Trong số khá nhiều mẫu mã máy tính mini hiện nay thì NUC của Intel vẫn nổi lên như một lựa chọn đáng giá. Tuy nhiên, có một điểm mà người tiêu dùng cần lưu ý trước khi mua chiếc máy tính mini giá không đắt đỏ lắm này là họ sẽ cần phải mua riêng bộ nhớ RAM và ổ cứng phục vụ cho công tác lưu trữ. Bài viết dưới đây sẽ giúp mang đến một số thông tin cần thiết khác để các bạn có thể xem xét và quyết định những gì là cần cho nhu cầu trước khi chính thức mua về và lắp ráp một chiếc máy tính mini NUC. Bạn đọc cũng nên biết hầu hết các máy tính mini NUC đều được bán ra có kèm theo case chứa, nhưng vẫn có một dòng không có case chứa mà chỉ có mỗi bản mạch thôi, và được gọi là “Board” system thay vì là “Kit” system như loại có case chứa. Với dòng chỉ có bo mạch sẽ khó kiếm trên thị trường nên trong bài viết này sẽ không đề cập đến nó.
Một số lựa chọn cấu hình vi xử lý ở máy tính mini NUC
Trước khi mua bất kỳ một chiếc máy tính nào thì hầu hết mọi người dùng chắc chắn sẽ cần phải xem xét đến năng lực xử lý công việc của chiếc máy tính ấy, mà năng lực xử lý sẽ do các vi xử lý đảm trách. Hiện nay có nhiều phiên bản cấu hình vi xử lý dành cho một máy tính mini NUC, các phiên bản này sẽ được phân nhóm vào ba hạng mục: dòng cấp thấp chỉ phù hợp với ít tác vụ cơ bản, dòng tầm trung mang đến thêm nhiều bổ sung về năng lực thực thi tác vụ lẫn các lựa chọn kết nối, và cuối cùng là dòng cao cấp chạy chip xử lý i7 mạnh mẽ. Trước tiên chúng ta sẽ làm quen với dòng cấp thấp cơ bản, dòng này sử dụng các vi xử lý thuộc họ Celeron và Pentium và có giá bán từ 130 USD đến 180 USD.
Dòng tầm trung được nhắc đến ở đây là các mẫu NUC dùng chip xử lý Core i3 và i5. Với các chip xử lý này thì ngoài năng lực xử lý tự thân của các CPU thì còn được tích hợp card đồ họa mạnh mẽ hơn, có thể nâng cấp RAM tối đa từ 8GB đến 16GB. Các mẫu NUC này cũng đồng thời có thêm nhiều cổng kết nối hơn. Giá bán lẻ cho máy tính NUC dùng chip i3 sẽ vào khoảng 280 USD, trong khi các mẫu dùng chip i5 sẽ có giá khởi điểm vào khoảng 370 USD. Ngoài sự khác biệt về vi xử lý thì card đồ họa tích hợp sẽ là điểm khác biệt lớn thứ hai, với mẫu NUC dùng chip i3 sẽ sở hữu card đồ họa tích hợp Intel HD 5500, trong khi đó mẫu NUC dùng chip i5 sở hữu card đồ họa tích hợp Intel HD 6000. Các thông số còn lại như số cổng kết nối, case chứa ở hai mẫu NUC dùng i3 và i5 là tương đồng với nhau.
Cuối cùng là dòng cao cấp nhất, vua của các thiết bị máy tính mini NUC, chạy chip xử lý i7. Với cấu hình cao cấp nhất như vậy thì người dùng sẽ phải bỏ ra số tiền là khoảng 475 USD. Lưu ý là chip i7 này không phải loại lõi tứ, nhưng người dùng hãy cứ yên tâm là tốc độ xung của nó đạt mức cao nhất, hơn bất kỳ mẫu NUC nào còn lại và card đồ họa cũng được nâng lên thành Intel Iris 6100. Với việc chuyển lên dùng chip i7 nên mẫu máy tính NUC này cũng sẽ dùng case chứa loại lớn hơn.
Trong ba dòng nói trên thì mẫu NUC dùng chip tầm trung Core i5, hay còn được biết đến với tên gọi NUC5i5RYH, được đánh giá là cân bằng nhất ở cả hai mặt hiệu năng lẫn giá tiền phải bỏ ra. Mẫu máy tính này dùng chip xử lý Intel Core i5-5250U với card đồ họa tích hợp Intel HD 6000, và có giá bán là 359 USD. Hơn thế nữa, mẫu máy tính này còn có thể hỗ trợ cả hai loại ổ cứng M.2 hoặc SATA.
Lưu ý về lựa chọn bộ nhớ RAM
Như đã có thông tin ở trên, ngoại trừ các mẫu máy tính NUC cơ bản dùng chip Celeron và Pentium thì hầu hết các NUC còn lại đều có thể hỗ trợ bộ nhớ RAM lên đến 16GB. Do vậy, lời khuyên cho người tiêu dùng là nên mua và lắp ít nhất 4GB RAM trong trường hợp lựa chọn các mẫu NUC chạy chip Pentium hay Celeron, và ít nhất là 8GB trong trường hợp túi tiền dư dả và tậu một em dùng chip xử lý dòng Core. Thông tin vui bên lề là giá bán của các thanh RAM DDR3 đã rẻ nhiều đi theo năm tháng.
Các máy tính NUC chỉ có hai khe DIMM dùng cho việc gắn thêm RAM, và sẽ chỉ chấp nhận các thanh RAM có kích thước nhỏ loại thường dùng cho máy tính xách tay hơn thay vì là loại RAM lớn dành cho máy tính để bàn.
Tốt nhất là người dùng nên mua một cặp thanh RAM có cùng dung lượng và tốc độ bus, bởi vì các máy tính NUC sẽ có thể không khởi động được nếu người dùng tìm cách "phối ghép" các thanh RAM không cùng loại và dung lượng. Một lời khuyến nghị là người dùng chỉ nên chọn loại RAM DDR3 có tốc độ bus 1333MHz thôi, do nói gì thì nói các máy tính NUC sẽ không mấy khi được dùng cho các tác vụ thật sự khủng để tận dụng được hết năng lực của các thanh RAM có tốc độ xử lý nhanh hơn.
Lưu ý về bộ nhớ lưu trữ
Sau khi đã quyết định được nên chọn loại RAM nào thì giờ là lúc chuyển qua bộ nhớ lưu trữ. Quyết định chọn bộ nhớ lưu trữ sẽ tùy thuộc vào việc người dùng mua mẫu máy tính NUC nào, hoặc người dùng sẽ có thể chọn gắn ổ lưu trữ thể đặc SSD dùng chuẩn kết nối SATA có kích thước 2,5 inch hay ổ cứng thể đặc SSD dùng chuẩn kết nối M.2 cũng được, hoặc chỉ có thể gắn ổ SSD M.2 mà thôi.
Tiếp theo đó, với những người dùng ưu tiên cho tốc độ xử lý thì ổ lưu trữ thể đặc SSD dùng chuẩn kết nối M.2 chắc chắn là lựa chọn hợp lý nhất. Những ổ đĩa lưu trữ nhỏ bé này, trông hơi khá giống một thanh RAM, vừa nhỏ gọn và dễ dàng lắp ráp vừa đem đến hiệu năng xử lý tuyệt vời, mà giá bán lại chỉ nhỉnh hơn người anh em ổ lưu trữ SSD 2,5 inch có một chút. Một trong những lựa chọn sáng giá mà người dùng nên biết là ổ SSD Samsung 850 Evo, với giá bán là 120 USD cho mức dung lượng 250GB.
Trong trường hợp người dùng thật sự cần một ổ lưu trữ có sức chứa lớn, thì họ có thể chọn loại ổ SSD 2,5 inch. Western Digital WD5000LPLX sẽ là một trong số những lựa chọn tốt khi chỉ phải tốn có 55 USD cho mức dung lượng 500GB. Trong khi đó, với ổ SSD Samsung 850 Evo 500GB dùng chuẩn kết nối SATA thì giá bán lên đến 180 USD.
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần biết rằng các máy tính NUC chỉ hỗ trợ các ổ đĩa SATA có chiều cao giới hạn ở mức 9mm.
Lưu ý về các cổng kết nối
Như vậy là chúng ta đã lần lượt nói về vi xử lý, bộ nhớ RAM, bộ nhớ lưu trữ và giờ là các cổng kết nối với các thiết bị ngoại vi, chẳng hạn như Wi-Fi, Ethernet, hay Bluetooth. Một tin vui là ngay cả với các mẫu máy tính NUC giá rẻ nhất thì vẫn được trang bị các kết nối WiFi 802.11ac, Bluetooth 4.0, nhiều cổng USB 3.0, và một jack Ethernet. Thậm chí các mẫu mới NUC mới nhất còn có thể hỗ trợ màn hình có độ phân giải 4K thông qua kết nối mini DisplayPort.
Lựa chọn hệ điều hành
Vậy là đã xong những thông tin về phần cứng, giờ thì chúng ta chuyển sang hệ điều hành. Ngoài lựa chọn hệ điều hành Linux miễn phí thì người dùng cũng có thể có được hệ điều hành Windows 10 miễn phí từ công ty phần mềm khổng lồ Microsoft thông qua chương trình đăng ký dùng thử Windows 10 Insider, chỉ với điều kiện là phiên bản Windows họ đang dùng phải là bản hợp pháp có bản quyền.
Và tất nhiên là người dùng cũng có thể chọn mua mới một bộ cài đặt Windows. Chỉ cần ghi nhớ rằng bất kể phiên bản hệ điều hành Windows nào sẽ mua, thì phương tiện lưu trữ và cài đặt phải là USB vì trên máy tính mini NUC không có bất cứ lựa chọn nào cho ổ đĩa quang cả.
Trên đây là mọi thông tin cần biết để người dùng tự lắp ráp một chiếc máy tính mini NUC, còn nếu các bạn vẫn phân vân chưa biết nên chọn cấu hình ra sao thì có thể tiếp tục tham khảo thêm đề xuất sau: mua một bộ NUC5i5RYK, trang bị 8GB RAM DDR3 1333MHz, gắn thêm một ổ lưu trữ Samsung 850 Evo M.2 có sức chứa 250GB. Chi phí tất tần tật cho bộ máy ấy là khoảng 530 USD mà hiệu suất làm việc bảo đảm ở mức tốt. À đừng quên là chi phí ấy chưa tính tiền bản quyền cho hệ điều hành Windows nhé; trong trường hợp dùng Linux hay được nâng cấp Windows miễn phí thì không phải bàn rồi.
Video giới thiệu về máy tính NUC5i5RYK:
Nguồn digitaltrends.com
http://www.hdvietnam.com/diendan/59-htpc-hardware-phan-cung-pc/1056521-nhung-dieu-can-biet-ve-may.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét