Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

VÌ SAO CÁC ỨNG DỤNG NHẮN TIN TỨC THỜI CÀNG NGÀY CÀNG PHỔ BIẾN?

Ung_dung_nhan_tin.

Có một nghịch lý trên mạng xã hội: chúng ta chia sẻ quá nhiều, nhưng chúng ta cũng đang chia sẻ quá ít thứ. Chúng ta chia sẻ nhiều bởi vì chúng ta muốn bì kịp với dòng thông tin vô tận đến từ bạn bè, người thân, đồng nghiệp, hay nói rộng ra là tất cả mọi người trên thế giới. Còn chúng ta chia sẻ quá ít bởi vì cảm giác sợ bị phơi bày, bị "bắt bài" khi chúng ta đăng tải những thông tin cá nhân lên Facebook, Twitter. Cho dù bạn đăng tải để cho mọi người xem hay chỉ một nhóm nhỏ bạn bè thì điều đó cũng như nhau. Câu trả lời cho sự nghịch lý này đến từ một trải nghiệm di động hết sức mới mẻ nhưng cũng có mức tăng trưởng nhanh chóng: các ứng dụng nhắn tin trực tuyến.

Vì sao app nhắn tin lại đáp ứng được nhu cầu trên?

Sự tăng trưởng chóng mặt của smartphone và mạng di động có thể giúp giải thích một phần vì sao các dịch vụ nhắn tin đang thu hút hàng trăm triệu người dùng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, yếu tố này lại không thể giải thích hoàn toàn cho sự phổ biến của nó. Nhiều người dùng, nhưng nếu thiếu đi một số thứ nhất định thì người ta cũng sẽ dừng sử dụng dịch vụ sau một thời gian mà thôi. Để hiểu đúng về vấn đề này, chúng ta hãy nghía qua triết lý của việc nhắn tin.

Vào những ngày đầu của kỉ nguyên mạng xã hội, trên các social network này có chỗ để bạn bộc lộ bạn thân. Khi Facebook mới ra mắt, những người dùng đầu tiên của nó có rất ít bạn bè, tương tự cho Twitter, những người tham gia đầu tiên chỉ có quanh quẩn vài chục người follow mà thôi. Mạng xã hội khi đó phù hợp để chia sẻ những suy nghĩ riêng tư mà không sợ bị quá nhiều người nhòm ngó. Với Facebook, người dùng sẽ liên lạc với nhau bằng cách để lại những mẫu tin nhắn trên "tường nhà" của bạn bè. Điều này hợp lý ở thời điểm Facebook chỉ dùng để liên lạc giữa một nhóm sinh viên đại học với nhau.


Ung_dung_nhan_tin_2.

Và mọi chuyện đã thay đổi.

Twitter giờ đây trở thành một các quảng trường nơi ai ai cũng có thể gặp mặt và thảo luận. Còn trên Facebook, mỗi bài post của chúng ta sẽ đi lạc vào một rừng những trạng thái khác của bạn bè hoặc những người mà bạn đang follow, rồi còn bị trộn lẫn với hàng tá ảnh, video và các mẫu quảng cáo nữa. Ngay cả những gì người ta nhấn like cũng hiện lên trên News Feed. Đó chính là thứ mà chúng ta chia sẻ quá nhiều như mình đã nói ở đầu bài.

Song song đó, những nỗi lo bắt đầu xuất hiện về việc bị người khác thấy nội dung mà bạn đã chia sẻ. Ví dụ, các bạn trẻ lo ngại cha mẹ thấy những dòng post của mình với bạn gái, nhân viên lo sếp thấy các post nói xấu, và những thứ tương tự như thế. Đây là lý do vì sao người ta chia sẻ quá ít.

Đã đến lúc phải có một lựa chọn nào đó mang tính riêng tư cao hơn là mạng xã hội. Thế là người dùng bắt đầu chuyển sang sử dụng những ứng dụng chat như WhatsApp, Viber, Line, Snapchat, ở Việt Nam chúng ta thì có sự xuất hiện phổ biến của Zalo.

Thay đổi hành vi của bạn để phù hợp với nhân dạng online

Trên mạng xã hội, chúng ta thường cố gắng xây dựng nên một hình tượng thật tốt để coh bạn bè và người thân thấy. Theo một nghiên cứu của Đại học Michigan, với một sinh viên đại học, nếu người này càng có nhiều bạn trên Facebook thì anh ta sẽ càng ít nói về các vấn đề gây tranh cãi hơn. Cụ thể:

"Những người dùng có nhiều bạn bè trên Facebook dường như ít nói hơn về chính trị và vấn đề quyền đồng tính nam trên Facebook mặc dù họ có cơ hội được tiếp cận với nhiều nguồn tài nguyên về thông tin và con người. Bởi vì những chủ đề này thường tạo ra các phản ứng tiêu cực trên Facebook, người ta thường né đăng tải những thứ này. Với một lượng khán giả nhỏ, nhân dạng online của chúng ta có xu hướng đáng tin cậy hơn".

Với việc gia tăng các lựa chọn để liên lạc với nhau, người dùng Internet bắt đầu nghĩ nhiều hơn về những thứ họ chia sẻ, và những nơi họ chia sẻ và họ chia sẻ nội dung với ai. Trên Facebook, một ai đó có thể kể về thành quả mà họ vừa đạt được, nhưng trên Snapchat, người này đăng một tấm ảnh "tự sướng" rồi chèn chữ vào để cho người khác biết họ đã "cực khổ" để có được thành quả nói trên. Cảm giác "cực khổ" đó chỉ là nhất thời, chính vì thế những phương tiện có khả năng tự hủy tin chia sẻ như Snapchat đang ngày càng được ưa chuộng.

Thomas Husson, một nhà phân tích của Forrester , cũng nhận xét tương tự: "Hệ sinh thái mạng xã hội di động có bản chân là phân mảnh bởi vì mỗi người sẽ có nhiều nhân dạng khác nhau và họ sẽ chuyển giữa các app để nói lên những vấn đề khác nhau. Những ứng dụng này chính là cách để quản lý nhân dạng của bạn..."

Ung_dung_nhan_tin_1.

Tạo ra những mạng xã hội mới thông qua tin nhắn

Mạng xã hội yêu cầu chúng ta định nghĩa những người quen biết thành từng nhóm. Có thể đó là bạn bè, là người quen, người đang follow hoặc không. Google+ là một trong những mạng xã hội đầu tiên đưa ra ý tưởng này. Trong khi đó, những ứng dụng nhắn tin thì cho phép chúng ta bỏ qua toàn bộ sự phân loại đó và liên lạc với bạn bè một cách ngang hàng. Lúc này, chính người dùng đã tự mình tạo ra một mạng xã hội mới với ít nhất là 2 thành viên, nếu muốn bạn có thể mời thêm bạn bè tham gia vào cuộc hội thoại và đó là lúc số lượng thành viên tăng lên.

Giới trẻ có thể là một mô hình mẫu cho sự chuyển dịch này bởi vì họ cần một nơi có thể chat với bạn bè mà không để cha mẹ đọc được nội dung, song song đó vẫn có khả năng mở rộng nhóm chat khi cần thiết. Những người quan tâm đến tính riêng tư cũng tìm đến các ứng dụng chat để trao đổi với nhau. Có thể họ vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết 100% về quyền riêng tư, tuy nhiên họ cũng đã bắt đầu có ý thức cao hơn về chuyện đó.

Ngay cả khi những hình ảnh bạn chia sẻ lên Snapchat không biến mất ngay khỏi máy chủ của công ty như những gì họ từng quảng cáo thì người dùng vẫn cảm thấy hài lòng khi các ảnh, video của mình sẽ không còn hiện hữu trên tường nhà của mình.

Tính năng làm biến mất tin nhắn của Snapchat chỉ là một ví dụ. Những dịch vụ khác có những sức hút riêng của họ: Kik có sticker chuyển động, WhatsApp có chia sẻ địa điểm, Line có các game tích hợp, còn Zalo thì có tính năng tìm kiếm bạn bè xung quanh. Tất cả đều góp phần tạo ra hình dáng của những cuộc hội thoại diễn ra hằng ngày trên các app này. Tất cả cũng đều mang lại một cảm giác rằng những nội dung này không phải tồn tại vĩnh viễn, nó chỉ là một phần trong dòng liên lạc của mọi người. Khi bạn "nói" với nhau, những từ đó không được lưu lại trên giấy, thay vào đó chúng đang mô phỏng lại cuộc hội thoại mặt đối mặt giữa hai người.

Ở góc độ người sử dụng, chúng ta muốn thứ gì đó có thể làm tốt nhất việc truyền tải tin nhắn. Tất cả các nhà phát triển cũng đang nỗ lực hết mình để khám phá xem những tính năng nào có thể đáp ứng cho người dùng của họ. Các ứng dụng nhắn tin mới xuất hiện rất nhiều, hàng tháng, hàng tuần, còn ứng dụng nào sẽ thắng thì còn phụ thuộc vào bạn bè của chúng ta đang ở đâu. Ví dụ, không nhiều người Việt sử dụng Snapchat, trong khi họ lại nhắn tin rất nhiều qua Facebook Messenger, Line, Zalo hay Viber. Lý do đơn giản chỉ là vì bạn bè của họ có nhiều người sử dụng những dịch vụ này, và chỉ khi đó thì việc giao tiếp mới trở nên hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng sự phát triển của các ứng dụng nhắn tin không có nghĩa là mạng xã hội sẽ bị tiêu diệt. Thay vào đó, việc sử dụng các app nhắn tin nhiều hơn cho thấy một sự chuyển dịch của một bộ phận khá lớn người dùng Internet, những người đánh giá cao việc chia sẻ thông tin với một nhóm nhỏ bạn bè nhưng lại hiểu rõ nhau hơn là trên mạng xã hội.

Sẽ không có ứng dụng nào hoàn toàn chiến thắng

Tin nhắn giờ đây trở nên hữu ích hơn cả SMS, hơn cả cuộc gọi. Chúng ta gửi tin nhắn bằng các app để thêm hình ảnh, video và các dạng liên lạc khác mà không cần phải chi tiền cho mạng viễn thông của các nhà mạng. Chính vì các lợi thế về mặt tiện ích, tài chính và nhiều yếu tố khác đã khiến thị trường app nhắn tin bùng nổ. Trong những năm gần đây, nhiều dịch vụ nhắn tin đã tạo được thành công lớn, và cũng có những công ty đi sao chép lại dịch vụ của hãng khác. Tất cả họ đều nhắm tới việc cung cấp một phương thức liên lạc riêng tư tốt hơn.

Một trong những ví dụ dễ thấy nhất đó là WhatsApp, một công ty mà Facebook đã mua lại với giá 19 tỉ USD và hiện có hơn 500 triệu người dùng trên khắp thế giới. WeChat, dịch vụ của Trung Quốc, có đến 438 triệu người dùng, một con số rất sát với WhatsApp. Ngay cả Zalo, một ứng dụng của Việt Nam, cũng đã có được 15 triệu người dùng tính đến cuối tháng 7 năm 2014. Ngoài ra còn có Kik, Line, Viber (đã được mua lại bởi công ty Rakuten của Nhật với giá 900 triệu USD), Snapchat. Facebook cũng SlingShot, một ứng dụng với nhiều tính năng rất giống như Snapchat.
Ung_dung_nhan_tin_4.
Nhưng các bạn có biết đối thủ lớn nhất của tất cả những dịch vụ kể trên là ai không? Đó chính là SMS, tiêu chuẩn tin nhắn được sử dụng bởi hầu hết các nhà mạng trên thế giới. Tin SMS đầu tin được gửi vào năm 1992 với nội dung "Chúc mừng Giáng sinh". Và ở nhiều quốc gia, nhất là ở Châu Âu và Châu Á, việc nhắn tin là một cách để khỏi phải gọi điện vốn tốn nhiều cước phí hơn.

Năm 1995 mỗi người chỉ gửi trung bình 5 tin nhắn mỗi năm và thông qua một số nhà mạng nhất định. Kể từ đó, con số này đã tăng chóng mặt như tên lửa. Năm 2012, người dùng đã gửi đi hơn 2 nghìn tỉ SMS, tính ra là trung bình 333 tin cho mỗi người trên hành tinh này. Những SMS này gần như chả tiêu hao chi phí gì ở phía nhà mạng, trong khi người dùng phải bỏ ra vài xu cho mỗi tin, chính vì thế việc kinh doanh SMS là một mảnh đất màu mỡ và dễ dàng.

Và giờ thì các ứng dụng nhắn tin đang cố gắng xâm chiếm lấy mảnh đất đó.

Ung_dung_nhan_tin_3.

Nhắn tin bằng các ứng dụng không chỉ là một cơ hội kinh doanh. Nó có ý nghĩa rộng hơn thế nữa, nó trở thành một thứ tích hợp sâu vào đời sống của chúng ta. Thứ làm cho các dịch vụ nhắn tin trở nên đặc biệt đó là chúng cho phép việc nói chuyện giữa hai người hoặc giữa một nhóm người với nhau. Nó cung cấp một con đường trực tiếp mà chúng ta có thể dùng để liên lạc với những người quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta có thể dễ dàng gửi đi một thông điệp và biết chắc rằng nó sẽ không bị chìm lỉm giữa hàng tá ảnh hay trạng thái cập nhật như trên mạng xã hội.

Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ gửi các thông điệp đó như thế nào? Đã từng có ý kiến cho rằng chỉ cần một công ty nào đó thật lớn tung ra một app nhắn tin mạnh thì nó sẽ chiếm lấy thị trường. Điều đó không chính xác. Ở khía cạnh mạng xã hội, chúng ta dùng Facebook để liên lạc với bạn bè, LinkedIn cho công việc, hay Twitter cho tin tức. Sự phân mảnh này sẽ tiếp tục được áp dụng cho mảng dịch vụ nhắn tin.

Hiện các lập trình viên đã có thể dễ dàng xây dựng nên một app nhắn tin có khả năng tìm kiếm bạn bè từ danh bạ trên điện thoại của người dùng. Việc gửi thông báo để nói cho người dùng biết về sự xuất hiện của một tin nhắn cũng không còn gặp khó khăn gì trên tất cả những nền tảng di động hiện tại. Chính vì thế, sự đa dạng của app nhắn tin là chuyện không thể tránh khỏi, nhất là khi các nhà sáng lập thường có thêm những ý nghĩa "điên rồ" để đưa sản phẩm của mình đến gần người dùng hơn.

Quan trọng hơn hết, bạn bè xung quanh chúng ta không phải đều sử dụng chỉ một app nhắn tin duy nhất. Bản thân mình có vài người bạn chỉ dùng iMessage của Apple để nhắn với mình, một nhóm nhỏ khác chỉ xài Zalo, và một số lượng lớn bạn bè thì dùng Facebook Messenger để trao đổi thông tin. Trong khi đó, chẳng ai nhắn cho mình bằng tính năng Direct Message của Twitter hay LINE cả. Bạn không thể ép mọi người xài chung một app chỉ để cho bạn thuận tiện, bởi mỗi dịch vụ sẽ có thể mạnh của riêng nó và bạn bè chúng ta sẽ đánh giá mỗi dịch vụ theo một cách khác nhau.

Facebook sẽ không thống trị thị trường tin nhắn như những gì hãng làm với mạng xã hội

Đó là điều chắc chắn. Facebook có thể là ông trùm trong mạng xã hội, nhưng với dịch vụ nhắn tin thì không. Sự dịch chuyển từ việc giao tiếp một - nhiều, ví dụ như Twitter hay Facebook, sang việc trao đổi thông tin một - ít, như WhatsApp hay Zalo, đang ép các công ty khởi nghiệp lẫn những công ty lớn suy nghĩ lại chiến lược của mình. Ứng dụng nhắn tin đang cố gắng đáp ứng nhu cầu tán gẫu của người dùng, đồng thời biết nó thành một trải nghiệm độc đáo nhưng vẫn đủ đơn giản để thật nhiều người có thể tiếp cận.

Thật ra động thái này cũng dễ thấy. Facebook đã có trong tay dịch vụ Messenger, vậy mà hãng lại chi thêm một núi tiền nữa để mua lại WhatsApp. Rõ ràng Facebook thấy được rằng bản thân công ty không thể giành được một miếng bánh to trong thị trường nhắn tin, thế nên hãng cần một đơn vị khác hỗ trợ cho mình. Có khả năng Facebook sẽ không tích hợp WhatsApp vào mạng xã hội của mình mà sẽ để nó hoạt động như một dịch vụ riêng và thu tiền theo một cách nào đó.

Facebook_Messenger.

Facebook cũng nhận thấy sự cạnh tranh từ Snapchat, thế nên hãng mới cho ra đời dịch vụ Slínghot, nhưng vấn đề là app này không thu hút người dùng như Snapchat và đã nhanh chóng tụt xuống hạng 444 trên App Store. Rõ ràng, bạn thấy đấy, Facebook không thể thống trị thị trường tin nhắn như những gì hãng đang làm với thế giới mạng xã hội. Hay ít nhất, điếu đó sẽ không diễn ra trong tương lai gần.

Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu

Cũng giống như việc chúng ta sử dụng nhiều mạng xã hội khác nhau cho các mục đích khác nhau, ứng dụng nhắn tin cũng sẽ đáp ứng cho những nhu cầu khác nhau. Nhờ vào sự phát triển ngày càng nhanh của smartphone, mong muốn được kết nối của con người sẽ ngày càng trở nên nhiều hơn, và đó là nền tảng để các dịch vụ nhắn tin tiếp tục phát triển. Trong tương lai có thể nhìn thất được, chúng ta sẽ chứng kiến các dịch vụ tiếp tục cạnh tranh nhau khốc liệt để kéo khách hàng về phía mình, ngoài ra nhiều tính năng mới cũng sẽ xuất hiện để làm cho mỗi ứng dụng có nét riêng. Ít nhất, chúng ta có thể an tâm rằng sẽ không có một công ty nào kiểm soát toàn bộ các kênh liên lạc của chúng ta. Và cho dù SMS hay mạng xã hội vẫn còn đó, việc nhắn tin sẽ ngày càng tiến sâu hơn vào cuộc sống của cả tỉ người trên thế giới này.

Tham khảo: ReadWrite​ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét