Hiện nay chúng ta đã quá quen thuộc với những cái tên như iOS, Windows
Phone, Android, Symbian. Chúng là những hệ điều hành có mặt trên hầu hết
các mẫu smartphone và tablet đang có mặt trên thị trường, trên tất cả
các phân khúc từ bình dân cho đến cao cấp. Đến đầu năm nay, chúng ta có
thêm một thành viên mới gia nhập vào lĩnh vực này, đó chính là Firefox OS. Đây là một OS nguồn mở được Mozilla, nhà phát triển của trình duyệt Firefox,
xây dựng riêng cho những điện thoại thông minh cũng như máy tính bảng.
Điểm đặc biệt của Firefox OS đó là nó hoạt động dựa trên các chuẩn web
mở như HTML5, JavaScript, còn phần cứng thì chạy trên các chip của Qualcomm
sản xuất. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn vài thông tin
về lịch sử cũng như đặc điểm và tiềm năng của Firefox OS trong thế giới
di động hiện tại.
1. Lịch sử ra đời và những thiết bị đầu tiên chạy Firefox OS
Vào ngày 25/7/2011, Tiến sĩ Andreas Gal, giám đốc bộ phân nghiên cứu của
Mozilla giới thiệu đến một số lập trình viên về dự án "Boot to Gecko"
(B2G) mà hãng đang phát triển. Bản nháp của dự án này nằm là nhằm "theo
đuổi mục tiêu xây dựng một hệ điều hành hoàn chỉnh và độc lập cho thế
giới web mở". Hệ điều hành này phải giúp lập trình viên có thể xây dựng
được các ứng dụng nền web tốt như những ứng dụng nội tại (native app,
vốn là những phần mềm mà các bạn thường sử dụng trên BlackBerry 10, iOS,
Android hay Windows Phone). Tất nhiên, vì Boot to Gecko nhắm đến các
thiết bị di động nên nó phải hỗ trợ những tính năng mà người dùng mong
muốn ở một sản phẩm hiện đại, ví dụ như khả năng nghe gọi, nhắn tin,
chụp ảnh, quay phim, kết nối 3G/Wi-Fi, GPS.
Kể từ đó, Mozilla đặt ra mục tiêu xây dựng Boot to Gecko với những trọng tâm gồm có:
- Web API: những hàm lập trình giúp ứng dụng nền web truy cập được
những chức năng của thiết bị và hệ điều hành, ví dụ như camera, chipset,
bộ thu phát sóng không dây, bộ quản lí nguồn,…
- Một mô hình phân quyền cho phép thư viện API có thể được sử dụng một cách an toàn bởi các ứng dụng nền web.
- Những dòng mã ở cấp thấp nhất thì chịu trách nhiệm thiết lập nên một
nền tảng cơ bản, đồng thời giúp Boot to Gecko có thể khởi động được khi
hoạt động trên những phần cứng của thiết bị Android.
Một số nguyên mẫu về giao diện của Boot to Gecko thuở sơ khai
Đến
ngày 2/7/2012, Mozilla ra quyết định đổi tên Boot to Gecko thành
Firefox OS. Đến đây thì chắc các bạn đã cảm thấy quen thuộc hơn vì
Firefox chính là trình duyệt nổi tiếng cũng do Mozilla phát triển. Ngay
từ thời điểm trứng nước này, Firefox
OS đã đón nhận sự hỗ trợ khá tốt từ phía các nhà mạng trên thế giới như
Deutsche Telekom, Smart, Sprint, Telecom Italia, Telefonica và Telenor.
Riêng Telefonica và phòng nghiên cứu Innovation Labs của Deutsche
Telekom đã công bố hỗ trợ cho dự án kể từ trước đó khá lâu. Cũng trong
dịp 2/7, Mozilla cho biết các thiết bị đầu tiên sử dụng Firefox OS sẽ
được sản xuất bởi TCL Communication Technology/Alcatel One Touch và ZTE, tất cả đều chạy trên vi xử lý Snapdragon của Qualcomm.
Mười tám ngày sau đó, tức 20/7/2012, Mozilla đang tải phiên bản nightly
(bản thử nghiệm rất sơ khai" của Firefox lên mạng, đồng thờ cung cấp một
phần mềm giả lập để cho phép các nhà phát triển dùng thử hệ điều hành
này trên Windows, OS X và Linux.
Ngay lập tức những hình ảnh về giao diện của Firefox OS được truyền đi
khắp Internet và nó gây được ấn tượng bởi sự đơn giản trong thiết kế
nhưng vẫn sinh động và bắt mắt. Và tất nhiên, tất cả những ứng dụng dành
cho Firefox OS đều được thiết kế và lập trình bằng HTML5, JavaScript
cùng nhiều chuẩn web mở khác, vốn đang được sử dụng trên rất rất nhiều
website trên toàn thế giới.
Đến tháng 9 năm 2012, hàng loạt tin tức rò rỉ về Firefox OS rò rỉ trên
mạng. Đầu tiên là hình ảnh Firefox Marketplace, kho ứng dụng của Firefox
OS, sau đó đến lượt các ảnh rò rỉ Firefox OS trên thiết bị thực tế. Ngay cả một hãng thông tấn lớn như Wall Street Journal cũng dẫn nguồn đáng tin cậy để tiết lộ ngày ra mắt của Firefox OS cùng với các thiết bị dùng chip Qualcomm.
Tới cuối tháng 9, Mozilla lên tiếng chia sẻ về những triết lý thiết kế
mà hãng đã áp dụng cho đứa con của mình. Trên blog của hãng, nhà thiết
kế Patryk Adamczyk đã đưa ra chi tiết về cách thức mà nhóm phát triển
tạo ra giao diện cho hệ điều hành, cách sử dụng icon, phương pháp phối
hợp chữ với nhau cũng như các thành phần âm thanh đã được sử dụng để làm
Firefox OS trở nên hiện đại và đẹp hơn. Mozilla
cũng có nhắc đến việc chọn màu nền, trong đó gam màu tối chủ yếu được
dùng cho những ứng dụng giải trí để mang lại trải nghiệm "như đang xem
cine", còn màu sáng thì dành cho các tiện ích nhằm "tạo cảm giác như
đang trong văn phòng". Việc chọn màu cho icon cũng giống như thế, trong
đó những biểu tượng cho ứng dụng có liên quan đến điện thoại sẽ có màu
xanh lá, phần mềm giải trí thì xanh dương, công cụ làm việc thì màu cam,
còn phần cài đặt và tiện ích khác là màu xám.
Đến ngày 12/12/2012, Mozilla chính thức ra mắt phiên bản 1.0 của công cụ
giả lập Firefox OS. Đến thời điểm này, người ta đã có cái nhìn rất chi
tiết về hệ điều hành mà Mozilla ấp ủ bấy lâu nay. So với bản nightly,
giao diện được cải tiến khá nhiều, chủ yếu theo hướng dễ nhìn hơn và đơn
giản hơn nhưng vẫn giữ lại vẻ sinh động vốn có. Vì việc cài đặt bộ giả
lập này rất dễ dàng, do đó người dùng bình thường cũng có thể thử trải
nghiệm xem Firefox trông ra sao, cách hoạt động như thế nào.
Ngày 22/1/2013, Mozilla công bố Peak và Keon,
hai smartphone chạy Firefox OS được thiết kế chủ yếu nhắm đến các nhà
phát triển và lập trình viên. Thực tế, hai chiếc điện thoại này đơn giản
chỉ là thiết bị phần cứng được Mozilla dùng để đặt hệ điều hành vào bên
trong - tương tự như những gì RIM đã thực hiện với chiếc BlackBerry Dev Alpha
của hãng. Tuy nhiên khác với Dev Alpha, hai smartphone này có tích hợp
chip 2G/3G, vì vậy nó có thể thực hiện các tính năng thoại, tin nhắn như
thông thường.
Về cấu hình phần cứng, đầu tiên là Keon, máy được trang bị màn hình 3,5", độ phân giải HVGA (480 x 320), CPU Snapdragon S1,
xung nhịp 1GHz, RAM 512 MB, camera 3MP. Trong khi đó, Peak, như đã nói ở
trên có phần cao cấp hơn khi có màn hình 4,3", qHD, CPU Snapdragon S4
lõi kép, xung nhịp 1,2GHz. Ngoài ra, pin của Peak cũng có dung lượng cao
hơn Keon (1800 mAh so với 1580 mAh).
Ngày 25/3/2013, thời điểm quan trong cuối cùng cũng đã đến. Tại triển lãm MWC 2013, Mozilla đã cùng hai đối tác là ZTE và Alcatel giới thiệu hai sản phẩm thương mại đầu tiên chạy Firefox OS: ZTE Open và Alcatel One Touch Fire. Cả hai đều được thiết kế dựa trên thiết bị tham chiếu Keon. ZTE Open
sử dụng màn hình 3,5" độ phân giải 320 x 480, CPU một nhân Cortex-A5
1GHz, RAM 256MB, bộ nhớ trong 512MB, hỗ trợ mở rộng bằng thẻ microSD. Open sở hữu máy ảnh phía sau 3,2 megapixel, kết nối Wi-Fi, Bluetooth, GPS và pin 1200mAh. Chiếc One Touch Fire của hãng Alcatel cũng có cấu hình tương tự như trên, chỉ khác là pin được nâng lên 1400 mAh. Open và One Touch Fire sẽ nhắm vào phân khúc tầm thấp và có nhiều tùy chọn màu sắc khác nhau.
Với sự xuất hiện của hai thiết bị này, Mozilla đã một lần nữa nhấn mạnh
lại rằng Firefox OS sẽ không đối đầu trực tiếp với các nền tảng cao cấp
hiện hữu như iOS, Android hay Windows Phone. Thay vào đó, hệ điều hành
của Mozilla sẽ đánh vào phân khúc điện thoại giá rẻ nhằm đưa trải nghiệm
sử dụng smartphone đến người dùng tại các thị trường mới nổi trên thế
giới. Đó chính là lý do mà chúng ta thấy được cấu hình thấp của hai
chiếc Open và One Touch Fire.
2. Đối tác phần cứng
Như chúng ta đã biết, Mozilla là bên chịu trách nhiệm phát triển phần
mềm và nền tảng, còn muốn đưa được thiết bị đến người tiêu dùng thì
không thể không kể đến các hãng làm phần cứng. Ở MWC 2013, Mozilla thông
báo rằng ngoài ZTE và Alcatel, hãng cũng sẽ bắt tay với LG và Huawei.
Sony cũng có một động thái khiến giới công nghệ bất ngờ khi tuyên bố
nhảy vào mảng Firefox OS. Bob Ishida, quyền CEO và trưởng bộ phận sản
phẩm của Sony Mobile, cho biết các kĩ sư của hãng "hiện đang làm việc với Firefox
OS và HTML5, những công nghệ đang tiến hóa và có tiềm năng lớn". Sony
kì vọng thiết bị đầu tiên sẽ được đưa ra thị trường trong năm 2014.
Ishida nói thêm rằng Firefox OS sẽ tạo cơ hội để Sony tiếp cận với các
phân khúc mới, đồng thời mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn
với những thiết bị "cao cấp" của Sony.
Một số đối tác phần cứng và nhà mạng hợp tác với Mozilla trong việc phát triển Firefox OS
Được biết những thiết bị đầu tiên chạy Firefox OS sẽ được ra mắt vào
khoảng giữa năm nay, có thể là vào tháng 6 hoặc tháng 7 tùy vùng miền.
Nơi đầu tiên được phân phối các máy Firefox OS sẽ là Nam Mỹ, sau đó đến
lượt Châu Á và Châu Âu. Mỹ cũng sẽ có máy Firefox OS nhưng phải đến tận
năm 2014 các hãng mới mang sản phẩm của mình đến nơi này.
3. Vi xử lí Qualcomm và vai trò đối với Firefox OS
Ngoài những bên trực tiếp sản xuất thiết bị, Mozilla còn hợp tác riêng
với Qualcomm để tối ưu hóa hệ điều hành của mình cho những vi xử lí
Snapdragon. Qualcomm nói rằng "với Firefox OS, các lập trình viên có thể
tận dụng sức mạnh của Snapdragon bằng cách sử dụng HTML5 để truy cập
đến từng tính năng của thiết bị". Chúng ta có thể lấy ví dụ hai chiếc ZTE Open và Alcatel One Touch Fire,
cả hai đều sử dụng chip Qualcomm MSM7225A một nhân Cortex-A5 với xung
nhịp 1GHz, đi kèm theo đó là bộ xử lí đồ họa Adreno 200. Chip này chỉ
thuộc dòng Snapdragon S1,
tuy nhiên nó vẫn đủ sức mạnh để vận hành một nền tảng mở chủ yếu dựa
trên các chuẩn web thông dụng và hơn hết là không yêu cầu phần cứng quá
mạnh mẽ. Qualcomm MSM7225A có khả năng cung cấp những tài nguyên cần
thiết cho hệ thống một cách hợp lí nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả sử
dụng năng lượng. Nói cách khác, việc Firefox OS kết hợp cùng chip
Qualcomm hứa hẹn sẽ mang lại thời gian sử dụng pin dài cho người dùng.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta khó có thể kì vọng những SoC
cao cấp của Qualcomm như Snapdragon S4 Pro, Snapdragon 600, Snapdragon
800 sẽ xuất hiện trên các máy Firefox OS bởi chi phí còn khá cao, trong
khi mục tiêu của Firefox OS là những thị trường mới nổi, nơi người ta
cần một chiếc máy rẻ và đủ tính năng. Qualcomm nói họ sẽ tiếp tục làm
việc với Mozilla để "giúp Firefox OS hoạt động mượt mà trên một số vi xử
lí Snapdragon mới. Hi vọng trong tương lai chúng ta sẽ được thấy
Snapdragon S2, S3, S4 Play, thậm chí là Snapdragon 200/400 xuất hiện
cùng với Firefox OS.
Mozilla cũng không loại trừ khả năng họ sẽ ........ các phân khúc tầm
trung và tầm thấp trong tương lai không xa. Có lẽ khi đó thì chúng ta
mới thấy được các SoC "đỉnh" của Qualcomm được tích hợp vào các thiết bị
Firefox OS. Còn bây giờ, Mozilla và Qualcomm sẽ tập trung khai thác
phân khúc bình dân.
4. Các công nghệ web sử dụng trong Firefox OS và kiến trúc hệ điều hành
Như đã nói ở trên, Firefox OS được xây dựng dựa trên rất nhiều chuẩn web
mở nhằm tạo sự tương thích giữa ứng dụng dụng với hệ điều hành, đồng
thời cho phép hiệu năng hoạt động của web app có thể sánh với native
app. Để phục vụ cho điều đó, Firefox OS có ba lớp phần mềm chính, tất cả
đều được dựng trên nền Linux.
Gonk (còn gọi là lớp hạ tầng)
Lớp này bao gồm nhân Linux, các driver, modem firmware và một thành phần
nhỏ bên trong gọi là lớp giả lập phần cứng (Hardware Abstraction Layer -
HAL,
có nhiệm vụ như một "driver của mainboard" để ẩn đi sự khác biệt về
phần cứng đối với kernel của OS. Nhờ có HAL mà người ta sẽ không phải
viết lại kernel mỗi khi đổi sang dùng phần cứng mới).
Gonk còn bao gồm nhiều thư viện phổ biến từ những dự án mã nguồn mở như
BlueZ (bộ giao thức để dùng Bluetooth với Linux), libusb (thư viện để
kiểm soát việc trao đổi dữ liệu qua cổng USB), tập lệnh kiểm soát đèn
LED và các nút cứng, màn hình cảm ứng, âm thanh, hình ảnh, kiểm soát
năng lượng,… Riêng HAL thì chia sẻ nhiều thành phần với HAL của Android,
chủ yếu để ẩn đi sự khác biệt giữa các bộ thu phát GPS, camera và nhiều
thứ khác. Chúng ta có thể xem Gonk như một bản distro Linux cực kì đơn
giản và nó cho phép truy cập thẳng đến phần cứng, điều mà không nhiều hệ
điều hành di động khác có thể làm được.
Gecko Runtime
Gecko là một môi trường chạy ứng dụng dành cho Boot to Gecko, và giờ là cho Firefox. Gecko được tích hợp các chuẩn mở như HTML, CSS,
JavaScript, vốn là những công cụ hết sức quen thuộc để xây dựng nên hầu
hết trang web trên thế giới. Ví dụ như Tinh tế chẳng hạn, nó được viết
ra bằng HTML5 (xây dựng bộ khung và các thành phần chính), CSS3
(dùng để dàn bố cục, trang trí web) và JavaScript (lập trình sự kiện,
tác vụ,…). Gecko còn mang trong mình các bộ giao thức về mạng, đồ họa,
dàn trang web, máy ảo (dùng cho JavaScript) cũng như các cổng giao tiếp.
Gaia
Gaia là tên của giao diện người dùng trên Firefox OS, nó kiểm soát mọi
thứ được vẽ ra trên màn hình. Gaia có màn hình khóa, màn hình chủ, trình
gọi điện, trình nhắn tin, ứng dụng camera, đồng hồ và tất cả những ứng
dụng bạn mong chờ ở một smartphone hiện đại. Ngoài ra Gaia cũng chứa một
kho ứng dụng trực tuyến mang tên Firefox Marketplace, nơi người dùng có
thể lên đến tải về và cài đặt phần mềm vào thiết bị của mình, tương như
BlackBerry App World, Apple App Store, Google Play... Gaia được viết
hoàn toàn bằng các chuẩn web mở mà mình đã nói đến ở trên. Được biết lớp
này giao tiếp với hệ điều hành thông qua các hàm Open Web API, vốn được
tích hợp trong Gecko. Mozilla cho nói rằng các ứng dụng của bên thứ ba
có thể được cài song song với Gaia.
Sau đây là sơ đồ của toàn bộ kiến trúc của Firefox OS
Ghi chú: mũi tên chỉ hướng trao đổi dữ liệu giữa các lớp
5. Những đối thủ cạnh tranh với Firefox OS
Hiện tại, hệ điều hành Android của Google đang giữ ví trí thống trị
trong làng smartphone với thị phần xấp xỉ 70% theo số liệu từ công ty
nghiên cứu IDC. So với chỉ một năm trước đó, Android đã có mức tăng
trưởng cực kì ấn tượng, lên đến 101%, tức là tăng gần gấp đôi số thiết
bị có mặt trên thị trường. Theo sau đó là iOS của Apple với thị phần
18,8%. Cả Android lẫn iOS đều được chống lưng bởi hai công ty lớn trong
lĩnh vực công nghệ, họ lại có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát
triển mobile OS, đồng thời đã xây dựng được mối quan hệ dài lâu với các
hãng làm điện thoại, phần cứng nổi tiếng. Do đó, trong tương lai gần,
Firefox OS rất khó giành được vị trí của Android và iOS.
Vậy còn vị trí sau đó thì sao? Hiện tại hạng ba đang thuộc về
BlackBerry, theo sau đó là Symbian rồi đến Windows Phone. Lại một lần
nữa, ba OS này đều được hỗ trợ bởi những tập đoàn khổng lồ là
BlackBerry, Nokia, Microsoft, tuy nhiên xu hướng và sở thích của người
tiêu dùng thì không nghiên nhiều về phía ba OS này nếu so với Android và
iOS. Nếu muốn chen chân vào một trong ba chỗ này, Firefox OS sẽ cần
phải làm nhiều việc hơn là chỉ nhắm đến thị trường giá rẻ. Chúng ta được
biết rằng Firefox OS rồi cũng sẽ ........ phân khúc trung và cao cấp,
tuy nhiên đây chỉ là kế hoạch dài hạn của Mozilla mà thôi.
Không thể không kể đến hàng loạt hệ điều hành di động đã, đang và sắp ra
mắt trong thời gian tới. Ví dụ, cuối năm nay chúng ta sẽ có thêm Tizen,
một OS di động phát triển bởi Samsung và Intel. Ngoài ra còn có Ubuntu,
một bản distro Linux đã quá nổi tiếng trên PC do Canonical xây dựng.
Bada, Jolla, Aliyun hay thậm chí là các thiết bị Asha của Nokia cũng có
thể được xem là những đối thủ của Firefox OS trong phân khúc tầm thấp.
6. Lợi thế của Firefox OS
Trước tiên, như đã nói ở trên, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các
hệ điều hành di động khác Android/iOS không phải là một con số quá lớn,
thậm chí một số còn đang có xu hướng giảm sút. Đây là một lợi thế mà nếu
tận dụng tốt, Firefox OS có thể nhanh chóng khẳng định chỗ đứng của
mình trên lĩnh vực smartphone. Không loại trừ khả năng hãng có thể vươn
lên hạng ba nếu Mozilla đề ra được những chiến lược đúng đắn, cả trong
ngắn hạn và dài hạn.
Việc nhắm đến phân khúc giá rẻ trong những bước đi đầu tiên cũng là một
quyết định đúng đắn của Firefox OS. Theo lời CEO của Mozilla, Gary
Kovacs, hệ điều hành mà công ty của ông đang phát triển có khả năng thu
hút được khoảng 2 tỉ người smartphone, trong đó hầu hết là các tầng lớp
không có hầu bao dư dả để nhiều đầu tiên vào điện thoại. "Liệu một người
nông dân ở miền quê Ấn Độ có cùng nhu cầu và điều kiện với một luật sư
ngồi ở New York?".
Ở trên là các vấn đề về thị trường, ngoài ra những đặc tính kĩ thuật của
bản thân Firefox OS cũng góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh cho nó.
Firefox OS là một hệ điều hành mã nguồn mở, do đó về lý thuyết thì các
hãng sản xuất phần cứng sẽ không phải chi tiền (hoặc chi quá nhiều tiền)
để tích hợp Firefox OS lên các thiết bị, nhờ vậy mà giá thành cũng được
giảm xuống. Mục tiêu tiếp cận giới bình dân của Mozilla được củng cố.
Bộ ba quyền lực làm nền tảng cho ứng dụng web
Không thể không kể đến những nền tảng web mở như HTML, CSS, JavaScript
vốn đang được sử dụng rất rộng rãi trên toàn thế giới. Chính sự phổ biến
này và mở sẽ thu hút lập trình viên đến với Firefox, từ đó xây dựng nên
một hệ sinh thái ứng dụng phong phú. Mozilla cũng từng hứa rằng Firefox
"sẽ không bị giới hạn bởi những điều lệ và chính sách như những các nền
tảng độc quyền hiện tại". Lập trình viên, nhất là những người đã quen
làm việc với Mozilla và Firefox, có thể tận dụng các "bộ ba quyền lực"
HTML5, CSS3 và JavaScript để nhanh chóng biến trang web của mình thành
một ứng dụng nền web rồi đem phân phối lên Firefox Marketplace. Kinh
nghiệm nhiều năm của Mozilla trên thế giới web cũng sẽ giúp đỡ rất nhiều
trong quá trình Firefox OS lớn lên. Hiện đã có một số đối tác lớn cam
kết làm app cho Firefox OS, chẳng hạn như Twitter, Facebook, Box, EA Games, Disney, eBay...
Theo dự kiến, mùa hè năm nay sẽ là
thời điểm những thiết bị Firefox OS được bán ra thị trường. Đến lúc đó,
chúng ta sẽ biết phản hồi của người dùng với hệ điều hành này ra sao,
tiềm năng của nó có thể mở rộng thêm đến mức nào. Với những lợi thế từ
bên trong kiến trúc của mình cộng với các thay đổi trong thế giới
smartphone hiện đại, Firefox OS hoàn toàn có khả năng trở thành một hệ
điều hành thay thế cho những ai không đủ điều kiện sắm máy iOS/Android.
Hi vọng Firefox OS sẽ thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét