Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

ỨNG DỤNG BẢO MẬT MIỄN PHÍ CHO ANDROID : VÔ DỤNG!

TTO - Đó là kết quả của cuộc khảo sát từ Hãng bảo mật AV-Test.org đối với các ứng dụng bảo mật miễn phí cho nền tảng Android. Mức độ hiệu quả của việc bảo vệ rất kém.
Android đang là nền tảng di động nổi bật nhất hiện nay - Ảnh: Internet
Cuộc thử nghiệm của Hãng bảo mật Đức AV-Test bao gồm bảy ứng dụng miễn phí cho Android: Antivirus Free, BluePoint Antivirus Free, GuardX Antivirus, Kinetoo Malware Scan, LabMSF Antivirus beta, Privateer Lite và Zoner AntiVirus Free.
Ngoài bảy ứng dụng miễn phí, AV-Test còn thử nghiệm hai ứng dụng thương mại, bao gồm: F-Secure Mobile Security và Kaspersky Mobile Security.
Trong cuộc thử nghiệm, AV-Test cho các ứng dụng bảo mật trên lần lượt quét qua các gói cài đặt cho Android với định dạng APK và 89 tập tin DEX trên Samsung Galaxy Tab dùng Android 2.2.1. Hơn nữa, tất cả ứng dụng phải quét và tìm ra 10 ứng dụng độc hại đã được cài đặt trên thiết bị thử nghiệm.
Kết quả thử nghiệm, hai phần mềm thương mại có hiệu suất quét mã độc tốt nhất, tỉ lệ vượt hơn 50%. Một ứng viên từ nhóm miễn phí có hiệu suất quét đạt 32% là Zoner AntiVirus Free, các đại diện còn lại chỉ ở mức 10%. Zoner AntiVirus Free cũng có khả năng cảnh báo trong thời gian thực khi phát hiện 8/10 ứng dụng độc hại cài đặt trên thiết bị.
Kết quả thử nghiệm các ứng dụng antivirus miễn phí và có phí cho Android từ AV-Test (Xem chi tiết tại đây)
Đặc biệt, BluePoint AntiVirus Free, Kinetoo Malware Scan và Privateer Lite chỉ nhận dạng được một ứng dụng độc hại. Riêng Antivirus Free của Creative Apps và GuardX Antivirus cùng LabMSF Antivirus Beta hoàn toàn "trắng tay".
Đáng lo ngại hơn khi rất đông người dùng các thiết bị Android đang tin tưởng vào các ứng dụng bảo mật miễn phí này. Antivirus Free có số lượng cài đặt vượt hơn 1.000.000 lượt, trong khi Zoner AntiVirus Free có 100.000 lượt.
Zoner AntiVirus Free, ứng dụng bảo mật miễn phí có hiệu quả tầm trung
Tuy vậy, bảng khảo sát của AV-Test đã thiếu các đại diện khá nổi tiếng như AVG Antivirus Free, BitDefender Mobile Security, Lookout Mobile Security và Norton Mobile Security.
Android Market: kho ứng dụng và cũng là kho mã độc
Hệ điều hành cho thiết bị di động Google Android đã phát triển rất nhanh sau bốn năm ra mắt thị trường. Theo công bố gần đây của Google, phiên bản Android Gingerbread (Android 2.3.3 - 2.3.7) hiện đang được sử dụng nhiều nhất, chiếm đến 50,6% tổng thị phần của Android.
Android Market "thoáng" hơn so với iTunes App Store của Apple. Các ứng dụng được đưa lên dễ dàng hơn cơ chế xét duyệt khắt khe của Apple. Do đó, đây cũng là "sân chơi" cho tội phạm mạng và "ổ mã độc".
Số lượng ứng dụng trong Android Market đã gần đạt mốc 500.000 và sẽ còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ Hãng bảo mật McAfee, Android Market cũng là mục tiêu hàng đầu hiện nay của mã độc và tội phạm mạng khi hướng đến môi trường di động.
Báo cáo cho biết có đến 31% ứng dụng từ Android Market yêu cầu người dùng chấp thuận cho các quyền hạn thực thi trên thiết bị mà các quyền hạn này đều không cần thiết. Có 63% loại mã độc mới trên smartphone Android đã được khám phá trong quý 3 vừa qua.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của McAfee mà người dùng cần lưu ý, không phải các ứng dụng hiển thị  ở nhóm đầu trong danh sách kết quả từ công cụ tìm kiếm đều đáng tin cậy. Nhiều ứng dụng độc hại đã được các tội phạm mạng "trau chuốt" với những kỹ thuật nhằm đẩy chúng vào nhóm các ứng dụng có lượng tải cao, lượng xem nhiều nhất... gia tăng mức độ tin cậy để đánh lừa người dùng.
McAfee đưa ra lời khuyên đối với người dùng smartphone Android, hãy lưu ý các ứng dụng đòi hỏi quá nhiều quyền hạn (permission) khi cài đặt, tìm hiểu thông tin về các ứng dụng trước khi cài đặt, tham khảo các website đánh giá ứng dụng uy tín và luôn cài đặt ứng dụng bảo mật cho smartphone Android.
PHONG VÂN (theo AV-Test)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét