Không chỉ làm tăng khả năng giải nhiệt cho các linh kiện cao cấp, tản nhiệt nước còn là một món đồ trang trí đắt giá cho nội thất PC.
Tản nhiệt nước (hay tản nhiệt bằng chất lỏng) là một
thú chơi không phải là mới nhưng với đa số người sử dụng hiện nay, nó
vẫn là một khái niệm mơ hồ. Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2004-2005,
tản nhiệt nước đang dần chiếm được cảm tình của người sử dụng cao cấp
cũng như tầm trung. Điều gì đã làm tản nhiệt nước được ưa chuộng và tin
dùng như vậy?
Khái niệm
Tản nhiệt nước (water cooling - WC) là hệ thống tản
nhiệt sử dụng chất lỏng để truyền nhiệt lượng từ CPU đến các lá tản
nhiệt ở bên ngoài, thay vì sử dụng không khí như tản nhiệt thường.
Phương pháp này cho hiệu năng cao hơn các hệ thống tản nhiệt khí truyền
thống.
Một bộ tản nhiệt nước đầy đủ sẽ gồm các thành phần:
- Water block
Có thể nói đây là thành phần quan trọng nhất của cả hệ
thống, nó chịu trách nhiệm chuyển nhiệt lượng tỏa ra từ CPU/GPU vào
nước. Vì thế thiết kế của water block sẽ rất quan trọng đối với hiệu
năng tổng thể.
Trên thế giới có nhiều dạng water block được thiết kế
khác nhau. Đơn giản nhất là kiểu thiết kế theo từng lá giống tản nhiệt
khí. Cầu kì hơn là thiết kế với nhiều rãnh nhỏ chạy trong khối đồng -
nước sẽ vào ở đầu này và thoát ra ở đầu kia.
Water block được làm chủ yếu bằng đồng để tăng khả
năng hấp thụ nhiệt. Ngoài water block cho CPU còn có các loại cho GPU,
chipset hay RAM.
- Radiator (rad, lá tản nhiệt)
Nhiệt lượng từ linh kiện sẽ được truyền vào chất lỏng
tản nhiệt và được giải phóng ra môi trường qua các lá tản nhiệt. Nó là
thành phần quyết định hiệu năng và tuổi thọ của cả bộ tản nhiệt nước.
Nếu thiếu radiator, nước nóng từ các linh kiện sẽ không được làm mát và
lại được đưa về CPU theo một chu trình khép kín, dẫn tới việc nhiệt độ
nước tăng cao gây treo máy khi nhiệt độ lên quá cao.
Radiator là một hộp thép với đường ống dẫn nước và các
lá kim loại mỏng gắn vào đó. Nhiệt lượng từ nước sẽ truyền vào các lá
thép, sau đó tỏa ra môi trường với sự trợ giúp của quạt, tương tự các hệ
thống tản nhiệt khí.
- Quạt
Bản thân radiator không thể tỏa nhiệt ra không khí một
cách hiệu quả. Nó cần có luồng không khí đi qua liên tục để có thể
truyền nhiệt vào không khí, tương tự các khói tản nhiệt khí thông
thường.
Quạt có tác dụng ép không khí đi qua rad và lấy đi
nhiệt lượng từ đây. Với tản nhiệt nước, cần ưu tiên các loại quạt có áp
suất tĩnh cao. Nếu có áp suất tĩnh thấp, quạt sẽ rất khó ép không khí đi
qua các lá tản nhiệt, dù có đạt tốc độ hay lưu lượng gió cao thế nào đi
nữa.
- Ống dẫn nước
Chịu trách nhiệm kết nối và dẫn nước giữa các thành
phần trong hệ thống. Ống nước không có tác dụng làm giảm nhiệt độ nhưng
nó vẫn có một vai trò rất quan trọng trong hệ thống. Ống nước tốt này
phải có độ cứng phù hợp để vừa có thể lắp đặt dễ dàng bên trong thùng
máy mà không bị bục vỡ khi sử dụng, cùng với đó là khả năng chịu nhiệt
tốt. Nếu khả năng chịu nhiệt kém, ống sẽ bị mềm khi nhiệt độ lên cao và
rất dễ tạo ra các đoạn gấp khúc cản trở dòng chảy dẫn đến nhiệt độ tăng.
Tồi tệ hơn, nếu luồng chảy bị ngắt, áp suất trong ống tăng cao và các
mối nối có thể bị bung ra. Hậu quả là một thùng máy đầy nước với các
linh kiện bị chập điện.
Nguyên tắc cơ bản khi lắp một hệ thống tản nhiệt nước là ống dẫn phải có kích thước bằng nhau.
- Máy bơm
Máy bơm là bộ phận đẩy nước đi giữa các linh kiện
trong hệ thống tản nhiệt. Máy bơm tốt phải có sự cân đối giữa các yếu
tố: Sức nén, công suất, độ ồn, nhiệt lượng tỏa ra và điện năng tiêu thụ.
Máy bơm cho tản nhiệt nước thường sử dụng điện 12v từ bộ nguồn máy
tính.
Với các bộ tản nhiệt kín như dòng Corsair H hay Antec
Kuhler, đường ống nước rất ngắn, do vậy máy bơm được tích hợp cùng với
water block để tiết kiệm không gian và tiện cho việc lắp đặt.
- Bình chứa nước (tank)
Trên thị trường có nhiều loại bình khác nhau, do đó
người dùng phải xem xét các yếu tố như kích thước case, khả năng di
chuyển và mục đích sử dụng của hệ thống làm mát. Khi đến với tản nhiệt
nước, người dùng thường có một trong hai yêu cầu: Tránh ồn ào và bụi bặm
hoặc đạt khả năng làm mát tối đa.
Người dùng thuộc nhóm thứ nhất thường muốn một hệ
thống làm mát gọn, tiện di chuyển. Họ thích sử dụng hệ thống khép kín,
nước được bổ sung qua một đoạn ống chữ T ngay trên dòng chảy từ máy bơm
ra như trong hình bên. Đây là cách rất tiện lợi và được sử dụng nhiều do
rẻ tiền và chiếm ít diện tích.
- Chất lỏng dẫn nhiệt (coolant)
Nước và các loại chất lỏng dẫn nhiệt (coolant) có khả
năng hấp thụ và truyền nhiệt cao hơn hẳn so với không khí. Ngoài thiết
kế của block và rad thì coolant là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới hiệu
năng cũng như độ bền của một bộ tản nhiệt.
Người dùng có rất nhiều lựa chọn về chất lỏng dẫn
nhiệt. Đơn giản nhất là sử dụng nước tinh khiết (hay nước cất). Cách này
rất đơn giản và có giá thành rẻ, tuy nhiên người dùng chọn phương án
này phải chuẩn bị giải pháp bảo trì lâu dài. Nguyên nhân chính là do
nước bị nhiễm cặn sẽ gây ôxy hóa các phần vật liệu bằng đồng (water
block) hoặc trở thành môi trường sống cho các loại vi sinh vật, dẫn đến
cản trở chất lỏng lưu thông.
Cách đơn giản hơn là sử dụng các loại dung dịch làm
mát (coolant) cho xe tay ga hòa với nước thường. Cách này được nhiều
người sử dụng do tiết kiệm công sức bảo trì và màu sắc coolant khá đẹp.
Phương án cuối cùng là sử dụng dầu để làm mát. Cách này thường chỉ thấy ở
những gói tản nhiệt nước khép kín của các nhà sản xuất danh tiếng. Dân
chơi máy tính ít sử dụng dầu, mặc dù theo lý thuyết dầu dẫn nhiệt tốt
hơn nước khá nhiều. Lý do là dầu "quá nặng" nên máy bơm phải có công
suất lớn, đồng thời không cho phép pha chế hoặc trộn các loại hóa chất
khác khi cần.
Tản nhiệt nước nào cho game thủ?
Tản nhiệt nước có ưu điểm nổi bật là hiệu năng cao,
nhiệt độ hoạt động của CPU hay GPU có thể giảm tới hàng chục độ C so với
tản nhiệt mặc định. Nhớ đó, máy tính hoạt động mát mẻ hơn, đồng thời
trần ép xung cũng tăng theo. Ngoài ra, tản nhiệt nước như một thứ trang
sức dùng để trang trí hệ thống máy tính. Người dùng có thể tạo nên những
tác phẩm nghệ thuật từ bộ tản nhiệt của mình.
Tuy nhiên, nó cũng có các nhược điểm làm người dùng
khó tiếp cận. Đầu tiên là giá thành tương đối cao, bộ tản nhiệt nước
custom (linh kiện rời) rẻ nhất hiện nay cũng có giá trên 2 triệu đồng.
Ngoài về yếu tố giá thành, nó đòi hỏi người chơi phải bỏ khá nhiều công
sức cho việc lắp đặt và vệ sinh hệ thống, khá vất vả so với tản nhiệt
khí truyền thống. Cuối cùng, rủi ro khi sử dụng là khá cao, với những
tai nạn chủ yếu do lỗi người dùng như bục hay vỡ ống nước.
Với các game thủ, những người không có điều kiện đầu
tư những bộ tản nhiệt giá cả chục triệu đồng, lựa chọn tốt nhất sẽ là
các bộ tản nhiệt kín (all-in-one). Loại tản nhiệt này được tích hợp toàn
bộ các bộ phận cần thiết, người dùng chỉ việc lắp vào máy là có thể sử
dụng được ngay.
Những bộ tản nhiệt tích hợp này có giá thành khá rẻ,
chỉ khoảng trên 1 triệu đồng là người dùng đã được sở hữu một bộ tản
nhiệt chất lượng khá của Corsair hay Cooler Master. Tỉ lệ xảy ra sự cố
khi sử dụng tản nhiệt all-in-one là rất thấp và người dùng có thể hoàn
toàn yên tâm trong quá trình sử dụng.
Corsair H60
Với các game thủ tầm trung hoặc thấp, một bộ tản nhiệt
nước nhỏ gọn rad mỏng như Corsair H60 là hợp lý nhất khi hiệu năng
ngang ngửa với các dòng tản nhiệt khí cao cấp nhưng lại nhỏ gọn và có
giá rất cạnh tranh.
Ở tầm cao hơn, người dùng có thể chọn dòng tản nhiệt có rad dày như H80 hay Antec Kuhler 920.
Và nếu là game thủ cao cấp, muốn đạt hiệu năng tối đa với tản nhiệt nước All-in-one thì Corsair H100 là lựa chọn tối ưu nhất.
Nhìn chung, việc trang bị và sử dụng một bộ tản nhiệt
nước không còn quá khó khăn. Các nhà sản xuất đã cải tiến rất nhiều để
đơn giản hóa việc lắp đặt, cũng như hạn chế việc người dùng phải bảo trì
thiết bị. Nếu có điều kiện, game thủ nên trang bị cho mình một hệ thống
tản nhiệt nước để bảo đảm sự mát mẻ cho các linh kiện đắt tiền như CPU
hay chip đồ họa.
Vũ Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét