Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

ANDROID M: THAY ĐỔI NHỎ, ẢNH HƯỞNG LỚN

[​IMG] ​Hồi năm ngoái Google đã ra mắt Android 5.0 với rất nhiều điểm mới về cả giao diện lẫn hiệu ăng, đồng thời mang nền tảng của mình lên đồng hồ, xe hơi cũng như TV. Còn trong năm nay, với Android M, Google tập trung vào việc cải thiện để hệ điều hành di động của hãng trở nên tốt hơn, chạy ổn định hơn, đồng thời khiến nó dễ sử dụng hơn với người dùng. Hay nói cách khác, những thay đổi này chỉ nhỏ thôi, nhưng ảnh hưởng mà chúng mang lại thì không nhỏ chút nào.

1. Now on Tap - để bé thông minh hơn

Mục tiêu của Google với Android M đó là giúp hệ điều hành làm được nhiều việc hơn mà không gây rối cho người dùng. Và để thực hiện tham vọng đó, thay vì bổ sung hàng loạt chế độ hay tính năng mới, Google lại chọn cách làm cho Android trở nên thông minh hơn bằng công cụ “Now On Tap”.

Đây thực chất là một tính năng mở rộng cho Google Now. Nếu như trước đây Now chỉ hiện diện trong một giao diện độc lập thì giờ đây nó có thể dùng cho mọi ứng dụng, kể cả những app bên thứ ba. Lúc đang nhắn tin với bạn bè về một nhà hàng mới mở, bạn có thể gọi Now lên để hiển thị cho bạn những thông tin liên quan như đánh giá của mọi người ra sao, đường đi đến đó thế nào, ngoài ra bạn còn có thêm các nút để gọi điện cũng như đặt bàn online. Tất cả mọi thứ diễn ra mà không cần người dùng nhập lại tên nhà hàng, cũng chẳng cần ra lệnh gì phức tạp. Mọi thứ trên màn hình sẽ được Now tự động phân tích một cách thông minh.



Aparna Chennapragada, giám đốc kĩ thuật sản phẩm của Google, nói về Now On Tap như sau: “Bạn có thể nghĩ về nó như việc copy và paste thông minh”. Thay vì bạn tự copy thông tin, mở trình duyệt rồi paste nó thủ công, giờ đây Now sẽ làm việc đó cho bạn. Thứ mà bạn cần làm chỉ đơn giản là nhấn giữ vào nút Home mà thôi, mọi chuyện còn lại đã có Now lo liệu.

Để có được thành quả như ngày hôm nay không phải là chuyện một sớm một chiều. Trong suốt 3 năm ra mắt và vận hành, Now đã liên tục học hỏi từ người dùng cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu ngày càng phong phú. Trước đây Now chỉ sử dụng dữ liệu địa điểm, danh bạ, hộp thư và một vài thứ xung quanh bạn để đưa ra những thông tin mà bạn muốn biết. Còn trong năm nay, Now đã trở nên khôn ngoan hơn, hiểu biết hơn và giỏi giang hơn.

2. Kĩ thuật machine learning và sự thông minh của Now

Còn với phó chủ tịch Sundar Pichai, việc ra mắt Now on Tap trong Android M thì chỉ đơn giản là một phần trong sứ mệnh cốt lõi mà Google đã theo đuổi kể từ ngày đầu hoạt động: tổ chức, sắp xếp lại thông tin của người dùng một cách có hiệu quả. Ông nói thêm rằng người dùng thiết bị di động cần thông tin nhanh hơn trong khi phải thao tác ít hơn, thế là Google tận dụng khả năng machine learning của mình làm điều đó.

Kĩ thuật machine learning đã được Google đổ rất nhiều tiền để nghiên cứu và phát triển trong những năm quá. Nó liên quan đến việc hiểu về ngữ cảnh của người dùng, cũng như xây dựng khả năng đọc thông tin từ một hình ảnh nào đó. Trước đây machine learning đã được áp dụng cho Google+ Photos để tìm kiếm ảnh có chứa một đối tượng nhất định như chó, mèo, người, bãi biển… Còn trong Now on Tap, kĩ thuật này được xài để đọc chữ trên màn hình.

Android_M_thay_doi_nho_anh_huong_lon_2.

Sundar chia sẻ thêm: “Người ta muốn làm mọi thứ một cách nhanh chóng, và họ cũng muốn việc đó trở nên dễ dàng hơn. Thế nên chúng tôi đi trước một bước và hỗ trợ người dùng ở những chỗ mà chúng tôi có thể giúp”. Và Now On Tap chính là sự trợ giúp đó.

Thông minh là thế, nhưng máy móc càng thông minh thì càng đáng sợ. Google giờ đây có thể biết được những thứ mà bạn làm trong những dịch vụ không phải do hãng vận hàng, hay trong những app không phải do Google viết ra. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư với một số người dùng.

Để giải quyết chuyện này, giám đốc Chennapragada cho biết: trước hết, Now on Tap chỉ là một dịch vụ tùy chọn, cũng như Google Now vậy. Bạn có thể vô hiệu hóa nó đi nếu không thích hoặc nếu bạn lo lắng về việc Google sẽ thấy được dữ liệu nhạy cảm của mình. Thứ hai, Now on Tap sẽ chỉ tìm kiếm thông tin khi bạn yêu cầu mà thôi chứ không liên tục theo dõi bạn. Cuối cùng và không kém phần quan trọng, đó là “Google không lưu trữ lại những dự liệu đó. Chúng tôi hủy chúng đi”.

Việc hãng cấu trúc Now on Tap thành một lớp riêng so với hệ điều hành cũng là một động thái cho thấy công ty không muốn gặp nhiều rắc rối pháp lý khi hãng triển khai tính năng mới này cùng với Android M vào quý 3 năm nay.

Nói tóm lại, nếu như trên máy tính người ta dựa vào các ô tìm kiếm để tra thông tin thì trong thời buổi di động ngày nay, thứ mà chúng ta cần chỉ là một người trợ lý ảo thông minh như Now on Tap mà thôi. Mọi thứ sẽ diễn ra nhanh hơn, dễ hơn, thông minh hơn. Khi đó, điện thoại của bạn không chỉ là một thứ trên Internet, nó là một phần không thể tách rời trong thế giới Internet hiện đại.

3. Trải nghiệm người dùng - mối quan tâm hàng đầu

Hiroshi Lockheimer, phó chủ tịch chịu trách nhiệm về mảng kĩ thuật của Android, nói về Android M như sau: “Thứ mà chúng tôi tập trung trên M là trải nghiệm cốt lõi và chúng tôi muốn làm mọi thứ để cải thiện nó.”

Đầu tiên phải kể đến khả năng tùy biến permisson (quyền truy cập) của các app mà bạn đã cài vào Android M. Tính đến thời điểm hiện tại nếu bạn muốn cài một app từ Play Store, bạn sẽ phải đồng ý cho app truy cập đầy đủ vào mọi thành phần hệ thống mà nó yêu cầu, nếu không thì chia tay, thậm chí bạn còn không download được ứng dụng về máy nữa. Còn với M, bạn có thể cài app trước rồi tắt bật từng permisson một. Đây là cách tiếp cận giống với iOS và Windows Phone, và cũng là thứ mà Google nên đưa ra từ lâu.

Ngoài ra, app sẽ hỏi người dùng về quyền truy cập trong những tình huống cần thiết. Ví dụ, khi đang chat bằng WhatsApp thì mọi thứ diễn ra bình thường. Nhưng khi bạn cần gọi điện thì WhatsApp khi đó hỏi bạn có muốn cho nó truy cập vào microphone hay không. Tương tự, khi bạn sử dụng một app camera bên thứ ba, nó sẽ hỏi bạn quyền truy cập vào máy ảnh và bạn hoàn toàn có quyền từ chối nếu không muốn.

Android_M_thay_doi_nho_anh_huong_lon_3.

Khả năng thay đổi menu chia sẻ thông minh cũng là một điểm đáng khen của Android M. Nếu như bạn thường hay gửi ảnh cho một người nào đó trên WhatsApp, một icon sẽ xuất hiện để bạn làm điều đó ngay lập tức chứ không còn phải chọn ứng dụng rồi chọn người nhận thủ công như hiện nay.

4. Cải thiện thời lượng pin

Và rồi chúng ta có Doze. Đây là một thuật toán mới dùng cho việc quản lý pin. Android sẽ ghi nhận nhiều dữ liệu khác nhau để biết liệu bạn đang có sử dụng máy một cách tích cực hay bạn chỉ đang để máy ở chế độ nghỉ. Nếu Doze phát hiện ra chiếc smartphone của bạn chỉ đơn giản là đang đặt trên bàn khi bạn vô quán cà phê, nó sẽ tắt đi các app tiêu hao nhiều năng lượng, đồng thời hạn chế việc sử dụng mạng để kéo dài thời gian sử dụng pin. Khi bạn đi ngủ thì Doze cũng sẽ thực hiện những hành động tương tự, trong khi vẫn đảm bảo rằng bạn vẫn nhận được các thông báo quan trọng.

Nói cách khác, Doze sẽ giúp tăng thời lượng pin cho thiết bị Android M trong khi người dùng chẳng cần biết đến nó. Và đây chính là một cách tuyệt vời để tăng trải nghiệm người dùng thay vì buộc họ phải mày mò đến những chế độ tiết kiệm pin phức tạp.

Android_M_thay_doi_nho_anh_huong_lon_1.

Thực chất thì cách tiếp cận này cũng không mới. iOS của Apple từ lâu đã áp dụng một số quy tắc để hạn chế việc tiêu hao tài nguyên của các app chạy ngầm. Doze cũng đi theo hướng này, nhưng thay vì áp dụng những quy tắc nghiêm khắc thì Google sẽ xài các thuật toán thông minh để Doze trở nên linh hoạt hơn.

Vẫn chưa rõ là Doze sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được bao nhiêu % pin so với bình thường, nhưng Lockheimer có nói rằng “mục tiêu nội bộ” của công ty về chuyện này hiện “khá là táo bạo”.

5. Android Pay - đơn giản hóa việc thanh toán di động

Thực chất đây không phải là một tính năng của riêng Android M. Nó là một phần mềm có thể dễ dàng tải về từ Google Play, miễn là bạn đang sở hữu một cái điện thoại Android 4.4 trở lên và có kết nối NFC. Pali Bhat, giám đốc sản phẩm của Android Pay, cho hay là hiện 7/10 chiếc smartphone Android ở Mỹ đã sẵn sàng để dùng phương thức thanh toán mới này. Và Android Pay không chỉ cho phép thanh toán ở cửa hàng, bạn còn có thể xài nó trong các app bên thứ ba nữa.

Cũng tương tự như Apple Pay, Android Pay sử dụng cơ chế xác thực đã được tiêu chuẩn của các tổ chức thẻ, dịch vụ này sẽ không đưa số thẻ của bạn cho các cửa hàng mà tạo ra một tài khoản ảo để thanh toán. Trong trường hợp điện thoại bị mất, bạn chỉ cần khóa nó từ xa hay đặt mật khẩu là đủ. Nếu kẻ gian cố tình cài lại thì toàn bộ dữ liệu thanh toán cá nhân sẽ bị mất.


Android Pay hoạt động cũng rất đơn giản, bạn chỉ việc mở khóa điện thoại (Android M hỗ trợ vân tay từ gốc nên còn tuyệt hơn nữa), đặt nó lên máy thanh toán là xong, chúng ta không cần phải mở một ứng dụng nào lên cả. Khi thành công thì thông báo xác thực sẽ hiện lên hệ thống. Và tuyệt vời hơn nữa, ở một số hệ thống được hỗ trợ, thông tin người dùng, các chương trình khách hàng thân thiết và giảm giá đặc biệt sẽ được tự động kích hoạt mà bạn không cần đưa ra bất cứ thẻ khách hàng hay mã code nào cả.

Về phần mua trong ứng dụng, Google sẽ làm việc với các công ty xử lý thanh toán như Braintree, CyberSource, First Data, Stripe và Vantiv để tích hợp thanh toán với Android Pay vào dễ dàng nhất có thể. Khi một trang web hay ứng dụng nào đó hỗ trợ, thay vì phải nhập tay thẻ tín dụng thì bạn chỉ việc bấm Buy with Android Pay là xong, máy sẽ xử lý toàn bộ phần còn lại.

6. Kết

Trong những tuần trước khi Google I/O diễn ra, Google đã nói về Android M với những cụm từ chung chung như “tăng cường trải nghiệm cốt lõi” hay “tập trung vào sự xuất sắc của sản phẩm”. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy Google còn muốn làm hơn thế: hãng muốn chiếc điện thoại của chúng ta phải thông minh, thời lượng pin dài hơn, việc sử dụng dễ dàng hơn, và ngay cả việc thanh toán di động cũng phải được đơn giản hóa. Chính những thay đổi tuy nhỏ mà lớn này sẽ đưa Android tiếp tục tiến về phía trước, và cũng góp phần giúp Google chạm đến nhiều người dùng hơn trong tương lai.

Tham khảo: The Verge
 

https://www.tinhte.vn/threads/android-m-thay-doi-nho-anh-huong-lon.2466349/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét