THỦ THUẬT NHỎ VỚI ROM CYANOGENMOD 12: LOCKSCREEN SHORTCUT, NHẤN VOLUME MỞ MÁY, THEME, PHÍM ẢO,...
CyanogenMod 12 là một bản ROM rất đáng thử qua vì ngoài việc có được sự nhẹ nhàng, mượt mà của Android
5.0 gốc, nó còn sở hữu nhiều tính năng phụ trợ cực kì hữu ích. Chi tiết
tính năng thì mình đã chia sẻ trong một bài trước đây rồi, còn bài này
chủ yếu là những thủ thuật mình thu thập được nhằm giúp việc sử dụng CM12
trở nên tiện và hiệu quả hơn. Mời anh em xem qua, và nếu anh em muốn
chia sẻ thêm gì với mọi người thì hãy bình luận ngay trong topic này
nhé.
Nội dung chính
Lock screen shortcuts
Khi bạn vừa nhấn nút nguồn của thiết bị chạy CM12, bạn sẽ thấy rằng ở
cạnh dưới màn hình có 3 nút: gọi điện, unlock và camera. Nhưng nếu như
bạn không thường gọi điện mà muốn chạy nhanh app tin nhắn, hoặc bạn
không thích app camera mặc định mà cần app camera khác thì sao?
Đừng lo, CM cho phép chúng ta thay đổi chức năng của các shortcut này
bằng cách: vào Settings > Lock screens > Lock screen shortcuts.
Sau đó, trong biểu tượng chiếc điện thoại ảo xuất hiện, bạn nhấn vào
từng icon để thay đổi chúng theo ý bạn muốn.
Bấm phím volume để unlock máy
Nút nguồn quá cao nên khó với? Nút nguồn chẳng may bị hỏng mà chưa thể
thay hay không còn linh kiện để thay? Vậy tại sao lại không sử dụng nút
volume để thay nhỉ? Vì nút volume thường được bố trí ở cạnh thiết bị nên
chúng ta có thể nhấn vào chúng dễ dàng hơn trong khi tính năng thì lại
tương đương với nút nguồn, quá tuyệt vời.
Cách kích hoạt như sau: Settings > Buttons > Volume buttons > bật dòng Wake up device.
Lưu ý: một khi đã kích hoạt tính năng này, bạn sẽ không thể dùng tính
năng Playback control (đổi bài nhạc khi màn hình tắt). Với mình thì mình
thường bật màn hình lên để chọn bài luôn nên điều này không gây phiền
toái, còn với bạn thì tùy bạn chọn nhé.
System Profiles
Mỗi một profile là một tập hợp những tùy chỉnh về kết nối không dây, âm
lượng thiết bị và một vài thứ khác. Ví dụ, mình có một profile “cơ
quan”, đó là tắt 3G, bật Wi-Fi, tắt Bluetooth, đổi chế độ rung. Một
profile khác đặt tên là “ra đường”, khi đó Wi-Fi sẽ tắt đi, 3G bật lên,
Bluetooth cũng bật lên (để xài với tai nghe), và đổi sang chế độ chuông.
Việc sử dụng profile sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian tắt bật thủ công
những thứ nói trên mỗi khi cần thiết, thay vào đó bạn chỉ cần nhấn một
cái là hàng loạt thiết lập sẽ tự đổi cho bạn.
Để đổi profile, bạn nhấn giữ phím nguồn trên máy, sau đó chọn dòng
“Profile”. Còn để thêm, bớt, chỉnh sửa các profile, bạn vào Settings
> System Profiles.
Ngoài việc sử dụng nút nguồn để chuyển profile thủ công, bạn còn có
nhiều phương pháp để gán “chìa khóa” kích hoạt, chẳng hạn như khi điện
thoại kết nối vào một mạng Wi-Fi tên xyz, khi chạm vào tag NFC, khi
connect với tai nghe Bluetooth tên abc. Bạn có thể tìm thấy những tùy
chọn này trong mỗi profile, mục “Triggers which will activate this
profile”.
Đổi theme, tại sao không?
Bộ nguồn theme của CyanogenMod
cực kì mạnh mẽ và nó có khả năng thay đổi gần như mọi khía cạnh của
giao diện. Một theme được làm cho ROM CyanogenMod có thể đổi font chữ,
icon ứng dụng, cách mà notification hiển thị, nhạc chuông, hình động khi
boot máy và hơn thế nữa. CM12 còn có một kho theme để bạn thoải mái cài
những theme vừa ý mình, và nhờ được cộng đồng CyanogenMod phát triển
nên bạn có rất nhiều lựa chọn với các phong cách rất khác nhau.
Cách đổi theme: tìm ứng dụng “Themes” rồi chạy nó lên. Ở đây sẽ liệt kê
các theme mà bạn đã download, nhấn vào để đổi, còn muốn tải thêm theme
khác thì nhấn nút “Get more”. Bạn có thể sẽ được yêu cầu cài ứng dụng
“Theme Show case” từ Play Store để việc tìm và tải theme mới trở nên dễ
dàng hơn.
Tuỳ biến phím ảo navigation
Nếu bạn đang sử dụng một thiết bị có phím ảo trên màn hình thì giờ đây
bạn có thể dễ dàng tùy biến nó. Không giới hạn trong ba phím back, home,
recent app nữa, CM12 cho phép bạn thêm vào cả nút tìm kiếm lẫn nút
menu. Tất nhiên là bạn cũng có thể di chuyển vị trí các phím sao cho vừa
ý và phù hợp với thói quen của mình. Và nếu bạn là người thuận tay
trái, CM12 cũng có tùy chọn di chuyển thanh điều hướng ảo sang bên trái
khi bạn xoay máy ngang.
Để tinh chỉnh lại thanh phím ảo, làm như sau: vào Settings > Buttons > Navigation Bar. Một số mục bạn có thể nghịch đó là:
- Left-handed mode: chế độ cho người dùng tay trái
- Show arrow keys while typing: hiển thị phím mũi tên khi đang nhập liệu bằng phím ảo
- Buttons and layout: chỉnh sửa, sắp xếp lại các nút ảo theo ý bạn
- Navigation ring targets: tùy chọn ứng dụng hoặc hành động sẽ chạy
lên khi bạn vuốt ngón tay từ phím home lên (lúc đó CM12 sẽ hiển thị ba
vòng tròn, mỗi vòng ứng với một app/hành động)
Chặn cuộc gọi và tin nhắn
Mặc định, Android không hỗ trợ tính năng này. May mắn là nhóm
CyanogenMod đã thấy được hạn chế này và tính năng nó vào bản ROM của họ.
Giờ đây bạn có thể dễ dàng chọn một số nào đó trong danh bạ (hoặc chọn
một số mới) để chặn hoàn toàn, cả cuộc gọi lẫn tin nhắn. Bạn cũng có
quyền chọn chỉ chặn cuộc gọi, chỉ chặn tin nhắn tùy theo nhu cầu của
mình, hoặc chặn hết những số có đầu là xyz hoặc chặn hết số có đuôi là
abc (xyz, abc sẽ do bạn chỉ định).
Cách sử dụng: vào Settings > Privacy > Blacklist > Bật. Nhấn
nút dấu + ở cạnh dưới màn hình để thêm vào số mới cần chặn.
Kiểm soát permission của từng app với Privacy Guard
CyanogenMod là một nhóm lập trình viên luôn coi trọng quyền riêng tư của
người dùng, và trong mọi bản ROM của họ luôn phản ánh điều đó. CM12
cũng không là ngoại lệ, nhóm lập trình viên đã đưa vào hệ thống Privacy
Guard cho phép chúng ta giám sát và tắt bật quyền truy cập (permission)
của từng app một, thứ mà Android gốc không thể làm được. Ví dụ, bạn có
thể giới hạn không cho Facebook lấy địa điểm và truy cập danh bạ, hoặc
không cho Chrome sử dụng microphone. Với hầu hết mọi người thì Privacy
Guard không có nhiều lợi ích, nhưng vì một số mục đích riêng nào đó mà
bạn cần đảm bảo quyền riêng tư thì hãy nhớ đến tính năng này.
Cách sử dụng: vào Settings > Privacy > Privacy Guard. Ở app nào
cần áp dụng các chế độ riêng tư nâng cao, bạn nhấn vào tên app để cho
biểu tượng cái khiêng đổi thành xanh lá. Còn để tinh chỉnh quyền riêng
tư cho app, nhấn giữ vào tên ứng dụng mong muốn, tại đây bạn có thể cho
phép, không cho phép hoặc yêu cầu hỏi bạn mỗi khi app truy cập vào một
số nội dung/phần cứng nhất định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét