-Wave. Phía hãng D-Wave tuyên bố rằng các
thử nghiệm được đưa ra vẫn còn quá dễ dàng đối với cỗ máy của họ và cần
phải có một bài kiểm tra nào đủ độ khó mới có thể chứng minh được sức
mạnh của nó.
Vậy đã có giải pháp nào cho cuộc tranh cãi trên?
Cho tới hiện tại, Smelyanskiy là nhà nghiên cứu cho dự án hợp tác nghiên
cứu điện toán lượng tử do NASA và Google hợp tác thực hiện. Smelyanskiy
cho biết rằng dự án vẫn chưa đạt được thành tựu đột phá và vẫn cần ít
nhất là từ 15 đến 25 năm nữa để chứng minh cỗ máy trên thật sự "lượng
tử". Ông chia sẻ rằng việc so sánh cũng tương tự như đi tìm sự khác nhau
của máy tính cơ học do Charles Babbage chế tạo hồi thế kỷ 19 so với các
máy tính mạnh mẽ ngày nay vậy.
Nói một cách đơn giản là phải thử sử dụng một thứ gì đó đòi hỏi sức mạnh
xử lý vô cùng lớn và thực hiện trên cả 2 cỗ máy nhằm phân định khả năng
của chúng. Tại thời điểm hiện tại, D-Wave vẫn là một cỗ máy mà chúng ta
chưa biết được hết khả năng của nó. Nếu làm sáng tỏ được vấn đề này sẽ
tạo ra được một kết quả hết sức ấn tượng. Đây có thể coi như một cuộc
cách mạng thay đổi nền văn minh kỹ thuật số của nhân loại.
Vậy khi nào thì chúng ta mới có thể sở hữu máy tính lượng tử để phục vụ cho nhu cầu cá nhân?
Nhà nghiên cứu Smelyanskiy đã trả lời cho câu hỏi này rằng: "Cho dù máy
tính lượng tử trong tương lai sẽ biến đổi như thế nào cũng đừng mong đợi
sở hữu một sản phẩm cho riêng mình. Đây sẽ là một thiết bị chuyên dụng
nhằm giải quyết các vấn đề vô cùng phức tạp và quan trọng của loài người
hơn là thực hiện những việc giống như máy tính truyền thống, laptop hay
iPhone. Máy tính lượng tử không phải là thứ đặt trên bàn làm việc ở mỗi
gia đình trong tương lai."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét