Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ HIỆN TƯỢNG LƯU HÌNH TRÊN TV

Lưu hình, hay còn gọi là burn-in, là hiện tượng hình ảnh tĩnh khi chiếu một thời gian dài sẽ in bóng mờ vào màn hình TV. Ngày xưa khi còn TV CRT và Plasma thì nó khá phổ biến, nhưng dần quên lãng trong thời đại TV LCD. Mới đây thì hiện tượng này lại trở thành đề tài bàn luận đối với TV OLED. Vậy thì chuyện lưu hình trên thực tế ảnh hưởng gì đến chúng ta? Mời bạn cùng mình tìm hiểu bên dưới:

Tất cả các loại TV đều có thể bị lưu hình, nhưng LCD có thể xem là không

Trái với lầm tưởng của nhiều người, "tất cả" các loại TV đều có nguy cơ bị hiện tượng lưu hình nếu chiếu hình tĩnh quá lâu. Tuy nhiên để tạo ra được hiện tượng này trên TV LCD thì cần thời gian rất lâu, có thể đến hàng trăm giờ, nên có thể xem như là không ảnh hưởng khi sử dụng thực tế. TV LED và TV QLED về bản chất vẫn là TV LCD nên cũng không bị ảnh hưởng. Ngược lại thì CRT và Plasma lại rất dễ bị hiện tượng này, chỉ cần vài giờ "vô tình" là bạn sẽ lãnh đủ hậu quả. TV OLED gần đây cũng có thể bị hiện tượng lưu hình.


[​IMG]

TV LCD/LED/QLED không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng lưu hình

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lưu hình và ảnh hưởng của nó đến chất lượng hình ảnh

Cùng là hiện tượng lưu hình, tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến nó của mỗi công nghệ hiển thị đều khác nhau. Gác CRT và Plasma qua một bên vì chúng đã quá cũ, chúng ta hiện nay chỉ cần quan tâm đến TV OLED mà thôi.

LG OLED EG9100 bị lưu hình sau 20 tiếng hiển thị liên tục 1 menu đĩa Blu-ray

TV OLED hiện nay thực chất là WOLED, tức là mỗi điểm ảnh sẽ là tổ hợp của 4 đi-ốt hữu cơ màu trắng, trong đó 3 đi-ốt sẽ đi qua bộ lọc để tạo thành 3 màu cơ bản (xanh lá, xanh dương, đỏ) còn 1 đóng vai trò tăng độ sáng cho toàn màn hình. Hiện tượng lưu hình của TV OLED thực chất xuất phát từ việc các đi-ốt phát sáng liên tục nên bị hao mòn và giảm độ sáng vĩnh viễn so với các đi-ốt xung quanh dẫn đến bóng mờ bị in lên TV. Dĩ nhiên chuyện màn hình xuất hiện bóng mờ sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của bạn. Nhẹ thì khó chịu, còn nặng thì chẳng muốn xem luôn.

Mặc dù thực tế gần như không bị, TV LCD vẫn có thể gặp hiện tượng lưu hình khi bạn chiếu ảnh tĩnh trong thời gian thật dài. Lúc đó thì một số tinh thể sẽ mất khả năng thay đổi trạng thái, dẫn đến ảnh bị lưu. Nhưng mà ngay cả khi bị thì nhiều khả năng chỉ là tạm thời chứ không vĩnh viễn.

Cách phòng tránh hiện tượng lưu hình và cách cứu trong trường hợp gặp phải

Hiện tại các nhà sản xuất TV đều tích hợp các biện pháp phòng tránh hiện tượng lưu hình trên sản phẩm của mình, vì vậy khả năng bạn gặp phải vấn đề này là tương đối thấp. Sử dụng thông thường thì hình ảnh thay đổi liên tục sẽ giúp tránh lưu hình, trong khi nếu bạn để hình tĩnh quá lâu (chẳng hạn màn hình chủ của Android box) thì hầu hết các đầu phát sẽ tự động giảm độ sáng (giảm tối thiểu hao mòn) hoặc kích hoạt chế độ màn hình Screen Saver.

[​IMG]

TV OLED đời mới đều được tích hợp tính năng chống lưu hình
Tuy nhiên nếu lỡ chẳng may TV bạn bị lưu hình thì cứ bình tĩnh vì khả năng bị vĩnh viễn cũng rất thấp. Cách cứu đơn giản nhất là cứ sử dụng một cách bình thường, việc hiển thị nhiều màu sắc khác nhau sẽ tự khắc phục hiện tượng lưu hình. Ngoài ra thì tất cả các TV OLED đời mới đều có chế độ khắc phục lưu hình, chẳng hạn như Pixel Refresher trên TV OLED LG.

Cho nên về cơ bản thì thì thực tế nếu sử dụng TV OLED một cách bình thường thì bạn cũng không cần quá lo ngại đến hiện tượng lưu hình. Còn với TV LCD hay QLED thì lại càng không cần quan tâm.

Tham khảo wikipedia, rting, reviewed
 

https://tinhte.vn/threads/nhung-dieu-ban-can-biet-ve-hien-tuong-luu-hinh-tren-tv.2738618/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét