Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

NFT KHI MUA XE VINFAST LÀ GÌ? TV SAMSUNG ỨNG DỤNG NFT VÀO LÀ SAO?

 Trong CES 2022 năm nay, Vinfast bên cạnh giới thiệu xe ra, còn giới thiệu thêm là họ sẽ ứng dụng NFT vào trong việc bán xe. Mình nghĩ nhiều anh em sẽ thắc mắc kiểu như mua xe mà có dính dáng gì tới cái NFT rồi blockchain. Hy vọng bài viết hôm nay sẽ giúp anh em trả lời được câu hỏi vậy thực tế NFT của họ là gì, có ý nghĩa ra sao?


1f09c8991459573ecacbda6242a2f3f7.jpg
Theo như TechBullion viết thì người mua sắp tới đặt cọc mua xe Vinfast sẽ nhận được một VinFirst NFT (mình nghĩ First đây là người đầu tiên mua được xe). Để hiểu 1 cách “bình dân” thì cái VinFirst NFT này là một dạng giấy chứng nhận, nhưng thay vì là tờ giấy hay tấm card thẻ thành viên, thì nó là một chuỗi metadata trên blockchain (bài viết về NFT lúc trước của mình anh em có thể tham khảo ở đây).

Để mình ví dụ dễ hiểu cho anh em. Theo cách truyền thống, khi anh em có có thẻ thành viên (membership card) thường là một tấm thẻ nhựa kích cỡ như thẻ ngân hàng. Cái thẻ thành viên này tuỳ vào dịch vụ của công ty nào, sẽ đi kèm với nhiều lợi ích (perk), ví dụ thẻ thành viên của các hãng máy bay chẳng hạn. Trên lý thuyết và giấy tờ cái thẻ thành viên là sở hữu của anh em, nhưng kẹt 1 cái, nếu anh em muốn bán lại cho người khác (cần tiền chẳng hạn), nảy sinh ra 2 vấn đề chính:
  • Người mua: làm sao kiểm tra được thẻ này là giả? Quyền sở hữu ra sao?
  • Người bán: làm sao bán lại cho người muốn mua?
Những vấn đề này sẽ rất dễ giải quyết, chỉ cần anh em liên hệ với bên cấp cái thẻ. Rồi giao dịch, chuyển đổi các kiểu. Chung quy lại, việc giao dịch, kiểm tra các kiểu, phải cần bên thứ ba là người cấp cái thẻ đó thì mới làm được. Chưa kể, nếu người mua, người bán ở 2 thành phố khác nhau, hay thậm chí ở khác quốc gia, vấn đề giao dịch càng khó.

Cái công nghệ blockchain nó cho phép anh em giải quyết vấn đề trên hết sức dễ dàng. Như bài viết trước về NFT mình viết (ở đây), NFT chỉ là các metadata trên blockchain: từ giao dịch tạo ra cái NFT, chuyển quyền sở hữu, mua bán các kiểu, được lưu trên blockchain. Quyền sở hữu (proof of ownership) được ghi nhận trên blockchain, và ở trong ví của người sở hữu nó.

Lấy ví dụ cái NFT Bored Ape Yacht Club, anh em chỉ cần lên blockchain sẽ có biết bao nhiên phiên bản (version) tổng cộng, nhấn vào từng cái, anh em sẽ biết ai đang sở hữu, và những giao dịch liên quan. Những cái này gần như là không thể hay rất khó khăn để kiểm tra đối với thẻ thành viên kiểu truyền thống.
[​IMG]

Với cái thẻ thành viên, trong trường hợp là VinFirst NFT, anh em có thể làm tương tự như trên. Chỉ cần lên cái blockchain của Harmony (Vinfast họ xài blockchain này), gõ cái NFT anh em muốn kiếm (thông thường người mua sẽ cho anh em cái ID của cái NFT này), anh em sẽ kiểm tra được:
  • Ai là người làm ra cái NFT này? Có phải Vinfast hay không? Thông thường, công ty hay người nổi tiếng sẽ có cái wallet address dưới dạng 1 domain (cái domain này cũng là NFT luôn nhé 😆)
  • Qua tay bao nhiêu người (người ở đây là mấy cái địa chỉ ví, chứ không có hiện tên tuổi gì đâu).
Bây giờ muốn mua bán, chỉ cần người bán rao trên cái chợ (ví dụ daVinci trên Harmony), để giá, người mua vào rồi mua. Giao dịch chuyển quyền sở hữu, và tiền sẽ có thể diễn ra mà không cần liên quan tới người cấp thẻ (Vinfast). Những quyền lợi đi kèm với cái thẻ thành viên, người sở hữu mới cái Vinfirst NFT này sẽ mặc định được hưởng. Về mặt lý thuyết là không cần Vinfast cho phép, thực tế sao mình chưa nắm được.

Nói thêm về chuyện mua bán cái NFT, không nhất thiết anh em sẽ phải mua bán trên 1 cái sàn được quy định. Do nó là chuỗi metadata trên blockchain, nên cơ bản là anh em có thể đăng bán trên bất cứ sàn nào của blockchain, nơi mà nó được mint. Ví dụ VinFirst NFT được làm ra trên blockchain Harmony, thì bán trên sàn nào của Harmony cũng được. Nhưng với công nghệ bridge (giao tiếp qua lại giữ blockchain này và blockchain khác) hiện tại, anh em có thể đem cái NFT đó qua sàn của Ethereum, Binance Smart Chain, Polygon để rao. Nên gần như là không có giới hạn về chuyện mua bán như thế nào.

Vinfast họ có nói là người sở hữu VinFirst NFT có thể còn được hưởng thêm nhiều lợi ích liên quan tới Vingroup metaverse. Công ty liên kết với Vinfast là AAG Ventures, là một trong những công ty đi đâu về mảng metaverse. Cụ thể như thế nào, thì phải đợi họ ra cái NFT này rồi chúng ta sẽ rõ.

Như mình viết trong bài về NFT: “Anh em có thể hình dung, những người mua NFT hiện nay gần như là mua cái ‘ownership’ này.”

Còn Samsung ứng dụng công nghệ NFT là sao?
[​IMG]

Theo CNET viết, thế hệ TV của Samsung sắp tới cho phép người dùng mua NFT. Cũng không có gì quá đặc biệt hay sẽ đòi hỏi trình độ gì từ người dùng. Đơn giản, anh em ngày xưa mua phim, mua nhạc thế nào, thì bây giờ cũng thế thôi. NHƯNG, anh em khi mua nó dưới dạng NFT, anh em sẽ thực sự sỡ hữu nó. Ví dụ, anh em mua 1 bộ phim trên store của Samsung chẳng hạn. Hồi xưa, anh em coi xong, cái phim đó, muốn bán lại không được, tại nó đi theo tài khoản của anh em. Bây giờ nó là NFT, anh em coi chán, muốn bán lại cho người khác, thì cứ để lên chợ, người nào thích thì vào mua. Thế thôi. Người mua vẫn có thể kiểm tra những cái metadata như mình viết bên trên nhé. Cũng không quá khó khăn gì trong việc Samsung làm chuyện này, họ chỉ cần tạo ra cái chợ cho những người sáng tạo nội dung đăng lên, người mua thì chỉ cần xác nhận giao dịch trên điện thoại.


Về phía người sáng tạo nội dung (content creators), bây giờ họ sẽ được lợi nhiều hơn. Ví dụ, họ có thể làm ra nội dung dưới dạng phiên bản giới hạn (limited edition), người sưu tầm bây giờ mua bán có thể tự tin hơn do việc kiểm tra ownership dễ dàng hơn. Content creators có thể kiếm thêm tiền hoa hồng bằng cách khi họ làm ra ‘mint’ cái NFT này có thể đính vào cái code, ví dụ, từ giờ cứ mỗi lần có giao dịch xảy ra, họ tự động được hưởng thêm 5-10% giá trị giao dịch vào ví (1000 USD thì hưởng 50 USD nếu set 5%). Giao dịch mua đi bán lại NFT của họ càng nhiều, họ thu về tiền hoa hồng càng nhiều. Việc cho phép mua bán nội dung NFT sẽ khuyến khích người sáng tạo nội dung làm ra nội dung chất lượng hơn, do họ sẽ thu tiền về nhiều hơn.

Theo mình dự đoán, NFT rồi sẽ được ứng dụng rộng rãi nhiều hơn trong cách lĩnh vực liên quan tới nội dụng số, quyền sở hữu số, đặc biệt là game. Thật ra cũng đơn giản dễ hiểu cho việc những hãng game đem NFT hay blockchain nói chung vào game: (1) người chơi sẽ cảm thấy “tự tin” hơn trong việc mua các item, farm item, vì từ giờ việc mua bán không còn lệ thuộc vào nhà sản xuất nữa, (2) nhà sản xuất làm trung gian như là cái chợ để thu phí mua bán trên đó, hoặc là phần trăm cho cái item (do họ là người tạo ra), càng nhiều người mua bán, thì họ thu càng nhiều tiền. Ví dụ chủ tịch hãng game lớn như Square Enix nói NFT và công nghệ blockchain sẽ là xu hướng mới trong năm 2022. Anh em quan tâm về chuyện của Square Enix dùng NFT có thể vào đây để đọc chi tiết, sẽ thấy những gì ông này nói về mặt ứng dụng của NFT cũng giống như mình chia sẻ.

Như mình có nói trong bài đầu tiên về blockchain. Blockchain không có gì quá thần thánh, không có nó đó giờ con người vẫn sống bình thường. Blockchain chỉ giúp giải quyết những vấn đề hiện tại dễ dàng hơn so với công nghệ hiện tại thôi, ví dụ về vấn đề bản quyền số. Anh em có thể tham khảo thêm về bài viết ứng dụng của NFT mình viết bên dưới.

Tin tham khảo: [1][2]
Bài viết của mình về NFT: [1][2]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét