Vì sao bạn không thể đánh giá hiệu năng chỉ dựa trên xung nhịp vi xử lý?
Tốc độ của CPU, hay nói chính xác hơn là xung nhịp của CPU, thường được đo bằng Hertz, cụ thể hơn là Gigahertz (1GHz tương đương 1.000.000.000 Hertz). Xung nhịp của CPU cho biết số chu kỳ tuần hoàn (clock cycle) mà CPU có thể thực hiện trong một giây với phép tính logic trong mỗi giây. Ví dụ, CPU có xung nhịp 1.8GHz có thể thực hiện 1,8 tỉ phép tính logic (tắt và mở các transitor) trong một giây, hoặc 1,8 tỉ chu kỳ CPU trong mỗi giây.
Lưu ý: Trong cụm từ clock cycle cần hiểu rằng, clock ở đây là một mạch điện tử phát các xung có khoảng cách đều nhau với tốc độ lên tới hàng triệu chu kỳ mỗi giây. Các xung này được dùng để đồng bộ sự di chuyển thông tin qua các kênh truyền thông nội bộ của máy tính.
Suy nghĩ phổ biến hiện nay là CPU nào thực hiện được nhiều phép tính logic trong một giây hơn thì "nhanh" hơn. Điều này là vừa chính xác, vừa không chính xác. Thực tế, khi so sánh 2 mẫu CPU thuộc cùng một dòng vi xử lý, bạn hoàn toàn có thể xem xét xung nhịp của chúng. Ví dụ, bạn đang so sánh 2 mẫu Core i5 cùng thuộc thế hệ Haswell, với sự khác biệt duy nhất nằm ở xung nhịp: một mẫu có xung nhịp 3.4GHz; một mẫu có xung nhịp 2.6GHz. Như vậy, mẫu 3.4GHz sẽ nhanh hơn mẫu 2.6GHz tới 30% khi cùng hoạt động tại công suất tối đa. Ngược lại, bạn không thể so sánh hiệu năng dựa trên tốc độ xung nhịp của Core i5 Haswell và CPU của AMD, CPU ARM trên smartphone/tablet, hoặc thậm chí là cả các thế hệ Core i5 thấp hơn như Ivy Bridge, Sandy Bridge…
Lý do là hết sức đơn giản: Các mẫu CPU mới ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, tức là trong mỗi chu kỳ tính toán logic, chúng sẽ thực hiện được nhiều công việc hơn. Ví dụ, năm 2009 Intel tung ra Core i7-960 với xung nhịp 3.2GHz. Năm 2012, Intel tung ra Core i7-4770 với xung nhịp 3.4Ghz. Vậy, không lẽ trong vòng 4 năm qua vi xử lý của Intel không hề mạnh mẽ hơn chút nào?
Câu trả lời dĩ nhiên là "không, CPU của Intel có gia tăng sức mạnh đáng kể". Qua mỗi thế hệ, các mẫu Core i7 có thể thực hiện được nhiều phần tác vụ hơn trong mỗi xung nhịp. Bạn không chỉ cần xem xét số lượng chu kỳ mà một mẫu vi xử lý có thể thực hiện trong mỗi giây, mà còn cần biết trong mỗi chu kỳ tính toán đó chúng làm được bao nhiêu tác vụ. Ngay cả khi 2 mẫu CPU có hiệu năng tương đồng nhau, bạn nên sử dụng mẫu vi xử lý có xung nhịp thấp hơn và thực hiện được nhiều tác vụ trong mỗi chu kỳ, hơn là sử dụng một mẫu vi xử lý có xung nhịp cao hơn và thực hiện được ít tác vụ trong mỗi chu kỳ. Lý do? Xung nhịp càng thấp thì CPU càng sản sinh ra ít nhiệt. Ngoài ra, các mẫu vi xử lý thế hệ mới cũng chứa nhiều cải tiến giúp chúng hoạt động mạnh mẽ hơn, trong đó quan trọng nhất là số lượng nhân của chúng. Ngoài ra, dung lượng bộ nhớ đệm cũng là một yếu tố quan trọng cần xét tới.
CPU hiện nay không hoạt động tại một tốc độ duy nhất
Các thế hệ CPU không bị cài đặt "cứng" ở một tốc độ xung nhịp duy nhất, đặc biệt là các mẫu CPU trên laptop, smartphone, tablet và các loại CPU di động khác. Với các thiết bị này, khả năng sử dụng điện năng hiệu quả và lượng nhiệt sản sinh là 2 vấn đề quan trọng cần giải quyết, do đó CPU của chúng sẽ chạy xung nhịp thấp khi đang ở trạng thái chờ, và chạy xung nhịp cao khi đòi hỏi nhiều tác vụ. CPU sẽ tự động tăng và giảm xung nhịp khi cần thiết. Khi chạy game, mở nhiều tab trên trình duyệt, xử lý video… CPU sẽ tăng tốc độ xung nhịp. Khi bạn tắt hết các chương trình, CPU sẽ giảm xung nhịp để tiết kiệm điện năng.
Do đó, khi mua laptop, bạn cũng cần phải xem xét tới tốc độ xung nhịp của CPU, bởi yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới thời lượng pin. Bạn cũng cần lưu ý tới vấn đề tản nhiệt: Các mẫu laptop siêu mỏng như MacBook Air hoặc các mẫu Ultrabook sẽ chỉ có thể chạy ở xung nhịp cao nhất trong một thời gian nhất định; sau đó xung nhịp của chúng sẽ bị giảm xuống vì thiết kế siêu mỏng khiến Ultrabook khó có thể tản nhiệt tốt. Mặt khác, các mẫu laptop có cùng một vi xử lý nhưng được giải quyết vấn đề tản nhiệt tốt hơn sẽ có hiệu năng tốt hơn, miễn là CPU được giữ đủ mát để tiếp tục chạy ở xung nhịp tối đa.
Cân nhắc đầu tư các linh kiện khác, đặc biệt là ổ cứng
Các linh kiện phần cứng khác cũng là rất quan trọng đối với hiệu năng của máy vi tính. Do CPU là linh kiện có tốc độ hoạt động cao nhất trong toàn bộ máy vi tính, trong trường hợp linh kiện khác của bạn quá chậm, nâng xung nhịp CPU sẽ không có ý nghĩa thực tiễn.
Ví dụ, máy vi tính sử dụng ổ thể rắn (SSD) và CPU xung nhịp thấp có thể sẽ hoạt động nhanh hơn các máy vi tính có ổ cứng cơ (HDD) và CPU xung nhịp cao. Lý do là ổ cứng đã và vẫn đang làm "nút thắt cổ chai" của hệ thống, trong khi các linh kiện khác thường gia tăng sức mạnh theo định luật Moore (tăng gấp đôi 18 tháng một lần), thì tốc độ ổ cứng cơ học không được cải thiện nhiều theo thời gian. Bởi vậy, mua ổ SSD là một cách đầu tư hiệu năng hiệu quả hơn nhiều so với mua CPU xung nhịp cao. Ngoài ra, bạn cũng cần phải chú ý tới RAM. Sở hữu dung lượng RAM lớn sẽ giúp bạn chạy nhiều chương trình cùng lúc hơn mà không cần phải ghi dữ liệu ứng dụng đang chạy vào ổ cứng, vốn có tốc độ truy xuất chậm hơn trên RAM.
Nếu bạn cần làm các công việc xử lý video, đồ họa hoặc chơi game, bạn cũng cần lựa chọn mẫu card màn hình phù hợp. Ngược lại, nếu bạn chỉ lướt web, xem video và soạn thảo văn bản, có lẽ bạn sẽ không cần đầu tư quá nhiều vào card đồ họa.
Lựa chọn đầu tư linh kiện phần cứng như thế nào?
Như vậy, bạn không thể đánh giá hiệu năng của máy vi tính chỉ dựa trên tốc độ CPU. Nhiều người sẽ không thể nhận ra sự khác biệt về hiệu năng CPU nếu chỉ thực hiện một số tác vụ nhất định. Ví dụ, người dùng văn phòng (chỉ làm việc với văn bản, lướt web, chat, xem video…) chắc chắn sẽ không thể nhận thấy sự khác biệt giữa vi xử lý Core i5 và vi xử lý Core i7 hoặc Xenon.
Nếu bạn là người cần chạy các tác vụ nặng, ví dụ như chạy máy ảo hoặc chơi game "đỉnh", bạn sẽ phải cân nhắc nhiều hơn về hiệu năng. Một số các tác vụ như chạy máy ảo hoặc chơi game có quá nhiều nhân vật (ví dụ, game online) sẽ đòi hỏi CPU tốt hơn, trong khi một số các tác vụ khác như chơi các game tối ưu đồ họa sẽ đòi hỏi card màn hình tốt. Do đó, tùy thuộc vào nhu cầu, bạn nên tùy chọn các cấu hình khác nhau. Trong mọi trường hợp, hãy cố gắng tìm kiếm kết quả benchmark để đánh giá hiệu năng phần cứng. Hãy tìm các kết quả benchmark càng thực tế càng tốt. Ví dụ, với cùng một card màn hình, dung lượng RAM, ổ cứng, Core i7-4770 sẽ cho bao nhiêu khung hình/giây (fps), Core i5-4200U sẽ cho bao nhiêu fps trong trò chơi Crysis 3? Từ các kết quả benchmark này, bạn có thể đưa ra lựa chọn hợp lý nhất.
Với laptop, bạn cũng cần cân nhắc tới thời lượng pin. Nếu nhu cầu hiệu năng của bạn không quá cao, bạn có lẽ sẽ nên mua model có CPU xung nhịp thấp, thay vì mua CPU xung nhịp cao quá mức cần thiết, gây tốn pin và lãng phí.
Theo Howtogeeks
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét