TIÊU CỰ CỦA ỐNG KÍNH VÀ KÍCH THƯỚC BỘ CẢM BIẾN
Camera Tinh Tế nhận được những câu hỏi của các bạn mới chơi băn khoăn khi chọn mua ống kính
có tiêu cự nào phù hợp. Hầu hết người gửi câu hỏi đều chưa hiểu rõ nhu
cầu chụp cái gì của bản thân, chưa hiểu tác dụng của từng tiêu cự, hiệu
ứng và cách dùng nó. Nên chúng tôi xin tổng hợp và chia sẻ sơ lược về tiêu cự ống kính ở bài này.
1. Tiêu cự của ống kính và kích thước bộ cảm biến
Một trong đặc tính quan trọng nhất của ống kính là độ dài tiêu cự của
nó, thường được gọi tắt là tiêu cự. Tiêu cự là gì? - Tiêu cự của một ống
kính là khoảng cách từ tâm ống kính tới bề mặt phim / cảm biến hình ảnh
của máy ảnh khi ống kính lấy nét ở vô cực. Tiêu cự của ống kính càng
dài thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn. Độ dài tiêu cự và kích thước
hình ảnh tỷ lệ thuận với nhau.
- Trên cùng một máy ảnh tại cùng vị trí chụp cùng đối tượng: Khi thay
ống kính có tiêu cự 50mm bằng ống kính có tiêu cự 100mm, hình ảnh chụp
bằng ống kính có tiêu cự 100mm sẽ lớn gấp đôi hình ảnh chụp với ống kính
50mm trên cùng một máy ảnh và cùng vị trí bấm máy.
- Cùng một ống kính chụp trên hai loại máy: Một ống kính có tiêu cự
50mm nhưng dùng cho hai loại máy ảnh số với kích thước bộ cảm biến hình
ảnh khác nhau. Chẳng hạn máy DSLR "full-frame" tương đương kích thước
phim 35mm và máy DSLR "crop sensor" có kích thước bộ cảm biến hình ảnh
nhỏ hơn - tỷ lệ 1.3x, 1.5x, 1.6x hay 2x ... thì sẽ có cùng độ khuếch đại
nhưng sẽ khác góc thu hình, căn cứ theo đường chéo của bộ cảm biến.
Như vậy, ống kính 50mm trên máy ảnh DSLR full-frame sẽ có góc thu
hình rộng hơn là khi gắn trên máy ảnh DSLR crop sensor. Ống kính 50mm
của máy ảnh DSLR full-frame là ống kính normal tiêu chuẩn nhưng khi gắn
trên máy ảnh DSLR crop sensor lại là một ống kính góc hẹp hơn, tương
đương với một tiêu cự dài hơn. Chẳng hạn ống kính 50mm gắn trên máy ảnh
số có bộ cảm biến nhỏ tỷ lệ là 1.6x sẽ là 80mm.
Có các hãng máy ảnh sản xuất máy DSLR full-frame song song với dòng DSLR
crop sensor. Trong đó, hãng Canon có dòng DSLR crop sensor có hai tỷ lệ
khuếch đại là 1.6x và 1.3x; các dòng máy DSLR crop sensor của Nikon,
Sony và Pentax đều theo tỷ lệ khuếch đại 1.5x. Các dòng máy không gương
lật thì lại dùng tỷ lệ khuếch đại 2x.
2. Ống kính một tiêu cự (prime lens) hay ống kính đa tiêu cự (zoom lens)?
Sắm cái ống kính, ngoài việc cân đối khả năng tài chánh, điều quan trọng
là phải xác định rõ nhu cầu chụp ảnh. Không phải dựa vào những bài đánh
giá chất lượng, những thông số được tăng cường hay nâng cấp của một ống
kính mới ra mắt, rồi quyết định mua, và sau đó không thấy hài lòng vì
nó không đáp ứng đúng nhu cầu.
Ống kính đa tiêu cự (zoom lens) là ống kính thay đổi được tiêu cự. Nếu
tiêu cự thay đổi trong khoảng tiêu cự ngắn được gọi là wide-zoom (chẳng
hạn ống 14-24mm); nếu thay đổi trong khoảng tiêu cự dài được gọi là
tele-zoom (chẳng hạn ống 100-400mm); nếu thay đổi từ tiêu cự ngắn đến
tiêu cự dài thì được gọi đơn giản là zoom (chẳng hạn ống 18-200mm). Nó
có đặc tính:
- Cơ động của nhiều tiêu cự.
- Có thể chụp zoom in / zoom out
- Phù hợp với hoàn cảnh cần phản ứng nhanh
Người mới chơi, nên sử dụng ống Kit đi theo máy một thời gian, như
18-55mm, 16-50mm, 18-105mm... để làm quen lựa chọn góc, bố cục khung
hình, thành thạo sử dụng làm chủ thiết bị. Sau đó, tuỳ thời gian sớm
muộn cụ thể của từng người, hãy tìm hiểu ống kính một tiêu cự, hiệu ứng
mỗi tiêu cự riêng biệt, phù hợp với nhu cầu hay sở thích rõ ràng của
mình.
Ống kính một tiêu cự, chúng ta vẫn nghe rằng chúng có độ sắc nét hơn ống
zoom, ảnh trong hơn zoom... và hầu hết những nhiếp ảnh gia chuyên
nghiệp đều sở hữu ống kính một tiêu cự như 20mm, 24mm, 35mm, 50mm, 85mm,
135mm, 180mm... Nhưng với họ, việc ống kính prime có cấu trúc thấu kính
đơn giản giúp ảnh sắt nét hơn, độ trong hình ảnh tốt hơn chỉ là một ưu
điểm. Điểm quan trọng, ngoài đặc điểm ống prime thường có khẩu độ lớn,
thì khi chọn mua một ống kính có tiêu cự cụ thể nào là chọn một hiệu ứng
tương ứng riêng của tiêu cự đó phù hợp với nhu cầu chụp của mình. Khi
đó tiêu cự mình chọn sẽ phải chụp với góc chụp hay bố cục khung hình
riêng với tiêu cự đó. Như vậy, hiểu rõ ràng hiệu ứng từng tiêu cự là
việc cần trước khi sắm một ống kính.
3. Một vài đặc tính cần biết
Đặc tính của ống kính tiêu cự dài (như ống 105mm, 135mm, 180mm, 200mm...)
- Độ khuếch đại lớn
- Vùng ảnh rõ mỏng, tách chủ đề với hậu cảnh (xoá phông)
- Tiêu cự càng lớn, phối cảnh bị dồn ép lại, chiều sâu ảnh giảm
- Tiêu cự càng lớn, hậu cảnh (background) biến dạng
- Dài và nặng hơn các loại khác
Đặc tính của ống kính góc rộng (12mm, 15mm, 20mm, 24mm....)
- Góc thu hình từ 60° - 180°
- Vùng ảnh rõ (dof) rất sâu
- Tăng sự nổi bật của chủ đề ở gần trong phối cảnh rộng, ống càng có
tiêu cự ngắn, hiệu ứng này càng tăng. Tỷ lệ gần xa rất mạnh tạo tương
quan tiền cảnh hậu cảnh độc đáo, nhưng viền ảnh dễ bị kéo dãn méo mó.
- Đường chéo là phần mạnh nhất trong tầm nhìn góc rộng, kéo hướng nhìn
về hộ tụ rất xa. chẳng hạn con hẻm cụt có thể như một ngõ sâu hun hút.
- Hạn chế các chủ đề hình dạng tròn, mặt người ở gần góc và cạnh khung dễ bị biến dạng.
Và, hiểu được hiệu ứng tiêu cự,
người chụp kết hợp với khoảng cách chụp cho phù hợp. Chẳng hạn ống có
tiêu cự càng ngắn, tương ứng góc nhìn càng rộng thì khoảng ảnh rõ (dof)
càng dày (nét sâu) và vị trí đứng chụp càng xa chủ đề thì hình ảnh càng
giảm sắc nét (thường nói là ảnh soft). Vậy, nếu dùng ống 24mm f/2.8
(trên máy full-frame) là ống góc rộng dĩ nhiên dof sẽ dày, nếu đứng càng
gần thì càng sắc nét và ngược lại. Anh A chuyên chụp trong studio luôn
khép khẩu f/9 - f/11 thì đâu cần phải sắm ống tiêu cự dài có khẩu độ lớn
(!), hoặc anh B chụp mẫu ngoại cảnh dof vừa đủ độ nét sâu để còn thấy
lờ mờ bối cảnh nhưng sử dụng ống tiêu cự quá dài (200mm) và đứng quá xa
chủ đề thì ảnh nhất định có dof rất mỏng. Như vậy:
- Chọn tiêu cự phù hợp sở thích chụp chủ đề là gì.
- Chọn khẩu độ tuỳ lúc: khẩu độ càng lớn thì hình ảnh càng giảm độ nét (soft) và khẩu độ càng nhỏ thì ảnh càng sắc nét (sharp).
- Chọn khoảng cách đứng chụp: Càng gần chủ đề thì ảnh càng sắc nét (sharp) và ngược lại càng xa chủ đề thì ảnh càng giảm độ nét.
Tóm lại, khi quyết định chọn mua ống kính, bạn nên xác định rõ tiêu
cự cần mua, hoặc tiêu cự tương ứng với máy ảnh của mình (full-frame hay
crop sensor); tiếp theo là xác định khẩu độ lớn nhất của ống kính mà
mình cần cho nhu cầu thực tế. Ống kính tốt với bạn sẽ là ống kính đạt
được độ nét và hiệu ứng đúng ý với mỗi bước khẩu độ với mỗi khoảng cách
đứng chụp khác nhau.
Canon EOS 6D - Nikon AIS 15mm
Nikon D3 - 200mm f/2.8
Nikon D3 - 35mm f/1.4
Nikon D3 - 24mm f/2.8
Nikon D3 - 85mm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét