Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

NGHIÊN CỨU MỚI: YOUTUBE ĐANG PHÁT TÁN ĐẦY NỘI DUNG PHẢN KHOA HỌC

YouTube, hay nói cách khác là nồi lẩu thập cẩm nội dung video cho hơn 1 tỷ người xem trên toàn thế giới. Không phải lúc nào những nội dung được những người dùng dịch vụ này tải lên cũng mang thông tin hữu ích, hay chí ít là thông tin chính xác. Bản thân thuật toán của YouTube cũng được thiết kế sao cho những video mang tính chất thuyết âm mưu và phản khoa học được hiện trên mục video khuyến nghị. Mục đích cuối cùng của YouTube rất đơn giản, giữ chân người xem ở lại trang của họ càng lâu càng tốt.

Đang tải Tinhte_YouTube1.jpg…

Mới đây một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hầu hết những video nói về chủ đề biến đổi khí hậu trên YouTube đều có những nội dung không chính xác như những nghiên cứu của các nhà khoa học trên toàn thế giới. Nói cách khác, là phản khoa học.

Cuộc nghiên cứu này được giáo sư Joachim Allgaier, một nhà nghiên cứu tại đại học RWTH Aachen, Đức, và cũng là một người dùng YouTube thực hiện. Ông phát hiện ra rằng, khi tìm kiếm những video về chủ đề biến đổi khí hậu, chỉ có chưa đầy 1 nửa số video trả về cho người xem là có những thông tin khoa học chính xác. Thậm chí những cụm từ khoa học như “thay đổi khí hậu” (climate modification) cũng được mấy YouTuber thèm view lợi dụng để đem lại những ý nghĩa hoàn toàn khác, đầy thuyết âm mưu trong những đoạn clip mà họ đăng tải lên kênh của cá nhân.

Đang tải Tinhte_YouTube2.jpg…

Giáo sư Allgaier đồng ý rằng, chính nhờ độ phủ của YouTube, nền tảng này đã giúp ích trong việc chia sẻ thông tin tới hàng nghìn, hàng triệu người, và tin rằng rất nhiều YouTuber đang làm rất tốt công việc của mình, tạo ra những kênh và video clip đầy thông tin hữu ích. “Một YouTuber làm về chủ đề khoa học mới đây nói chuyện với tôi, và với cô ấy cùng nhiều người khác, YouTube đã trở thành Wikipedia để tìm kiếm thông tin”.

Tuy nhiên, những YouTuber chia sẻ thông tin hữu ích lại đang phải cạnh tranh một cách rất không công bằng với những kẻ phản khoa học.

Phần đầu của nghiên cứu, giáo sư Allgaier dùng 10 từ khóa liên quan tới biến đổi khí hậu để phân tích hơn 200 đoạn video clip được đăng tải từ 9/2008 đến tháng 10/2018. Chúng có độ dài từ 37 giây đến khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ. Trong quá trình tìm kiếm, ông dùng chế độ và công cụ giúp ẩn danh để tránh việc thuật toán của YouTube “cá nhân hóa”.

Đang tải Tinhte_YouTube4.jpg…

Kết quả là, 107 trong số 200 đoạn video được phân tích có nội dung đi ngược lại những gì các nhà khoa học đã chứng minh được về biến đổi khí hậu. Trong số đó, 16 clip đơn giản là chối bay việc biến đổi khí hậu là do con người, trong khi 91 clip khác thì nói về những thuyết âm mưu rằng biến đổi khí hậu là do công cụ và vũ khí của con người ngoài không gian, kiểu như phim giả tưởng Geostorm anh em xem trên HBO ấy. Số còn lại, 89 video clip đồng ý với ý kiến rằng biến đổi khí hậu xuất phát từ việc thải khí nhà kính của chính con người, và có hẳn 4 clip cho các nhà khoa học ngồi thảo luận và phản biện những người phủ nhận biến đổi khí hậu.

Điều đáng lo là, lượt view của hai dạng clip này sàn sàn như nhau. Những clip có dẫn chứng khoa học đàng hoàng thu về 16.941.949 lượt xem, còn những clip phản khoa học cũng chẳng kém, 16.939.655 lượt xem. Bản thân những clip khoa học đều đến từ những kênh có uy tín, như National Geographic hay Last Week Tonight With John Oliver. Còn những video clip của những kẻ theo thuyết âm mưu dù chẳng có bằng chứng xác thực mà vẫn thu về 4 5 triệu lượt view là rất bình thường.

Đang tải Tinhte_YouTube5.jpg…

Giáo sư Allgaier giải thích: “Nhiều người tạo ra những đoạn clip lấy những cụm từ như ‘geoengineering’ hay ‘chemtrails’ để mô tả thuyết âm mưu của họ, rằng những chính phủ đã có thể thay đổi khí hậu ở một vùng theo ý muốn của họ.” Dĩ nhiên những nội dung như vậy kích thích tò mò và lượt view.

Vì YouTube biết cách làm thế nào để thuật toán hiển thị những clip khoa học hữu ích, họ nên làm điều đó ngay, theo giáo sư Allgaier. Hiện giờ thuật toán YouTube hiển thị những clip liên quan dựa trên thói quen và nội dung mà một người quan tâm, thậm chí thời lượng một clip anh em xem về một chủ đề, hoặc xu hướng ấn like/dislike một video cũng được đem ra để phân tích. Dù YouTube sẵn sàng thay đổi thuật toán để nội dung video clip đến với người xem bổ ích hơn, họ lại từ chối việc gỡ bỏ những clip sai lệch thông tin và phản khoa học. Họ gọi đó là “cố gắng cân bằng một nền tảng tự do ngôn luận và có trách nhiệm với người dùng.”

Đang tải Tinhte_YouTube6.jpeg…

Và thế là giải pháp duy nhất chúng ta có để tiếp tục được theo dõi những clip có chất lượng và chính xác về mặt thông tin phụ thuộc vào chính các nhà khoa học và YouTuber có trách nhiệm. Càng nhiều nội dung như vậy, những video clip phản khoa học sẽ dần bị đẩy lùi. Bản thân mình cũng rất thích xem clip có nội dung khoa học và kỹ thuật trên này, vì có khá nhiều YouTuber làm clip rất chất lượng và hay, ví dụ như Wendover (chủ đề civil engineering), hoặc Mustard nói về máy bay và tàu hỏa. Còn anh em có coi YouTube là một nguồn thông tin hay đáng theo dõi, hay chỉ mang ý nghĩa giải trí?

Theo Inverse

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét