"Ngược thời gian, trở về quá khứ....", khi mà mọi thứ từ âm nhạc cho đến hình ảnh đều nằm trên đĩa than, băng từ, băng cassette và cả trên giấy. Chúng là những ký ức, những sáng tác và cũng có thể là bộ sưu tập của người dùng. Nhưng, nếu người dùng vẫn cứ để những "dữ liệu" quý giá đó của mình nằm ở tình trạng như thế thì sẽ rất khó và mất thời gian để tổ chức cũng như truy cập để sử dụng. Ngoài ra, việc lưu trữ như vậy cũng sẽ rất tốn không gian mà mọi thứ cũng sẽ dần bị hư hỏng theo thời gian. Và câu trả lời cho vấn đề này chính là hãy số hóa, bảo quản và tổ chức lại chúng. Tức là người dùng nên trích xuất nhạc, tạo bản dự phòng cho băng từ, quét ảnh và "di chuyển" toàn bộ phim ảnh sang ổ cứng. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn vài cách thích hợp để chuyển đổi các loại lưu trữ tương tự (analog) như đĩa than, phim... sang tập tin số chất lượng cao.

* NHẠC

Từ khi có ngành ghi âm tới nay, nhạc thường được ghi lên đĩa than (vinyl), băng cassette, băng eight-track (hay còn gọi là Stereo 8, Quad-8, Q8), CD và DVD audio. Hiện nay, người dùng thường nghe nhạc bằng cách nào? Chắc hẳn phần lớn là qua máy tính, qua điện thoại hoặc thậm chí qua các thiết bị nghe nhạc di động chuyên dụng. Và người dùng thường tải nhạc về từ internet hoặc trích xuất nhạc từ đĩa CD thành tập tin. Nhưng vẫn còn nhiều bài nhạc xưa rất hay lại chủ yếu nằm trên đĩa than và băng cassette.

Nếu người dùng có một mâm phono (còn gọi là đầu xoay đĩa nhựa, turntable) thì việc số hóa các đĩa vinyl 33 vòng/phút và 45 vòng/phút là điều dễ dàng. Tuy nhiên, một mâm phono loại cũ cần đến nối đất và một đầu tiền khuếch đại (preamp) nên người dùng không thể kết nối chúng trực tiếp đến các giao tiếp âm thanh của máy tính (PC) được. Vì vậy, người dùng phải kết nối mâm phono này vào đầu phát (receiver stereo) và dây nối đất đến con ốc nối đất của receiver đó. Kế đến, người dùng ghi qua hệ thống băng từ của receiver đó hoặc lấy nguồn từ receiver ra giao tiếp máy tính. Có thể người dùng sẽ cần đến một sợi cáp chuyển từ RCA sang đầu 3,5mm.


Ghi âm kết nối USB

Các mâm phono USB và đầu đọc cassette có ngõ USB sẽ giúp người dùng số hóa đĩa than, băng cassette dễ dàng hơn nhiều vì chúng có sẵn bo mạch chuyển tín hiệu analog sang kĩ thuật số và truyền tín hiệu số thẳng đến PC thông qua cáp USB. Nếu người dùng không quá khó tính về chất lượng âm thanh thì những thiết bị như vậy có thể thỏa mãn được nhu cầu. Tuy vậy, với những ai quan tâm nhiều đến chất lượng âm thanh thì đây không phải là giải pháp tốt.


Các dòng sản phẩm của Crosley Radio chẳng hạn đều có thiết kế rất bắt mắt. Thí dụ, như chiếc Memory Master CR2413A vừa là mâm phono (hỗ trợ cả 3 tốc độ 33, 45 và 78 vòng/phút), máy cassette, đài FM, đầu đọc CD và cả ngõ vào stereo cho các thiết bị khác, và mọi tín hiệu vào đó được chuyển sang tín hiệu số kết nối được với PC qua ngõ USB. Tuy vậy, chất lượng âm thanh chỉ ở mức khá, nhất là chất lượng của mâm phono không mấy khả quan. Âm thanh số nghe tạm được nhưng không thỏa mãn được những đôi tai kỹ tính.


Memory Master CR2413A

Ngược lại, mâm phono LP 2 CD của Ion Audio lại cho âm thanh rất ấn tượng, cho người dùng điều chỉnh cả độ trượt và áp lực của kim đọc. Âm thanh từ ngõ xuất của mâm ra preamp rất tốt, nhưng ngõ xuất ra USB lại chỉ nhỉnh hơn Crosley CR2413A chút ít. Một đầu đọc cassette khác, Tape 2 PC của Ion Audio chỉ cho chất âm trung bình, kể cả xuất qua ngõ USB hay ngõ analog thông thường.


LP 2 CD

Chỉnh sửa tập tin âm thanh

Ion LP 2 CD là mâm phono có kết nối USB để chuyển nhạc từ analog sang số; và thiết bị này chuyển bản ghi âm số sang PC qua cáp USB. Ở mặt sau thiết bị cũng có cả ngõ nhập và xuất USB lẫn các ngõ analog.


Một khi người dùng đã giải quyết xong được chuyện phần cứng thì hãy dùng một phần mềm nào đó như Audacity (miễn phí) để ghi âm, chỉnh sửa và lưu lại bản nhạc vừa số hóa của mình. Người dùng đừng cố gắng tách riêng lẻ các bài hát trong suốt quá trình ghi âm, mà hãy cứ ghi hết 2 mặt của bản ghi hay băng cassette. Vì bất kỳ phần mềm biên tập audio hay ứng dụng ghi âm nào cũng cho phép người dùng chọn và lưu từng phần riêng biệt của một tập tin âm thanh. Điểm đầu và điểm cuối của một bài hát rất dễ nhận biết bằng cách dựa vào quang phổ của bản ghi. Phần mềm biên tập cho phép người dùng chọn và tách từng bài hát riêng để lưu lại trên PC. Đương nhiên, người dùng cũng có thể tạo thành 1 tập tin lớn bằng cách kết hợp nhiều bản nhạc nhỏ lại với nhau.


Giao diện phần mềm Audacity

Nếu người dùng định sử dụng hiệu ứng lọc nhiễu thì đừng vội cắt nhỏ ngay tập tin vừa ghi âm mà hãy thực hiện điều này sau khi đã xử lý hiệu ứng lọc. Phần mềm lọc nhiễu có thể sử dụng những khoảng lặng giữa các bài nhạc để lấy mẫu (profile), giúp xử lý nhiễu hiệu quả hơn mà ứng dụng không làm mất đi dải động xuyên suốt phổ nhạc.

Nếu người dùng không quan tâm đặc biệt đến chất lượng âm thanh, hãy lưu lại bản ghi âm đó sang các định dạng nén như MP3, AAC hoặc WMA. Các chuyên gia âm thanh có nhiều ý kiến khác nhau về bit rate (tỉ lệ lấy mẫu âm thanh) nào tốt nhất cho mỗi định dạng. Nhưng người dùng nên chọn ít nhất là 192kpbs cho MP3, AAC và 160kbps cho WMA. Với nhạc cổ điển, người dùng nên dùng bit rate ở mức cao nhất (320, 256 hoặc 192kbps tùy vào từng định dạng) hoặc dùng nén không mất dữ liệu FLAC. Nhưng có nhiều thiết bị không hỗ trợ FLAC, do đó người dùng nên chọn các định dạng không mất dữ liệu của Windows hoặc của Apple.


Nếu người dùng quan tâm nhiều đến chất lượng âm thanh và các giao tiếp âm thanh cũng hỗ trợ thì người dùng nên ghi âm ở mức cao hơn mức chuẩn CD là 44,1kHz/16-bit và sau đó lưu lại bản ghi theo định dạng không nén WAV. Ghi âm ở 24-bit hoặc 32-bit, ở 48kHz hoặc thậm chí 96kHz có thể phần nào khắc phục những tạp âm không mong muốn, và điều này cũng giúp bạn có được bản ghi tốt hơn khi sử dụng các hiệu ứng lọc nhiễu. Hơn nữa, từ định dạng gốc WAV, người dùng có thể xuất ra các định dạng khác sau này như MP3, AAC... Còn nếu ổ cứng của người dùng không đủ dung lượng lưu trữ tập tin WAV, có kích thước khá lớn, hãy nâng cấp ổ cứng.


Người dùng nên lựa chọn nghe những bản nhạc chất lượng cao để có thể trải nghiệm am thanh một cách tốt nhất

Mặc dù nhà sản xuất thường “phóng đại” những tính năng như độ phân giải cao, âm thanh vòm, bit rate cao nhưng hầu hết PC không thể xuất ra âm thanh có chất lượng cao, thỏa mãn nhu cầu của dân đam mê âm thanh mong muốn. Các nhà sản xuất cũng không cung cấp được những bộ chuyển đổi tín hiệu âm thanh từ analog sang số đủ “chất”. Để có được bản ghi tốt, chuyển từ analog sang số, người dùng hãy thử các giao tiếp âm thanh USB như Audiobox USB của Presonus, Pro Tools MBox Mini của Avid hoặc Saffire 6 của Focusrite. Một card âm thanh gắn trong cũng tốt nhưng một thiết bị chuyển đổi USB sẽ thích hợp hơn nếu người dùng thường dùng máy tính xách tay.


Audiobox USB


Pro Tools MBox Mini


Saffire 6

Nếu ứng dụng Audacity đề cập trên còn quá bình thường đối với người dùng, người dùng có thể tìm đến các chương trình biên tập/ghi âm có phí khác như Pyro Audio Creator của Cakewalk và SoundSaver của Bias, đây là 2 ứng dụng chuyên phục vụ cho việc số hóa âm thanh analog. Cả 2 ứng dụng đều có hiệu ứng giảm nhiễu tốt và dễ dùng hơn so với Audacity.


Giao diện phần mềm Pyro Audio Creator


Giao diện phần mềm SoundSaver

Lọc nhiễu

Vấn đề lớn nhất đối với âm thanh analog là nhiễu, thường phát sinh khi người dùng số hóa nhạc. Đĩa than thường bị những tiếng “lộp cộp”, “lép xép”, tiếng trầy, trong khi băng cassette lại bị những tiếng “léo xéo”. Các ứng dụng ghi âm như Audacity có những tính năng phục hồi để loại bỏ những tạp âm đó, nhưng đi đôi với điều này là bản nhạc bị giảm độ động nếu như người dùng sử dụng không đúng.


Giao diện phần mềm Audition

Hầu hết các ứng dụng biên tập âm thanh cao cấp có phí như Audition của Adobe đều có công cụ loại bỏ nhiễu rất hiệu quả. Nếu người dùng muốn dùng phần mềm biên tập âm thanh tốt nhất, hãy cân nhắc những cái tên: SoundSoap 4 của Soundness (trước đây là Bias) hoặc RX4 của iZotope. SoundSoap 4 dễ dùng và cho âm thanh rất tốt, trong khi RX4 xuất sắc hơn, nhất là trong những đoạn nhạc êm, lặng.


Giao diện phần mềm SoundSoap 4


Giao diện phần mềm RX4

----------------------------------------------------------

* VIDEO

Việc số hóa video analog có thể dễ nhất mà cũng có thể khó nhất, tùy thuộc vào định dạng nào mà người dùng dự định chuyển đổi. Hầu hết máy quay cũ thường dùng định dạng video là băng Hi8 hoặc VHS và Betamax, việc chuyển đổi các định dạng này không quá khó khăn nhưng số hóa băng phim có thể là điều khó nhất.


Số hóa qua card bắt hình PC

Nếu người dùng định dùng PC để số hóa video thì người dùng dễ dàng kiếm được trên thị trường nhiều sản phẩm bắt hình video analog thích hợp. Đơn giản chỉ việc cắm cáp RCA hoặc S-video vào thiết bị phát (đầu VCR hoặc máy quay) và gắn ngõ xuất từ thiết bị phát vào thiết bị bắt hình, sau đó chạy phần mềm bắt hình trên máy tính là xong.


Ở tầm người dùng thông thường, thiết bị bắt hình giao tiếp USB là phổ biến nhất. Người dùng có thể chọn nhiều thiết bị USB như USB-Live2 của Hauppauge cho đến những bộ bắt hình USB lớn hơn như Studio MovieBox HD của Pinnacle (cả 2 sản phẩm này đều có cáp và phần mềm bắt hình kèm theo). Thậm chí sản phẩm của Pinnacle còn hỗ trợ ghi video số định dạng không nén, là một điểm cộng nếu người dùng muốn chỉnh sửa hoặc phục hồi video sau khi bắt hình.


USB-Live2


Studio MovieBox HD

Trước khi người dùng ra ngoài kiếm mua thiết bị bắt hình, hãy kiểm tra xem PC có sẵn card TV hay không. Vì nhiều PC đời mới tích hợp sẵn ngõ vào S-video và composite, giúp bạn thuận tiện trong việc số hóa video. Card TV giao tiếp USB hiện khá phổ biến trên thị trường, nhưng nếu người dùng thích card TV giao tiếp PCIE thì cũng tốt.

Số hóa video bằng đầu DVR

Một đầu DVR có khả năng đọc đĩa DVD, nhất là đầu có thể ghi đĩa DVD+R 2 lớp có thời gian lưu trữ đến 4 giờ video chất lượng tốt, là thiết bị rất tuyệt để số hóa phim ảnh. Hầu hết mọi đầu ghi DVR đều có ngõ vào cho composite và S-video, để người dùng gắn với đầu băng từ VCR hoặc máy quay phim.


Ghi video ra DVD thay vì ghi ra đĩa cứng sẽ giúp người dùng thuận tiện trong việc chuyển video vào máy tính, khi cần chỉnh sửa. Người dùng có thể sẽ không “bắt” trọn vẹn chất lượng hình ảnh như với định dạng DVI không nén nhưng với mức nén MPEG-2 mà đầu DVR có được cũng đủ thỏa tiêu chí về chất lượng trong hầu hết trường hợp, đặc biệt nếu phim quay gốc ở chế độ HQ.

Nếu người dùng đã không còn sử dụng đầu băng từ VCR cũ kỹ của mình nhưng vẫn còn vài băng VHS cần chuyển đổi định dạng, thì loại đầu đọc vừa băng từ, vừa DVD (cũng có thể ghi được cả DVD lẫn VHS) như đầu DR-MV150B của JVC, cho phép người dùng chuyển trực tiếp từ băng từ sang DVD. Điểm yếu của loại đầu kết hợp này là người dùng không thể tạm dừng lại trong quá trình ghi hình cũng như không thể dễ dàng ghi trên nhiều đĩa khác nhau.


DR-MV150B

Một vấn đề khác: hiện nay phần lớn công ty sản xuất đầu DVR đều đã ngưng sản xuất dòng sản phẩm này, vì thị trường của chúng dần dần bị thu nhỏ lại và vì các thiết bị đó không thể giải mã được các nội dung số khác đang cực kỳ phổ biến hiện nay. Dù vậy, vẫn còn nhiều sản phẩm loại này xuất hiện trên thị trường, và tương lai của chúng vẫn chưa có dấu hiệu mất hoàn toàn.

Một tùy chọn khác cho VHS là đầu VCR 2 PC của Ion. Đây là một chiếc hộp có thể đọc băng từ và xuất video lên máy tính thông qua ngõ USB. Thiết bị này kèm theo phần mềm ghi hình EZ Video Converter của Arcsoft khá hấp dẫn và dễ dùng. Tuy vậy, nó không điều chỉnh được các chức năng chuyển đổi trên đầu VCR, người dùng vẫn buộc phải nhấn nút Play, Stop và các nút khác, do đó chúng vẫn chưa thật tiện lợi khi dùng. Với chọn lựa này, người dùng cũng không có khả năng chuyển đổi sang dạng video không nén, nhưng kết quả ở chế độ nén HQ trông rất tốt.


VCR 2 PC

VCR 2 PC cũng có cổng composite và ngõ xuất âm thanh mono. Kết quả sử dụng 2 ngõ này cũng đẹp như dùng qua ngõ USB. Nhìn chung, chất lượng của VCR 2 PC cũng analog như đầu Toshiba VCR cũ qua ngõ composite kết hợp với bộ bắt hình Avid Dazzle Video Creator Plus HD.


Avid Dazzle Video Creator Plus HD

Băng phim

Nếu người dùng có một thùng băng phim cũ loại 8mm hoặc 16mm thì số hóa chúng chỉ có 2 chọn lựa: 1 là không thể, hoặc 2 là có thể nhưng rất khó khăn. Tùy chọn 1 có thể giải quyết bằng cách gửi đống phim đó cho dịch vụ chuyển đổi, khi đó người dùng có thể gặp phải các rủi ro như trầy xước hay mất mát trong quá trình gửi đi/nhận về. Nếu người dùng chọn cách tự mình thực hiện, thì đây là công việc khá khó và mất nhiều thời gian, và ở cấp độ người dùng thông thường người dùng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm một máy quét phim 8mm/16mm trên thị trường.


Về lý thuyết, người dùng vẫn có thể quét phim 8mm hoặc 16mm theo từng khung hình bằng máy quét phim 35mm phổ biến. Nhưng cách làm này rõ ràng không thực tế. Có thể người dùng chỉ làm được khoảng 5 giây phim với chất lượng tốt nhưng sau đó có thể người dùng sẽ không đủ “sức khỏe” để làm tiếp. Đối với phim 8mm thì mỗi giây mất tối đa 18 khung hình, điều này có nghĩa là một phút phim mất đến 1080 ảnh. Rất mất công sức và thời gian!


Cách nhanh và tiện nhất là người dùng sử dụng máy quay, quay lại thước phim đó nhưng cách này lại không đạt về chất lượng hình ảnh. Lúc ấy, người dùng cũng cần phải có một máy chiếu 8mm hoặc 16mm và một màn ảnh/màn trắng để chiếu. Thiết lập này cũng cần chỉnh sửa nhiều và chất lượng hình ảnh còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng thiết bị trình chiếu của người dùng cùng tính kiên nhẫn của người dùng.

Biên tập video

Khi người dùng đã số hóa được phim của mình, người dùng cần một phần mềm để cắt cúp, sửa lỗi và có thể thêm hiệu ứng, tựa đề cho phim. Trong số các ứng dụng chỉnh sửa video có phí, vài ứng dụng đáng để mắt tới gồm: Premiere Elements 13 của Adobe, PowerDirector 13 của Cyberlink, Vegas Movie Studio 13 của Sony, Creator NTX 13 của Roxio, Multimedia Suite 10 của Nero và Final Cut Express 4 cho máy Mac của Apple.


Giao diện phần mềm Premiere Elements 13


Giao diện phần mềm PowerDirector 13


Giao diện phần mềm Vegas Movie Studio 13


Giao diện phần mềm Creator NTX 13


Giao diện phần mềm Multimedia Suite 10


Giao diện phần mềm Final Cut Express 4

Trước khi mua, người dùng có thể tải về bản dùng thử của các ứng dụng này trên trang web nhà phát triển, để có cái nhìn khái quát về tính năng, giao diện của chúng. Ngoài ra, còn một ứng dụng chỉnh sửa video miễn phí tên là Avidemux. Ứng dụng này có rất nhiều hiệu ứng, tính năng phục hồi cũng như công cụ để chỉnh sửa, ở mức cơ bản. Dù vậy, tính năng tốt nhất của ứng dụng này là cho người dùng cắt cúp video và lưu lại kết quả mà không cần mã hóa lại, điều này giúp tiết kiệm thời gian so với các ứng dụng có phí khác.


Giao diện phần mềm Avidemux

------------------------------------------------------------

* Hình ảnh

Ngày nay, máy ảnh số phổ biến nhưng vẫn còn đó nhiều hình ảnh cũ chụp bằng máy ảnh phim. Cơ chế hoạt động của phim có thể xem là chuỗi phản ứng hóa học rất nhạy với ánh sáng để bắt được hình ảnh, và sau đó, hình ảnh từ phim được tráng, rọi lên giấy ảnh và cho vào album ảnh. Thỉnh thoảng, người ta cũng có thể rọi ảnh bằng cách chiếu các tấm phim 35mm lên tấm màn trắng để nhiều người cùng xem. Tuy vậy, đây là cách chụp ảnh và xem ảnh đã khá “xưa”, phổ biến trước thập niên 90 thế kỷ trước.


Nhưng phim không phải là định dạng số và nó bị suy giảm chất lượng theo thời gian và theo nhiều yếu tố khác. Nhưng may là việc số hóa phim khá dễ, thậm chí bạn có thể phục hồi được cả từng chi tiết nhỏ của phim bằng cách sử dụng máy quét phim hoặc máy quét ảnh thông thường có chức năng quét phim, kết hợp với phần mềm thích hợp.




Hầu hết máy in đa chức năng (in/copy/quét, còn gọi là máy MFP) như: Pixma MG8120 của Canon hay Artisan 725, Artisan 835 của Epson đều có chức năng quét, rất thích hợp để quét ảnh, mặc dù các máy đa chức năng này chạy hơi chậm.






Với các máy quét chuyên dụng như CanoScan 9000F của Canon cho độ phân giải cao, chất lượng tốt và nhiều tính năng hơn các máy đa chức năng, trong đó có khả năng quét phim slide và phim 35mm.

Nếu người dùng có nhiều phim slide cần số hóa thì một chiếc máy quét chuyên dụng cho quét slide thích hợp hơn như sản phẩm của Pacific Image hoặc Plustek. Nếu người dùng chủ yếu quét phim 35mm thì CanoScan 9000F đề cập trên là đủ. Các máy quét chuyên dụng cho slide hoạt động nhanh hơn nhiều so với máy quét phim ảnh thông thường, nhưng thực chất cũng không tiết kiệm cho người dùng được thời gian hơn bao nhiêu vì người dùng cũng phải tự mình lấy ra/bỏ vào slide bằng tay. Trong khi đó, một máy quét thông thường có thể quét nhiều slide cùng lúc và phần mềm có thể cắt và tách rời các slide đó thành từng tập tin ảnh riêng biệt cho người dùng. Nhưng lúc ấy, thời gian quét loạt slide đó lại lâu hơn chút ít. Chất lượng hình ảnh với cả 2 loại máy quét này thì hầu như tương đương, đều rất tốt.


* Chú ý: Mặc dù người dùng có thể quét nhiều slide cùng lúc khi đặt nhiều slide lên khay nhưng quét nhiều tấm hình dàn hết trên mặt khay cùng lúc thì không hiệu quả. Thời gian mà người dùng bỏ ra để chỉnh sửa và cắt cúp ảnh ra thành từng tập tin cũng tương đương như người dùng quét từng ảnh.


Canon CanoScan 9000F là máy quét có thể quét slide và phim, trong khi các máy đa chức năng hiện nay chỉ có thể quét ảnh chụp. Các khay chứa của thiết bị cũng giúp giữ phim và slide ngay ngắn khi quét.

Mọi máy quét đều có phần mềm chỉnh sửa ảnh căn bản với các tính năng thiết yếu như xoay chỉnh, cắt cúp cũng như chỉnh màu, độ tương phản và độ sáng. Nhìn chung, những chức năng này hoạt động rất tốt. Nhưng với những lỗi như ảnh bị vấy nước, vết xé, nếp gấp thì người dùng cần có công cụ chỉnh sửa cao cấp hơn, có thể can thiệp đến điểm ảnh. Hiện tại, Photoshop của Adobe, đã ra mắt đến phiên bản CS6, là chọn lựa chuyên nghiệp cho chỉnh sửa ảnh.


Giao diện phần mềm Photoshop CS6

Trong khi đó, Photoshop Elements 13 của Adobe cũng có những công cụ chỉnh nhiễu hạt, bụi và vết trầy xước cộng với vài công cụ chuyên biệt để phục hồi ảnh, là chọn lựa rất phù hợp cho nhu cầu gia đình. Tuy vậy, trước khi quyết định mua phần mềm, người dùng hãy thử một công cụ miễn phí Gnu Image Manipulation Program (GIMP). Mặc dù chưa hợp với tên của nó và có giao diện hơi rối rắm, nhưng đây là ứng dụng mạnh, có gần như mọi thứ giống Photoshop, cho chất lượng ảnh rất tốt và nhất là miễn phí.


Giao diện phần mềm GIMP

Người dùng có thể lưu lại phim, hình quét theo vài định dạng. JPEG là định dạng phổ biến nhất nhưng định dạng này còn phụ thuộc vào cơ chế nén của ứng dụng, do đó ảnh có thể không được chi tiết như mong muốn. Với dung lượng ổ cứng ngày nay, người dùng có thể lưu ảnh số theo định dạng nén TIFF, là định dạng nén không mất dữ liệu, và sau đó người dùng có thể chuyển đổi sang JPEG nếu cần.

Chọn độ phân giải nào?

Hầu hết trình điều khiển và ứng dụng của máy quét chọn độ phân giải theo điểm ảnh/inch vuông dựa trên loại phim ảnh mà người dùng chọn quét, điều này không thích hợp với tiêu chí cân bằng giữa kích thước tập tin ảnh số và chất lượng hình ảnh, do đó sẽ đẩy độ phân giải (dpi) lên cao.


Đối với một tấm ảnh hay hình tạp chí, dpi từ 150 đến 200 là hợp lý nhưng từ 300-600 hoặc thậm chí 1.200 dpi mới thích hợp cho việc in ấn, thực hiện ấn phẩm nghệ thuật hay trong trường hợp người dùng cần giữ lại tính chi tiết của bức ảnh. Phim có độ phân giải cao nên người dùng không cần quan tâm đến dpi khi quét phim hoặc slide, vì thông thường, máy quét chọn dpi khoảng 1.200, 1.600 hoặc cao hơn.


Người dùng cũng thử xem trước vài thiết lập dpi và xem chúng liệu có hợp với nhu cầu của người dùng hay không. Dpi cao hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Thực sự nếu người dùng sử dụng dpi quá cao, ảnh có thể bị biến dạng giống như kiểu người dùng thêm hiệu ứng vân, đường chéo...