Hôm nay là ngày Surface Book bán chính thức, và nhân dịp đó mời bạn theo dõi câu chuyện về sự ra đời của thiết bị này. Chúng ta sẽ được nghe Panos Panay, phó chủ tịch chịu trách nhiệm về mọi thiết bị của Microsoft, giải thích về lý do mà ông nghĩ đến Surface Book, lý do vì sao ông chọn làm máy cao cấp, suy nghĩ về đối thủ Apple, những khó khăn trong quá trình thiết kế sản phẩm, cũng như cách mà Microsoft giữ bí mật về khả năng tách làm hai phần của máy. Câu chuyện khá thú vị, qua đó chúng ta vừa hiểu hơn cách mà một thiết bị cao cấp được tạo ra, cũng như những đam mê và tham vọng mà Microsoft đặt vào chiếc Surface Book.
Trăn trở về một chiếc laptop tối thượng
Một đêm vào khoảng 2 năm trước, Panos Panay không thể ngủ được. Chuyện này xảy ra nhiều lần rồi, ông chợt thức giấc giữa đêm với những suy nghĩ ngổn ngang trong đầu. Panay nhảy xuống giường, cầm cây bút Surface Pen và chiếc Surface Mini cũ của ông để tự viết cho mình một bức thư (sẵn cho bạn nào chưa biết, Surface Mini đã được Microsoft thử nghiệm nhưng chưa bao từng giới thiệu ra cho mọi người biết).
Những lần thức giấc giữa đêm như thế này lại là những lúc Panay trở nên sáng tạo nhất trong ngày, và có một hôm ông nghĩ về một chiếc máy tính di động. Một ngày trước đó, ông đã dẫn đầu một cuộc đánh giá với nhiệm vụ tạo cho Microsoft một chiếc "laptop tối thượng". Nhóm chịu trách nhiệm cho sản phẩm này đã thống nhất chọn tên Surface Book cho nó, và họ cũng đồng tình rằng máy phải rất mỏng, rất nhẹ, hoạt động mát mẻ nhưng vẫn phải chạy nhanh. Nó sẽ là một cái laptop tuyệt vời.
Trong suốt buổi đánh giá, Panay đã không biết bao nhiêu lần nói không với các nguyên mẫu và các bài thuyết trình. Và bây giờ, trong đêm khuya tĩnh lặng, ông viết cho chính mình một bức thư nói về tiền đồ của Surface, và rằng họ không thể chỉ đơn giản là một chiếc laptop bình thường. "Nó sẽ không mang lại sự tiến hóa nào. Nó sẽ không thể cho mọi người thấy tiềm năng và hướng đi tương lai của laptop".
Panos Panay trong phòng thí nghiệm của nhóm Surface
Panay năm nay 43 tuổi, ông là phó chủ tịch cấp cao chịu trách nhiệm về tất cả mọi thiết bị của Microsoft. Trong đó bao gồm cả webcam, tai nghe, Xbox, và hàng triệu những con chuột hay bàn phím mà công ty bán ra mỗi năm. Và dự án gần đây nhất của ông chính là Surface.
Surrface là nỗ lực của Microsoft nhằm giành lại một phần trong thị trường PC vốn đang bị chiếm lĩnh bởi MacBook. Nhưng không chỉ có thể, theo Panay thì Surface còn đóng vai trò "phát minh lại một lần nữa" thị trường máy tính di động. Nếu Surface không thể làm cho Microsoft cảm thấy tự hào khi họ làm ra thì nó chẳng có tác dụng gì về việc "phát minh lại một lần nữa" cả. Microsoft hiện đang bị bỏ lại phía sau, và những người như Panay chính là thứ mà Microsoft dùng để có thể bắt kịp với thị trường, và cũng là một trong những lý do mà Panay cố gắng hết sức để tạo ra Surface Book.
Rồi cụm từ "phát minh lại một lần nữa" đã được Panay nói với nhóm của mình, ông thậm chí còn đặt nó thành mục tiêu cho dự án. Họ đã dành tận 2 năm thiết kế, thử nghiệm, tinh chỉnh trước khi ra một chiếc Surface Book như chúng ta thấy ngày hôm nay. Nó là một sản phẩm kết tinh từ kinh nghiệm của Microsoft trong việc sản xuất những thiết bị Surface, và cũng từ sự quan sát của công ty khi Apple đang "ăn" mất một miếng bánh trong thị trường.
Đây cũng là một hành động rất thường thấy ở thung lũng Silicon: một nhóm nhỏ những con người sáng tạo ngồi lại với nhau, họ làm quên ngày đêm để tinh chỉnh cái này, hoàn thiện cái kia và họ chỉ dừng lại khi nào tạo ra được một sản phẩm hoàn hảo. Microsoft cũng thế, và để đuổi kịp Apple, Microsoft đã học từ Apple.
Nhập cuộc muộn
Hầu hết thời gian trong lịch sử phát triển của Microsoft, hãng không làm máy tính. Thực chất, điều đó không cần thiết, vì đằng nào thì sản phẩm Microsoft cũng xuất hiện trên hầu hết mọi cỗ máy trên thế giới rồi. Nhưng trong một thập kỉ qua, người dùng bắt đầu đòi hỏi một trải nghiệm tích hợp tốt hơn giữa phần mềm với phần cứng. Họ muốn một chiếc máy tính được thiết kế riêng cho phần mềm của họ, và phần mềm đó phải làm cho phần cứng trở nên tốt hơn. Apple kiểm soát cả cứng và mềm, từ đó tạo ra một trải nghiệm mà Microsoft không thể sánh bằng.
Khi ra mắt hồi năm 2012, Windows 8 hứa hẹn sẽ mở rộng cho một loạt thiết bị mới, và Microsoft sẽ làm ra cái ngon nhất trong số đó. Panay và nhóm của mình đã từng giả làm "thường dân" và đi vào các cửa hàng máy tính để hỏi nhân viên ở đó xem họ nên mua laptop nào. Đã có lần ông hỏi thăm về việc mua máy cho mùa khai trường. Những người nhân viên cửa hàng luôn hỏi ngược lại: Anh sẽ làm gì với nó? Với một số công việc nhất định thì chiếc tablet sẽ là ứng viên hoàn hảo, còn một số khác thì phải có laptop mới làm tốt. Nhưng vì sao phải tách ra? Panay nghĩ rằng việc kết hợp cả hai lại với nhau có thể giúp kiếm được nhiều tiền. Và thế là ông bắt đầu làm Surface.
Tuy nhiên, những chiếc Surface đời đầu không được đón nhận nồng nhiệt. Chúng không bán tốt, và thậm chí Microsoft đã phải chịu một khoản lỗ lên tới 900 triệu USD vì lượng Surface tồn kho. Nhưng Panay không bỏ cuộc. Khi Surface Pro 3 ra mắt năm 2014, thông điệp marketing đã thay đổi. Khẩu hiệu chính của Surface sẽ là "một chiếc tablet có thể thay thế laptop của bạn", và Microsoft đã nhắm đến đối thủ chính là MacBook Air chứ không còn là iPad nữa. Kết quả? Doanh số, mức độ hài lòng và tất nhiên là lợi nhuận đều tăng trưởng cực kì tốt.
Và nhóm Surface không dừng lại ở đó. "Tôi liên tục nghĩ về những thiết bị cao cấp, và nhìn thẳng vào Apple như là đối thủ". Ông biết cách để dụ người ta đừng mua MacBook Air, nhưng làm thế nào chiến với MacBook Pro? Nhóm của ông đã nói chuyện với rất nhiều người về lý do vì sao họ thích chiếc máy tính của mình, ghi chú lại và hình thành ra những ý tưởng cho một thiết bị Surface kế tiếp. Ngoài ra, rất nhiều người đã liên tục hỏi Panay: "Khi nào thì anh làm laptop?" Cuối cùng, ông quyết định: OK, chúng ta sẽ làm một cái laptop. Cái khó bây giờ làm làm như thế nào và làm sao để nó thật sự mới mẻ.
Thiết kế
Building 87 là một tòa nhà màu xám nằm trong khuôn viên của trụ sở Microsoft đặt tại thành phố Redmond, Washington. Ngoại thất của tòa nhà này vẫn không có gì thay đổi so với hồi hãng mua lại nó vào năm 2006. Nó có rất ít cửa sổ, và hầu hết đều được che chắn lại. Nhóm Surface được cho làm việc ở đây.
Panay mở một cửa sổ và bước vào một căn phòng sạch sẽ, trong đó chứa đầy các máy tiện CNC, máy cắt bằng thủy lực và rất nhiều những thiết bị khác. Căn phòng này chính là một mô hình thu nhỏ của cơ sở sản xuất ra chiếc Surface Book bên Trung Quốc. Panay chỉ một vòng rồi nói rằng bạn hãy lấy căn phòng rồi nhân lên 100 lần là sẽ ra nhà máy thực tế, và mục đích của ông khi làm ra nó là để nhóm Surface có thể biết được quy trình sản xuất thực tế chiếc máy này sẽ như thế nào.
Và Microsoft không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm nhanh hơn nữa nếu không muốn tiếp tục trì hoãn kế hoạch. Từng ngày một đều rất quan trọng. Khi nhóm bắt đầu nói về nhữn gì họ có thể làm với một chiếc laptop, kế hoạch được lập nên một cách nhanh chóng. Đây phải là một thứ rất đẹp, rất mạnh, rất ấn tượng. "Đó là nền tảng cơ bản", Panay nhớ lại. "Tôi muốn mọi người phải nhìn vào sản phẩm và thốt lên 'Đúng rồi, nó đây. Đây là cái laptop mà tôi muốn'".
Sau khi rời khỏi phòng sản xuất, Panay dẫn phóng viên của trang tin tức Wired đến với studio thiết kế và đứng cạnh một cái bàn dài màu đen. Xung quanh ông, các nhà thiết kế và người làm mô hình đang lặng lẽ hoàn tất công việc của họ. Ông đặt một trong những bản mẫu đầu tiên của Surface Book trước mặt mình. Nó chỉ là hai mảnh bìa cứng được ghép lại với chữ Surface dán trên đó. Chấm hết. Rồi ông cho mọi người xem tiếp về các nguyên mẫu tiếp theo, trong đó có nhiều nguyên mẫu về bản lề, khớp nối, dock bàn phím... Bạn có thể xem thêm ở bài viết Surface Book: câu chuyện từ mảnh bìa cứng trở thành một thiết bị đặc biệt.
"Đa nhân cách"
Chúng ta có thể tưởng tượng về Surface Book như là một chiếc Surface Pro được lật người lại: nó hầu hết vẫn là một cái laptop, và với một số người thì họ có thể dùng chức năng tablet của nó khi họ muốn. Đó là suy nghĩ được hình thành trong đầu Panay từ những ngày đầu. Nó không phải là một cái tablet - và đây là điều quan trọng. Panay gọi phần màn hình của Surface Book bằng chữ "clipboard" chứ không phải là máy tính bảng, và bạn chỉ cầm nó lên cho một số nhu cầu nhất định mà thôi. Có thể bạn đang muốn khoa một thiết kế mới mình vừa nghĩ ra cho đồng nghiệp. Có thể bạn muốn đọc báo trên giường. Surface Book hoàn toàn có thể làm những chuyện đó, và làm rất tốt, nhưng nó vẫn phải là một cái laptop.
Đã có lúc nhóm Surface phải quay lại bản vẽ của mình vì yêu cầu tạo ra một chiếc máy lai. Họ cần làm ra một cái laptop đẹp, hỗ trợ cả bút và cảm ứng, cấu hình khủng, và phải có thêm chế độ tablet? Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng việc đó là không thể xảy ra, chuyện phi lý! "Nếu bạn đặt một cái tablet nặng khoảng vài trăm gram lên trên, bạn sẽ cần đến một chân đế nặng hơn như thế để giữ thăng bằng". Khi đó, phần đế sẽ trở nên nặng nề, và chắc chắn là sẽ chẳng ai chịu bỏ tiền ra mua cái laptop đó cả - trừ khi nó có thể làm được những thứ điên rồi, ví dụ như phần đế tự kéo rộng ra khi bạn mở bản lề chằng hạn. Chuyện đó sẽ không bao giờ có thể xảy ra, nhưng mà khoan...
Nhóm lập tức nghĩ lại về ý tưởng hình giọt nước mà họ từng phác thảo ra, và nó có thể là mấu chốt của vấn đề. Khi bạn mở bản lề, phần đế sẽ mở rộng theo để giúp cân bằng chiếc máy lại. "Nó trở nên ổn định hơn", Panay nói, và kiểu thiết kế này cũng giúp giảm đi hàng trăm gram trọng lượng của phần đế chứ không còn nặng như những việc gạch, vốn là vấn đề của các nguyên mẫu Surface Book đầu tiên.
Khi nhóm biết cách làm cho laptop tự đứng vững thì họ bắt đầu nghĩ đến chuyện làm sao để tách phần màn hình ra khỏi phần đế một cách dễ dàng. "Phải làm cho nó thật dễ, phải tạo được sự tự tin ở người dùng." Panay nói. "Bạn sẽ không muốn làm bẽ mặt một người rất thích thiết bị của họ nhưng lại không thể tháo nó ra". Ngoài ra, phần màn hình cũng cần phải dính chặt vào đế và chúng chỉ tách ra khi nào bạn muốn mà thôi.
Trong quá trình nghĩ ra giải pháp để giúp việc tháo lắp Surface Book được dễ dàng, Microsoft đã cân nhắc nhiều cách khác nhau, từ đòn bẩy, nam châm cho đến hệ thống thủy lực. Cuối cùng, họ chọn một hợp kim mang tên Nitinol, còn được gọi là muscle wire. Đặc điểm của loạt vật liệu này là nó có một "bộ nhớ cơ bắp" và sẽ tự thắt lại khi bạn đưa điện hoặc lực vào.
Microsoft đã chế tạo ra một nguyên mẫu của phần đế, và trên đó có một công tắc màu trắng gắn với cục pin. Khi nhấn vào công tắc này, điện sẽ được cấp vào những cái ngàm Nitinol để nó nhả các bảng kim loại của phần clipboard ra. Việc này diễn ra hoàn toàn êm ái, nhưng Microsoft quyết định sẽ dùng phần mềm để phát ra tiếng click nhằm tạo cảm giác an tâm cho người dùng. Đúng, bạn hoàn toàn không đọc nhầm đâu, tiếng click này được phát ra từ loa, không phải từ cơ chế cơ khí!
Trong suốt lúc giới thiệu về quá trình thiết kế Surface Book, Panay liên tục nói rằng ông đã nói không với nhiều nguyên mẫu. "Có cả nghìn cái lắc đầu chỉ để có được một cái gật đầu."
Đôi lúc nói không rất dễ, nhưng cũng có những lúc nói không rất khó. Đã có một số nhân viên Microsoft lên nói về ý tưởng của họ: Sẽ ra sao nếu trượt ngón tay ở cái khất mở màn hình để tháo phần clipboard? Sẽ ra sao nếu có một dải đèn LED nhỏ màu xanh lá sáng lên để báo cho người dùng biết rằng họ đã có thể tháo clipboard? Nghe có vẻ khá hấp dẫn, và mọi người đều có thể tưởng tượng ra nó sẽ hoạt động như thế nào.
Để cho một dải đèn LED sáng xuyên qua vỏ magnesium là chuyện khó, nhưng Microsoft đã làm được. Làm cho hợp kim magnesium cảm nhận được ngón tay cũng là chuyện khó, nhưng Microsoft cũng làm được. Panay chia sẻ: "Chúng tôi thật sự đã làm được những ý tưởng này, nhưng đó lại là một giải pháp sai lầm". Bạn sẽ phải làm đi làm lại rất nhiều lần để mở máy, và lòng bàn tay của bạn có thể sẽ bị đụng nhầm vào đó. "Ý tưởng rất tuyệt cho quảng cáo, nhưng lại không tốt cho một sản phẩm thực tế".
Sau nhiều lần bàn luận, nhóm quyết định sẽ dùng một phím nhấn nằm ở góc trên bên phải của bàn phím. Bạn nhấn giữ vào nó khoảng 1 giây để mở, và lý do cho thời gian kéo dài này là để tránh nhấn nhầm có thể làm rớt máy. Dù vậy, thao tác này vẫn rất đơn giản và một đứa trẻ 5 tuổi cũng được làm được. Panay thật sự đã đem Surface Book cho một số trẻ 5 tuổi thử nghiệm rồi.
Một chiếc laptop, nhưng còn hơn cả một cái laptop
Chiếc Surface Book đã trải qua rất nhiều nguyên mẫu trong hơn 2 năm rưỡi qua, và mãi tới cách đây 9 tháng thì nhóm Surface mới đem nó ra ngoài cho một vài người trong công ty xem. Dịp đó là khi Panay được yêu cầu cho các nhân viên cấp cao của Microsoft xem dự án mà ông đang làm là gì. Những quan chức lớn ngồi trong phòng, có cả CEO Satya Nadella, đều trầm trồ khen ngợi và bày tỏ sự ngạc nhiên trước sản phẩm này.
Nhưng khi đưa mọi người xem thì Panay vẫn nói đây là một cái laptop, ông cho họ thấy phần bản lề, bàn phím, màn hình. Rồi có người nhìn vào Surface Book và nói rằng cái máy này đáng từng đồng bỏ ra, nhưng phần màn hình cũng không bao giờ được gỡ xuống. "Không quan trọng tôi làm màn demo gì, không quan trọng tôi đang gặp đối tác bán lẻ nào, không một ai được thấy nó với phần trên được gỡ ra cả". Nhóm Surface thậm chí còn gỡ hẳn phím tháo clipboard ra để không ai đụng vào. "Không ai ngoài những nhân viên Microsoft và một số người thân trong gia đình thật sự thấy phần màn hình của Surface Book được gỡ ra mãi cho đến khoảng 1 tháng trước khi ra mắt".
Panay nói thêm rằng Surface Book không phải là cái đầu tiên trên thị trường, kể cả tablet, laptop cao cấp hay máy lai. Tuy nhiên, nó lại là kết quả của ông, nhóm ông và những gì Microsoft đã học được trong 5 năm qua: về cách làm màn hình cảm ứng, bút, bàn phím, trackpad, về thất bại sẽ như thế nào, và một tầm nhìn đủ lớn để khoản lỗ 900 triệu USD không làm bạn chùng bước.
Ngày hôm nay Surface Book bắt đầu bán chính thức, và theo lời Panay thì lượng đơn đặt hàng mà hãng nhận được đang tăng nhanh hơn những gì họ có thể làm ra. Thế nên công ty ông đang cố gắng tăng gia sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Ông nói rõ rằng Surface Book rất quan trọng với việc kinh doanh của Microsoft, nhất là sau thành công của Surface Pro 3 và 4.
Nguồn: Wired
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét