Ở tuổi 73 có thể an dưỡng tuổi già, nhưng "thần đèn" Võ Xên (H.Thoại Sơn, An Giang) vẫn ngày đêm lọ mọ nghiên cứu công thức để chỉnh lại những căn nhà đơn lẻ, những cụm nhà liền kề ở vùng đô thị bị ngập sâu bởi triều cường, nước biển dâng trong tương lai.
Leo lên lưng cọp
Năm 1960, Võ Xên đi học ở Liên Xô chuyên ngành kiến trúc. Những năm học có dịp cọ xát cùng bạn bè năm châu đã giúp ông mở rộng tầm nhìn về kiến trúc quy hoạch của từng vùng lãnh thổ. Năm 1968, Võ Xên tốt nghiệp về nước và được phân công công tác ở Bộ Xây dựng. Thời gian sau ông chuyển về quê nhà An Giang làm việc trong ngành xây dựng.
Năm 1984, một sự cố xảy ra ở P.Mỹ Long (TP.Long Xuyên) khiến người dân kinh hãi bởi khách sạn Đông Kinh cao 5 tầng nặng hơn 800 tấn bị lún nghiêng muốn ngã sập. Ai có nhà gần đó hoảng quá nên thu gom đồ đạc tạm lánh nơi khác. Nhiều nhà khoa học, nhà thầu được mời đến tìm giải pháp khắc phục nhưng đến nơi xem ai cũng ngán: “Nhận công trình này như leo lên lưng cọp, nó đã lún sắp sập, đưa máy móc vào can thiệp càng sập mau thêm”.
Ông Võ Xên - thần đèn chỉnh nhà bị lún, nghiêng |
Sự việc kéo dài càng thêm phức tạp. Lúc này các lãnh đạo UBND tỉnh mới nhớ đến Võ Xên từng học ngành kiến trúc ở Liên Xô nên mời ông đến. Võ Xên nhận lời, ông nghiên cứu địa thổ hồ sơ xây dựng, phát hiện phần bị lún do nền đất trước đó là cái mương. Qua bàn bạc trao đổi nhiều lần với tiến sĩ Huỳnh Chánh Thiên (công tác ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), Võ Xên đưa ra đề xuất khá táo bạo là phá trạng thái lún bằng cách đào phía bên không lún cho hai bên... lún đều!
“Thợ thầy tới xem xanh mặt vì nghĩ đang chui xuống đào đất, khách sạn mà sập xuống là tan xác liền. Tôi đưa ra công thức, thuyết phục mãi họ mới chịu làm”, Võ Xên nhớ lại. Công trình được khắc phục, khách sạn vững trân, ông Xên được thưởng 300 đồng cùng chiếc ti vi màu thời đó rất có giá trị. Sau này khách sạn Đông Kinh sang nhượng cho người khác lấy tên Kim Anh, người chủ mới tới tận nhà ông thăm dò liệu sau này nó có sập hay bị nghiêng. Ông Xên cười, nếu muốn cơi lên thêm 1 tầng cũng chẳng dịch chuyển, người này nói: “Uy tín chú lớn lắm nên nói vậy tôi yên tâm”.
Năm 1992, Võ Xên chuyển qua Đồng Tháp công tác, tại đây ông được nhận một công trình khó. Số là căn nhà liền kề gồm 4 căn ở TP.Cao Lãnh bị lún sâu nên các chủ nhà dọn đi vì sợ sập bất tử. Khảo sát xong Võ Xên phác họa bản vẽ vì móng của căn nhà đã yếu nên nhà bị sụm xuống, muốn nó đứng vững phải cưa móng thay móng mới. Nghe vậy ai nấy đều băn khoăn vì làm sao “bốc” khối nhà lên để thay móng! Vậy mà bằng sở học cùng với tính toán ông đã làm được và cụm nhà đó vẫn vững chãi cho tới nay.
Võ Xên nói từ đó đến nay ông đã chỉnh lún, nghiêng cho hàng trăm căn nhà của đủ mọi thành phần, từ căn nhà của nông dân cho tới nhà khoa học, nhà thầu, nhà kinh doanh...; làm ở các tỉnh miền Tây rồi lên TP.HCM chỉnh nhà nghiêng. Ông nhớ vào tháng 7.2005, căn nhà 5 tầng lầu do ông Phạm Văn Hồng Đức làm chủ ở TP.HCM bị nghiêng, có thể ngã sập bất cứ lúc nào. Với kinh nghiệm có thừa, chỉ vài ngày ông đã chỉnh căn nhà đứng thẳng trở lại.
Lúc đó ở miền Tây rộ lên tên tuổi "thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy chuyên đi di dời nhà khắp các tỉnh thành, nếu ông Lũy được xưng tụng với biệt danh "thần đèn dời nhà" thì ông Võ Xên được gán biệt danh "thần đèn chỉnh nhà lún nghiêng". Nghe nhắc đến từ “thần đèn”, Võ Xên cười nói rằng trong ánh mắt các nhà khoa học thì đây là việc bình thường, không có gì là cao siêu, phức tạp, tất cả là việc tính toán chuẩn xác. Xong ông ngậm ngùi, ở nước ta, căn nhà là tài sản lớn nhất nên nó bị xảy ra chuyện gì thì chủ nhà cũng tìm cách cứu chứ phá bỏ khó cất nổi nhà mới, từ đó mới có di dời nhà, chống nghiêng...
Chống nước biển dâng
Võ Xên cho biết mấy chục năm trước theo quán tính và tính toán trong xây cất cứ đóng 25 cây tràm/m2 thi công các công trình. Đây cũng là nhược điểm vì thân cây tràm không giống nhau về độ tròn cũng như độ phẳng, độ tuổi cây già cây non nên có độ chênh lệch nhau khi chịu lực cũng khác nhau. Với lại lớp đất sét ở bề mặt chịu tải rất lý tưởng nhưng trong xây dựng thường phải đào bỏ lớp đất này trước khi đóng cừ tràm. Bên cạnh đó, mực nước ngầm lâu ngày bị tác động nên cừ tràm bị đóng sau đó nhô lên khỏi mực nước ngầm, bị mục nên tất yếu kéo theo nhà sau này bị nghiêng, sụm.
Từ lập luận năm 1994, Võ Xên đã báo cáo đề tài khoa học dùng “cừ đá thay cừ tràm” và đề tài này đã được UBND tỉnh Đồng Tháp “bật đèn xanh” mời ông về xây dựng khán đài C sân vận động Đồng Tháp và Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh bằng công trình xây móng bằng cừ đá thay cho cừ tràm...
Từ thành công ở Đồng Tháp, nhiều nơi đã mời ông xây dựng công trình bằng cừ đá thay tràm. Ông Võ Xên nhớ lại: “Nhiều người đồng ý giải pháp thi công bằng cừ đá đơn giản hơn cừ tràm, chi phí xây bằng cừ đá thời điểm đó thấp hơn hoặc bằng 1/2 so với cừ tràm trong khi thời gian thi công nhanh gấp 2 lần”. Ông nói đã có quá nhiều công trình áp dụng phương thức này như thi công xây dựng nhà lồng chợ Cái Xoài (H.Chợ Mới, An Giang), tòa nhà của kỹ sư xây dựng thuộc Sở Xây dựng Đồng Tháp...
Võ Xên nói mấy chục năm trước, khi nói đến xây cừ đá thay tràm có nhiều ý kiến trái ngược nhau, bây giờ việc dùng cừ đá thay tràm đã trở nên bình thường ở các công trình. Nhưng ông nói ông vẫn còn “gân” lắm chưa chịu nghỉ ngơi bởi ý tưởng chống lũ, chống nước biển dâng. Ông Xên kể lúc trước có lên nhà bạn ở TP.HCM chơi, nền nhà thấp bị ngập hoài nên chủ đã cuốn nền lên nhiều lần đi muốn đụng trần. Ông nói: “Nhà sát vách nên việc sửa chữa rất khó, tôi mới nghĩ đến triều cường càng dâng lên nhà càng bị ngập tới mức không nâng sàn lên được thì chỉ còn cách nâng nhà lên thôi”.
Ông chỉ cho xem căn nhà 5 tầng lầu mà ông đang làm thí nghiệm nâng thêm tầng và cuốn sàn từ căn nhà cấp 4 trước đó hay bị ngập. Võ Xên cho biết việc thí điểm của ông nếu thành công không lâu sau áp dụng vào cuộc sống, cho cả nhà đơn và những cụm nhà liền kề sau này bị đe dọa bởi triều cường trong đô thị và biến đổi khí hậu. Ông nói: “Không lâu nữa sẽ biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng cao tất nhiên sẽ có nhiều nhà bị ngập nước và nhà bị ngập phải nâng lên cao thôi”. Việc nghiên cứu này ông làm thư thả nhưng bằng cả tâm huyết, bởi vì những lời thầy dạy ông luôn khắc ghi: “Làm nghề kiến trúc không thể ẩu, bởi một nét vẽ sẽ tác động rất lớn đến xã hội...”.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.
|
Thanh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét