Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

CEO SATYA NADELLA - NGƯỜI MANG HƠI THỞ MỚI ĐẾN MICROSOFT TRONG CHỈ MỘT NĂM

CEO_Microsoft_Satya_Nadella.

Việc Satya Nadella lên làm CEO của Microsoft hồi năm ngoái quả thật là một điều bất ngờ. Trước đó chúng ta biết được rằng Microsoft đang tích cực tìm kiếm một người thay thế cho Steve Ballmer và nhiều thông tin cho rằng công ty sẽ kiếm người bên ngoài để dẫn dắt tương lai của tập đoàn phần mềm nổi tiếng này. Microsoft thậm chí là "tung hỏa mù" khi nói rằng Bill Gates đang dành nhiều thời gian hơn cho công ty mà ông sáng lập và thời lượng đó lên đến 30%. Thế rồi bỗng nhiên Nadella, một nhân viên đã làm cho Microsoft trong vòng 22 năm, được chỉ định lên chiếc ghế quan trọng. Ngay sau đó ông nhanh chóng đề ra mục tiêu tập trung vào mảng di động cũng như đám mây, và đến bây giờ có vẻ như ông đang lái con tàu Microsoft đi đúng hướng.

Giờ thì đã một năm kể từ ngày đó, Microsoft đang mang lại cho người ta một cảm giác tươi mới hơn bao giờ hết và cũng ít phải đắn đo về gia sản đồ sộ mang tên Windows. Một số nhà phân tích từng bình luận rằng Nadella thực chất chỉ đang điều hành những kế hoạch do Ballmer đặt ra mà thôi, nhưng ông vẫn rất xứng đáng để nhận những lời khen sau 12 tháng nằm quyền.

Nadella đã làm được gì?

Dưới thời Ballmer, Microsoft tập trung bảo vệ Windows bằng mọi giá. Thứ mà cựu CEO này hối tiếc nhất, theo lời ông chia sẻ, đó chính là Windows Vista, một hệ điều hành quá tham vọng nhưng mất quá nhiều thời gian để phát hành và cũng không nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Windows Vista cũng là một trong những nguyên nhân khiến Microsoft không chú ý đến thị trường mobile đăng tăng trưởng nhanh và dẫn đến hậu quả công ty bị bỏ xa bởi iPhone cũng như Google Android. Và "đau" hơn nữa, chính Ballmer từng chê cười iPhone ở những ngày đầu sản phẩm này ra mắt, để rồi giờ đây Apple bán được 75 triệu chiếc iPhone trong vòng 3 tháng, con số cao gấp 7 lần so với những chiếc Lumia mà Microsoft bán được.

Nói cho đúng thì Nadella cũng đã chạy một số kế hoạch do Ballmer đề ra, ví dụ như bộ Office cho iPad chẳng hạn, nhưng cách ông thực hiện thì đi theo một hướng khác. Bộ ứng dụng văn phòng này đã được đồn đại hằng năm trời nhưng mãi nó không được ra mắt vì Ballmer lo ngại nó sẽ khiến tablet Windows mất đi lợi thế cạnh tranh. Thế rồi khi Nadella lên làm CEO, ông đã nhanh chóng tung sản phẩm này ra thị trường. Đây là một bộ ứng dụng thật sự tốt và nó đã được người dùng iPad đón nhận nồng nhiệt, ngay cả Apple cũng mang Microsoft Office for iPad lên quảng cáo cho những ứng dụng và tiện ích mà iPad có thể mang đến cho người dùng cuối.

[​IMG]

Hay như bộ Office cho iPhone cũng thế. Vào tháng 6/2013, app này ra mắt và yêu cầu người dùng phải đăng kí gói cước Office 365 để có thể sử dụng. Bộ Office for iPad ban đầu cũng đòi hỏi phải có Office 365, nhưng chỉ vài tháng sau CEO Nadella đã đi một bước rất táo bạo: miễn phí hoàn toàn hai bộ phần mềm này. Quyết định miễn phí nói trên không phải là của Ballmer, nó rõ ràng là của Nadella.

Chúng ta cũng có thể nhìn vào mảng Xbox để biết được ảnh hưởng mà vị tân CEO mang lại. Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Nadella đã chỉ định người lãnh đạo mới cho bộ phận này. Phil Spencer nhanh chóng bỏ đi yêu cầu Xbox One phải bán kèm với cảm biến Kinect, đồng thời hứa hẹn sản phẩm của công ty sẽ tập trung nhiều hôn vào game thủ.

Sau đó, Microsoft lại làm người ta bất ngờ với việc mua lại Minecraft với số tiền lên tới 2,5 tỉ USD. Đây là thương vụ mua bán sáp nhập lớn đầu tiên dưới thời Nadella. Việc mua lại này thoạt nhìn thì khá bất thường, nhưng đó lại là một động thái rất thông minh. Minecraft lúc đó đang tạo doanh thu rất lớn và Microsoft kỳ vọng sẽ hòa vốn vào tháng 6 năm nay, rất nhanh. Thương vụ này rõ ràng là tốt hơn rất nhiều so với động thái mua lại aQuantive của Ballmer hồi năm 2007 với giá lên tới 6,2 tỉ USD. Trong dài hạn, Minecraft sẽ bổ sung cho các dịch vụ đám mây của công ty, và mới đây hãng còn xài game này để trình diễn chiếc kính thực tế ảo HoloLens nữa.

Song song đó, CEO Nadella còn có những động thái nhằm khiến người dùng "yêu" Microsoft lại một lần nữa. Việc mua lại ứng dụng quản lý email Acompli đã dẫn đến kết quả là ứng dụng Outlook hoàn toàn mới dành cho iOS và Android với nhiều lời khen ngợi. Mới đầu tuần này hãng còn mua lại Sunrise, một công ty chuyên về app lịch đa nền tảng, có lẽ cũng để thực hiện kế hoạch tương tự như Acompli.

Microsoft sở hữu một dịch vụ đám mây của riêng mình là OneDrive, nhưng hãng lại bất ngờ bắt tay cùng Dropbox để tích hợp dịch vụ lưu trữ online này vào trong phiên bản Office dành cho iOS, Android và cả Windows. Đây là một cách tiếp cận mới, rất mới của Microsoft nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt hơn chứ không chỉ khăn khăn giữ lợi thế cho sản phẩm của chính mình. Thông qua đó, rõ ràng người dùng sẽ cảm thấy thích Microsoft và các dịch vụ, ứng dụng của hãng hơn. Thực chất thì nếu nhìn dài hạn thì việc kết hợp này cũng là một cách thuyết phục người dùng sử dụng Microsoft thay vì Google hay Apple ID.

onedrive_devices.

Những thương vụ mua lại như thế này chính là điểm mấu chốt cho hướng đi của Microsoft trong tương lai và đó cũng là lý do vì sao Nadella đang cố gắng định vị lại công ty. Ông đã thực hiện một số thay đổi mà người tiêu dùng có thể không nhận ra được, ví dụ như miễn phí bản quyền Windows cho các thiết bị với màn hình nhỏ hơn 9", hay như hỗ trợ cho cộng đồng lập trình viên với nền tảng .NET mở (trước đây đóng kín). Điều đó cho phép các công ty đối tác như Dell, Acer, Asus, Samsung... tạo ra những thiết bị di động nhỏ với giá cực kì rẻ.

Chính vì thế mà vào khoảng cuối năm ngoái chúng ta thấy rất nhiều tablet Windows giá chỉ 150$ đến 200$ xuất hiện, cũng là một động thái mang tính chiến lược nhằm tăng thị phần Windows, giảm nguy cơ từ Chrome OS, song song đó gia tăng số lượng người dùng tham gia vào hệ sinh thái Microsoft.

Nadella mới đây cũng phát biểu rằng "Chúng tôi muốn mọi người từ việc cần Windows sang chọn Windows và rồi yêu Windows. Đó là mục tiêu táo bạo của chúng tôi". Microsoft nói chung và Nadella nói riêng rõ ràng nhận thấy rằng họ đang bị thiếu tình yêu từ người dùng, và trong quá trình chuyển đổi Windows từ một phần mềm đơn thuần thành một dịch vụ, hãng muốn làm cho hệ điều hành này càng ít liên quan càng tốt. Liên quan ở đây không có nghĩa là Windows bị mất đi vai trò chủ đạo của mình trong các dịch vụ và sản phẩm Microsoft, mà có nghĩa là người dùng không cần phải quá quan tâm đến cái tên Windows nữa. Họ chỉ cần một thứ gì đó và bắt đầu sử dụng mà thôi.

image.

Chưa hết, Microsoft còn đang mở rộng những ứng dụng, dịch vụ của mình ra nhiều nền tảng khác nhau và cho nhiều loại thiết bị khác nhau chứ không còn bị giới hạn trong khuôn khổ Windows. Đây là cách duy nhất để giúp Microsoft trở nên cạnh tranh hơn so với những hãng cung cấp dịch vụ đám mây khác như Google chẳng hạn. Và có vẻ như kinh nghiệm về mảng đám mây của Nadella đã giúp nhiều cho công cuộc này.

Bên trong công ty

Ngay cả trong công việc thường ngày, CEO Nadella cũng thực hiện nhiều thay đổi ở chỗ này chỗ kia để việc giám sát và vận hành trở nên tốt hơn. Cụ thể hơn, ông cho xây dựng một ứng dụng nhỏ gọi là dashboard, trên đó chứa rất nhiều biểu đồ và số liệu thay đổi theo thời gian thực liên quan đến tình hình tài chính cũng như mức độ sử dụng của các sản phẩm Microsoft. Mỗi quan chức cấp thấp hơn Nadella cũng có một dashboard tương tự và họ mang nó ra thảo luận mỗi thứ 6 hàng tuần trong một cuộc họp nhằm đưa ra những hướng đi, những thay đổi cần thực hiện.

powerbidashlarge.
Một màn hình Dashboard tương tự loại mà Nadella sử dụng

Việc thay đổi này là một biểu tượng cho những thay đổi mà Nadella đang làm để giúp Microsoft trở nên mới mẻ, nhanh nhạy hơn trong kỉ nguyên của điện toán di động, đồng thời tập trung vào các sản phẩm được sử dụng bởi bất kì ai, ở bất kì đâu. Như lời Mark Penn, giám đốc chiến lược của công ty, thì "Satya đã khiến mọi người trong công ty chú ý hơn đến các số liệu quan trọng".

Trong nội bộ công ty, Nadella và các quan chức cũng nhận rõ rằng giới trẻ hiện nay không còn sử dụng nhiều sản phẩm của Microsoft. Trong một cuộc họp cuối năm ngoái, Terry Myerson từng đưa ra một bức hình chụp sinh viên đang xài máy tính Mac hay iPad của Apple, và đây là một thứ dùng để nhắc nhở Microsoft rằng họ đang mất đi một lượng lớn những khách hàng tiềm năng. Và trong nỗ lực giành lại nhóm khách hàng này, Nadella năm ngoái đã đồng ý mua lại Mojang AB, chính là đơn vị xây dựng nên trò Minecraft.

Chưa hết, Nadella còn đang trong quá trình đơn giản hóa cách làm việc của Microsoft, vốn là một bộ máy quá to và cồng kềnh, nơi mà các ý kiến, đề xuất phải đi qua nhiều lớp quản trị mới đến được những người đứng đầu. Trong một buổi họp nhân viên hồi năm ngoái, Nadella nói với nhân viên của mình rằng họ không cần tham dự những buổi họp nếu họ thật sự không cần phải có mặt tại đó. Nadella thậm chí còn gợi ý cho nhân viên của mình nói chuyện trực tiếp với ông nếu họ cảm thấy bộ máy của Microsoft có thể ngăn cản vấn đề đó đến được tai ông.

Vị tân CEO còn nói chuyện với chủ tịch John Thompson hằng tuần để bàn về những vấn đề chiến lược và dài hạn. Trong khi đó, ông liên tục gặp gỡ các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn hoặc mời họ đến nói chuyện tại Microsoft để giúp những người lãnh đạo biết được những gì đang diễn ra bên ngoài trụ sở Microsoft.

2015 - một năm đầy thử thách

Vẫn còn rất nhiều thứ ở Microsoft cần được Nadella thay đổi, và bản thân ông cũng không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Trước đây ông có lỡ lời nói về việc phân biệt nữ giới nên phải nhanh chóng xin lỗi. Đây là khoảng thời gian "thử thách" đối với vị CEO mới, nhưng năm 2015 có lẽ thử thách sẽ còn dữ dội hơn.

Nadella giờ đây đang đối mặt với việc ra mắt Windows 10, một thứ đủ lớn và quan trọng với tương lai của Microsoft trong thời gian tới. Hãng cũng cần phải làm gì đó để đưa Windows Phone đi lên, và mảng phần cứng Lumia có thể là một nhân tố gây "phân tâm" cho chính công ty. Doanh số của Lumia đang đi đúng hướng, nhưng mức tăng trưởng quá chậm chạp và công ty cũng đang bị thiếu đi những sản phẩm chủ lực có khả năng đại diện cho cả hệ sinh thái Windows di động.

HoloLens.

Và có lẽ khó khăn nhất chính là việc Nadella phải chứng minh rằng động thái cung cấp bản quyền Windows miễn phí, cũng như mang các dịch vụ của công ty lên iOS và Android, sẽ thật sự tạo ra doanh thu. Trong báo cáo tài chính mới đây Microsoft ghi nhận rằng doanh thu của cả Windows và Windows Phone đang giảm mạnh, thứ mà nhiều nhà đầu tư và các nhà phân tích đang theo dõi sát sao. Câu trả lời có thể đến từ quảng cáo và doanh thu từ việc đăng kí gói cước, tương tự như cách hoạt động của Google hiện tại.

Nếu Microsoft có thể tiếp tục làm mọi người ngạc nhiên với những tầm nhìn mới (ví dụ: HoloLens), đồng thời tăng cường việc hỗ trợ đa nền tảng thì năm thứ hai của Nadella ở cương vị CEO sẽ còn thú vị hơn. Còn hiện tại, ông đã tác động đến Microsoft và cho thấy một hướng đi để cạnh tranh với những đối thủ mạnh khác. Và Nadella đã gây được ấn tượng mạnh trong chỉ một năm lên nắm quyền.

Tham khảo: The Verge, ABCNews, Bloomberg
 

https://www.tinhte.vn/threads/ceo-satya-nadella-nguoi-mang-hoi-tho-moi-den-microsoft-trong-chi-mot-nam.2423717/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét