Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

[NGHIÊN CỨU] NÃO ĐÓNG VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH ĐỐI VỚI CON NGƯỜI TRONG THỜI KHẮC SINH TỬ

Tinhte-can-tu.

Trước giờ người ta cho rằng quả tim đóng vai trò quyết định ở thời khắc con người sắp qua đời. Khi tim ngừng đập, máu ngừng chảy thì toàn bộ cơ thể con người sẽ dần dần ngưng hoạt động. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới vừa công bố đã phủ nhận quan điểm đó và cho rằng: chính não mới là bộ phận quyết định chi phối con người tại thời khắc sinh tử ấy. Nghiên cứu được thực hiện bởi các bác sĩ thần kinh học tại Đại học y khoa Michigan và kết quả được đăng tải trên tạp chí PNAS mới đây.

Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động của não chuột trong thời điểm trước khi chết do thiếu oxy. Họ phát hiện ra rằng não bộ của chúng đã gởi một làn sóng tín hiệu cực mạnh tới tim khiến cho cơ quan này bị thiệt hại không thể nào phục hồi, cuối cùng là tim phải ngừng hoạt động. Khi các nhà nghiên cứu chặn tín hiệu đó lại, tim vẫn còn sống lâu hơn. Từ đó, họ cho rằng nếu quá trình tương tự xảy ra trên cơ thể người, chúng ta có thể ngăn chặn tín hiệu "báo tử" này truyền từ não xuống, giúp tim có thể tiếp tục sống.

Đồng tác giả của nghiên cứu, bác sĩ thần kinh học Jimo Borjigin tại Đại học Y khoa Michigan cho biết: "Con người thường tập trung vào tim, nghĩ rằng nếu bạn có thể cứu tim, bạn sẽ cứu được não. Nhưng thật ra bạn phỉa tách loại hóa chất kết nối giữa tim và não nhằm cứu tim." Ông cho rằng phát hiện đáng ngạc nhiên này có thể hoàn toàn trái ngược với quy trình cấp cứu hiện nay. Theo hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, mỗi năm, có hơn 400.000 người Mỹ bị ngừng tim và ngay cả được cấp cứu thì chỉ có khoảng 10% có thể sống sót và xuất viện.

Do đó, các nhà nghiên cứu luôn đặt ra câu hỏi: Tại sao trái tim của một người đang khỏe mạnh, lại đột ngột ngừng hoạt động chỉ vì thiếu oxy trong vài phút. Người ta đã biết được rằng khi tim một người ngừng đập, họ sẽ bị mất ý thức và không thấy sinh hiệu, nhưng não vẫn tiếp tục hoạt động. Trong một nghiên cứu được công bố trên PNAS hồi năm 2013, chính bác sĩ Borjigin và các đồng nghiệp đã phát hiện rằng tại thời điểm tim chết, nó đang "ngập chìm" trong tín hiệu gởi từ não xuống, có thể đó là nỗ lực sau cùng của não để cứu tim. Bác sĩ Borjigin cho rằng có thể chính các tín hiệu này đã dẫn tới "trải nghiệm cận tử" ở một số người đã trải qua và kể lại.

Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã làm tim của một số cá thể chuột ngừng đập bằng cách ngắt nguồn cung cấp oxy. Khi đó, họ liên tục theo dõi hoạt động của não bằng điện não đồ (EEG) và đồng thời cũng quan sát hoạt động của tim bằng điện tâm đồ (ECG) trong suốt thời khắc cái chết diễn ra. Cùng lúc đó, các nhà khoa học cũng đo lường các hóa chất truyền tín hiệu được não dùng để truyền đạt tín hiệu tới tim. Dưới đây là quá trình do nhóm ghi nhận được.

Ban đầu, nhịp tim của chuột tuột dốc nhanh chóng. Nhưng ngay sau đó, hoạt động của não trở nên cực kỳ mạnh mẽ để cố gắng đồng bộ hóa với hoạt động của tim. Bằng cách sử dụng công nghệ đo lường hoàn toàn mới, nhóm nghiên cứu đã đo nhịp tim của chuột với độ chính xác cực cao, từng nhịp một. Ngay khi tim và não được đồng bộ hoạt động, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự xuất hiện của hàng chục tín hiệu thần kinh như dopamine (tạo cảm giác vui sướng), và norepinephrin (kích thích sự tỉnh táo). "Cơn lũ tín hiệu này" có thể giải thích vì sao một số người may mắn vượt qua thời điểm cận tử đã kể lại rằng họ cảm thấy "thực hơn cả thực" (realer than real).

Đối với loài chuột, hoạt động của não và tim sẽ tiếp tục được đồng bộ cho tới khi tim bước vào trạng thái rung thất (ventricular fibrillation) - (bình thường thì nốt xoan nhĩ phát nhịp cho tim, khi rung thất xảy ra thì các tế bào cơ tim tại thất tự phát nhịp khiến cản trở quá trình bơm máu bình thường.) và kết quả là tử vong. Nhưng khi các nhà nghiên cứu ngăn chặn cơn lũ tín hiệu từ não tới tim (thao tác trên tủy sống), trạng thái rung thất cũng bị trì hoãn lại. Kết quả là những con chuột này sẽ tiếp tục sống trong 3 lần nguy kịch tiếp theo.

Tất nhiên, tất cả các thí nghiệm trên đây đều được thực hiện trên loài chuột. Borjigin chia sẻ rằng điều này có đúng đối với người hay không là một câu hỏi triệu đô chưa thể trả lời. Nếu các nhà nghiên cứu có thể tìm được một cách dùng thuốc để "cắt đứt" kết nối giữa não và tim mà không can thiệp vào tủy sống, họ có thể dùng loại thuốc này để cấp cứu cho những bệnh nhân ngừng tim. Điều này hứa hẹn được dùng để cấp cứu, cho đội ngũ nhân viên y tế có thêm thời gian để điều trị nhằm cứu sống các bệnh nhân này.

Tham khảo SD, PNAS (1), (2)
 

https://www.tinhte.vn/threads/nghien-cuu-nao-dong-vai-tro-quyet-dinh-doi-voi-con-nguoi-trong-thoi-khac-sinh-tu.2447402/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét