Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

CHẠY ỨNG DỤNG WINDOWS TRÊN MAC

Đô Nguyễn
(PCWorldVN) Hiện rất nhiều ứng dụng Windows cần thiết vẫn chưa có mặt trên hệ điều hành OS X. Rất may đã có những cách để chạy các chương trình này trên một chiếc máy tính Mac.
Một thực trạng dễ nhận thấy hiện nay là nếu người dùng chuyển từ hệ điều hành Windows sang dùng máy Mac (MacBook, Mac Pro hay iMac) với
OS X
cài sẵn thì sẽ rất bỡ ngỡ và thậm chí thất vọng. Nguyên nhân không phải vì hệ điều hành này thua kém Windows mà vì rất nhiều phần mềm quen dùng trên Windows, nhất là các ứng dụng, trò chơi dành cho giới chuyên nghiệp (công cụ vẽ kỹ thuật, thiết kế đồ hoạ, dựng hình 3D, dựng phim, game 3D…) lại không có phiên bản cho OS X. Không phải vì OS X không có các ứng dụng có tính năng tương tự, nhưng để sử dụng hiệu quả các công cụ mới này thì đòi hỏi người dùng phải bỏ thời gian làm quen và giải quyết các vấn đề tương thích (định dạng file, trao đổi dữ liệu qua lại với đối tác, đồng nghiệp…).
Do vậy, bên cạnh những ưu việt không thể chối cãi của OS X thì vấn đề chạy các phần mềm Windows trên OS X khiến người dùng đau đầu, thậm chí nhiều người còn từ bỏ ý định chuyển sang Mac vì lý do này. Sau đây là những cách để bạn giải quyết triệt để rắc rối này.
Chạy máy ảo
Chạy máy ảo (Virtual Machines) được xem là một trong những cách tốt nhất hiện nay để chạy Windows và các ứng dụng Windows trên máy Mac. Với sự phát triển của công nghệ, phần cứng máy tính Mac đã và đang rất mạnh với bộ xử lý – đồ hoạ mạnh mẽ, bộ nhớ RAM và lưu trữ lớn nên việc cài máy ảo trên OS X không còn là vấn đề nan giải vì tiêu tốn nhiều tài nguyên hệ thống nữa.
Có tuỳ chọn sử dụng máy ảo như máy Mac thật (Like a Mac) hoặc như trên PC thông thường (Like a PC).
Cách này cho phép bạn cài Windows hay bất cứ hệ điều hành nào khác ngay trên hệ điều hành OS X và chạy hệ điều hành này như chạy một ứng dụng. Các công cụ hỗ trợ chạy máy ảo trên OS X hiện nay cũng thực hiện rất tốt các tính năng bổ sung, giúp người dùng có cảm giác sử dụng “máy ảo” như trên “máy thật”. Bộ công cụ bao gồm trình điều khiển (driver) cho màn hình, âm thanh, webcam, Bluetooth, mạng… và các tính năng như đồng hoá giao diện Windows với Mac theo nhiều cách khiến bạn chạy các ứng dụng Windows như chạy ứng dụng Mac.
Để dễ hiểu, như cách chạy máy ảo trước đây trên Mac, bạn chỉ có thể chạy ứng dụng Windows trên một cửa sổ của OS X, như một chương trình và tất cả mọi thao tác đều “gói gọn” trong cửa sổ này. Nhưng giờ đây, “máy ảo” và “máy thật” hoà làm một và việc thao tác, chia sẻ dữ liệu cũng đơn giản hơn. Chẳng hạn, nếu muốn copy dữ liệu từ Windows sang Mac thì chỉ cần thao tác kéo thả là xong.
Việc cài đặt máy ảo cũng rất đơn giản và hoàn toàn tự động, bạn không cần phải thực hiện những thiết lập phức tạp. Chỉ cần chọn tạo một máy ảo mới (File > New) và chọn phương thức cài đặt mới qua đĩa (đĩa DVD hoặc file ảnh dạng ISO) hoặc nhập từ một máy tính PC hiện có và làm theo hướng dẫn, tất cả đều hoàn toàn tự động.
Cách thức cài đặt máy ảo Windows rất đơn giản trên Mac OS X.
Tất nhiên, bạn sẽ cần một bản quyền Windows để sử dụng hệ điều hành này trên máy ảo. Một số ứng dụng tạo máy ảo còn hỗ trợ tải về miễn phí đĩa cài đặt Windows và tự chạy.
Bạn có thể tham khảo và chọn một trong các công cụ tạo máy ảo như VMWare Fusion (www.vmware.com/products/fusion), Parallels Desktop for Mac (www.parallels.com) hay Virtualbox (www.virtualbox.org). Ưu điểm của VMWare Fusion và Parallels Desktop là hỗ trợ rất tốt các tính năng để sử dụng máy ảo như máy thật, tối ưu hiệu ứng đồ hoạ nên có thể chạy tốt game cho PC và các phần mềm dựng, chỉnh sửa ảnh, hỗ trợ hiển thị tốt với các máy Mac có màn hình Retina… Tuy nhiên, khuyết điểm là hai công cụ này có phí. Trong khi đó, mặc dù không nhiều tính năng nhưng Virtualbox lại miễn phí vì là một tiện ích mã nguồn mở.
Boot Camp
Công cụ Boot Camp tích hợp sẵn trên OS X giúp người dùng cài Windows để chạy song song với OS X, tức cả hai hệ điều hành chạy độc lập và chỉ chạy duy nhất một hệ điều hành cùng một thời điểm. Nếu đang dùng OS X và muốn dùng ứng dụng Windows thì bạn phải khởi động lại máy > nhấn đè nút Option trên bàn phím và chọn vào Windows, và ngược lại.
Boot Camp có ưu điểm hơn việc chạy máy ảo là nó chạy độc lập, có trình điều khiển riêng được tối ưu do các nhà sản xuất cung cấp. Do đó, cách thức này có hiệu năng sử dụng cao hơn và không khác gì đang dùng mọi PC khác, ngoại trừ việc dành chút thời gian để làm quen lại vị trí của các bàn phím trên Mac. Chẳng hạn như nút CMD (Command) trên Mac sẽ là nút Windows trên Boot Camp.
Nếu bạn không ngại việc khởi động lại mỗi khi muốn chuyển qua lại giữa hai hệ điều hành thì bạn nên dùng Boot Camp. Cách thức cài đặt Boot Camp cũng được Apple thiết kế khá đơn giản. Chỉ cần khởi động tiện ích Boot Camp Assistant từ Applications > Utilities > thực hiện các thao tác theo trình thuật sĩ để phân vùng ổ đĩa, chọn mức dung lượng ổ cứng để cài Windows (nên chọn tối thiểu 50 GB), chọn đĩa CD/DVD hoặc tạo USB cài đặt Windows và mọi thao tác còn lại để máy Mac thực thi tự động. Lưu ý trên các dòng máy tính Mac mới, Boot Camp sẽ yêu cầu bạn tạo USB cài đặt dựa trên một file ISO của đĩa cài đặt Windows và sẽ có tuỳ chọn để người dùng tải về trình điều khiển cho Windows.
Bước cài trình điều khiển trên Boot Camp cũng sẽ thực hiện tự động khi quá trình cài Windows hoàn tất. Sau khi vào Windows, bạn chỉ cần kích hoạt bản quyền hệ điều hành, cài phần mềm và sử dụng bình thường.
Bạn có thể thiết lập mặc định vào Windows mỗi khi khởi động máy bằng cách khởi động tiện ích Boot Camp Control Panel (ở khay hệ thống trên Windows) và chọn Startup Disk là Boot Camp [Windows] > Apply > OK là xong.

Sử dụng tiện ích Wine
Wine (www.winehq.org) có lẽ không quá xa lạ với những ai đã dùng qua Linux. Công cụ này đóng vai trò là một lớp tương thích (compatibility layer) giúp các ứng dụng Windows có thể chạy được trên các hệ điều hành khác. Mặc dù với ưu điểm là gọn nhẹ, nhưng Wine vẫn còn nhiều nhược điểm, trong đó là giao diện kém bắt mắt, nhiều ứng dụng không chạy được, phát sinh nhiều lỗi do tiện ích này không giải mã được.
Người dùng có thể cài ứng dụng Windows tự động ngay bên trong giao diện của WineBottler.
Hiện tại có công cụ WineBottler (http://winebottler.kronenberg.org) được tác giả tuỳ biến và tối ưu để ai cũng có thể sử dụng mà không cần am hiểu nhiều về kỹ thuật. WineBottler có thể hỗ trợ cài đặt nhanh các ứng dụng Windows ngay trong tiện ích hay chạy các ứng dụng dạng *.EXE.
Sử dụng công cụ CrossOver Mac
CrossOver Mac là một tiện ích có phí của CodeWeavers hỗ trợ người dùng Mac chạy ứng dụng Windows trên hệ điều hành OS X. Ưu điểm của CrossOver Mac là có giao diện tương tác đẹp, tập trung chủ yếu ở chức năng chạy ứng dụng Windows trên Mac nên tính ổn định rất cao. Các phần mềm phổ biến trên Windows hiện đều được CrossOver Mac hỗ trợ. Nếu bạn có một ứng dụng chưa chạy được trên công cụ này thì có thể liên hệ với hãng CodeWeavers để được hãng bổ sung thêm vào bản cập nhật sau.
Việc cài đặt các ứng dụng Windows trên Mac với CrossOver Mac khá đơn giản.
Điểm khác biệt của CrossOver Mac là người dùng chạy phần mềm Windows như một phần mềm trên Mac mà không cần chạy máy ảo. Vì được trả phí nên các phần mềm Windows hỗ trợ trước khi đến tay người dùng đều được thử nghiệm, kiểm soát kỹ lưỡng và sửa lỗi hoàn chỉnh. Mặc dù vậy. CrossOver Mac chưa hỗ trợ những trò chơi 3D nặng dành cho Windows PC.
CrossOver Mac cũng có phiên bản dùng thử, bạn có thể tải về tại www.codeweavers.com.
Dùng Remote Desktop
Có lẽ đây là cách đơn giản nhất để bạn sử dụng phần mềm Windows trên máy Mac. Người dùng có thể dùng chức năng Remote Desktop để truy cập từ xa các máy tính PC Windows và chạy các phần mềm cần dùng từ máy Mac (thậm chí từ Chromebook, Linux PC, iPad hay các máy tính bảng dùng Android).
Chạy ứng dụng Windows ngay trên trình duyệt Chrome nhờ một Extension hỗ trợ.
Công cụ Remote Desktop của Microsoft được cung cấp miễn phí trên Mac App Store.
Chức năng Remote Desktop hiện được cung cấp miễn phí trên khi Mac App Store, nếu bạn cài các bộ Microsoft Office thì tiện ích này cũng được tích hợp sẵn (bạn cần chọn trong quá trình cài đặt), Apple cũng có công cụ Apple Remote Desktop tối ưu cho OS X. Còn nếu bạn muốn đơn giản hơn thì có thể sử dụng tiện ích Chrome Remote Desktop (https://goo.gl/V9bJ9) trên trình duyệt Chrome để làm điều này.

Sử dụng các tiện ích điều khiển máy tính
Cách này về cơ bản tương tự như Remote Desktop đã nhắc ở trên, tuy nhiên vì được thiết kế tối ưu cho chức năng điều khiển máy tính từ xa nên sẽ có những ưu việt hơn. Có thể kể đến các phần mềm như TeamViewer (miễn phí, có gói trả phí cho doanh nghiệp - http://teamviewer.com), LogMeIn for Mac (www.logmein.com), RealVNC (www.realvnc.com), Join.me (https://join.me), WebEx Free (www.webex.com).
Bạn có thể điều khiển và dùng ứng dụng Windows trên Mac với các công cụ như TeamViewer.
Tóm lại, nếu bạn cần dùng nhanh một số ứng dụng Windows nhỏ gọn, với thao tác đơn giản thì nên áp dụng phương thức Remote Desktop hoặc cài các tiện ích điều khiển như LogMeIn, TeamViewer hay VNC… Nhưng nếu dùng các ứng dụng Windows đòi hỏi thao tác phức tạp hơn, có thể cần đến phím tắt thì cài máy ảo hoặc các công cụ tối ưu để chạy phần mềm Windows ngay trên môi trường Mac như Wine hay CrossOver. Còn nếu bạn cần chơi game, xử lý đồ hoạ nặng với các phần mềm mới thì nên cài song song Windows – Mac thông qua Boot Camp để có được hiệu năng tốt nhất. 
Mẹo hay
Nếu bạn không muốn cứ mỗi lần muốn dùng các phần mềm Windows là phải khởi động lại máy, thì nên cài VMWare Fusion hoặc Parallels Desktop for Mac cho OS X. Sau đó, dùng cách tạo máy ảo mới với phân vùng Boot Camp. Tiếp theo, nếu muốn chạy các ứng dụng Windows nhỏ gọn như Office, các game nhẹ… thì bạn chạy máy ảo sử dụng để khỏi mất nhiều thời gian. Nếu dùng các công cụ đòi hỏi nhiều tài nguyên hệ thống (dựng hình, video, chơi game 3D) thì mới khởi động lại vào Windows.

PC World VN, 06/2015
http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/lam-the-nao/2015/06/1239448/chay-ung-dung-windows-tren-mac/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét