Khi tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng,
bạn sẽ nghe nhắc đến khá nhiều các thuật ngữ về tài khoản, thẻ ATM, thẻ
tín dụng… Trên thực tế, nhiều bạn không để ý có thể tưởng nhầm số thẻ
là số tài khoản, cũng như thắc mắc một vài các thuật ngữ có liên quan.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin cơ bản rất thông dụng khi
sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
Số tài khoản thanh toán khác với số thẻ ATM
Khi bắt đầu đi học hoặc đi làm, nhiều bạn sẽ ra ngân hàng làm một cái
thẻ ATM để nhận và rút tiền. Tuy nhiên khi nhận thẻ về, nhiều bạn có thể
bỏ qua một tờ giấy ghi số tài khoản, chi nhánh ngân hàng nơi mở tài
khoản. Trong khi số thẻ trên ATM lại không đại diện hoàn toàn cho tài
khoản mà bạn mở.
Đa phần các thẻ ATM để rút tiền tại Việt Nam đều liên kết qua một tài
khoản thanh toán. Đây là tài khoản thường không tính lãi suất hàng
tháng, hoặc lãi suất không kỳ hạn ở mức thấp nhất của ngân hàng.
Nếu có ai hỏi bạn số tài khoản để chuyển tiền, trong khi bạn chỉ có thẻ
ATM trong tay thì có thẻ ra ngân hàng hoặc gọi lên tổng đài để hỏi rõ về
số tài khoản và chi nhánh ngân hàng.
Thẻ của VIB in cả số thẻ lẫn số tài khoản, rất là tiện lợi để sử dụng thông tin.
Ví dụ về 3 chiếc thẻ ATM nhưng chỉ liên kết vào trong 1 tài khoản của ngân hàng Eximbank.
Phụ lục:
Số tài khoản ngân hàng có cấu trúc ra sao?
Hiện tại các ngân hàng của Việt Nam đều có quy tắc riêng cho chính mình
trong việc đưa ra một con số tài khoản nhất định. Có lẽ chúng ta không
cần quan tâm vấn đề này lắm nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu thì có thể tham
khảo thông tin được chia sẻ dưới đây.
- Vietcombank: số tài khoản gồm 13 số, trong đó 3 số đầu đại diện cho 1
chi nhánh ngân hàng: VD 007 là chi nhánh Tp.HCM, 044 là chi nhánh Tân
Bình. VD: 007 100 1234567
- Vietinbank: số tài khoản với cấu trúc bao gồm 711A ở đầu và 8 số phía sau. VD 711A 123456789
- Techcombank: số tài khoản gồm 14 số, trong đó 3 số đầu đại diện cho 1
chi nhánh ngân hàng: VD 102 là chi nhánh Tp.HCM, 196 là chi nhánh Ba
Đình - Hà Nội... 3 số cuối là một dãy số ngẫu nhiên từ 001 đến 999 nhằm
phân biệt các tài khoản của một mã số khách hàng. VD 102 12345678 001
- Lưu ý đây là những nhận định mang tính cá nhân và dự đoán, vì không
ngân hàng cho chúng ta biết điều này, trừ mấy bạn làm trong đó thì chắc
chắn biết quy tắc.
Quy tắc số thẻ ATM mở đầu bằng số BIN 9704
Hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều áp dụng số ấn định của mình (BIN -
Bank Identification Numbers) mở đầu bằng 9704. Hẳn các bạn còn nhớ
Vietcombank đã phải đổi cho khách hàng cả triệu chiếc thẻ ATM nhằm tiên
phong thống nhất chuẩn mã BIN của Việt Nam là 9704. Theo cấu trúc
thì số thẻ ATM của Việt Nam sẽ có 2 loại 12 số và 19 số. Trong đó các
ngân hàng có thẻ ATM với 19 số là Vietcombank và VIB. Giả sử thẻ
Vietcombank có cấu trúc bao gồm 9704 36 68 12345678 123: trong đó số 36
là mã ngân hàng VCB, 12345678 là số CIF của khách hàng, 123 là dãy số
ngẫu nhiên phân biệt các tài khoản của một khách hàng.
Dưới đây là một vài số BIN của ngân hàng Việt Nam:
- Vietcombank: 9704 36
- Techcombank: 9704 07
- BIDV: 9704 18
- Đông Á: 9704 06
- Maritime Bank: 9704 26
- NH Quân Đội Military Bank (MB): 9704 22
- TPBank: 9704 23
- VIB: 9704 41
- VPBank: 9704 32
- Eximbank: 9704 31
Riêng với trường hợp của Vietinbank thì họ vẫn dùng dãy BIN là 6201 60, mặc dù vậy khi dùng dịch vụ chuyển tiền qua thẻ thì vẫn kết nối bình thường.
Việc thống nhất một dãy BIN theo số 9704 giúp các ngân hàng có thể liên
thông với nhau qua hệ thống giao dịch liên ngân hàng. Từ đó chúng ta có
thể chuyển khoản cho nhau 24/7 nhận tiền liền mà không phải chờ đợi giao
dịch liên ngân hàng theo cách truyền thống. Dịch vụ này sẽ được chia sẻ
trong một bài viết khác.
Khi số thẻ cũng là số tài khoản
Những loại thẻ trả trước thì số thẻ cũng là số tài khoản. Loại thẻ này
thường không chính chủ, bạn có thể mua nó dễ dàng ở một vài ngân hàng và
tặng cho người khác một cách lịch sự, hiện đại. Người được tặng có thể
cà thẻ để chi tiêu, rút tiền hoặc thậm chí có thể thanh toán online (gắn
thẻ vào tài khoản Apple iTunes, Google… để mua phần mềm có bản quyền)
Loại thẻ VISA/MasterCard trả trước (prepaid) của ACB có số thẻ dùng
chung với số tài khoản. Trong khi ngân hàng này cũng đưa ra một lựa chọn
truyền thống là thẻ ghi nợ (debit): bao gồm số tài khoản và số thẻ
riêng.
Có thẻ mở nhiều tài khoản ngân hàng
Giống như việc bạn mua nhiều căn hộ trong một chung cư, thì ngân hàng
cũng cho phép bạn mở nhiều tài khoản dưới 1 mã số khách hàng (CIF). Mã
số này thường quản lý dựa trên 1 số trên giấy tờ cá nhân (CMND, hộ
chiếu…). Nhờ đó một ngân hàng có thể biết khách hàng của mình đang có
bao nhiêu tài khoản thanh toán, bao nhiêu thẻ tín dụng, bao nhiêu tài
khoản gửi tiết kiệm… Bạn cũng có thể mở thêm tài khoản thanh toán ngoại
tệ như USD, EUR khi có nhu cầu.
Giao diện quản lý của ngân hàng trực tuyến luôn liệt kê toàn bộ các dịch vụ của 1 người dùng tại ngân hàng đó.
Tuỳ vào mục đích sử dụng mà một cá nhân có thể mở nhiều tài khoản ngân
hàng. Giả sử bạn từng mở một tài khoản ở Hà Nội, nhưng sau đó lại vào TP
Hồ Chí Minh làm việc. Khi rút một số tiền lớn (trên 100 triệu chẳng
hạn) từ tài khoản có chi nhánh ở Hà Nội thì có thể bị tốn phí nhiều hơn
là một tài khoản đang mở tại TP Hồ Chí Minh.
Hoặc bạn có đứa em đang đi học và hàng tháng phải cấp tiền cho nó xài.
Tuy nhiên lại muốn quản lý chi tiêu việc nó rút tiền. Lúc này bạn chỉ
cần ra ngân hàng mở một tài khoản thứ 2 (nếu đã có tài khoản thứ 1).
Cách này theo mình thấy tiện hơn việc mở thẻ phụ, khi cần in sao kê tài
khoản cũng dễ quản lý và kiểm soát hơn nhiều. Tất nhiên vì thẻ mang tên
bạn nên những vấn đề về pháp lý sẽ do bạn chịu trách nhiệm.
Thẻ phụ
Thẻ phụ như tên gọi, là thẻ được mở ra để cho người thân của bạn dùng.
Nó sẽ liên kết vào tài khoản thanh toán (hoặc thẻ tín dụng của bạn). Mọi
giao dịch trên thẻ phụ thì chủ tài khoản thanh toán đều có thể kiểm
soát được. Thẻ phụ chỉ được cấp khi có sự đồng ý của chủ tài khoản (cũng
là chủ thẻ chính). Thẻ phụ rất dễ cấp với giấy tờ và thủ tục đơn giản.
Tuy nhiên để dễ dàng theo dõi chi tiêu riêng biệt, mình vẫn thích hình
thức mở tài khoản thứ 2 như cách đã giới thiệu.
Trên đây là những thông tin cơ bản mà bất kỳ ai đi giao dịch với ngân
hàng sẽ gặp hàng ngày. Hy vọng với một vài chia sẻ trong bài viết sẽ
giúp bạn dễ dàng hơn trong việc giao dịch và sử dụng các dịch vụ của
ngân hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét