KHI PHONES TRỞ THÀNH SMARTPHONES
Khoảng cách đây gần một thập niên, việc sở hữu một chiếc máy ảnh đã là mơ ước của không ít người và tại thời điểm đó nếu bạn sở hữu một chiếc điện thoại chụp ảnh, ắt hẳn mọi người sẽ không khỏi tò mò và ghen tị với bạn.
Hiện nay, khi công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển, giá thành các sản
phẩm công nghệ cũng phù hợp với hầu hết túi tiền người tiêu dùng hơn,
mọi người đều có cơ hội được tiếp cận và ứng dụng những thiết bị công
nghệ cao vào cuộc sống. Điển hình là việc sở hữu những mẫu điện thoại có
tính năng chụp ảnh không còn là điều quá xa vời trong mắt giới đam mê
công nghệ. Tùy theo nhu cầu sử dụng, khả năng kinh tế, bạn hoàn toàn có
thể sở hữu được một mẫu điện thoại có tính năng chụp ảnh với giá từ bình
dân cho đến cao cấp. Bạn hoàn toàn có thể lưu giữ mọi khoảnh khắc đáng
nhớ ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào chỉ bằng cách lấy điện thoại ra khỏi
túi và bấm…chụp.
Không dừng lại ở một chiếc điện thoại có tính năng chụp hình đơn thuần,
công nghệ phát triển cũng đồng nghĩa các mẫu điện thoại được ra mắt ngày
càng thông minh hơn, thậm chí chúng có hệ điều hành riêng, hỗ trợ người
sử dụng quản lý công việc, luôn giữ kết nối và liên lạc với bạn bè, đối
tác, xóa nhòa dần khoảng cách về không gian, thời gian. Và với hệ điều
hành thông minh, những mẫu điện thoại đơn thuần nay đã được biết đến
nhiều hơn dưới tên gọi mới: “Điện thoại thông minh”.
Được trang bị những tính năng thời thượng như nghe nhạc, chụp hình, hỗ
trợ mở rộng bộ nhớ lưu trữ bằng thẻ nhớ dung lượng lớn… những chiếc điện
thoại thông minh sở hữu hệ điều hành đã mang lại nhiều công cụ hỗ trợ
hữu ích cho người sử dụng. Điển hình trong số đó là những ứng dụng chụp
ảnh kiêm xử lý ảnh. Đối với những người có nhu cầu sử dụng nhanh, tiện,
gọn gàng, những ứng dụng chụp ảnh này thật sự là công cụ hữu ích giúp
người sử dụng cải thiện đáng kể tính thẩm mỹ của những bức ảnh được
chụp. Hầu hết những điện thoại được gọi là “smartphone” trên thị trường
đều hỗ trợ cho phép người sử dụng cài đặt những ứng dụng như vậy lên
điện thoại một cách dễ dàng.
CÁC ỨNG DỤNG CHỤP HÌNH NỔI BẬT
Trong cuộc chạy đua công nghệ, không chỉ những hãng sản xuất điện thoại
ganh đua nhau nâng cấp cấu hình phần cứng cho những smartphones con cưng
của mình mà bên cạnh đó, các nhà phát triển ứng dụng chụp hình cũng
liên tục tung ra nhiều ứng dụng chụp hình khác nhau với hàng loạt tính
năng và hiệu ứng bắt mắt nhằm đáp ứng tối đa đam mê chụp ảnh của một đại bộ phận người sử dụng.
Hiện tại đối với hệ điều hành Android,
những ứng dụng chụp hình kiêm xử lý ảnh xuất hiện khá nhiều trên Google
Play và các diễn đàn Android khắp thế giới. Trong số đó, nhiều ứng dụng
chụp hình tên tuổi như Camera
360, Instagram, CameraMX, Pudding Camera, Retro Camera, v.v… đang được
cộng đồng Android đánh giá rất cao cả về tính năng lẫn độ thân thiện.
Trong bài viết lần này, mình sẽ giới thiệu đến các bạn những hiệu ứng từ
phổ biến cho đến những hiệu ứng lạ mắt mà các ứng dụng chụp hình hiện
nay đang hỗ trợ. Tuy nhiên việc giải thích cụ thể về những ứng dụng này
sẽ không hoàn toàn đồng nhất về nghĩa bởi mỗi ứng dụng có một cách sử
dụng tên gọi khác nhau, chính vì vậy bài viết sẽ tập trung hơn về vấn đề
hiệu quả của những hiệu ứng hình ảnh trong một số trường hợp cụ thể
nhằm giúp các bạn có được cái nhìn khái quát cũng như rút ra được phần
nào kinh nghiệm sử dụng những hiệu ứng này phù hợp với nhu cầu cá nhân
và sở thích.
NHỮNG HIỆU ỨNG PHỔ BIẾN
Enhance trên ứng dụng Camera 360
Là hiệu ứng tăng cường nhanh các thông số cơ bản của ảnh chụp như đô
tương phản, độ bão hòa màu, ánh sáng. Về cơ bản, hiệu ứng này giúp ảnh
chụp trông nổi bật và ấn tượng hơn.
Hiệu ứng Enhance nói chung trên hầu hết các ứng dụng chụp hình thật sự
hiệu quả đối với những ảnh chụp có độ tương phản thấp, với hiệu ứng này,
ảnh chụp được xử lý sẽ cho bạn cảm giác chi tiết rõ ràng hơn, màu sắc
đậm đà và tươi hơn, bắt mắt hơn.
Điểm đặc biệt của hiệu ứng Enhance trên ứng dụng Camera 360 so với những
ứng dụng khác là sau khi lựa chọn hiệu ứng chính, ứng dụng cho phép
người sử dụng lựa chọn nhiều tùy chỉnh cụ thể khác nhau nhằm phù hợp với
từng nhu cầu sử dụng. Chẳng hạn như tùy chỉ tập trung tăng độ tương
phản cho ảnh, tùy chỉnh tăng sáng cho ảnh, tùy chỉnh tăng độ bão hòa màu
cho ảnh và một số tùy chỉnh hữu ích khác.
Tuy nhiên có một lưu ý nhỏ là bạn không nên sử dụng hiệu ứng Enhance đối
với những ảnh chụp bị thiếu sáng, bị noise. Lý do là sau khi hiệu ứng
này tự động tăng độ tương phản và độ bão hòa màu, hiện tượng noise trên
ảnh sẽ xuất hiện rõ hơn và dĩ nhiên là bạn sẽ không muốn bức ảnh chụp
của mình trở nên xấu đi phải không nào?
Hiệu ứng Lomo và trường phái chụp ảnh ngẫu hứng Lomography
Khác với những hiệu ứng chụp hình thông thường khác, Lomo là hiệu ứng mà
cá nhân người viết bài rất thích và thường xuyên sử dụng. Khởi nguồn
của hiệu ứng này xuất phát từ trường phái chụp ảnh ngẫu hứng có tên gọi
là Lomography. Trường phải này đi ngược lại hoàn toàn với những quan
niệm truyền thống về nghệ thuật nhiếp ảnh: “Don’t think, just shot”, có
thể hiểu nôm na là “Đừng suy nghĩ gì cả, hãy cứ chụp thôi!”. Chính vì
điều này, Lomography cũng gắn liền với một số ưu điểm, mà đúng hơn là
khuyết điểm của loại máy ảnh mang tên Lomo. Do được làm từ những chất
liệu rẻ tiền, ống kính đơn giản nên những chiếc máy ảnh này có độ chính
xác quang học không cao. Ảnh chụp thường có độ tương phản cao bất
thường, màu sắc hay bị gắt ở một số gam nhất định và thậm chí máy ảnh
còn bị lọt sáng dẫn đến hiện tượng ảnh chụp thường bị cháy ở một góc
hình. Chính những điều này lại vô tình tạo nên sự khác biệt của
Lomography: ảnh chụp đơn giản nhưng luôn tạo được ấn tượng mạnh và chiều
sâu cho người xem.
Nhằm thỏa mãn trào lưu này trong giới trẻ, hiệu ứng Lomo sớm được các
nhà phát triển tích hợp vào các ứng dụng chụp hình. Hiệu ứng này khiến
ảnh chụp có độ tương phản mạnh, bốn góc ảnh thường tối hơn rõ rệt so với
vùng ảnh trung tâm. Màu sắc thường sặc sỡ hoặc bị ám theo một gám màu
nhất định. Chính vì vùng ảnh trung tâm luôn nổi bật mà cho dù người sử
dụng chụp bất cứ một khuôn hình nào, bức ảnh cũng vẫn luôn tạo được một
chiều sâu nhất định, ảnh luôn mang lại một cảm nhận nào đó với đối tượng
được chụp nằm trong vùng sáng của ảnh. Một số ứng dụng nổi bật hiện nay
hỗ trợ tốt hiệu ứng này là Camera 360, Instagram, Pudding Camera và
Retro Camera.
Hiệu ứng Lomo đúng như tên gọi và nguồn gốc của nó, hiệu ứng này rất phù
hợp với những khuôn hình chụp mang tính ngẫu hứng. Tuy nhiên nếu bạn có
một chút ít kiến thức về nhiếp ảnh, hiệu ứng này sẽ giúp bạn luôn có
được những ảnh chụp ấn tượng! Bạn có thể sử dụng Lomo dành cho những ảnh
chụp có màu sắc nhẹ nhàng, ảnh chụp ngược sáng hoặc dư sáng. Tuy nhiên
bạn cũng không nên lạm dụng hiệu ứng này quá, đặc biệt là với những ảnh
chụp gốc có màu sắc sặc sỡ, bởi hiệu ứng có thể sẽ khiến cho bức ảnh của
bạn trở nên “sặc sỡ quá mức”, lúc này ảnh sẽ không còn được nghệ thuật
như những gì bạn mong đợi.
Ưu điểm của hiệu ứng này trên ứng dụng Camera 360 và Instagram là người
sử dụng được cung cấp khá nhiều sự lựa chọn nhằm ử lý hình ảnh một cách
hợp lý hơn dựa trên ảnh gốc. Với lựa chọn phong phú đó, bạn không phải
lo lắng bất cứ gì khi mà bạn có thể chụp ảnh và sáng tạo một cách ngẫu
hứng nhất vào bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Vậy nên còn chờ gì nữa, bạn
hãy thử ngay hiệu ứng này và chia sẻ với bạn bè những phút giây ngẫu
hứng của mình nhé!
Hiệu ứng dành cho chụp ảnh chân dung
Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, do mỗi một ứng dụng chụp ảnh có cách
đặt tên riêng cho hiệu ứng hình ảnh khác nhau, vì vậy dưới đây là tên
của một số hiệu ứng thông dụng thường xuất hiện ở các ứng dụng chụp hình
phổ biến: Portrait, Magic Skin, Light Color, Stain, v.v…
Hiệu ứng này về cơ bản dành cho mục đích chụp ảnh chân dung. Hầu hết ảnh
được chụp đều được tăng sáng tổng thể, gam màu thường được điều chỉnh
sang tông màu trắng - cam, trắng hồng. Mục đích là giúp màu da của người
mẫu được chụp trông trắng hơn, sáng của hơn và cũng ấm áp hơn. Tuy
nhiên trong một số trường hợp nhất định, bạn vẫn có thể sử dụng hiệu ứng
này để chụp ảnh macro, hiệu quả mà nó mang lại khá là ấn tượng.
Đối với một số ứng dụng như Camera 360, Instagram, Cymera, người sử dụng
ngoài lựa chọn mặc định vẫn sẽ có rất nhiều tùy chọn hiệu ứng khác nhau
khá phong phú.
HDR - High Dynamic Range
Đây là hiệu ứng chuyên sử dụng vào mục đích chụp hình phong cảnh. Hiệu
ứng HDR truyền thống đòi hỏi để có một tấm ảnh HDR, bạn cần phải chụp ít
nhất là hai ảnh với hai giá trị bù trừ sáng (EV) khác nhau, bằng cách
này, các chi tiết trong ảnh đều được giữ lại tối đa ngay cả trong những
hoàn cảnh chụp có độ tương phản cao như môi trường ngược sáng, ngược
nắng, ánh sáng gay gắt. Tuy nhiên đối với hiệu ứng HDR giả lập trong các
ứng dụng chụp hình hiện nay bạn sẽ chỉ cần chụp một hình ảnh duy nhất,
chính vì vậy mà ảnh chụp này không thể tạo được “chất ảnh” HDR đúng
nghĩa và dĩ nhiên là cũng không thể so sánh được với những ảnh chụp từ
các ứng dụng chụp HDR chuyên biệt.
Nhưng như vậy không có nghĩa là hiệu ứng này không có ưu điểm của nó.
Ảnh chụp thông qua hiệu ứng này thường có độ tương phản tốt, màu sắc
tươi tắn, chính vì vậy rất thích hợp để bạn chụp phong cảnh và macro
ngoài trời.
Đối với ứng dụng giả lập hiệu ứng ảnh HDR, Camera 360 hiện là ứng dụng
hỗ trợ cho người sử dụng nhiều tùy chọn nhất, mỗi tùy chọn phù hợp với
nhiều điều kiện ánh sáng cụ thể khác nhau, nhằm đảm ảo người sử dụng có
được sự lựa chọn tối ưu nhất, ưng ý nhất với hình ảnh được xử lý.
Tuy nhiên như đã nói, bạn có thể lựa chọn ứng dụng chụp ảnh HDR chuyên
biệt có tên Pro HDR Camera. Với ứng dụng này, bạn có thể sẽ bất ngờ bởi
khả năng chụp ảnh HDR trên smartphone hiện nay đấy!
Black & White
Có lẽ đây là hiệu ứng phổ biến nhất, hầu hết các ứng dụng hiện nay đều
hỗ trợ hiệu ứng Black & White. Với hiệu ứng này, những tấm hình bạn
chụp đều được chuyển thành ảnh đen trắng. Các ảnh chụp qua xử lý đều
được tăng độ tương phản nhằm thể hiện sử nổi bật của các đối tượng trong
hình rõ ràng hơn.
Đối với hiệu ứng này, bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng trong bất cứ
hoàn cảnh chụp nào. Ảnh sau khi được áp dụng hiệu ứng Black & White
luôn mang lại những cảm giác hoài niệm và sâu lắng. Tuy nhiên điểm hạn
chế của hiệu ứng này là bạn gần như không có bất cứ tùy chọn thay đổi
nào khác ngoài một lựa chọn mặc định duy nhất của ứng dụng chụp hình.
Ứng dụng duy nhất cho bạn một số tùy chọn cơ bản là Camera 360.
Hiệu ứng chụp ảnh cổ xưa
Tên gọi của hiệu ứng này thường được sử dụng như số năm từ thế kỉ 18 - 19 với con số có dạng 18xx hay 19xx.
Ảnh chụp qua hiệu ứng này thường giảm độ bão hòa màu, ảnh được đưa về
gam màu vàng cổ hoặc trắng đen. Một số ứng dụng hỗ trợ cả textures như
vân giấy, bụi, hay vết lem màu hoặc một số vùng trên ảnh sẽ bị xóa bớt
chi tiết. Điều này khiến cho ảnh chụp trở nên cũ kĩ hơn, tựa như hình
được chụp từ cách đây rất lâu.
Đây không phải là một hiệu ứng thật sự đặc biệt, nhưng nó có một sự mê
hoặc riêng đối với những người sử dụng yêu thích sự hoài cổ, gợi nhớ về
kỉ niệm xưa cũ. Điều đặc biệt là bạn có thể sử dụng hiệu ứng này trong
mọi hoàn cảnh.
Retro
Về cơ bản, hiệu ứng này mang lại những hiệu quả hình ảnh có phần giống
với hiệu ứng Lomo, tuy nhiên với Retro, hình ảnh đã qua xử lý cho màu
sắc “đằm” hơn, độ tương phản của ảnh vừa phải, không quá gắt hay có hiện
tượng tối ở bốn góc ảnh như hiệu ứng Lomo.
Hiệu ứng Retro thường mang lại cảm giác ảnh có phần trầm lắng, ảnh
thường đậm màu và tổng thể ảnh thường ám theo một gam màu nhất định tùy
thuộc vào lựa chọn của người sử dụng khi chụp ảnh. Hiệu ứng Retro rất
thích hợp để người sử dụng chụp trong nội thất, ngoải cảnh ngược sáng
hoặc trong những môi trường có độ tương phản về màu sắc và ánh sáng cao.
Một số ứng dụng hiện này hỗ trợ tốt hiệu ứng này gồm có Instagram,
Pudding Camera, Retro Camera, Camera 360, Camera MX và nhiều ứng dụng
khác. Về cơ bản thì hiệu ứng được thể hiện trên mỗi ứng dụng đều không
khác nhau nhiều, nhưng theo ý kiến chủ quan của người viết bài thì
Instagram có thể xem là ứng dụng hỗ trợ tốt nhất hiệu ứng Retro.
VÀ NHỮNG HIỆU ỨNG ĐẶC BIỆT
Sketch - hiệu ứng vẽ tay
Đây là một hiệu úng khá lạ mắt và thú vị, ảnh chụp qua hiệu ứng Sketch
sẽ cho bạn những bức ảnh như được vẽ bằng nét bút chì, màu nước hay sơn
dầu. Hiệu ứng này ở mỗi ứng dụng đều có một nét riêng khác, chính vì thế
hiệu quả sử dụng cũng rất phong phú. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà người
chụp có thể linh động lựa chọn ứng dụng mang lại hiệu ứng phù hợp với sở
thích cá nhân của mình.
Các ứng dụng hỗ trợ hiệu ứng này gồm có Camera 360, Camera MX, Paper
Camera . và một số ứng dụng khác. Trong những ứng dụng kể trên, Paper
Camera là ứng dụng hỗ trợ hiệu ứng vẽ tay chuyên biệt với nhiều hiệu
chỉnh khác nhau. Chính vì thế, nếu bạn yêu thích hiệu ứng đặc biệt này,
có thể xem Paper Camera là ứng dụng tốt nhất, mang lại những hiệu ứng vẽ
tay được xử lý hoàn hảo nhất. Tuy nhiên nếu chỉ có nhu cầu sử dụng đơn
giản, có nhiều tùy chọn nhanh thì Camera 360 và Camera MX là những lựa
chọn không tồi chút nào dành cho người sử dụng
Theo kinh nghiệm cá nhân của người viết bài, để hiệu ứng hoạt động tốt
nhất, mang lại hiệu quả thị giác bắt mắt và ấn tượng nhất, hình chụp nên
là hình có nhiều màu sắc tươi tắn và có độ tương phản cao. Ví dụ như
những bức ảnh chụp phong cảnh, chụp macro hoa lá khi qua xử lý bởi hiệu
ứng này sẽ mang lại hiệu quả rất đặc biệt.
Color Splash, Selective Color, Magic Color
Đây cũng là một trong số những hiệu ứng khá thú vị. Đối với hầu hết các
ứng dụng hỗ trợ hiệu ứng này như Vignette Camera, Camera MX hay một số
ứng dụng khác, bức ảnh của bạn sẽ là ảnh đen trắng, nhưng bạn có thể lựa
chọn một kênh màu sẽ được thể hiện trong hình chụp. Ví dụ như khi bạn
chụp một hình ảnh tại cửa hàng KFC, nếu bạn sử dụng màu đỏ là màu được
hiển thị thì trong hình chụp của bạn, toàn bộ khung cảnh sẽ là đen
trắng, chỉ duy nhất những đối tượng có màu đỏ mới được thể hiện màu sắc.
Dĩ nhiên là với tùy chỉnh và lựa chọn mà các ứng dụng này hỗ trợ, người
sử dụng hoàn toàn có thể linh động lựa chọn kênh màu được thể hiện như
vàng, xánh lá, xanh biển hay bất cứ màu nào khác.
Đây cũng là một hiệu ứng mà bạn có thể tự do thoải mái sử dụng trong mọi
hoàn cảnh, môi trường ánh sáng. Tuy nhiên để ảnh chụp nổi bật và ấn
tượng, màu sắc mà bạn muốn được thể hiện nên là màu của chủ thể chính
trong ảnh chụp. Như vậy bức hình chụp của bạn sẽ có một định hướng, chủ
thể rõ ràng và ảnh cũng sẽ ấn tượng hơn trong mắt người xem.
Một ưu điểm của riêng ứng dụng Camera MX đó là hiệu ứng được thể hiện
trực tiếp trên màn hình smartphone ngay cả khi bạn chưa bấm nút chụp
hình (thay vì sau khi chụp một ảnh bình thường, bạn lựa chọn hiệu ứng
thì hình ảnh đấy mới được thể hiện hiệu ứng đó). Chính ưu điểm này mà
không chỉ với hiệu ứng màu sắc Color Spalsh nói riêng mà kể cả với những
hiệu ứng khác, Camera MX xứng đáng là một ứng dụng chụp hình nên có
trong dánh sách ứng dụng trên điện thoại của bạn.
Reflect
Đúng như tên gọi của nó, đây là hiệu ứng phản chiếu khá lạ mắt. Các hình
chụp đều sẽ được lật ngược lại một nửa của hình ảnh được chụp sang nửa
còn lại, chính vì vậy nó mang lại hiệu ứng như là bạn đang sử dụng gương
trong ảnh chụp. Điểm thú vị là trong mọi hoàn cảnh chụp, bạn có thể tự
do sáng tạo bằng cách nghiêng góc chụp của máy, hiệu ứng phản chiếu này
sẽ cho bạn những khuôn hình rất là mắt nếu không nói là vui nhộn.
Mình rất thích sử dụng hiệu ứng này trên ứng dụng Camera MX bởi hiệu ứng
xuất hiện trực tiếp ngay trên màn hình của điện thoại, chỉ khi bạn bấm
nút chụp thì hình ảnh mới được ghi nhận và lưu lại.
Tilt-Shift
Đây là hiệu ứng mô phỏng lại hiệu quả từ những ống kính Tilt-Shift dành
cho máy ảnh chuyên nghiệp. Hiệu quả mà hiệu ứng này mang lại khá thú vị,
đối với những bức ảnh được chụp từ trên cao, khi được xử lý bởi hiệu
ứng này, những không gian và tòa nhà bên dưới trông như những mô hình đồ
chơi thu nhỏ. Một điểm lưu ý là hiệu ứng Tilt-Shift sẽ thật sự được
phát huy khi bạn vận dụng nó một cách hợp lý, đặc biệt là ảnh chụp toàn
cảnh thành phố từ trên cao.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng hiệu ứng này vào các bức ảnh macro.
Bản thân camera của điện thoại không thể đạt được đồ xóa phông nền như
những máy ảnh chuyên nghiệp, vì vậy nếu có một chút khéo léo, bạn có thể
kết hợp hiệu ứng này để các bức ảnh chụp macro trông nổi bật hơn, bắt
mắt hơn.
Các hiệu ứng hình ảnh được hỗ trợ bởi những ứng dụng chạy trên hệ điều
hành Android nói riêng và những smartphones sử dụng hệ điều hành khác
nói chung hiện nay rất phong phú. Ngoài ra, mình cũng có một số chia sẻ
nhỏ dành cho các bạn yêu thích chụp ảnh trên di động, ngoài cách sử dụng
từng ứng dụng đơn lẻ để nâng cao chất lượng ảnh cũng như làm bức ảnh
trở nên bắt mắt, nổi bật hơn, các bạn còn có thể sử dụng kết hợp hiệu
ứng từ các ứng dụng này lại với nhau. Ví dụ hình ảnh đầu gốc bạn sử dụng
hiệu ứng Splash Color trên Camera MX, sau đó hình này bạn mở bằng ứng
dụng camera và áp hiệu ứng Retro vào, cuối cùng là tiếp tục mở hình vừa
có được bằng ứng dụng Instagram xử lý phần cuối bằng cách thêm hiệu ứng
Lomo và Tilt-Shift (tham khảo hình trong phần giới thiệu hiệu ứng Splash
Color). Qua bài viết này, hi vọng có thể phần nào giúp các bạn có được
những cái nhìn tổng quan và bao quát cũng như hiểu rõ hơn về các hiệu
ứng hình ảnh nói trên, qua đó các bạn có thể ứng dụng linh động những
hiệu ứng trên theo sở thích chụp ảnh cá nhân, tạo ra những bức ảnh chụp
độc đáo, đầy sáng tạo hay đơn giản là chỉ để ghi nhận lại những khoảng
khắc đáng nhớ trong cuộc sống theo một cách đặc biệt hơn.
Bài viết được thực hiện bởi boy_ice1987@SECafe
Bài viết được thực hiện và đăng trên Echip Mobile số 289
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét