Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

ỨNG DỤNG ANDROID CHO VIỆC ĐI HỌC: TÌM XE BUÝT, TỪ ĐIỂN, THỜI KHÓA BIỂU, MÁY TÍNH, GHI CHÚ...

Tinhte_ung_dung_Android_di_hoc_HEADER.
Những ứng dụng mà mình đề cập trong bài này sẽ giúp các bạn học sinh, sinh viên học tập, đi lại một cách dễ dàng hơn, trải dài trên nhiều thể loại khác nhau: app dò đường đi bằng xe buýt, phần mềm từ điển, app xem file Office, có cả những công cụ ghi chú và nhắc nhở mà chính bản thân mình cũng đang dùng cho việc học. Thực chất thì 3 năm trước mình cũng có một bài giống vầy rồi, nhưng mọi thứ đã thay đổi nhiều, nhiều app không còn hoạt động nữa, một số khác thì có thứ ngon hơn để dùng. Mời mọi người xem và tải về thử, tất cả đều miễn phí, và nếu bạn có app nào khác hữu ích thì xin mời đóng góp luôn nhé.

Xem thêm: Ứng dụng iOS dành cho việc học tập

BusMap - xem và tìm đường đi bằng xe buýt

Ứng dụng này hiện hỗ trợ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với dữ liệu lấy trực tiếp từ sở giao thông vận tải. Tính năng chính của app bao gồm tìm trạm xe buýt, xem thời gian chờ xe theo thời gian thực, tìm cách đi từ điểm A đến B bằng buýt và xem lộ trình dự kiến. Mình có tra thử vài địa điểm thì thấy khá tiện, lại hỗ trợ dữ liệu đầy đủ nên sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn nào thường xuyên dùng buýt để đi học, đi chơi hoặc đi thực tập. Tính năng xem thời gian chờ xe thì tiện khi cần canh giờ để chạy ra cho kịp chuyến.

Tải app BusMap cho TP.HCM
Tải app BusMap cho Hà Nội

Tim_xe_buyt.

Ứng dụng từ điển

Mình dùng hai ứng dụng từ điển là T7 Viet Dictionary và Laban Dictionary. Hai app này đều hỗ trợ dịch từ Việt sang Anh lẫn Anh sang Việt với giao diện đơn giản, trực quan và nhất là hỗ trợ dịch offline không cần mạng. Riêng Laban Dictionary thì dùng dữ liệu được biên soạn dựa trên từ điển Anh -Việt của Giáo sư Lê Khả Kế và có thêm chức năng dịch Anh sang Việt bằng camera. Tất nhiên, cả hai đều miễn phí và có giao diện hiện đại chứ không bị cũ kĩ như nhiều app từ điển tiếng Việt khác.

Tải về T7 Viet Dictionary
Tải về Laban Dictionary

Tu_dien.

KingSoft Office - ứng dụng chỉnh sửa tài liệu

Android cũng có Microsoft Office, có điều nó yêu cầu phải có mua gói cước Office 365 thì mới cho phép chỉnh sửa tài liệu nâng cao (còn tạo mới file, chỉnh sửa cơ bản vẫn được). Nếu không có Office 365 trong tay, bạn có thể nghĩ đến KingSoft Office, cũng là một bộ ứng dụng văn phòng hỗ trợ đầy đủ trình chỉnh sửa văn bản (giống Word), bảng tính (Excel) lẫn slide thuyết trình (PowerPoint) nhưng lại hoàn toàn miễn phí. KingSoft Office tích hợp với Dropbox nên bạn có thể lưu tài liệu của mình lên dịch vụ này, vào giảng đường có Wi-Fi thì mở ra xem trên điện thoại, tablet. Nếu có chỉnh sửa gì thì cũng được lưu trực tiếp vào file nằm trên Dropbox luôn chứ không cần phải download rồi lại upload thủ công.

Ghi chú: đăng nhập tài khoản Dropbox vào KingSoft Office để được tặng 10GB miễn phí trong 3 tháng. Còn vì sao nên dùng Dropbox để lưu tài liệu, bài học thì mời xem bài viết: Chia sẻ kinh nghiệm chọn và sử dụng hiệu quả các dịch vụ đám mây.

Tải về KingSoft Office dành cho Android

WPS_Office.

Quản lý thời khóa biểu

Cả Studious và TimeTable đều là hai phần mềm quản lý thời khóa biểu, đặc biệt hữu dụng cho bạn sinh viên nào học theo tín chỉ và có quyền tự chọn giờ học. Bạn có thể sắp xếp lịch học cho từng môn, ghi chú hôm đó ai dạy và học ở phòng nào, gán bài kiểm tra hoặc bài về nhà cho từng môn. Một môn có thể diễn ra nhiều lần trong tuần, chẳng hạn như buổi đầu là học lý thuyết, buổi sau dạy thực hành, và bạn cũng được quyền quản lý chuyện này. Giao diện của app cũng được thiết kế trực quan để bạn vừa chạy lên là biết mình sắp học môn gì ở đâu, các môn lại được đánh dấu theo màu nên nhìn vào là biết ngay.

Tải về Studious dành cho Android
Tải về TimeTable dành cho Android

Thoi_khoa_bieu.

Calcu

Đi học thì không thể thiếu máy tính, dù cho đó là tính toán cơ bản trong lớp hay chỉ đơn giản là chia tiền nước với mấy thằng bạn. So với app máy tính mặc định, mình thích Calcu ở chỗ nó có thêm nhiều phép tính khoa học nâng cao, đồng thời hỗ trợ lưu lại lịch sử tính toán. Nếu bạn xoay ngang màn hình thì giao diện Calcu cũng đổi theo để tận dụng phần diện tích rộng rãi một cách tốt hơn. Cuối cùng, giao diện app đẹp và vẫn đơn giản, và mình thì thích cái đẹp nên thích Calcu!

Tải về Calcu dành cho Android

May_tinh.

Evernote, Google Keep, Wunderlist - ghi chú, nhắc việc

Evernote là ứng dụng ghi chú "đồ sộ" và có rất nhiều tính năng nâng cao. Thậm chí bạn ghi cả bài học vào, in đậm in nghiêng đổi font chữ chèn hình ảnh đều chấp hết. Trong khi đó, Google Keep thì nhắm đến sự đơn giản, đúng nghĩa ghi chú và là ghi chú, ngắn gọn, súc tích, nhưng vẫn không thiếu những tính năng nâng cao như chèn ảnh, tạo danh sách dạng checklist. Cả hai đều miễn phí, đều đồng bộ lên mạng nên bạn không lo bị mất dữ liệu trong trường hợp điện thoại hay tablet bị hỏng. Bạn cứ cài hết cả hai và thử dùng xem, thích cái nào thì giữa lại cái đó. Evernote và Keep cũng có bản cho máy tính nên ghi chú tạo trên máy tính có thể đồng bộ sang điện thoại để xem.

Tải về Evernote dành cho Android
Tải về Google Keep dành cho Android

Wunderlist thì hơi khác một chút, nó là app tạo danh sách việc cần làm. Ví dụ, bạn có thể soạn một danh sách những thứ cần chuẩn bị trước một kì kiểm tra, những thứ cần mang theo cho chuyến đi chơi xa với lớp, hay chỉ đơn giản là những món bạn muốn tặng bồ. Wunderlist đơn giản, dễ dùng, miễn phí, hỗ trợ phân nhóm một cách hiệu quả, lại có thể chia sẻ dữ liệu với nhiều người dùng khác (tiện khi cần phân việc cho những đồ án nhóm).

Tải về Wunderlist dành cho Android

Evernote_Google_Keep_Wunderlist.
Từ trái sang: Evernote, Keep, Wunderlist

Feedly - đọc tin nhanh lúc nghỉ giữa giờ

Trong giờ nghỉ giải lao mình thường hay đọc tin tức chơi, vừa để cập nhật "tình hình chiến sự" vừa tránh lãng phí thời gian. Feedly là app rất thích hợp để làm chuyện đó vì nó đơn giản, dễ dùng, lại tập hợp nhiều nguồn tin lại trong một phần mềm duy nhất để xem nhanh hơn so với việc phải mở từng website riêng lẻ. Feedly cũng có phiên bản nền web dùng cho máy tính nữa, và đặc biệt là hỗ trợ đồng bộ những nguồn tin yêu thích nên nếu bạn có dùng 2, 3 thiết bị thì sẽ không phải add nguồn tin lại cho từng máy. Tất nhiên, Feedly hỗ trợ rất nhiều trang, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, và bạn cũng có thể dùng link RSS để add nguồn tin thủ công nếu trang web của bạn không nằm trong cơ sở dữ liệu của Feedly.

Tải về Feedly dành cho Android

Feedly.

AutoCAD 360

Bạn nào học kiến trúc hay kĩ sư thì chắc hẳn sẽ thích app này. AutoCAD 360 cho phép bạn mở các file DWG 2D và 3D của mình lên xem hoặc chỉnh sửa sơ bộ, tiện khi cần mang cho khách hàng hay bạn bè coi mà không phải xách theo cả cái máy tính. Nếu bạn bỏ tiền thì bạn sẽ thêm một số tính năng nâng cao như tạo bản vẽ mới, kết nối với tài khoản đám mây, hỗ trợ file lớn, công cụ quản lý layer nâng cao...

Tải về ứng dụng AutoCAD 360 dành cho Android

https://www.tinhte.vn/threads/ung-dung-android-cho-viec-di-hoc-tim-xe-buyt-tu-dien-thoi-khoa-bieu-may-tinh-ghi-chu.2497841/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét