TƯƠNG LAI CỦA THỰC TẾ ẢO? NGAY TRONG CHIẾC SMARTPHONE CỦA BẠN ĐẤY!
Trước đây khi nói đến thực tế ảo (Virtual Reality - VR),
chúng ta thường nghĩ tới những hệ thống phức tạp với đủ thứ dây nhợ nối
vào máy tính. Nhưng thời buổi này đã khác, bạn chỉ cần một chiếc kính
được thiết kế đặc biệt và một chiếc smartphone là đủ. Trong bài viết bên
dưới các bạn sẽ được biết thêm về cách mà các hãng di động đang tận
dụng smartphone của họ để khai thác thị trường thực tế ảo, những xu
hướng của thế giới VR và tương lai thực tế ảo sẽ phát triển ra sao.
Smartphone và thực tế ảo
Ở sự kiện Google
I/O vào tháng 6/2014, khi mỗi lập trình viên bước ra khỏi sảnh của khu
vực hội thảo, Google phát cho mỗi người một cái bìa carton nhỏ. Nhiều
người bỏ cả vài phút thắc mắc không biết vật này là gì, rồi thêm vài
chục phút phàn nàn về cái vật vô dùng đó, để rồi phát hiện ra nó là một
thứ có thể gấp thành một bộ dock để nhét điện thoại vào. Thế là những
người đó bắt đầu gấp gấp và bỏ điện thoại vào trong cái khe có sẵn. Khi
họ đeo vào, bỗng nhiên họ được bay xuyên qua những hình ảnh Google
Street View và các đoạn video trong không gian thực tế ảo. Trong số
những thứ Google trình diễn ngày hôm đó - smartwatch, xe thông minh,
Android - thì miếng bìa carton đó lại là thứ để lại ấn tượng nhiều nhất.
Một cách bất ngờ, chiếc điện thoại của bạn chính là một thiết bị thực tế
ảo quan trọng nhất và tuyệt hơn là nó đã nằm sẵn trong túi của rất
nhiều người dùng trên thế giới. Nhiều sản phẩm tương tự cũng đã xuất
hiện, từ các hãng tên tuổi như Samsung, LG, Carl Zeiss cho đến những hãng phụ kiện bên thứ ba có tham vọng nhảy vào thị trường thực tế ảo.
Ngay cả Oculus cũng bắt đầu ngó đến thị trường smartphone khi hợp tác
cùng Samsung phát triển kính đeo có chỗ nhét điện thoại, thậm chí hãng
còn làm cho kho ứng dụng của mình có khả năng tương thích chéo giữa
Oculus Rift với Gear VR nữa. Nick DiCarlo, người dẫn đầu bộ phận thực tế
ảo của Samsung, chia sẻ: "Chúng tôi cho anh ấy xem ý tưởng về di động,
và anh ấy bày tỏ: 'Whoa. Giờ thì tôi có tầm nhìn có lớn hơn cho chuyện
nà'". Người mà DiCarlo đang nhắc đến đó là John Carmack, một lập trình
viên nổi tiếng và cũng là một trong những thành viên đầu tiên của gia
đình Oculus. Tại triển lãm về game GDC đang diễn ra, Carmack đã thông
báo đến công chúng rằng "chiến lược chính thức đó là Oculus sẽ bắt đầu
tiến vào tay người tiêu dùng trong đợt ra mắt kế tiếp của Samsung".
Việc nhiều hãng bắt đầu tập trung vào "thực tế ảo trên smartphone" cũng
không quá bất ngờ trong bối cảnh bạn có thể nhanh chóng đi vào một thế
giới hoàn toàn khác chỉ bằng chiếc điện thoại của mình. Những chiếc
smartphone hiện đại ngày nay có màn hình đẹp, độ phân giải cao, màu sắc
tốt. Chúng cũng có chip xử lý mạnh mẽ để có khả năng trình diễn hình ảnh
thực tế ảo, và cũng có thể chơi cả một vài game VR đơn giản nữa. Chưa
hết, smartphone lại còn được tích hợp gia tốc kế và la bàn số đủ tốt để
theo dõi chuyển động của đầu người dùng một cách chính xác, và đây từng
là một trong những thử thách lớn nhất với các hãng thực tế ảo.
Một vài con số khác để bạn so sánh: Oculus mất hai năm trời để biến sản
phẩm của họ từ những bo mạch được đính với nhau bằng băng dính trở thành
một thiết bị hoàn chỉnh. Trong khi đó, Google đã cung cấp hơn 50.000
tấm bìa "Cardboard" với thời gian chỉ bằng phân nửa.
Quan trọng hơn, chiếc điện thoại sắp tới của bạn lại càng trở nên mạnh
hơn nữa, mạnh hơn rất nhiều. Và nhiều khả năng nó sẽ có màn hình 2K, 4K
hoặc hơn thế nữa. Thiết bị di động giờ đây trở thành một xu hướng "điên
rồ" mà theo lời DiCarlo là chỉ có điên mới không đi theo xu hướng đó.
Ông còn nói thêm rằng thời điểm mà smartphone trở thành một thiết bị
chơi game tốt hơn Xbox 360 không còn xa, và "tuyệt hơn nữa đó là người
dùng đang làm quen với tốc độ rất nhanh".
Việc kế tiếp: khiến nhiều người dùng thử xem thực tế ảo ra sao
Vậy các nhà sản xuất có thể làm gì tiếp theo? DiCarlo đến từ Samsung
cũng tự đặt ra câu hỏi đó như nhiều hãng khác, và thứ đầu tiên họ muốn
làm đó là làm sao đó để mọi người bắt đầu xài thử các thiết bị thực tế
ảo.
Quyết định của Samsung khi theo đuổi Gear VR cũng được sinh ra từ tham
vọng muốn làm được một cái gì đó. Thực tế ảo vẫn còn quá mới nên công ty
muốn tiếp cận người dùng theo một hướng thân thiện. "Ý tôi là nếu bạn
là một người có khả năng nhìn xa về thực tế ảo, bạn sẽ mua sản phẩm của
chúng tôi, và bạn không cần phải đi từng bước. Nhưng hầu hết mọi người
lại không được như thế, chính vì thế ý tưởng mang thực tế ảo đến mọi
người thông qua chiếc smartphone họ đã biết và yêu thích chính là một
bước đi trung gian cần thiết".
Đây cũng là lý do mà nhiều công ty thực tế ảo bắt đầu nhìn vào thị
trường điện thoại. "Nếu bạn muốn một thứ ngắn hạn và gây được chấn động
trong ngành VR thì điện thoại chính là thứ bạn cần", Ed Tang, người sáng
lập cũng là giám đốc chiến lược của Avegant cho biết. Công ty ông đã
tạo ra một thiết bị nhìn giống như tai nghe với khả năng chiếu phim thực
tế ảo mang tên Glyph. "Bạn có thể bán một miếng bìa carton chỉ 10$ hay
20$, hoặc một bộ vỏ 50$ hay 200$ để gắn điện thoại vào, và mọi người đã
có sẵn smartphone rồi. Bạn đeo nó lên mặt, và bạn đã có một trải nghiệm
VR chấp nhận được", Tang giải thích.
Carl Zeiss cũng có cùng suy nghĩ như thế. Andreas Klavehn, giám đốc mảng
thiết bị đa phương tiện của công ty, cho biết rằng sau khi nhìn thấy
cách mà Oculus giúp mọi người vẽ ra trí tưởng tượng của mình, và sau khi
tự thử nghiệm, Zeiss muốn bước vào thị trường này ngay lập tức. Thay vì
tự làm mọi thứ từ đầu, Zeiss phát triển ra chiếc VR One,
một thiết bị đeo đầu với khay có thể thay thế để dùng với bất kì chiếc
smartphone nào có màn hình từ 4,7" đến 5,2". Điểm mạnh của Zeiss đó là
họ có kinh nghiệm rất lâu trong lĩnh vực quang học nên họ có thể làm ra
những thấu kính cực kì tốt, và thấu kính là lại là một yếu tố quan trọng
trong trải nghiệm VR.
Tương lai xa: Thực tế ảo không cần smartphone
Thực chất thì Zeiss và Avegant vẫn đang đánh một canh bạc lớn. Họ vẫn
tập trung phát triển công nghệ hiển thị thay vì đầu tư phát triển phần
mềm VR để xài với smartphone. Và họ vẫn đang cố gắng kiếm tiền từ những
sản phẩm về cơ bản là không khác mấy so với ý tưởng CardBoard của
Google. Vì sao? Vì tất cả đều có chung một tầm nhìn: rồi thì bạn cũng sẽ
quăng chiếc smartphone của mình đi mà thôi.
Hãy nhìn vào những công ty nhỏ như Magic Leap (một công ty VR vừa được
thành lập cách đây không lâu), hay các công ty lớn như Microsoft với kính thực tế ảo
HoloLens. Thậm chí ngay cả Google Glass cũng thế. Tất cả đều nhắm tới
một tương lai mà điện thoại không phải là thiết bị chính của bạn, và có
thể lúc đó bạn còn chẳng sở hữu chiếc điện thoại nào cả. Tang chia sẻ:
"Chúng sẽ trở thành một dạng thiết bị đeo được nào đó, một dạng kính đeo
thông minh hay màn hình thông minh mà bạn để lên đầu. Có thể bạn sẽ có
một loại máy tính nhỏ bé nào đó đi kèm. Gì cũng được. Nhưng nếu đó là xu
hướng sắp tới, vậy việc chúng tôi làm ra những sản phẩm dựa trên
smartphone ngày hôm nay có còn có ý nghĩa hay không?"
Với Samsung, DiCarlo nói rằng nếu tương lai đó có xuất hiện thì nó cũng
là một chặng đường rất dài. Và trong thời gian chờ đợi đó thì bạn có thể
làm rất nhiều thứ. "Màn hình của Note 4 thực chất chỉ là yêu cầu tối
thiểu cho trải nghiệm thực tế ảo mà thôi". Ông chia sẻ rằng để đạt được
trải nghiệm tốt nhất ở mọi góc nhìn, bạn sẽ phải phát hình ảnh độ phân
giải 10K với tốc độ 30fps. Quên chuyện download nó đi, cũng đừng nghĩ
tới việc stream một đoạn video trực tiếp từ Internet.
Nói về kinh nghiệm cá nhân, lần đầu tiên mình được thật sự trải nghiệm
thực tế ảo đó là tại một sự kiện của AMD diễn ra vào năm 2014, tại
Singapore. Ở đó AMD đặt một chiếc kính Oculus Rift được kết nối với một
chiếc máy tính. Mình đang ở một căn phòng hội nghị trong khách sạn, và
khi mình đeo kính vào thì lập tức mình trở thành một anh lính đang dạo
chơi trong một khu rừng rậm nhiệt đới nào đó với trực thăng bay xung
quanh. Bỗng nhiên có một chiếc tiến thẳng đến mình, và mình vẫn nhớ cảm
giác khi ấy: giật mình, ngạc nhiên nhưng lại vô cùng phấn khích và đó là
một cảm giác rất thực.
Đến bây giờ thì Oculus Rift vẫn là cái tên được biết đến nhiều nhất
trong lĩnh vực thực tế ảo. Nó đại diện cho cả một ngành công nghiệp đang
trên đà phát triển và có rất nhiều tiền năng trong tương lai. Nhưng
tiếc là bạn vẫn chưa thể mua nó ngay lúc này.
Vẫn còn nhiều thứ phải làm - nhưng thực tế ảo đã đến rất gần
Đúng thế, vẫn còn nhiều thứ phải làm. Chơi game - ứng dụng quan trọng
nhất của thực tế ảo - hiện vẫn chưa sẵn sàng. Công nghệ và cả các game
VR đầu vẫn còn quá đắt đỏ. Việc chiếu phim VR cũng thế, nó ngốn quá
nhiều thời gian và nguồn lực của các nhà sản xuất. Chúng ta đang nói về
việc nhìn thấy một thế giới phủ kín 360 độ xung quanh đấy các bạn ạ, chứ
không chỉ là một góc quay giới hạn như hiện nay.
Nhưng tiến độ phát triển của ngành VR thì lại đang rất nhanh. Chiếc kính
Gear VR mới nhất (loại dùng cho Galaxy S6 và S6 Edge) giờ đây nhẹ hơn
và tiện lợi hơn so với phiên bản dùng cho Note 4 trước đây. Màn hình của
S6 với mật độ điểm ảnh cao hơn cũng khiến cho trải nghiệm hình ảnh tốt
hơn. Ngoài ra, các hãng cũng đang tìm kiếm cách ứng dụng VR cho những
mảng khác mà trước đây có thể chúng ta không bao giờ ngờ đến: Qantas đưa
kính Gear VR cho các hành khách bay khoang hạng nhất để họ trải nghiệm
video, Oculus thì đưa thiết bị thực tế ảo vào liên hoan phim Sundance.
Oculus lẫn Samsung cũng đang hướng đến "thực tế ảo phổ thông" (tức là
đưa thiết bị đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi", trong khi
Avegant thì nỗ lực tạo ra một thứ gì đó nhìn đẹp khi bạn đeo thiết bị
thực tế ảo lên người.
Chúng ta vẫn còn đang ở giai đoạn khởi đầu của kỉ nguyên thực tế ảo, và
mọi thứ sẽ còn thay đổi cả nghìn lần trước khi đâu vào đó. Có thể trong
vài năm tới thiết bị VR sẽ được tích hợp vào gọng kính của chúng ta,
hoặc có thể nó sẽ được vận hành bởi một cái máy nhỏ xíu như nút ảo, mình
không biết, bạn cứ thoải mái tưởng tượng. Chúng ta sẽ dùng VR cho việc
chơi game đơn giản cho đến hỗ trợ phẫu thuật và cả trong quân sự nữa -
rất nhiều, rất nhiều những thứ như thế. Vâng, công nghệ là về những điều
điên rồ như thế đấy.
Ngoài ra, công nghệ thực tế ảo còn là cách để kết nối mọi người với
nhau. Ở những lần trình diễn đầu tiên, Oculus đã từng dẫn người dùng vào
một rạp phim ảo, nơi họ có thể ngồi cạnh những "avatar" của bạn bè và
cùng xem một bộ phim, cùng nói chuyện với nhau dù cho đang cách nhau nửa
vòng trái đất. Tất nhiên, chỉ mới có đoạn rạp phim ảo là được phát
triển xong, còn việc ngồi cạnh, tán gẫu thì vẫn còn là chuyện của tương
lai. Nhưng chỉ nhiêu đó cũng đã cho thấy được tiềm năng rộng lớn của VR
rồi.
Nói về tương lai xa quá, giờ quay trở lại với tương lai gần. Công nghệ
thực tế ảo giờ đã có thể hiện diện trên smartphone rồi. Chiếc smartphone
của bạn đủ mạnh, giá tốt, và việc gắn nó vào một chiếc kính sẽ giúp bạn
xem được phim trên một màn hình rộng hơn kích cỡ 5" thực tế (hãy nhớ
đến rạp phim ảo của Oculus nói trên). Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ để khiến
người dùng bỏ vài chục đô la ra để sở hữu một cặp kính thực tế ảo làm
từ carton rồi.
Nó cũng đủ để khiến cho bất kì ai xài smartphone hiểu được tiềm năng
đang ngày một lộ rõ của thực tế ảo, và đủ để người ta bắt đầu mơ về
những tình huống sử dụng rộng hơn cả việc chơi game hay xem phim.
DiCarlo cho biết "Hiện tại mức độ nhận thức về VR của những người đứng
bên ngoài cộng đồng công nghệ vẫn còn khá thấp. Nó là một vấn đề mà
chúng tôi phải tiếp tục giải quyết".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét