ĐỘ TƯƠNG PHẢN, MỘT BÀI TOÁN HAI HƯỚNG ĐI CHO QLED VÀ OLED
Đã một năm trôi qua kể từ khi ra mắt, chúng ta đều biết TV QLED thực chất vẫn là TV LCD nhưng được cải thiện chất lượng bằng công nghệ chấm lượng tử. So với OLED thì LCD là công nghệ cũ, nhưng lý do thật sự mà Samsung
vẫn tiếp tục tin tưởng công nghệ này là bởi vì họ biết cách tận dụng nó
một cách khôn khéo để đạt được chất lượng hình ảnh, hay chính xác hơn
là độ tương phản như mong đợi.
Trước hết xin nhắc lại rằng QLED vẫn là LCD, và về lý thuyết thì nó vẫn
kém hơn OLED. Nhưng đó là lý thuyết khi cả hai công nghệ đã hoàn thiện,
còn thời điểm hiện tại thì OLED (hay chính xác là WOLED) và QLED đều có
những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Giống như câu "mọi con đường đều dẫn
về La Mã", cả TV QLED và TV OLED đều muốn đạt được chất lượng hình ảnh
đẹp nhất nhưng để làm được điều đó thì chúng sử dụng phương pháp rất
khác nhau. Nếu bạn ví OLED như tận dụng sức mạnh của công nghệ mới thì
QLED của Samsung có thể gọi là dùng thủ thuật để tối ưu công nghệ cũ.
Khi nhắc đến chất lượng hình ảnh, chúng ta thường nghĩ nhiều đến màu sắc
và độ nét. Tuy nhiên trên thực tế những công nghệ được xem là cao cấp
nhất trên TV LCD như đèn nền LED full-array, local dimming (làm tối cục
bộ) hay xử lý mặt kính (Ultra Black đối với TV QLED) đều được phát triển
với mục đích chính là tăng cường độ tương phản. Và ưu điểm lớn nhất của
công nghệ OLED chính là mỗi điểm ảnh là đi-ốt hữu cơ tự phát sáng, có
khả năng tắt hoàn toàn để thể hiện màu đen tuyệt đối. Vì sao lại cần màu
đen tuyệt đối? Câu trả lời cũng là để tăng cường độ tương phản.
Độ tương phản có thể hiểu một cách đơn giản là sự chênh lệch giữa vùng
sáng và vùng tối của hình ảnh, chênh lệch càng cao (độ tương phản cao)
thì hình ảnh sẽ càng nổi khối và bắt mắt. Bạn có thể tham khảo cách hoạt
động chi tiết của từng công nghệ trong bài [Tìm hiểu về TV] Các loại công nghệ tấm nền phổ biến.
Còn ở đây chúng ta có thể hiểu một cách cơ bản là để đạt được độ tương
phản cao, TV OLED tận dụng khả năng thể hiện màu đen tuyệt đối để bù cho
độ sáng tối đa giới hạn (dưới 1000 nit). Ngược lại TV QLED có độ sâu
màu đen giới hạn thì sử dụng dụng độ sáng thật cao (có thể tới 2000
nit), kết hợp với các công nghệ bổ trở như LED full-array và local
dimming để đem lại hiệu ứng gần tương đương. Cũng lưu ý là gần như tương
đương, vì ngay cả những TV cao cấp nhất sử dụng LED full-array thì các
vùng đèn có thể tắt mở được cũng chỉ khoảng vài trăm trong khi TV OLED
4K có đến "8 triệu".
Sở dĩ Samsung vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ QLED cho TV là bởi
vì nó khắc phục được phần nào nhược điểm về độ tương phản của LCD so với
TV OLED, trong khi vẫn sở hữu những ưu điểm vốn có của LCD. Điển hình
đó là chi phí sản xuất thấp, tuổi thọ cao, không bị hiện tượng lưu hình
và độ sáng cao nên không kén chọn môi trường sử dụng. Năm nay các dòng
TV QLED cao cấp là Q9F và Q8F đều đã chuyển qua dùng đèn LED full-array,
giúp chất lượng hình ảnh (độ tương phản) tốt hơn thế hệ cũ vốn dùng đèn
LED viền. Bên cạnh đó Samsung năm nay cũng tập trung cải thiện thuật
toán xử lý, cho phép tận dụng hiệu quả các vùng đèn để tối ưu chất lượng
hình ảnh. Chính vì vậy mà khoảng cách giữa TV QLED và TV OLED hiện tại
đã được thu hẹp lại khi trình chiếu những cảnh phim có độ tương phản
cao, trong khi QLED tiếp tục phát huy ưu thế ở các cảnh sáng.
QLED là cái tên khiến người ta dễ hiểu nhầm, nhưng dù hãng vô tình hay
cố ý thì nhưng không thể phủ nhận họ rất thông minh khi tập trung cải
thiện điểm mạnh của công nghệ LCD nhằm đạt được hiệu ứng gần như tương
đương OLED. Vậy TV QLED có hơn TV OLED hay không? Về mặt công nghệ là
không, về mặt chất lượng hình ảnh thì mỗi bên đều có điểm mạnh điểm yếu.
Còn về tương lai, Samsung và rất nhiều hãng đặt niềm tin vào công nghệ
Micro-LED nhưng đó là chủ đề của một bài viết khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét