THỬ NGHIỆM MỘT SỐ ĐIỆN THOẠI SẠC NHANH: GALAXY S6 EDGE, ONE M9. ZENFONE 2, IPHONE 6 PLUS VÀ OPPO N3
Công nghệ sạc nhanh
đang ngày càng được trang bị nhiều hơn trên các điện thoại di động hiện
đại, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Mỗi nhà sản xuất lại sử dụng một
công nghệ sạc khác nhau và họ đều cho cái của mình là tối ưu. Trong bài
viết này mình sẽ thử nghiệm hầu hết các điện thoại được cho là hỗ trợ
sạc nhanh trên thị trường, từ Galaxy S6 Edge, One M9, Zenfone 2 cho tới Oppo N3. iPhone 6 Plus
không hỗ trợ sạc nhanh nhưng cũng được cho vào để tham khảo. Rất tiếc
là mình không kiếm được Xperia Z3 và LG G4 thì chưa phải bản bán ở Việt
Nam nên chúng ta sẽ thử nghiệm chi tiết nó sau.
Trong số các máy này thì 3 máy đầu tiên: Galaxy S6 Edge, One M9 và
Zenfone 2 đều sử dụng công nghệ sạc nhanh của Qualcomm với tên gọi
riêng: Samsung Adaptive Charger, HTC Rapid Charger, Asus BoostMaster còn
iPhone thì dùng cục sạc của iPad thay cho cục sạc quá chậm đi kèm. Oppo
N3 dùng sạc riêng của hãng, công nghệ VOOC. Sạc mình thử là cục sạc
VOOC thế hệ 2, nó gọn hơn đáng kể so với cục cũ và cho dòng cao hơn một
chút.
Tình trạng:
Như trong bảng so sánh phía dưới các bạn có thể thấy, Samsung và Oppo là
hai nhà sản xuất duy nhất trang bị kèm sạc nhanh trong hộp như một tiêu
chuẩn. Đây là một động thái mà mình đánh giá rất cao vì pin đang là vấn
đề mà người dùng rất xem trọng. Asus có trang bị như tiêu chuẩn bán kèm
nhưng chỉ ở trong phiên bản cao cấp nhất, các phiên bản còn lại không
có.
HTC không tặng kèm sạc nhanh trong hộp, một quyết định khá đáng tiếc xét
đến giá bán của nó. Dù vậy, M9 vẫn đỡ hơn iPhone 6 Plus khi Apple thậm
chí còn không chịu dùng cục sạc tốc độ cao hơn mà vẫn duy trì cục sạc 5W
(5V 1A) cổ lỗ sĩ nhiều đời nay.
Công nghệ:
Như đã nói, 3 thiết bị đầu tiên dùng QuickCharge 2.0 của Qualcomm. Công nghệ này tăng hiệu điện thế, có 3 nấc khác nhau: 5V 2A (10W, tương đương công nghệ QuickCharge
1.0), 9V 1.67A (15W) và 12V 1.5A (18W). Tùy vào thiết bị mà sẽ hỗ trợ
hiệu điện thế khác nhau. Có vẻ như 12V chỉ dùng cho các máy tính bảng vì
tất cả các điện thoại mình thử nghiệm đến thời điểm này đều chỉ dừng
lại ở 9V 1.67A. Trong bài này mình sẽ không nhắc đến QuickCharge 2.0
Class B hỗ trợ tới 20V mà chỉ nhắc tới Class A vì trên thị trường mới
chỉ thấy xuất hiện Class A với cường độ dòng điện hiệu điện thế tối đa 12V mà thôi.
Ưu điểm của QuickCharge 2.0 là nó chung chuẩn nên bạn có thể dùng
chéo sạc của hãng này với hãng kia, dùng sạc HTC cho Samsung cũng được
mà Zenfone sạc chung với Xperia Z3 cũng chẳng sao.
Oppo là hàng dùng sạc VOOC theo chuẩn riêng, thay vì nâng hiệu điện thế
thì họ lại chọn cách nâng cường độ dòng điện lên tối đa là 5A. Cách này
có lợi là công suất siêu lớn: 25W tối đa nhưng nhược là nó đòi hỏi toàn
bộ hệ thống phải đồng bộ, từ cục sạc, chip điều khiển bên trong máy cho
tới cả chân cắm sạc, chỉ cần một trong những yếu tố này có vấn đề là bạn
sẽ không còn sạc nhanh được nữa. Chúng ta đã có bài viết riêng về QuickCharge 1.0 và 2.0, có lẽ sẽ cần thêm 1 bài thử nghiệm kỹ hơn về VOOC.
Thử nghiệm sạc:
Do mỗi viên pin theo máy có dung lượng khác nhau nên việc thử nghiệm một
cách chính xác tuyệt đối gần như là không thể. Để đơn giản thì mình sẽ
tính ở mức 500mAh, 1000mAh và 2000mAh. Tức là khi pin sạc được đến 19%
của S6 (500mAh với viên pin 2600mAh), 16% của Zenfone 2 (pin 3000mAh)
hay 16% của Oppo N3 (cũng 3000mAh) thì mình sẽ ghi lại thời gian sạc.
Bắt đầu bấm đồng hồ khi pin cạn hẳn cho tới khi đạt được các mốc pin
này.
Khi nhìn vào bảng so sánh, các bạn chủ yếu nên để ý các mốc dung lượng khoảng dưới 1000-2000mAh hơn.
Dưới dung lượng này thường là các mốc mà sạc nhanh đẩy nhanh tác dụng
nhất của nó có thể. Thường thì khi lên khoảng 50% hoặc cao hơn một chút
thì sạc bắt đầu giảm tốc độ lại nhằm bảo đảm pin không bị chai nhiều.
Tùy vào nhà sản xuất thì họ sẽ quy định mức giảm khác nhau, và giảm theo
bậc chứ không giảm một cách đột ngột.
Về việc thử xem sạc nhanh có làm hại pin hay không thì chúng ta sẽ dành
cho 1 bài viết khác, quá dài để có thể gói gọn trong bài viết này.
Kết quả:
Nhìn vào bảng, các bạn có thể thấy ở mốc 500mAh, tức khoảng
16-19% pin thì Oppo N3 là nhanh nhất với chưa đầy 7 phút, một kết quả
không quá ngạc nhiên với việc đẩy dòng lên tới 5A. Asus Zenfone 2
xếp thứ nhì với gần 10 phút, Galaxy S6 Edge thứ 3, One M9 thứ 4 và
iPhone 6 Plus là chậm nhất với 16 phút 24 giây, tức chậm hơn khoảng 2.5
lần so với chiếc máy nhanh nhất.
Kết quả thu được cũng tương tự ở mốc 1000mAh, lần lượt là Oppo
N3>Zenfone 2>S6 Edge>One M9>iPhone 6 Plus. Sự chênh lệch
giữa các máy vẫn khá lớn với tỷ lệ không khác biệt nhiều so với 500mAh.
Khu vực 1000mAh trở xuống là khu vực mà các cục sạc đẩy nhanh điện nhất
có thể vào pin.
Ở mốc 2000mAh, chúng ta thấy thứ tự vẫn như vậy nhưng rõ ràng khoảng
cách giữa các máy đã được rút ngắn đáng kể, cho thấy các cục sạc đã tiết
chế lại để không ảnh hưởng nhiều tới pin. Khoảng cách giữa N3 với các
máy còn lại vẫn rất lớn nhưng các máy QuickCharge 2.0 với iPhone 6 Plus
đã thu gọn lại đáng kể, S6 Edge tốn gần 50 phút để sạc 2000mAh còn
iPhone 6 Plus là 60 phút.
Biểu đồ cộng dồn thể hiện tốc độ sạc của các máy ở mức dưới 2000mAh, càng thấp càng tốt
Khi để máy sạc đầy, tức vừa báo 100% thì bọn mình rút sạc, kết
quả đã có sự thay đổi. Samsung Galaxy S6 Edge vượt lên dẫn đầu với 1h21
phút, N3 bị giảm xuống thứ nhì với 1h26 phút, iPhone 6 Plus lại về thứ 3
với 1h36 phút và Zenfone 2 từ thứ 2 tụt xuống cuối cùng với gần 2
tiếng. Thực tế thì như đã nói, trên mốc 50% thì tùy nhà sản xuất quyết
định giảm cường độ dòng điện đến mức nào. Hầu hết chúng ta khi sạc trên
1.5 tiếng đều là sạc qua đêm nên bạn cũng không cần quan tâm lắm. Hơn
thế nữa, dung lượng pin mỗi máy khác nhau nên việc thử nghiệm sạc đầy
chỉ mang tính tham khảo hơn là so sánh. Hiện tại bọn mình mới chỉ thử nghiệm chi tiết S6 về các mốc sạc pin, các máy khác sẽ được thử nghiệm chi tiết riêng.
Kết quả này chỉ mang tính tham khảo, không áp dụng để nói về tính sạc nhanh
Việc thử sạc tốn quá nhiều thời gian và phải thử nhiều lần để lấy
mốc trung bình nhằm có kết quả dễ tin tưởng được nhất. Bọn mình sẽ tiếp
tục thử với các cục sạc tiêu chuẩn 5V 1A hay sạc với các cục sạc kiểu
như Anker 5 cổng để xem liệu có đáng cho chúng ta bỏ tiền ra mua sạc
nhanh hay không. Tất nhiên, người dùng S6 và Oppo N3 không cần quan tâm
đến điều này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét